Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

KẾT CẤU TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT "ĐỐNG RÁC CŨ" CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN


KẾT CẤU TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT "ĐỐNG RÁC CŨ" CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN

TS Phạm Ngọc Hiền

 

Nguyễn Công Hoan là nhà văn bậc thầy trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông thường viết thể loại truyện ngắn nhưng tác phẩm hội tụ tất cả những thành tựu nghệ thuật của ông lại là tiểu thuyết Đống rác cũ (1963). Phân tích tác phẩm này từ góc độ kết cấu trần thuật, ta sẽ thấy được rất nhiều sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Công Hoan.

Tiểu thuyết Đống rác cũ có dung lượng khá đồ sộ, ngót 1600 trang, chia làm bốn phần lớn, mỗi phần chia làm nhiều chương, mỗi chương được đặt một tên riêng. Truyện có rất nhiều lớp nội dung do nhân vật trung tâm Trần Đức Thừa làm rất nhiều nghề, quan hệ với rất nhiều hạng người thuộc nhiều tầng lớp và thế hệ khác nhau. Hoạt động của các nhân vật dàn trải trong một không gian rộng lớn gồm nhiều tỉnh thành ở Bắc Bộ với thời gian kéo dài trên 20 năm. Lẽ dĩ nhiên, một cốt truyện đồ sộ như vậy sẽ kéo theo một kết cấu phức tạp và điểm nhìn trần thuật cũng rất đa dạng. Chúng ta sẽ chỉ khảo sát kết cấu trần thuật của tác phẩm trên hai phương diện: cách bố trí các tình tiết trong cốt truyện và hệ thống nhân vật.

Ta biết rằng, tiểu thuyết truyền thống thường theo lối kể tuyến tính. Chẳng hạn, kể về cuộc đời một con người, phải bắt đầu từ lúc anh ta còn trẻ đến trung niên, về già rồi chết. Nhưng trong Đống rác cũ, Nguyễn Công Hoan kể ngược lại. Mở đầu, tác giả dành mười bảy trang để tả hết sức tỉ mỉ một cái nhà đặc biệt được xây dựng rất công phu, khéo léo, đẹp đẽ và sang trọng. Bạn đọc nghĩ rằng, đây có lẽ là một ngôi nhà của một quan lớn đang sinh sống. Nhưng sau đó, bạn đọc chưng hửng khi tác giả cho biết đó là cái nhà mồ dành cho người đã chết - Trần Đức Thừa. Đó là trò chơi đánh lừa cảm giác độc giả. Sau đó, tác giả đẩy lùi thời gian sự kiện để kể về đám tang của người quá cố. Rồi câu chuyện về người đã chết cắt ngang ở đó, tác giả chuyển sang kể chuyện người sống. Một thanh niên được giấu tên bỏ quê nghèo lên ga Đồng Đăng làm phu kíp. Bạn đọc băn khoăn không rõ anh ta có liên hệ gì với người quá cố hay không. Mãi đến khi anh về Hà Nội làm cu-li kéo quạt cho sếp phó Tu-nô thì tác giả mới chịu bật mí đó là Trần Đức Thừa lúc còn thanh niên. Như vậy, xét trên cấp độ toàn tác phẩm, chương I là đảo tuyến, từ chương II trở đi là tuyến tính. Tác giả lần lượt giới thiệu từng chặng đường đời của Thừa từ lúc làm phu kíp đến cu-li kéo quạt, rồi chào hàng, rước khách cho các nhà trọ, quán ăn. Từ khi có vốn, Thừa mở hiệu thuốc, phòng mạch, kinh doanh bất động sản, làm chủ báo, nhà thầu, đại điền chủ, mở sòng bạc, buôn lậu, tranh chức nghị viện, mua tước, kinh doanh tàu thủy thua lỗ đổ bệnh chết. Chương cuối cùng miêu tả cảnh hỗn loạn của gia đình khi An-be Thừa chết đi. Đáng lẽ, chương I phải được lắp vào sau chương này nhưng hai chương lại ở cách xa nhau nên bạn đọc cảm nhận về diện mạo nhân vật và bối cảnh có sự "lệch pha" nhau. Ở chương đầu, do chưa hiểu biết về Thừa nên bạn đọc có thể nghĩ rằng Thừa là người tốt, đáng thương. Đến chương cuối, do bạn đọc đã quá hiểu biết bản chất của Thừa nên hình dung Thừa không đẹp như trước nữa. Như vậy, độc giả tự mâu thuẫn với chính mình và "kiểm điểm" lại sai lầm của mình trong việc đánh giá con người. Hiếm có nhà văn nào nghĩ ra được cách làm như vậy.

Trong nội bộ của nhiều chương cũng có sự đảo lộn trật tự trần thuật. Chẳng hạn, ở chương III (phần I), độc giả yên trí rằng suốt đời Thừa sẽ yên phận làm đầy tớ cho vợ chồng Tu-nô, Ma-ri. Bất ngờ, sang chương IV, thấy Thừa và Ma-ri nói chuyện tình tứ với nhau, địa vị bị đảo lộn. Sau khi gây bất ngờ cho độc giả rồi, tác giả mới nhẩn nha lui về quá khứ để lý giải vì sao có hiện tượng lạ thường như vậy. Thừa và Ma-ri lấy nhau, đẻ con rồi xa nhau, lại đến với nhau rồi xa nhau khi vỡ nợ. Tác giả cắt bỏ cuộc đời khốn nạn của họ ở đó để chuyển sang nói về cuộc sống xa hoa, giàu có của ông Hàn, bà Hàn. Độc giả lại băn khoăn: ông bà Hàn là ai ? Cuối chương, tác giả mới bật mí ra cho biết hai ông bà "cao quý" kia chẳng là ai khác mà là con gái điếm cao cấp Ma-ri và tên lừa đảo nổi tiếng Trần Đức Thừa. Chương tiếp theo, tác giả lùi lại "Mười năm về trước" để giải đáp thắc mắc bạn đọc. Một lần nữa, bạn đọc lại bị cuốn hút vào câu chuyện để xem thử vì sao một kẻ tay trắng lại trở thành đại điền chủ Cẩu Rồng (Vĩnh Yên).

Cốt truyện truyền thống thường theo mối quan hệ nhân quả. Nhưng Đống rác cũ có rất nhiều đoạn theo quan hệ nghịch nhân quả. Mở đầu chương "Một việc đã rồi" là câu rất giật gân: "Dư luận phố Hàng Đào ầm lên về việc cô Lễ bỏ nhà theo trai". Đó là câu chỉ hậu quả, rồi sau đó là hàng loạt câu chỉ nguyên nhân. Để sử dụng thành công kết cấu quả - nhân, chi tiết đón đầu phải bất ngờ, hấp dẫn làm cho bạn đọc tò mò theo dõi mặc dù đã biết trước đáp số. Ở chương cuối tác phẩm, tác giả cũng dùng lối kể đón đầu sự kiện. Lúc nhân vật còn đang sống thì tác giả đã bói trước: "Hôm nay là ngày cuối cùng trong đời Thừa. Gọi tiếng chữ, là ngày quy tiên". Đáng lẽ, đọc đến câu này, bạn đọc đã yên tâm gấp sách lại nhưng liền sau đó là cảnh Ma-ri hớn hở chạy đến khoe việc Thừa được cử làm đại biểu nhân dân Bắc Kỳ nên bạn đọc lại phải tiếp tục tò mò theo dõi vì sao Thừa phải chết trong ngày vui như vậy. Trong khi cha chờ chết thì các con tưng bừng mở tiệc rồi đánh nhau giành lấy tài sản của cha. Thừa đau lòng tắt thở trong lúc các con quá vui. Hai bức tranh tương phản được đặt cạnh nhau đã tố cáo sự mất dạy của các con Thừa và cho thấy những bi kịch đớn đau mà Thừa phải trả giá cho những lầm lỗi của mình. Tức là gieo nhân nào, gặt quả nấy. Nội dung câu chuyện theo trật tự nhân - quả nhưng hình thức trần thuật lại theo hướng quả - nhân. Đó là cái tài kể chuyện của Nguyễn Công Hoan.

Tác giả thường sắp xếp các tình tiết theo hướng quy nạp, nhất là trong việc miêu tả tính cách nhân vật. Khi mới sinh ra, tính cách Mão giống như một tờ giấy trắng. Nhưng lớn lên, chứng kiến sự đối xử bất công của Thừa với mẹ mình, Mão sinh ra tính ngang ngạnh. Chứng kiến những thủ đoạn làm ăn bất chính của cha, Mão cũng tập tành thói trộm cướp. Sống chung với ông nhà thơ "Tình muôn thuở", Mão học thêm thói dâm đãng, nghiện ngập... Những yếu tố đó hội tụ lại đã làm cho Mão hư hỏng toàn diện. Nếu như Mão được xây dựng theo hướng xấu dần thì Nghĩa được xây dựng theo hướng tăng dần ý thức cách mạng. Lúc còn là học sinh, Nghĩa có tham gia các cuộc biểu tình, đập phá... nhưng xuất phát từ sự hiếu động, bồng bột của tuổi trẻ. Từ khi bị trường đuổi học và chị gái bị tòa xử oan làm cha phẫn uất chết, gia đình khán kiệt, Nghĩa mới chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác, bỏ nhà đi làm cách mạng. Cách xây dựng tính cách nhân vật như vậy là có logic hợp lý, thuyết phục được bạn đọc. Lối sắp xếp tình tiết theo hướng phân - hợp không chỉ sử dụng để miêu tả tính cách mà còn dùng trong các đoạn đối thoại của nhân vật. Khi anh Xi bị bắt vào nhà giam, anh được một tù nhân quan tâm hỏi chuyện và khêu gợi ý thức đấu tranh. Tù nhân được giấu tên nên anh Xi và độc giả không rõ là ai. Đến hồi cuối đoạn đối thoại dài, anh Xi được giác ngộ cách mạng thì người tù cộng sản kia mới lộ tên là Nghĩa. Đoạn văn đã được viết theo hướng quy nạp.

Theo cảm nhận thông thường, đã có nhân thì phải có quả, đã có trước thì phải có sau. Tuy nhiên, có lúc, tình tiết câu chuyện chỉ được nêu ra một vế, còn vế còn lại không được nhắc đến. Chẳng hạn, chuyện Thừa sai Ĩnh con đi đòi nợ và mụ này đánh nhau dữ dội với vợ phó tổng. Vừa lúc đó thì phó tổng Hạ về tới nhà. Câu chuyện hoàn toàn kết thúc ở đó, mãi về sau, tác giả không hề nhắc tới cách giải quyết vụ việc. Ở một đoạn khác, tác giả cũng dùng lối kể chuyện bỏ lửng như vậy. Múi từ Đồng Đăng tìm về Hà Nội và may mắn gặp người tình nhưng không ngờ Thừa lừa lấy hết toàn bộ tiền bạc bỏ cô bơ vơ ở nhà săm Đồng Lợi. Từ đó, tác giả không trực tiếp kể số phận bơ vơ của cô nữa. Thỉnh thoảng, cô được nhắc đến qua lời kể rời rạc của các nhân vật khác. Báo chí có đăng vụ M. thuê người đánh T. nhưng người ta không rõ M, T là ai. Để biết được số phận của cô gái đáng thương này, bạn đọc phải căng thẳng theo dõi từng chi tiết trong cả rừng chữ nghĩa bạt ngàn mới may ra chắp nhặt được vài câu chữ giúp giải mã cuộc đời nhân vật. Có nhiều cuốn sách có thể dễ dàng đọc lướt qua nhưng Đống rác cũ không phải là loại sách như vậy.

Nguyễn Công Hoan thường dùng lối kể chuyện ngắt quãng (gián cách, đứt đoạn) để chêm xen vào các nội dung khác với mục đích vừa thay đổi không khí truyện vừa kéo dài sự hồi hộp của độc giả. Trong một lần về Hải Phòng, Thừa cho một cô gái tên là Xuy-dan đi nhờ xe. Tác giả dùng thủ pháp che giấu bí mật để "nhử" cho độc giả tò mò theo dõi mối quan hệ của hai người. Đầu tiên là cô gái này giống Thừa ở cái cằm lẹm.

"Hắn ngợ quá. Không những tiếng nói giống tiếng người hắn quen, mà cả khổ người, nét mặt, cũng hao hao một người nào đó mà hắn đã gặp. Hắn cố nghĩ xem, cái người mà hắn đã gặp là ai. Nhưng không tài nào nhớ ra". Thừa lừa cô gái vào nhà chứa rồi biến cô thành tình nhân của hắn. Cô gái luôn giấu lai lịch của mình nhưng chỉ nói đùa "Tuổi anh bằng tuổi ba em mà anh đòi lấy em! (...) Thế hẳn con anh lớn bằng em đấy nhỉ?". Câu chuyện tình trộm lén giữa Thừa với Xuy-dan bị cắt đứt liên tục bởi các câu chuyện làm ăn kinh tế và hoạt động chính trị của Thừa. Mỗi lần quay lại chuyện Xuy-dan, tác giả hé mở thêm một chút rồi khép lại để độc giả hồi hộp đợi chờ xem thử họ có phải là cha con không. Họ lấy nhau, sinh con, đến ngày tết, Thừa lật tấm ảnh thờ và mới điếng người khi nhận ra mẹ của Xuy-dan chính là Múi, nghĩa là Thừa đã lấy nhầm con gái của mình. Những ký ức về Múi liên tục quay cuồng đảo lộn trong đầu Thừa. Quá khứ - hiện tại liên tục đan xen để đối chiếu, so sánh, quy kết tội lỗi. Ta thử hỏi, nếu câu chuyện này được kể liền mạch thì đơn điệu biết chừng nào!

Nguyễn Công Hoan cũng dùng lối trần thuật đồng hiện. Ở chương "Việc bất thường", tác giả kể song song hai sự việc đối lập nhau diễn ra trong cùng một thời điểm. Trong lúc vợ cả đang đau đớn vì bị bọn Tây cường hiếp thì Thừa đang sung sướng trong đám cưới vợ hai: "Nhưng bị đánh đau quá, chị đành phải thua. Chị nhắm nghiền mắt lại, nằm ưỡn ra, không còn sức giãy giụa nữa./ Có lẽ lúc này, đám tiệc cưới ở Hàng Tiện bắt đầu (...) Chị nằm như cái xác chết. Thế mà còn thằng thứ năm. Chị mê lên. Chị thiếp đi. Không biết nó ra lúc nào./ Bữa tiệc ở Hàng Tiện giờ này, hẳn đương vào lúc vui nhộn nhất". Hai bức tranh tương phản hiện lên cùng một lúc có tác dụng đối sánh làm rõ nghịch cảnh trái ngang của mẹ Mão và bản chất tàn nhẫn của Thừa. Có khi, tác giả đưa ra hai bức tranh đồng hiện giống như hai đường thẳng song song nhưng ngược chiều nhau. Đó là lúc Thừa đã đánh chết vợ ba là cô Lễ và vui vẻ trở lại với vợ hai: "Trong khi những cảnh thương tâm liên tiếp diễn ra ở gia đình Phúc Lâm, phố Hàng Đào, thì ở phố Hàng Bồ, Trần Đức Thừa sống đề huề với Ma-ri và hai đứa con". Cách miêu tả đối sánh như vậy có tác dụng làm nổi rõ nghịch cảnh trái ngang của xã hội, người tốt ngày càng rơi xuống vực thẳm còn người xấu ngày càng phất lên.

Tiểu thuyết là sự lắp ghép nhiều cảnh đời, nhiều sự việc lại với nhau. Sự lắp ghép ấy không chỉ thể hiện ở trật tự đồng vị, trước - sau, trong - ngoài, ẩn - hiện, nhiều - ít... mà còn thể hiện ở độ lớn - nhỏ, dài - ngắn của các mảnh ghép. Có khi, biên độ thời gian trần thuật rất ngắn như đoạn Ma-ri dùng sức mạnh tình dục để vắt kiệt sức Hàn Xương: "Mới được ba tháng, Hàn Xương đã như cái que. Và thêm hai tháng, thân hình Hàn Xương được tả như đúng cái tên của hắn. Rồi thêm một tháng nữa, bộ xương ấy không nhúc nhích được. Hàn Xương chết". Thời gian trần thuật chỉ mười giây đồng hồ nhưng thâu tóm được sáu tháng cuối cùng trong cuộc đời nhân vật. Chúng ta có cảm tưởng, toàn bộ tài sản khổng lồ của Hàn Xương đã nhanh chóng rơi vào tay Ma-ri chỉ trong tích tắc có mấy giây. Ngoài lối rút ngắn thời gian trần thuật, tác giả còn còn có lối kéo dài thời gian trần thuật. Cô Lễ bị Thừa đánh gây thương tích nặng phải vào bệnh viện, tình thế rất nguy cấp. Nhưng y bác sĩ vẫn thản nhiên làm việc riêng. Tác giả kìm hãm hành động đánh cờ của bác sĩ Tường bằng cách miêu tả tỉ mỉ các nước xe pháo mã. Hành động vô lương tâm của các y bác sĩ được miêu tả giãn ra tới mười trang giấy, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô Lễ. Cách trần thuật như vậy tự nó đã mang ý nghĩa phê phán mà không cần tác giả phải lên tiếng.

Trong bức tranh muôn màu muôn vẻ của Đống rác cũ, ta thấy có nhiều hình ảnh được lặp lại khá nhiều. Chi tiết cái cằm lẹm của Thừa, Mão, Xuy-dan được lặp lại nhiều lần như để nhắc nhở rằng, trong vô số con của Thừa, chỉ có Mão và Xuy-dan mới thực sự là con của hắn. Cái cằm lẹm vừa nhấn mạnh nét riêng của Mão vừa nói lên tính cách ham quyền lực và biết dùng mọi cách để vươn lên trong xã hội - nói theo cách của các nhà nhân tướng học. Nhắc đến cụ Tú Phúc Lâm, bạn đọc không thể không nhắc đến thói quen rung đùi của cụ, nó nói lên tính cách "ta đây", tự cao, bất cần đời của nhân vật... Nhưng có điều lạ là cụ rung đùi bất kể lúc nào: vui - buồn, đồng ý - không đồng ý, lúc có người - không có người...Thành thử cái rung đùi của cụ Tú trở thành chi tiết gây cười, mỗi lần lặp lại là mỗi lần gây cười. Trong Đống rác cũ có vô số những yếu tố hài như thế.

Không chỉ quan tâm tới kết cấu cốt truyện và sự sắp xếp các chi tiết, Nguyễn Công Hoan còn chú trọng xây dựng hệ thống nhân vật, vị trí và mối quan hệ giữa các nhân vật. Truyện có vô số nhân vật nhưng có ba nhân vật chính là Thừa, Ma-ri và mẹ Mão, trong đó, Thừa là nhân vật trung tâm. Xung quanh Thừa là các nhân vật trong gia đình và các đối tác làm ăn rất đa dạng, đủ ngành nghề, địa vị, tuổi tác, tính cách khác nhau... Có thể xếp các nhân vật vào hai hệ thống chính: hệ thống xã hội và hệ thống gia đình. Trong mỗi hệ thống luôn xảy ra trạng thái liên kết và tranh đấu giữa các thành viên. Có thể ví Thừa như một thân cây lớn đẻ ra vô số cành nhánh, tầng bậc, các nhánh lá chen chúc để tranh giành không gian sinh tồn. Số lượng cành nhánh càng nhiều thì cây càng rậm rạp, cốt truyện càng phong phú, kết cấu càng phức tạp.

Thừa là trung tâm của mọi xung đột gia đình và xã hội. Trên lĩnh vực xã hội, Thừa mâu thuẫn với sếp phó Tu-nô, cạnh tranh làm ăn với các hiệu thuốc, các tờ báo, công ty buôn lậu và các hãng tàu thủy... Cuộc cạnh tranh nào cũng gay cấn nhưng kịch liệt hơn cả là cuộc chạy đua tranh giành ghế nghị viện Bắc Kỳ với ứng cử viên đảng cộng sản Nguyễn Thiện. Cả hai phe đều dùng nhiều chiêu thức rất bất ngờ, hấp dẫn để thu hút cử tri. Bạn đọc như được chứng kiến một vở bi kịch gay cấn với đầy đủ các công đoạn thắt nút - cao trào - mở nút. Màn kịch kết thúc theo hướng khá bất ngờ: nhân vật chính bị thua cuộc mặc dù có ưu thế về tài chính và được chính phủ Pháp ủng hộ. Điều bất ngờ hơn là viên phó sứ bác đơn kiện của Thừa và bắt tay Nguyễn Thiện, công nhận sự thắng lợi của phe cộng sản (!). Ngoài xung đột xã hội, Thừa còn phải lo đối phó với hàng loạt xung đột gia đình. Xung đột tiềm ẩn thỉnh thoảng bùng phát giữa Thừa và mẹ Mão. Múi thuê người đánh Thừa. Thừa đánh chết cô Lễ. Thừa và Ma-ri là vợ chồng liên kết nhau trên cơ sở xác thịt và làm ăn kinh tế nhưng cũng mâu thuẫn ngầm suốt cả tác phẩm. Ma-ri không đội trời chung với mẹ Mão. Còn Mão thì luôn thù địch với Pôn và Giăng. Việc hai bên đánh nhau để giành chìa khóa hòm tiền và giành cả chiếc răng bịt vàng của cha là đỉnh cao bản chất vô luân của chúng.

Kết cấu điểm nhìn trần thuật cũng khá linh hoạt. Có khi, người kể chuyện ở ngôi thứ ba số ít nhưng đôi lúc nhảy sang ngôi thứ nhất để trực tiếp nói chuyện với độc giả. Ở chương "Để kết thúc" có đoạn: "Để kết thúc cho phần thứ hai của tiểu thuyết này, kẻ chép truyện xin các bạn độc giả thêm dăm phút nữa, để đọc nốt vài dòng dưới đây./ Chúng ta biết rằng...". Đến đây xuất hiện công thức: "kẻ chép truyện" + "các bạn độc giả" = "chúng ta". Tức là chuyển sang ngôi thứ nhất số nhiều, từ điểm nhìn cá nhân sang điểm nhìn cộng đồng. Làm như vậy, tác giả kéo độc giả về phía mình, tạo ra sự đồng tình rộng rãi, tăng tính khách quan và sức mạnh miêu tả. Thông thường, người trần thuật là người biết hết mọi chuyện rồi kể lại cho độc giả nghe. Nhưng trong Đống rác cũ, có khi người trần thuật tự nhận mình không hiểu biết hết cuộc đời nhân vật. Ở chương IX, phần IV, nói về việc Ma-ri vào Huế dùng "vốn tự có" để mua chuộc các quan phong tước cho chồng. Tác giả thú nhận: "Thế thì cái gì nó hấp dẫn Ma-ri ở lại đất đế đô những nửa tháng trời ? / Ma-ri không nói rõ, nên tác giả không biết để viết tỉ mỉ lại". Như vậy, tác phẩm có nhiều lớp trần thuật: nhân vật kể cho tác giả rồi tác giả tâm tình với độc giả, tác giả không phải là người độc diễn từ đầu chí cuối. Đó là tinh thần đối thoại dân chủ của tiểu thuyết, nó khác với tinh thần độc thoại quan phương đang phổ biến trong nền văn học sử thi thời bấy giờ.

Kết cấu của Đống rác cũ giống như một ma trận ngôn ngữ do quân sư Nguyễn Công Hoan bài bố để lôi kéo bạn đọc vào trò chơi ú tim đầy lý thú. Để trò chơi hấp dẫn, tác giả không chỉ là nhà nghệ thuật ngôn từ điêu luyện mà còn là một nhà tâm lý học "biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng". Một văn sĩ nhà nghề như Nguyễn Công Hoan khi viết truyện không thể không quan tâm tới tâm lý tiếp nhận của độc giả. Nói như Pautovski, là nhà văn phải để cho "cái bóng của độc giả cúi xuống trang viết của mình".



TS PHẠM NGỌC HIỀN

Bài viết này dựa theo bản in Đống rác cũ, NXB Hội nhà văn, H. 2001.




0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉