Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Các nhà văn hai miền gặp nhau ở Sài Gòn những ngày đầu giải phóng - Phạm Tường Hạnh


Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Entertainment
Author:Nhà văn Phạm Tường Hạnh

Các nhà văn hai miền gặp nhau ở Sài Gòn những ngày đầu giải phóng


Sau ngày giải phóng miền Nam, 30/4/75, Trung ương cục miền Nam có mời một số văn nghệ sĩ miền Bắc vô thăm. Và thế là mừng mừng tủi tủi, biết bao chuyện hôm nay đã thành kỷ niệm đẹp.

Các anh Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài… và hầu hết những văn nghệ sĩ tên tuổi đã có mặt ngay những ngày đầu miền Nam giải phóng. Bởi Sài Gòn cũng như miền Nam là địa phương hấp dẫn với những đề tài nóng bỏng, các anh chị từng ấp ủ từ lâu.

Người vô Sài Gòn giải phóng sớm hơn cả là nhà văn Nguyễn Công Hoan, rồi tới vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát…

Vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư đi rất nhiều nơi nói chuyện thơ. Anh nói về sự đổi đời của thơ mới, sự thoát xác của thơ anh và anh nói say sưa về thơ Hồ Chủ tịch. Anh nói: “Một tâm hồn thơ uyên bác như Hồ Chủ tịch tạo ra cho mọi người dân Việt Nam một niềm tin vào trái tim người lãnh đạo…”.

Lưu Trọng Lư nói như đáp lại lòng mong mỏi của khán giả miền Nam muốn biết về sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Bắc. Mỗi lần nghỉ lại có tiết mục ngâm thơ do chính vợ anh dạo trên đàn tranh để một người con gái đang học trường nghệ thuật diễn ngâm… Những buổi nói chuyện thơ, ngâm thơ như vậy, nếu không vì thời gian hạn chế, không biết đến lúc nào mới kết thúc được.

Anh Xuân Diệu về Mỹ Tho được đón tiếp nồng nhiệt. Người ta tự hào   về anh. Chính ở nơi đất Tiền Giang này Xuân Diệu đã viết những bài thơ tình để đời và tiếng tăm anh không chỉ ở trong nước. Có bạn đã nói với anh ngay tại buổi bình thơ rằng: Đã theo dõi những bước đi của Xuân Diệu trên nhiều diễn đàn quốc tế. Và anh đã xin phép được ôm hôn Xuân Diệu trong tiếng vỗ tay của cả hội trường.

Anh Nguyễn Xuân Khoát đã tới tận nhà Nguyễn Gia Trí thăm bạn, mặc  dù nhà họa sĩ tài danh này của nhóm Tự Lực Văn Đoàn rất mặc cảm. Anh Nguyễn Xuân Khoát lúc đó là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ân cần mời cơm họa sĩ Nguyễn Gia Trí tại khách sạn anh đang ở…

Người ta nói có lẽ vì tình cảm chân thật của Nguyễn Xuân Khoát mà Nguyễn Gia Trí đã không từ bỏ quê hương, ở lại đất nước tới giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Trước đó Nguyễn Gia Trí đã kịp bán cho Viện Bảo tàng Mỹ thuật thành phố một bộ tranh sơn mài, để lưu niệm.

Nghệ sĩ Kim Cương, người nổi tiếng nơi Sài Gòn đô hội này với những bộ phim, những vở kịch độc đáo, ngày nào cũng tới nhà khách Ban Tuyên huấn Trung ương cục mời nhà văn Nguyễn Công Hoan bữa xem kịch, bữa dự hội thảo, bữa tham quan… và do chính Kim Cương lái xe tới đón và đưa về tận cơ quan.

Cho tới một hôm, nghệ sĩ Kim Cương nói thiệt rằng nghệ sĩ Bảy Nam (mẹ nghệ sĩ Kim Cương) rất có lòng mong và mời nhà văn Nguyễn Công Hoan tới nhà dùng một bữa cơm. Anh Nguyễn Công Hoan có nét cười rất hiền và với những tình cảm trân trọng như vậy, anh không từ chối với ai bao giờ.

Ngay khi cánh cổng vừa mở, anh Nguyễn Công Hoan vào nhà, nghệ sĩ Bảy Nam đã đứng ngay đó ôm lấy Nguyễn Công Hoan và nói: “Đây, người tình của tôi… Bao nhiêu năm trông đợi, bây giờ mới được giáp mặt…”. Anh Nguyễn Công Hoan cúi xuống. Hai mái đầu bạc chạm nhau. Một luồng tình cảm xúc động, tràn ngập gian phòng.

Anh Nguyễn Công Hoan được dẫn tới chỗ ngồi. Nghệ sĩ Bảy Nam gần như không ăn uống  gì, chỉ ngồi nhìn Nguyễn Công Hoan, gắp cho anh từng miếng cá, chan cho anh mấy muỗng canh chua, rồi mắm. Hình như cả bàn tiệc gia đình này, chỉ cầm đũa và ngắm nhìn hai người bạn già nói chuyện.

Nghệ sĩ Bảy Nam nói về những tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan được chuyển thể cải lương và nghệ sĩ Bảy Nam, nối theo duyên nghiệp của người chị là nghệ sĩ Năm Phỉ, sắm những vai chính và nổi lên như những đào hát thượng thặng trước đây.

Nghệ sĩ Bảy Nam nói: “Đó là công của anh… không có tác giả làm sao lớp diễn viên chúng tôi có cơ may gặt hái những vòng nguyệt quế của thánh tổ ban cho… Từ đấy, tôi mong có được một ngày gặp anh… Hôm nay thánh tổ đã cho tôi cơ hội hiếm có này… Biết nói với anh thế nào cho phải… Biết ơn anh, biết ơn nhiều lắm…”.

Một hôm anh Nguyễn Tuân hỏi: “Mình muốn đi thăm Vũ Bằng được không?”. Tôi trả lời: “Được chớ sao không. Để tôi nói văn phòng gửi một công văn báo trước cho anh Vũ Bằng”. Anh Nguyễn Tuân bảo: “Viết thư làm gì … quan cách lắm, gọi điện thoại có lẽ hơn”. Tôi nói: “Nhà Vũ Bằng không có điện thoại”. Anh Nguyễn Tuân lại bảo: “Vậy ta cứ xông tới… có lẽ thân mật hơn”.

Chúng tôi đem theo một chai cô-nhắc St Rémy, một gói chả lụa nửa ký và một xâu nem chua… Bước vào căn nhà nhỏ của Vũ Bằng trên con lộ chính của quận 4, nhìn thẳng sang hàng rào Cảng Sài Gòn.

Anh Vũ Bằng đang ngồi trên chiếc phản ngựa nhìn ra. Chỉ thoáng một    chút bất ngờ rồi bước ra reo lên: “Ông Nguyễn”. Hai người ôm lấy nhau, Vũ Bằng dắt Nguyễn Tuân mời ngồi trên phản. Một cảnh sống đạm bạc theo lối xưa. Bạn bè thân thiết cùng ngồi trên phản. Một chiếc bàn nhỏ và bộ ghế mây đã chùng võng hẳn xuống, có lẽ để vậy cho bớt trống căn    nhà…

Nguyễn Tuân ngồi xếp bằng tròn, mở cái bọc ra. Vũ Bằng nhìn ngắm       động tác của Nguyễn Tuân nói:

- Ông vẫn chu đáo lắm… Hồi này còn ken-cờ không? (Ken-cờ tiếng Pháp nghĩa là hút thuốc phiện).

Nguyễn Tuân cười mỉm:

- Mình bỏ lâu rồi, từ hồi lên Việt Bắc…

Vũ Bằng nói:

- Tôi cũng đoán vậy khi được tin ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam … Làm cái chức ấy mà ken-cờ thì làm sao người Cách mạng chấp nhận được.Nguyễn Tuân nhìn thẳng Vũ Bằng, hỏi:

- Còn ông?

- Mình cũng giã từ nàng tiên … rồi. Có lẽ học tập ông đó … Làm một thằng đàn ông mà không có nghị lực thì chẳng nên trò trống gì trên đời cả…

Ngồi nhìn hai người bạn cũ nói chuyện, tôi có cảm tưởng như có một duyên may nào đó cho phép tôi được ngồi chung chiếu với các anh… Chị Vũ Bằng bưng ra một chiếc mâm nhôm có đủ thứ quà của Nguyễn Tuân, còn có thêm một đĩa đậu phụ nướng đặt trên một chiếc đĩa cổ, một mớ rau thơm, một vài trái ớt nhỏ và mấy múi chanh.

Anh Nguyễn Tuân đỡ lấy chiếc mâm, đặt ngay giữa phản và đưa chai rượu mời Vũ Bằng mở nút. Anh Vũ Bằng khoan thai rót rượu ra mấy chiếc ly mắt trâu, trắng muốt một màu bạch lạp làm cho màu rượu hồng lên sóng sánh như mật.

Một tháng trước đó Vũ Bằng cũng đã ngồi uống rượu với anh Nguyễn Công Hoan, tại một nhà hàng. Bữa đó trong bức thư trả lời của anh Vũ Bằng gửi anh Nguyễn Công Hoan đề nghị một buổi gặp mặt, anh Vũ Bằng đã mời anh Nguyễn Công Hoan tới nhà hàng Quốc Tế, ở ngay đường Lê Thánh Tôn bây giờ, gần chợ Bến Thành.

Đây là một nhà hàng lớn. Bước qua cửa nhà hàng, tôi hơi ngạc nhiên nhưng anh Vũ Bằng đã bước tới. Nhìn thấy tôi, anh Vũ Bằng đưa mắt dò hỏi. Anh Nguyễn Công Hoan cho anh Vũ Bằng biết tôi là cán bộ của cơ quan, cũng có viết văn chút ít… Anh cần có người hướng dẫn vì Sài Gòn đối với anh còn bỡ ngỡ.

Anh Vũ Bằng bắt tay tôi và dắt cả hai chúng tôi ra khỏi nhà hàng. Đường phố Sài Gòn, những ngày mới giải phóng, về chiều thật nhộn nhịp. Chúng tôi phải né tránh tất cả những người bán mắt kiếng, bóp da, chìa khóa, quần áo… để có thể đi lọt qua bên kia đường…

Anh Vũ Bằng dắt chúng tôi vòng qua đường sau ga xe lửa. Anh Vũ Bằng nói với anh Nguyễn Công Hoan: “Tôi mời anh tới đó để anh dễ tìm…    Chúng ta vô đây thân tình và ấm cúng hơn”. Chúng tôi bước vào một tiệm ăn nhỏ, sạch sẽ và vắng vẻ…

Hai anh gặp nhau không phải để ăn uống gì… Một ly nhỏ rượu đế, suốt buổi chưa vơi được một nửa. Các anh nói chuyện với nhau là chính. Anh Nguyễn Công Hoan hỏi thăm tình hình sức khỏe và gia đình anh Vũ Bằng.

Anh Vũ Bằng hỏi thăm những người bạn cũ. Hình như những bạn viết cùng anh thời Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội, anh không quên ai. Anh Vũ Bằng hỏi tới đâu, anh Nguyễn Công Hoan trả lời tới đó.

Anh nói: “Các bạn cũ vẫn nhớ tới anh, vẫn theo dõi bước đường sáng tác của anh… Những Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam… Anh em viết văn miền Bắc nhiều người có đọc…”. Tôi cảm thấy anh Vũ Bằng như có một nỗi buồn nào đó. Anh nói chuyện nhỏ nhẹ, thận trọng…

Nhưng anh Nguyễn Công Hoan lại hào hứng và sôi nổi… nhiều lúc anh Nguyễn Công Hoan gắp thức ăn đặt vô bát của anh Vũ Bằng và nhắc anh Vũ Bằng phải ăn đi. Anh còn hẹn bữa nào anh Vũ Bằng ra thăm miền Bắc sẽ rủ nhau đi chén một bữa chả cá Lã Vọng để nhớ tới thời trai trẻ những bữa rủng rẻng có tiền nhuận bút.

***

Anh Nguyễn Công Hoan rủ tôi tới thăm Tam Lang, tác giả phóng sự Tôi kéo xe. Nhà ông nguyên chủ báo Tin Mới ở Hà Nội ngày nào vẫn tỏ ra   là một người bề thế.

Qua điện thoại khi nghe tôi nói anh Nguyễn Công Hoan có ý tới thăm gia đình, Tam Lang nói liền: “Vậy thì tốt quá, muốn tới lúc nào cũng được”. Nhưng tôi hỏi lại tới vào giờ nào, ngày nào thì tiện cho gia đình? Tam Lang nói: “Sáng mai, chín giờ, chúng ta nói chuyện sau đó ăn cơm trưa”.

Chiếc xe của cơ quan, không biết tiếp quản của cơ sở nào mà nó chạy ì ạch mãi mới qua được chợ Cầu Ông Lãnh, đi thêm một đoạn đường đá gồ ghề nữa mới tới được Cầu Muối. Bước xuống xe đi bộ, chúng tôi thấy còn nhẹ nhàng thoải mái hơn lúc ngồi trên xe… Xuống một cái dốc có mấy bực gạch, chúng tôi đi theo một ngõ nhỏ ngoằn ngoèo. Cả vợ chồng Tam Lang đã đứng cửa đón chờ cho chúng tôi khỏi phải hỏi thăm.

Bên ngoài cái xóm có vẻ bình thường nhưng trong nhà Tam Lang khá sang trọng: Tủ chè, trường kỷ, sa lông đều sạch bóng. Bàn làm việc của chủ nhân phủ một tấm kiếng to, có đèn bàn, điện thoại, hồ sơ ngăn nắp… Anh Nguyễn Công Hoan nhìn đời rất hóm. Anh quan sát một vòng cả căn nhà rồi tủm tỉm cười nhìn chủ nhân như muốn nói: Tất cả các thứ trang trí này chắc chắn đã phải chuẩn bị từ ngày qua khi trả lời điện thoại.

Các anh ôn lại với nhau những kỷ niệm làm báo nửa thế kỷ trước, những vui buồn, vinh nhục của người cầm bút dưới lưỡi kéo kiểm duyệt của thực dân Pháp. Nhưng Tam Lang còn phải kéo dài thời lận đận đó dưới thời miền Nam còn trong vòng hệ lụy của Mỹ-ngụy, cuối cùng đành bỏ nghề về ở ẩn nơi xóm nhỏ này.

Những lúc nhớ nghề, Tam Lang giở những tập sách cũ của bạn bè trước đây để nhớ nhau. Những Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư… đọc cho quên ngày tháng.

Nhìn dáng vẻ của một tác giả cũng đã một thời nổi tiếng, tôi cảm nhận    đầy đủ cái nghiệp của nghề cầm bút. Một con người trước mặt tôi đây, bệ vệ và hơi nặng cân.

Nhưng gần nửa thế kỷ trước, từ một người chủ báo, để theo nghề Tam Lang đã đóng vai một người kéo xe thực thụ để có thực tế viết phóng sự. Cũng may lúc đó, vóc dáng tác giả còn nhỏ bé, cầm chiếc càng xe còn chạy được vài cuốc.

Chiếc xe kéo, có lẽ bạn đọc ngày nay nhiều người không thể biết được chiếc xe kéo hình thù ra sao. Nó khác chiếc xích lô những gì để có hai chiếc càng cho người ta đứng vào và kéo chạy đi.

Tôi hình dung thấy một Tam Lang với bộ quần áo nâu bạc màu mua lại của một người bạn cũng kéo xe như mình, đầu đội chiếc nón lá cũng không lành lặn gì, chân đi đôi dép bằng chiếc vỏ xe đạp cắt ra có một cái khoen để đút ngón chân vào và phía sau có hai quai hậu để bám vào chân cho chắc.

Hãy nghĩ xem, lúc đó đã mấy con đường có trải nhựa, hầu hết là đường đá, đá dăm, đá cục… nhiều khúc lổn nhổn. Không có  đôi dép ấy thì chạy một đoạn độ mươi thước cũng khó chớ nói gì chạy   đủ một cuốc xe để có thể lấy tiền được của khách…

Vậy mà Tam Lang có lúc đã gặp một người bạn, nhờ có chiếc nón rách nên người bạn không nhận ra ông chủ bút báo Tin Mới đang kéo xe chạy trên đường phố Hà Nội. Tới lúc nhận mấy xu tiền công, Tam Lang đã phải cúi mãi xuống để che bộ mặt của mình…

Lan man những câu chuyện xưa cũ bà vợ chủ nhân đã dọn xong bàn ăn từ lúc nào và mời chúng tôi vào bữa. Gọi là bữa nhưng đây chính là một bữa tiệc mừng bạn. Tam Lang giới thiệu chai rượu hổ cốt nguyên chất rất cần cho tuổi già hay đau xương.

Nhìn Tam Lang và Nguyễn Công Hoan cùng nhau chúc rượu tôi thấy rõ rằng một nhà báo viết văn và một nhà văn viết báo, phong cách khác nhau nhiều lắm.


Nhà văn Phạm Tường Hạnh



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉