Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Nguyễn Công Hoan: Nhà văn có nhiều kỷ niệm với Công an - Việt Hà


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Việt Hà


Nguyễn Công Hoan:
Nhà văn có nhiều kỷ niệm với Công an

Việt Hà


Đến năm 1964, nhà văn Nguyễn Công Hoan lại cùng gia đình chuyển đến căn nhà tại 66 Thợ Nhuộm - nguyên là một cơ sở hoạt động của công an cách mạng. Nhà văn đã sống ở đây 12 năm, trong thời gian đó ông viết các tác phẩm như “Hỏi chuyện nhà văn”, “Thấy gì ghi nấy” và tiểu thuyết “Đống rác cũ”.


Đầu tháng 6 vừa qua, Báo Công an nhân dân trang trọng tổ chức lễ gắn biển kỷ niệm nơi nhà văn Nguyễn Công Hoan từng sống và sáng tác tại trụ sở 66 Thợ Nhuộm (Hà Nội). Tới dự có thân quyến nhà văn và những người từng gặp gỡ, từng được nhà văn tiếp chuyện tại nơi này.

Trong cuộc hội ngộ cảm động ấy, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về một nhà văn lớn, một nhân cách đáng kính. Đặc biệt là cuộc đời ông cũng có khá nhiều những mối duyên nợ với ngành công an mà chúng tôi - những người làm Báo Công an nhân dân - Chuyên đề Văn nghệ Công an - luôn tự hào được tiếp nối những giá trị tinh thần mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã để lại cho muôn đời sau.

Năm 1920 khi mới 17 tuổi, nhà văn Nguyễn Công Hoan đăng truyện ngắn đầu tiên và trong suốt nửa thế kỷ cầm bút, ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ gồm hàng trăm tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, từng dạy học ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Lào Cai, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh… và ở mỗi nơi dạy học ông đều cho ra đời những tác phẩm gắn liền với giai đoạn đó.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp.Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp.


Khi ở Lào Cai, ông viết tiểu thuyết “Những cảnh khốn nạn” (tập 1, xuất bản năm 1932), khi ở Nam Định ông viết tiểu thuyết “Bước đường cùng” và bị chế độ cũ cấm lưu hành. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam.

 
Nhà văn Nguyễn Công Hoan chụp ảnh lưu niệm với nữ nhà văn Mông Cổ.Nhà văn Nguyễn Công Hoan chụp ảnh lưu niệm với nữ nhà văn Mông Cổ.

Có lẽ ít người biết rằng, nhà văn Nguyễn Công Hoan chính là người cấp giấy phép cho tờ Công an mới (tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay) khi ông là Giám đốc Sở Kiểm duyệt báo chí trong chính quyền cách mạng. Ông là người cha đáng kính có công sinh thành, dưỡng dục một chiến sĩ công an kiên trung là đồng chí Nguyễn Tài - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Giám đốc An ninh T4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong hơn 4 năm bị giam cầm trong nhà tù Mỹ - ngụy, đồng chí Nguyễn Tài đã đấu tranh giữ vững phẩm chất của một người chiến sĩ công an cách mạng cho tới ngày giải phóng Sài Gòn. Gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan là một gia đình có truyền thống cách mạng.

Nhà văn có hai người em trai là Nguyễn Công Bồng và Nguyễn Công Mỹ là hai chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Một người em trai khác là đồng chí Lê Văn Lương, người từng được bầu vào Bộ Chính trị TW Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Vậy là người thân trong gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan có những đóng góp không nhỏ đối với Lực lượng công an cũng như với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Phút thảnh thơi giữa những trang viết.Phút thảnh thơi giữa những trang viết.

Nghe nhà văn Lê Minh - con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại: Vì là người sớm giác ngộ cách mạng và cho dù bị chuyển đi đâu dạy học, ông vẫn có cách bắt liên lạc với tổ chức. Chính vì thế nên gia đình ông bị mật thám hỏi thăm luôn và cũng đã vài lần bị triệu lên “bót” rồi lại tha về và cũng có lần đã bị ngồi “khám” trong thời kỳ Nhật hất cẳng Pháp.

Sau này, khi các chiến sĩ công an của ta tiếp quản hồ sơ của chế độ cũ để lại ở Nam Định đã tìm thấy 1 trang như sau: “Ngày 22/9/1939, Hoan, 35 tuổi, giáo học ở Thái Bình đã bị phát hiện tàng trữ tập sách “Staline” là một tài liệu tuyên truyền Cộng sản”. Quả thật, nếu nhà văn Nguyễn Công Hoan không nổi tiếng và được nhiều bạn đọc yêu mến đến vậy, thì chắc chắn một tài liệu mong manh như thế không thể đến được với gia đình.

Đến năm 1964, nhà văn Nguyễn Công Hoan lại cùng gia đình chuyển đến căn nhà tại 66 Thợ Nhuộm - nguyên là một cơ sở hoạt động của công an cách mạng, ở cùng con dâu và các cháu khi con trai vào Nam chiến đấu. Nhà văn đã sống ở đây 12 năm, trong thời gian đó ông viết các tác phẩm như “Hỏi chuyện nhà văn”, “Thấy gì ghi nấy” và tiểu thuyết “Đống rác cũ”. Sau đó, gia đình nhà văn chuyển tới khu tập thể Trung Tự, khi con trai ông là đồng chí Nguyễn Tài từ nhà tù Mỹ - ngụy trở về khi đất nước vừa giành được hòa bình.

Ba thế hệ (cùng con trai là Anh hùng Nguyễn Tài và cháu nội).Ba thế hệ (cùng con trai là Anh hùng Nguyễn Tài và cháu nội).


Thông thường, các nhà văn trẻ thường đi hỏi chuyện các nhà văn già, nhưng cũng thật đặc biệt khi “nhà văn già” Nguyễn Công Hoan lại đi hỏi chuyện các nhà văn trẻ như Tô Hoài, Tú Mỡ, Tế Hanh, Chu Văn, Bùi Hiển… và ông cho xuất bản cuốn “Hỏi chuyện nhà văn”. Nhà văn Nguyễn Công Hoan là một tấm gương lao động nghệ thuật đích thực, suốt đời sống như một “giáo học” giản dị, khiêm nhường đến chân thành, chân thật.

Khi viết hồi ký “Đời viết văn của tôi”, ông còn tâm sự: “Tuổi tôi tuy đã cao, nhưng sức chưa yếu, tôi còn làm việc được lâu. Ngay như lần này tôi viết cuốn này mà có hôm say mê, tôi cặm cụi đến mười hai, mười ba giờ mà chưa thấy mỏi”. Bởi vậy, nói tới Nguyễn Công Hoan là nói đến một nhà văn yêu nước, và nói tới một ngòi bút chiến đấu vì lẽ phải bằng tiếng cười chính nghĩa, tài năng mà thâm thúy trong văn chương. Cho đến nay, phần lớn những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã được con gái út của ông là nhà văn Lê Minh sưu tầm và được nhiều nhà xuất bản in lại tương đối đầy đủ.

Năm 1998, nhờ có một bạn đọc yêu mến nhà văn Nguyễn Công Hoan ở miền Nam tìm được và báo cho gia đình những truyện ngắn, kịch của nhà văn viết cho thiếu nhi từ những năm trước cách mạng, liền sau đó đã được NXB Trẻ ấn hành. Hiện giờ, theo nhà văn Lê Minh, tủ sách nhà văn Nguyễn Công Hoan tại gia đình chỉ còn thiếu tập truyện “Kiếp hồng nhan” (1923, Tản Đà thư cục xuất bản) và tập 2 của tiểu thuyết “Những cảnh khốn nạn” (1940, NXB Tân Dân). Gia đình vẫn mong có thể tìm thấy hai tác phẩm này để bổ sung vào di sản đồ sộ của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Việt Hà




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉