Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

HOÀI THANH - Nhân xem quyển Kép Tư Bền



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần II: Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan - Những thành công và đóng góp.



NHÂN XEM QUYỂN KÉP TƯ BỀN NGUYỄN CÔNG HOAN, NHÀ VĂN CÓ NHIỀU HY VỌNG

HOÀI THANH



Nhà văn có thể lấy tài liệu hoặc trong những điều mắt thấy tai nghe, hoặc trong những mối cảm xúc, nói một cách khác, cuộc đời thực tế cùng tâm linh của mình là hai cái kho vô tận của nhà văn, hai cái thế giới đầy những điều hay sự lạ, chỉ chờ nhà văn đưa về làm câu chuyện vui, buồn, mừng, giận cho người đời.

Xét cho đúng, hai cái thế giới ấy không có giới hạn rõ ràng. Trong một tác phẩm văn nghệ, ngoại giới vẫn thường đúc theo một cái hình riêng và muốn nhuốm lấy một cái sắc riêng, cái hình sắc nhà văn đã trao cho nó. Trái lại, những sáng tác xuất tự thiên tài của nhà văn, những ý tứ hay, những mối cảm lạ vẫn không khỏi chịu ảnh hưởng của ngoại giới và thường vẫn phải vin vào ngoại giới, vào những sự thực giữa đời để phô diễn ra với người đời.

Tuy vậy, tuy không có thể dựng bờ cõi ngăn đôi tâm giới với ngoại giới, người ta vẫn có thể nhận thấy hai xu hướng trong văn chương, hai hạng văn sĩ có tính cách khác nhau rõ rệt. Một hạng chú trọng về nghe thấy, một hạng chú trọng về ý tứ. Một bên sáng tạo, một bên tìm kiếm.

Tôi muốn để Nguyễn Công Hoan vào hạng sau này: hạng tìm kiếm. Cho dễ hiểu, tôi lại tìm một nhà nữa tiêu biểu cho hạng trên, hạng sáng tạo. Tôi có thể lấy hoặc Lưu Trọng Lư hoặc Khái Hưng. Tôi chọn Khái Hưng, vì Khái Hưng có ra quyển Tiếng suối reo cũng là một tập truyện ngắn như tập Kép Tư Bền, tiện cho sự so sánh của tôi hơn. Có người cho Khái Hưng là một nhà văn tả thực. Nhưng cái thực của Khái Hưng là cái thực đầy thi vị, một thi vị nhẹ nhàng mà trong trẻo. Thi vị ấy xuất ở tài sáng tạo, ở tâm hồn của Khái Hưng. Quyển Tiếng suối reo xem xong ta thấy mát mẻ thực đúng với cái tên của nó: một tiếng suối bên đường khách giang hồ dừng chân nghe trong chốc lát, cho đỡ nỗi nhọc nhằn rồi đi qua.

Ngoài sự tiêu khiển trong giây phút, Khái Hưng hình như không mong ước cho sáng tác của mình có cái ích lợi gì khác nữa. Cho nên người xem có cái vui nhẹ nhàng, vô tội và hồn nhiên.

Quyển Kép Tư Bền không thế. Kép Tư Bền là góp nhặt những sự tìm kiếm của Nguyễn Công Hoan. Nguyễn Công Hoan thực đã dày công quan sát những người, những việc ở chung quanh mình. Một tý gì có thể thêm ý vị cho câu văn, hình như là nhà làm văn cố ghi lấy không bỏ sót. Tôi tưởng tượng Nguyễn Công Hoan là một người có đôi mắt tinh ranh lắm, tò mò lắm. Tôi sợ những người như thế...

Cái khó nhọc của nhà làm văn trong lúc quan sát nó lây đến cả người xem văn. Văn Nguyễn Công Hoan xem mệt mà có ích. Văn như thế xem khôn người ra.

Tình đời, chua, cay, mặn, lạt như vẽ ra dưới ngòi bút Nguyễn Công Hoan. Không phải chỉ vẽ ra trong cốt truyện: Một đám người vô tình bắt một kẻ kép hát bông lơn giữa lúc cha anh hấp hối, một anh phu xe ba mươi tết kéo phải một chị giang hồ không tiền cùng đi tìm khách hay một người mẹ bỏ con nằm một mình đi theo trai.

Cốt truyện không quan hệ cho lắm, quan hệ là ở cách kể chuyện. Tài nghệ của nhà văn là ở cách kể chuyện.

Nguyễn Công Hoan đã khéo lấy những điều quan sát có ý vị lắp vào những cốt truyện không có gì. Đó là cái đặc sắc của ông.

Chính vì đặc sắc ấy mà Nguyễn Công Hoan, như tôi nói trên đầu đề, là một nhà văn rất nhiều hy vọng.

Alphonse Daudet kể chuyện một người có bộ óc rất quí, bộ óc bằng vàng. Anh ta cứ moi ra mỗi ngày một ít tiêu dùng. Nhưng moi mãi, vàng hết. Rồi anh ta chết. Anh chàng lạ lùng ấy là nhà văn, đúng hơn nữa, là nhà văn chuyên moi óc ra mà viết, như người ta vẫn thường nói. Nhưng óc moi mãi cũng ngày phải hết, sức sáng tạo của một người, cho dầu người có thiên tài cũng vậy, nó có hạn. Chỉ cuộc đời thực tế, cảnh trí thiên nhiên muôn hình vạn trạng mới là kho tài liệu vô tận cho nhà văn biết nghe biết xem. Nguyễn Công Hoan quả là một nhà văn biết nghe biết xem. Cái sự thực ông nghe thấy lại là cái sự thực của hết thảy mọi người, thiếu những nét, những âm thanh nên thơ do một tâm hồn thơ tô điểm, nhưng dồi dào và tinh vi.

Cho nên Nguyễn Công Hoan có rất nhiều hy vọng. Khái Hưng vừa bước vào làng văn đã được chói lọi vì những sáng tác của Khái Hưng không cần phải trau dồi lắm, tự nhiên đã gần được hoàn toàn. Nguyễn Công Hoan ra đời từ 1920, tới nay hơn mười lăm năm mà danh tiếng vẫn phải đi sau Khái Hưng vì những văn liệu của Nguyễn Công Hoan lấy giữa thực tế phiền phức và hỗn độn, cần phải có tài nhà nghề khéo léo sắp đặt, chọn lựa mới có thể vừa ý người xem.

Nhưng Khái Hưng là một ngôi sao rực rỡ mà chóng mờ. Hiện nay ta đã thấy mờ dần.
Khái Hưng có lẽ phải nghỉ đi ít lâu mới viết lại được như trước, vì trí sáng tạo của người ta không phải một bộ máy có thể chạy được luôn luôn. Giữa lúc đó thì Nguyễn Công Hoan càng lâu càng được công chúng hoan nghênh. Mà hoan nghênh là phải vì càng lâu nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan càng luyện hơn, càng tinh tế hơn.

Nguyễn Công Hoan trước sau viết hơn tám mươi truyện ngắn và mười truyện dài.

Trong những nhà văn có tiếng bây giờ ông vào hạng viết nhiều nhất và lâu nhất. Làng văn phải tôn ông vào bậc lão làng, nhưng một ông lão còn tráng kiện, mỗi ngày một thêm dẻo dai.

Từ quyển Những cảnh khốn nạn đến quyển Kép Tư Bền gần đây, tôi thấy nghệ thuật Nguyễn Công Hoan tiến bộ nhiều lắm. Những đoạn vụng về, những đoạn vô ích, những đoạn rườm rà nhan nhản trong quyển trước, trong quyển sau thấy ít lắm - tuy vẫn còn. Tài quan sát của Nguyễn Công Hoan trước sau không thay đổi mấy nhưng nghệ thuật của ông thay đổi rất nhiều. Có hồi người ta thấy ông chịu ảnh hưởng nghệ thuật lãng mạn viết những câu văn sỗ sàng và ngô nghê. Gần đây người ta lại thấy văn ông đã nhiễm được vẻ kín đáo của văn thuật hiện giờ. Tôi mong ông gắng lên; một ngày kia nghệ thuật ông sẽ hoàn toàn và tự khắc sẽ được công chúng hoan nghênh một cách hoàn toàn.

(Báo Tràng An, ngày 28-6-1935)


0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉