Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

HẢI TRIỀU - Kép Tư Bền, một tác phẩm thuộc về cái triều lưu "nghệ thuật vị dân sinh" ở nước ta



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần II: Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan - Những thành công và đóng góp.


KÉP TƯ BỀN MỘT TÁC PHẨM THUỘC VỀ CÁI TRIỀU LƯU "NGHỆ THUẬT VỊ DÂN SINH" Ở NƯỚC TA

HẢI TRIỀU

xứ này muốn chủ trương một vấn đề gì mà đến khi tìm vài cái chứng giải thiết thực về xã hội, thật nhiều khi không biết vớ vào đâu. Tôi nhận thấy ở nước ta, trong văn học giới đã bắt đầu có cái triều lưu "Nghệ thuật vị dân sinh", tôi đã thừa nhiều cơ hội để đề khởi đến nó và đã có phen bút chiến với ông Thiếu Sơn về vấn đề ấy (Báo Đời mới số 1,3,4). Nhưng đến khi ai hỏi tôi cái tư triều văn nghệ vị dân sinh ở nước ta đầu nào? Thật tôi cũng tự thấy lúng túng mà không "biết kiếm đâu cho ra một cái chứng cớ đích xác. Nhưng đến ngày nay, tôi đã có thể tự đắc mà nói rằng: "Có rồi, có rồi, ông cứ xem quyển Kép Tư Bền đi. Cái chủ trương "Nghệ thuật vị dân sinh" của tôi ngày nay đã biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngọn bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay hay là "nhà văn của hạng người khốn nạn".

Tôi có người bạn gái rất thích đọc tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh,... Nhưng ngày nay tôi lại thấy bạn tôi thích đọc tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan làm cho tôi lấy làm lạ mà hỏi duyên cớ. Bạn tôi trả lời bằng một câu gọn gẫy mà rất có ý nghĩa: "Tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan gần người hơn".

***

Sau những cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và xã hội, nước ta mấy năm gần đây, người nào có ý khảo sát về hiện tượng xã hội, đều nhận thấy có một sự tiến chuyển "revirement" trong tinh thần của phần đông trí thức nước ta. Họ, hoặc vì kinh khiết và sinh ra bi quan, hoặc vì thất bại mà sinh ra hoài nghi, hoặc vì cùng kế mà sinh ra hưởng lạc. Những cái tư tưởng lãng mạn, thần bí, tôn giáo, cá nhân khoái lạc do đó mà bồng bột phát sinh giữa cuộc phân tranh của xã hội, họ muốn kiếm một cái địa thế trung lập (Zone neutre) để tránh hết những sự gay go, bực bội đã đem đến cho họ gần mấy năm về trước. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng ấy rất nhiều, nên chúng ta thấy sản xuất ra không biết bao nhiêu là tác phẩm đầy rẫy những tư tưởng "yêu đời, vui đời, chán đời, lãng mạn, du dương, mơ mộng, thần bí". Tác giả tự đưa văn nghệ ra khỏi cái tình trạng thiệt hiện của xã hội, họ đánh cắp văn học lên núp trên những "cái tháp ngà" (tour d’ivoire) rồi ngồi trên ấy họ tự đắc mà bảo chúng ta: "Ở trên này chúng tôi lấy làm mãn nguyện lắm, chúng tôi lấy nghệ thuật mà phụng sự cho nghệ thuật cũng sướng chán. Chẳng những thế, chúng tôi còn giúp ích cho đời nữa. Các anh khổ à? Hãy leo lên mà nếm những cái quả mà chúng tôi biếu đây, các anh cũng sẽ vui sướng như chúng tôi và quên hết nỗi khổ ở trần gian". Vô tâm hay hữu ý, các ông ấy đã lừa chúng ta bằng cái thủ đoạn "nhìn rừng mơ cho đỡ khát nước".

Giữa sự sống vất vả và khốn khổ, đầy những mâu thuẩn của xã hội ngày nay, người ta đang ao ước, về mặt tinh thần, đọc những tác phẩm có thể diễn dịch được nỗi lòng của họ.

Cái buồn, cái vui, cái giận, cái tiếc, cái thương, cái mơ ước đều sáng suốt đẹp đẽ hay là cục cằn thô lỗ, cũng cứ việc tô vẽ ra cho họ bằng những câu văn chân thật, cứng cỏi, mạnh bạo.

Họ không cần những lời văn hoa mỹ mà điêu ngoa. Họ ưa những thể văn bình dị mà thiết thực. Bao nhiêu những tác phẩm đương lưu hành trong xã hội hiện tại đều làm cho họ chán nản vô cùng, vì họ chỉ thấy rặt những chuyện tình với tình, cái tính mơ mộng ở đâu trong mây, trong mưa, còn những cái khổ sở lầm than của họ, sự bực tức tối tăm của họ, không mấy ai để ý đến. Giữa tình trạng ấy, quyển Kép Tư Bền ra đời, dầu nó chưa được hoàn toàn, nhưng cũng có thể nói rằng nó phù hợp với cái khuynh hướng chung của một số đông người đương khát vọng. Thời các ngài hãy đọc những truyện như Người ngựa và ngựa người, Thằng ăn cắp, Kép Tư Bền... các ngài sẽ thấy trong xã hội, một số đông người phải bán thân nuôi miệng, hoặc các ngài thấy một giai cấp đủ ăn mặc, chực mua cái cười, cái vui bên cái khổ của kẻ nghèo khó. Rồi các ngài lại đọc qua những truyện như Báo hiếu, Mợ nó đi Tây, Tôi chủ báo... các ngài sẽ thấy trình bày biết bao nhiêu những sự xấu xa, mục nát của một chế độ xã hội. Những cái đạo đức, luân lý, tình ái mà trước họ cho là thiêng liêng cao quí lắm, thì ngày nay đã hoá ra một bức màn che đậy biết bao nhiêu sự thối tha hèn mạt ở trong.

Sau khi nếm cái vị cay chua, bực tức, buồn cười của cái xã hội nhố nhăng này, gấp quyển sách lại, dầu các ngài vô sự đến mấy, các ngài cũng nghe thấy như bồi hồi, man mác, cái bồi hồi man mác tự nhiên của con người có một chút tình đối với nhân loại.

Cái mục đích của thuyết nghệ thuật vị nhân sinh đến đây gọi là có chút thành quả vậy.
Thứ văn nghệ mà ngày nay trên thế giới được công chúng hoan nghênh hơn hết là thứ văn nghệ có hàm xúc được hai cái đặc điểm này:
1 - Về hình thức (Forme) khuynh hướng về "tả thực".
2 - Về nội dung (fond) khuynh hướng về xã hội.

Hình thức và nội dung có đi đôi với nhau thì tác phẩm mới có giá trị. Xem văn của Kép Tư Bền, chúng ta nhận thấy rõ tác giả đứng về mặt tả thực chủ nghĩa (réalisme). Với những câu văn rất thành thực, chắc chắn, hí hởn, ngộ nghĩnh, nhiều khi cục cằn thô bỉ nữa, chúng ta phải phục Nguyễn Công Hoan là một nhà kể chuyện rất thiệt và rất có duyên, về phươg diện tả thực, có thể nói tác giả đã đạt đến mục đích phần lớn rồi vậy. Nhưng về phương diện xã hội thì thật chưa hoàn toàn. Cái đó cũng không đáng trách: vì dưới cái ngọn bút tài tình của tác giả, chúng ta vẫn thấy cái quan niệm kia còn đang phôi thai mà thôi. Vả chăng bị hoàn cảnh bó buộc dầu muốn nói chưa chắc đã nói nên lời. Kép Tư Bền có thể nói rằng đã mở một kỷ nguyên mới cho cái tư triều văn nghệ tả thiệt và xã hội ở nước ta.

Viết đến đây, tôi nghĩ không gì bằng nhắc lại câu phê bình của Thái Phỉ để kết thúc bài này: "Với Khái Hưng thì là cái thế giới đang tàn, mà với Công Hoan thì là cái thế giới mới nhóm dậy". Chính cái "thế giới mới nhóm" ấy nên mới có bài phê bình này.


(Tiểu thuyết thứ bảy số 62, 3-8-1935)




Trong TẬP NGHỊ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC -
CHỌN LỌC
(TẬP II -
Tuyển chọn và giới thiệu: ĐỖ QUANG LƯU -
NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC — HÀ NỘI 1975)




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉