Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

LÊ MINH - Sức trẻ của một cây bút



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần II: Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan - Những thành công và đóng góp.


SỨC TRẺ CỦA MỘT CÂY BÚT

LÊ MINH


Đối với người cộng sản, tất nhiên chẳng có gì gọi được là định mệnh. Vậy mà câu chuyện xa xưa ấy như đã vạch trước con đường sau này tôi sẽ đi liền với cha. Có lẽ ngay cả khi ký tên tôi dưới truyện ngắn của mình, tên đứa con gái nhỏ vừa mới chào đời, cha tôi cũng không hề ao ước, khi lớn lên tôi sẽ theo nghề của cha. Nghiệp văn chương khi ấy chẳng là gì đối với một người đàn ông như cha tôi, huống hồ đối với một đứa con gái. Truyện ngắn xuất hiện trên trang báo với tên ký Nguyễn Thị Tài Hồng đã làm cho Tản Đà sửng sốt.
Là một nhà thơ lớn, một nhà nghiên cứu văn học thời bấy giờ, ông quyết đi tìm để được gặp gỡ người nữ tác giả.

Mấy chục năm qua, Tản Đà không còn nữa, người đọc cũng đã quên cái tên chỉ xuất hiện một lần trên văn đàn ấy, xã hội Việt Nam biến đổi qua bao nhiều chặng đường cách mạng, và người viết văn phụ nữ không còn là một chấn động trước độc giả, thì một lần trong vui câu chuyện, cha tôi kể kỷ niệm này. Khi ấy tôi đương cũng ở một Hội nhà văn với cha, đi họp, đi học, đi hội thảo các vấn đề văn học, hai cha con sóng đôi xe đạp, cùng đến, cùng về.
Bè bạn trong giới thường đùa vui: "Đi đến đâu cũng gặp hai cha con ông lão này”. Không có ý niệm trước sẽ đến một lúc hạnh phúc kia không còn nữa, chẳng bao giờ tôi kịp hỏi cha tôi, đằng sau những dòng chữ mà cha viết, ẩn náu một cuộc đời thứ hai mà cha tôi đã tưởng tượng, đã xây đắp. Tôi vẫn nghĩ, câu chuyện bếp núc đó chưa phải đến lúc cần bàn.

Trong một chuyến đi xa Hà Nội đến nhà máy Liên hợp gang thép, nơi mà từ lâu tôi đã chọn làm quê hương sáng tác của mình, cha tôi đột ngột lâm bệnh.
Trong gia đình không ai ngờ, vì vừa hôm trước cha tôi còn đi xe đạp đến Hội nhà văn họp chấp hành. Không ai nghĩ cần phải báo tin ngay cho tôi. Sau một tuần lâm bệnh, cha tôi khắc khoải nhắc ngay tôi về, và giây phút trước lúc hôn mê, câu cuối cùng của đời người, cha gọi tên tôi.
Ngồi bên giường bệnh cầm tay cha im lặng, trong nỗi thổn thức bàng hoàng, ngắm kỹ những ngón tay khô ráp của cha, một câu hỏi nghẹn ngào trong tâm khảm tôi. Những ngón tay này là tay thợ cầm cưa, cầm búa, cầm kéo xén cây, hay là tay cầm bút của một nhà văn.

Mọi việc sửa sang lặt vặt trong nhà, ngoài vườn, cha tôi là người thích làm hăm hở. Và những trang truyện làm say mê lòng người, làm rạng rỡ nền văn học Việt Nam mở đường cho một giai đoạn văn xuôi hiện thực Việt Nam, đã viết xuống cũng từ những ngón tay thô ráp này ư - Đến tận bây giờ sao tôi mới nghĩ ra điều ấy.

Đối với tôi, một đứa con gái nhỏ, thì lúc nào cha tôi cũng chỉ là cha như mội người cha khác ở trên đời này. Nhưng truyện cha tôi viết khác nào chuyện thật hàng ngày cha tôi gặp, và ông vẫn kể trong bữa cơm gia đình buổi chiều đi dạy học về, những tai nghe mắt thấy, chuyện thời sự với nỗi lòng của cha tôi, những buồn vui uất ức, những hy vọng và cả những chuyện khiến cả nhà bật rộ lên tiếng cười. Chưa bao giờ tôi kịp nghĩ cha tôi là nhà văn.

Trước mắt tôi, ông là một thầy giáo trường tiểu học thì đúng hơn. Vì từ khi sinh ra, tôi đã nghe mọi người gọi cha tôi là ông giáo. Ông giáo nhân hậu và vui tính, mà đã có lần tôi là học trò, khi tôi theo cha ra Trà cổ. Ở hòn đảo nhỏ gần biên giới phía bắc đó không có trường tiểu học riêng cho con gái. Tôi ngồi cùng bàn với những học trò trai và đứa nào cũng rất tinh nghịch. Họ là con những người dân chài nghèo khổ, mùa đông gió thổi lạnh cứng tai, tái mặt, khi đi học, bọn bạn tôi cũng chỉ một chiếc áo cánh mỏng và quần đùi. Nhưng nhộn nhạo và nghí ngoáy trong lớp thì không ai bằng họ. Vào trường, mấy tướng ấy không đi đường cổng mà nhảy vót qua hàng rào. Họ méo mặt, phùng mang làm các kiểu mặt buồn cười để gỡ tội khi bắt gặp cha tôi nhìn thấy họ. Ít khi cánh này thuộc bài. Ở nhà, họ phải làm đủ việc giúp đỡ cha mẹ chuẩn bị đi khơi, kéo lưới. Nhưng họ cũng đủ trí thông minh để đối phó với những câu hỏi của thầy giáo. Trong  lớp, có mình tôi là đứa bé nhất. Còn họ, cao lêu đêu bằng thầy, người hơn tuổi tôi ít nhất cũng phải cả chục. Vì ở vùng thượng du heo hút như hòn đảo Trà cổ này, rất ít trẻ con được đi học, và nhà trường cũng nhận những học sinh không theo hạn định tuổi, như ở vùng đồng bằng. Chiều chiều, họ ra bãi biển chờ thuyền về, kéo lưới. Đã có một anh cùng lớp tôi. khi lưới kéo vào đến mấp mé bờ nước, cá đang quẫy nhẩy đặc trong lưới, thì một con cá mập phóng vọt lên, đóp trúng bọng chân anh. Anh được mang tên đùa là Mập. Trong lớp. cha tôi cũng gọi anh là Mập.
Chiều nào chúng tôi cũng kéo nhau ra bờ biển từ lúc nắng mới bắt đầu nghiêng bóng, quần đùa trong cát nóng chờ thuyền cá về, hoặc đuổi bắt nhau trong nước, luồn dưới những gậm thuyền, gậm mảng, bập bềnh, hò hét vang động mặt biển. Nhô lên nhìn nhau, mặt mũi tóc tai đứa nào cũng ướt mèm và chúng tôi chạy ùa đến thầy giáo là cha tôi, khi ấy đương đứng lặng nhìn xa khơi, trong tay điếu thuốc lá đương hút dở. Nụ cười và ánh mắt đầy nhân hậu của cha nhìn chúng tôi đã tha thứ tất cả những trò chúng tôi tinh nghịch. Những lúc ấy, lủ bạn lớn của tôi cũng đua nhau thầy thầy con con với ý nghĩa không phải là thầy giáo nữa, mà là cha con trong nhà. Họ biết, cha tôi thương yêu họ.
Mãi sau này đọc Đời viết văn của tôi, tôi mới hiểu ra, khi nhỏ cha tôi cũng là một mũi nghịch, nghịch hơn cả lũ chúng tôi nữa. Vốn không tin vào trời, Phật, cúng bái, một lần nhà có giỗ, cha tôi đã cùng người bác họ tôi - mà hai người thân nhau từ thuở nhỏ - nhón vụng thức ăn bầy trên mâm cúng.
Hai người muốn thử xem có bị thần vặn cổ như lời dọa của người lớn không.

* * *

Cái dáng cha tôi đứng lặng lẽ với điếu thuốc lá trong tay nhìn vào vô tận, về sau tôi bắt gặp được nhiều lần. Những buổi chiều ăn xong cơm, tôi đứng nép bên chân cha nhìn phố xá kẻ đi người lại. Sau này lớn lên đọc truyện ngắn Đào kép mới tôi biết cha tôi đã viết từ hình ảnh chợt nảy đến trong một buổi chiều hai cha con đứng chơi như vậy. Một gánh tuồng vừa diễu xe quảng cáo đi qua, đào kép phấn son loè loẹt giấu cái nghèo nàn trong những bộ cân đai ngũ áo đã sờn bạc, ngồi chồng lên nhau ba tầng, sàn xe, đệm xe, tựa xe. Chiếc xe kéo đi trong phố buồn vắng, nổi trống, thanh la, phèng phèng, gọi trẻ con chạy bu theo như đàn ong. Cái biển quảng cáo buộc ấp sau lưng xe vẽ một cảnh trong vở diễn mà ai cũng đã thuộc nhẵn, nhưng tên vở thì được kẻ lại bằng hàng chữ mới, đập vào mắt mọi người. Cha tôi nhìn theo, cười mỉm:
- Đào kép mới!

Những suy nghĩ về thời cuộc đã nung nấu trong lòng ông từ lâu, về những tên vua bù nhìn, con đẻ của thực dân cai trị Pháp nặn ra dưới cái phông màn gọi là triều đình Huế, vừa được bôi mặt đổi tên hòng lừa dối thiên hạ về chính sách cách tân của chúng. Những việc xảy ra hàng ngày dường như chỉ thoáng qua và vô nghĩa đối với người khác, chỉ là câu chuyện bông đùa, mà ông có thói quen kể trong những bữa cơm gia đình, đã là cái nút bật ra tác phẩm.

Cha tôi là người hay quan tâm đến thời cuộc. Những chuyện xảy ra ngoài đời, các tin tức đăng báo chí hàng ngày, ông đọc không bỏ sót. Ngày ấy, cũng như cho đến tận sau này khi cao tuổi, lúc nào cha tôi cũng có một cuốn sách đang đọc dở. Đọc, đánh dấu ở lề trang, và ghi những ý chợt đến vắn tắt. Cha tôi rất ghét bọn người rởm chữ, đọc sách cóc nhảy để ăn cắp, hoặc lười biếng cốt đi nghe lỏm rồi khoe mẽ. Phải chăng vì thế mà ông đã từng trả lời những người đến phỏng vấn ông: ông không đọc của ai cả. Một cách nói, kiểu của ông.

Ông thường chế giễu, ở phòng khách nhà Nghị Nức có một ô tủ dài trong để toàn sách bìa gấm, đóng gáy vàng, nhưng cả đời hắn chưa bao giờ biết đến tên một cuốn sách hắn có trong tủ. Sách là đồ trang sức theo mốt của bọn địa chủ vô học và bọn thị của.

Trong ba anh em, tôi là người sống với cha nhiều nhất. Không phải vì sau này hai cha con cùng một nghề mà ngay khi còn bé, là đứa con gái út sau hai anh, nên bất cứ cha tôi bị đổi đi dạy học ở đâu tôi cũng được theo cha. Gia đình lênh đênh nay đây mai đó, không được ở đâu yên sau một hoặc hai năm, chỉ vì những trang truyện của cha tôi không làm vừa lòng những quan cai trị thời bây giờ.

Khoang hầm tầu thuỷ là phương tiện di chuyển vừa với túi tiền của gia đình tôi nhất. Ngột ngạt, nóng bức, hôi thối, chúng tôi nằm lăn ngay trên sàn cùng với hàng hoá, đồ vật chất ngất bao quanh. Mỗi khi bọn làm tầu đi qua, tiện lợi nhất là họ xéo luôn lên chỗ người nằm cho khỏi vướng cẳng. Những lúc ấy cha tôi thường bật nhỏm dậy, thu kéo chân tay tôi để che đỡ, và những tràng chửi phun ra từ những cái miệng bóng nhờn của bọn làm tầu khi bất đồ một hình người nào đó dám phản ứng giẫy cựa dưới cái xéo của họ. Đêm trên tầu là những cuộc sát phạt. Những bàn mạt chược, bàn xóc đĩa mở ra thâu đêm suốt sáng trong ánh đèn vàng nhờ. Những cuộc bán mua, những cãi lộn, những đâm chém. Tôi núp trong cánh tay che chở của cha, mơ màng nghe tiếng máy tầu chạy xình xịch, nước vỗ mạn réo rào rào, và mỗi khi còi tầu cất lên báo hiệu cặp bến, sao nghe sông nước như mênh mông hơn, tiếng í ới người ta gọi nhau như tan trong gió tròi, và giữa cái thế giới đầy khổ ải này, cha tôi vẫn là một mái nhà ấm ru tôi trong những niềm ao ước trẻ thơ.
... Cha tôi thức thâu đêm là chuyện rất thường. Tôi ngủ một giấc, mờ mắt ra thấy cha tôi ngồi gầm ghì trước bàn. Ngủ giấc nữa, hé mắt ra vẫn ánh sáng của cây đèn vàng và khói thuỗc lá nghi ngút. Bừng mở mắt, tôi bắt gặp cha tôi tỳ tay dưới cằm, ngước nhìn xa xa, cặp mắt vừa dịu hiền vừa cười cợt. Tôi trở về với giấc ngủ yên lành trong bóng thức của cha tôi cúi xuống trang giấy.

Sáng nào tôi cũng có một việc quen thuộc là đi đổ tàn thuốc lá cha tôi hút suốt đêm qua. Một cái nồi con bằng đồng có hai quai cầm, hình như là nồi nấu cơm cho cụ tôi khi đã già và bị loà. Đầy một nồi tàn thuốc. Cha tôi chỉ hút một loại thuốc, thuốc Bastô. Tôi vừa rón rén đi, vừa nhìn cha tôi ngủ. Cả nhà có thói quen ấy, đi khẽ, nói khẽ để cha tôi có thể ngủ thêm tý chút trước khi đến trường dạy học. Ngày hai buổi cha tôi vắng nhà đến lớp, đêm mới là lúc cha tôi ngồi vào bàn viết. Cả nhà không ai đụng đến chỗ bàn của cha tôi. Dù chỉ là một mẩu giấy nhỏ chợt gió bay xuống đất, mẹ tôi cũng cẩn thận nhặt lên để bàn và chặn lại. Tuổi thơ không cho tôi hiểu đầy đủ, nhưng cảm giác tôn kính việc làm của cha đã cho tôi ý thức rằng đó là công việc thiêng liêng.

Một lần, khi tôi đã làm nghề viết truyện, tôi kể ý định của mình với cha, sẽ viết truyện làng du kích, như làng tôi ở ven đường quốc lộ 5 chẳng hạn.
Không ngờ điều đó đã làm cha tôi vô cùng xúc động. Cha tôi kể về những ngày cha còn nhỏ, cụ nội là người thông minh, dòng dõi nhà nho nên thuộc rất nhiều sách vở thơ phú. Tối tối trước khi đi ngủ, cụ bà thường ngâm nga rồi dạy truyền khẩu cho các cháu. Niêm luật của thơ ca, nhạc điệu của ngôn ngữ được luyện vào tai cậu bé là cha tôi ngay từ ngày ấy.
Và không hiểu có phải nhờ truyền thống chống ngoại xâm vốn có ở vùng Bắc Ninh quê tôi, mà cụ nội và bà tôi cũng đã ý thức được công cuộc chống Pháp của nhiều lớp sĩ phu yêu nước, do đấy mà cha tôi đã mang sẵn đầu óc ghét bọn Tây và quan ngay từ nhỏ. Bọn chúng thường được cha tôi nhắc đến để phỉ nhổ mỗi khi bữa cơm có tý rượu, nhân ngày giỗ hoặc ngày Tết. Những lúc ấy tôi thường níu cổ cha:
- Bố kể nữa đi, chuyện Nghị Lại ấy mà.
Anh em chúng tôi cười giòn tan hùa theo cha, còn mẹ tôi chau mày:
- Nói bé chứ, ở bên kia người ta nghe tiếng đấy.
Cha tôi càng nói to hơn:
- Thì chỉ cốt nói cho chúng nó nghe được mà lại.

Cha tôi quen biết Nguyễn Thái Học và đã tham gia hoạt động cùng với ông. Song vì gánh nặng gia đình, cha sợ bỏ đi làm hội kín cả nhà sẽ bấu víu vào ai. Một chú tôi đương học trường Bưởi trên Hà Nội, do hưởng ứng phong trào để tang Phan Chu Trinh đã bị đuổi học và về ở với cha tôi. Một chú thứ “hai, đột nhiên về thăm nhà trong dịp nghỉ hè và nói thật với cha tôi, bỏ vào Sài Gòn làm thợ, gia đình đừng đi tìm. Cha tôi hiểu điều đó. Mãi bao nhiêu năm sau, khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở bên Pháp, ân xá một số tù Côn Đảo. Trong đó có Nguyễn Đức Chính là người cùng tham gia phong trào Nguyễn Thái Học với cha tôi, ông đến báo một tin đầy hy vọng, ở Côn Đảo, ông có gặp một người tù tên là Phạm Văn Khương. Người này khai làm nghề chăn vịt, không biết chữ, không còn cha mẹ. Nhưng ông Chính ngờ, người ấy có thể là chú ruột tôi. Chú bị kết án tử hình trong vụ giết tên cặp rằng Nhà Bè, Sài Gòn. Nhờ phong trào đấu tranh do Đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo, các án tử hình được hạ xuống trung thân và chú bị đày ra Côn Đảo. Theo ông Chính, người tù tên là Khương ấy không bao giờ có thư gia đình và rất kín miệng về tông tích riêng. Song, căn cứ trên những biểu hiện sinh hoạt hàng ngày, người tù ấy tỏ ra có văn hoá và thông minh, không thể là một người mù chữ chuyên đi chăn vịt, mặc dù từ khi vào tù người ấy mới bắt đầu học chữ. Nghe tả hình dáng và ước tính tuổi, cha tôi liền viết một bức thư gửi cho số tù ấy. Trang thư mở đầu: "Thưa ông. Nếu phải ông là em tôi thì xin ông viết thư về theo địa chỉ như sau cho gia đình hay tin. Cho phép tôi được coi như thư gửi đến đúng em tôi vậy. Từ ngày em đi, mẹ hết sức mong ngóng và sót thương, không hiểu em sống chết thế nào. Những người Tết đến, cả gia đình, nhất là mẹ, không an vui được vì bặt tin em. Cũng đã tám năm...".

Tôi hiểu, nếu chỉ qua những truyện ngắn đầy tính hài hước, có thể người đọc hình dung cha tôi là một người dễ tính, hồn nhiên đến vô tâm nên hay bông đùa và lúc nào cũng thư thái. Đó đúng là vẻ bề ngoài biểu hiện một phong cách của ông. Thật vậy, trong cuộc sống hàng ngày ông là ngưòi vô cùng dễ tính và vui vẻ. Trong một dịp nghỉ hè (khi tôi mới được vài tuổi và cha tôi đương là một ông giáo, nhưng những cuốn truyện của ông đã nổi tiếng trong nước), cha tôi đi chơi khắp Đông Dương theo lời mời của những người hâm mộ ông. Trước ngày về, ông đánh một bức điện báo cho gia đình chuẩn bị đón khách và bữa cơm đầu tiên phải có món cá. Mẹ tôi vốn là người đàn bà chiều chồng, nên đã làm đúng y lời dặn.
Nhưng khi cha tôi bước vào nhà, không thấy khách đâu cả. Từ từ, cha tôi mở một cái túi. Một chú mèo xiêm rất xinh, mắt sáng, lông trắng, ngơ ngác nhìn mọi người và rón rén những đôi chân run rẩy vì bị tù túng nhiều ngày, hay vì còn quá non nót, chú nép ngay vào tôi là đứa bạn có lẽ cũng cùng lứa tuổi. Cha tôi cười:
- Khách đây. Món cá mời khách mang ra đi chứ.

Một lần ông cầm vải đi cắt áo, bước chân về đến cửa nhà đã khoe như một chiến công:
- Mình tìm được một ông thợ may thật tài tình. Miếng vải ấy mà anh ta cắt được những hai áo ngắn tay.
Mẹ tôi sửng sốt:
- Sao, chỗ vải ấy đủ may hai áo dài tay chứ.

Tiếng cười trong truyện của ông là tiếng cười nhân hậu. Ông không có tiếng cười ác độc, ngay cả trong những chuỗi cười chua chát, sâu cay. Ai bảo rằng đời ông chỉ có những tiếng cười. Sau chuỗi cười sảng khoái khi đọc truyện ông, sao ta thấy lòng thắt lại, nghẹn ngào. Tiếng cười của người lóng lánh những giọt nước mắt. Cái sâu sắc của một truyện ngắn cười, sức mạnh lay động lòng người của tác phẩm ông, đã được ấp ủ trong mối tình người trong sáng, bằng tính giản dị mang đầy nhựa sống dân gian. Ngôn ngữ truyện của ông là ngôn ngữ ta nói hàng ngày được chọn lọc và nâng cao, có khi ông đưa ca dao tục ngữ vào truyện một cách tự nhiên, thoải mái. Chữ ông dùng giàu hình ảnh, từng nhân vật mang sắc thái ngôn ngữ riêng, bộc lộ tâm lý xã hội. "Khi văn chương mà viết đúng như lối nói của dân tộc thì nó hay và đứng vững. Bởi vì ngôn ngữ dân tộc sống mãi". Ông thường nhắc nhở những người viết văn thế hệ sau như vậy. Truyện của ông đã không lẫn với bất kỳ truyện cười nào khác trên thế giới, chính vì lẽ truyện cười của ông đã mang tính dân gian và rất trữ tình.

Sống gần ông, tôi càng nhận rõ điều đó. Tôi hiểu rằng những tác phẩm ông viết đều bật ra từ những cơn đau nhức nhối cho số phận con người, những giận buồn không xoá nổi, và cả những thiết tha suốt đời người không thể với tới. Chứng kiến những bất công của xã hội mà ông cũng có phần là nạn nhân, càng đi nhiều càng thấy nhiều, ông càng không chấp nhận nổi. Phải chăng vì lúc đó nghề thầy giáo của ông, nếu nhìn trong giới trí thức của xã hội bấy giờ chỉ toàn là những công chức làm thuê cho bọn thống trị, mà ta không thể coi đó là nghề của trí thức được, thì nghề dạy học dù sao cũng vẫn coi là nghề truyền bá tri thức, truyền bá tư tưởng. Công việc hàng ngày ấy nhắc người thầy giáo ý thức với dân tộc, với lớp trẻ.
Cộng thêm bản chất nghệ sĩ trong ông vốn nhạy cảm và trân trọng trước cái toàn thiện, toàn mỹ, do đấy ông không chịu nổi những sự xúc phạm đến cái đẹp, cái tốt, đến con người. Ông đã có sức rung động mạnh mẽ hơn người khác và cũng có sức chống lại quyết liệt những gì đi ngược.

Có hai lần trong đời, tôi được chứng kiến cha tôi trong những nỗi đau không hàn gắn được. Chưa phải là lần cha tôi đương dạy học và bị mật thám bắt vì khám nhà thấy cuốn sách cấm, Xtalin viết về Lênin. Cũng không phải lần cuối cùng cha tôi ngồi tù cho đến ngày khởi nghĩa tháng Tám. Cái chết của những người trong gia đình đã cho tôi hiểu thêm về cha tôi, sau những tiếng cười sảng khoái của ông mà tôi đã quen từ tấm bé. Những người cười nhiều, ấy là người có cuộc đời tràn đầy nước mắt. Mỗi khi nhắc đến bà tôi, bao giờ cha tôi cũng ôn kỷ niệm khi bà phải rời làng đi tản cư, đầu ngoái trông về đám lửa cháy rừng rực đương thiêu huỷ xóm làng bị giặc tàn phá. Lần đầu tiên trong đời phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, bà vẫn tâm niệm có ngày được trở lại. Nhưng một buổi chiều ở nơi tản cư xa lắc làng quê, một đàn máy bay giặc đã ập đến trút bom trúng sập nhà. Căn nhà lá bốc cháy. Và khi xóm giềng chạy đến cứu chữa, đã tìm thấy bà tôi trong đống tro than. Còn thím tôi, tay bồng chặt đứa con út mới chập chững biết đi, cả hai ngã đổ ngay trước cửa hầm.
Sáu tháng trước chú tôi vừa hy sinh vì bom giặc trên đường công tác nên bà tôi đến ở cùng với thím. Những cái chết dồn dập và đau thương bất ngờ ấy đã khiến cha tôi câm lặng.

Ít lâu sau, trong khu rừng Việt Bắc, vì những cơn sốt rét dữ dội, cha tôi nằm lại một cái lán của cơ quan. Một người bạn đã nhắn tin cho tôi đến.
Thật sửng sốt, khi trèo hết những bậc thang nhà sàn ọp ẹp, tôi không thể nhận ra người đương nằm co, đắp chiếc tơi lá, mặt tái nhợt vì cơn sốt kia là cha tôi. Cha tôi vụt nhỏm bật dậy khi nhận ra con gái, và một nét rạng rỡ hiện nhanh trên gương mặt. Đã từ lâu lắm, cha con tôi mới được nhìn thấy nhau. Ở rừng, cơ quan bí mật, nhất là chỗ cha tôi làm việc, trường dạy văn hoá cho cán bộ cao cấp trong quân đội, đâu phải ai cũng được tới. Cha tôi tòng quân ngay từ ngày đầu nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp, đã làm việc tại tờ báo Vệ quốc quân và lúc bấy giờ, giám đốc Trường văn hoá Lý Thường Kiệt.

Cha tôi mới đi dự cuộc tập trận của bộ đội quân khu 4 và trên đường về, cha tôi đã ghé thăm mộ anh cả của tôi. Anh là người con mà cha tôi dành nhiều xót thương nhất, vì những năm tháng anh bị tù đày từ khi chưa đủ tuổi thành niên, do đã tham gia hoạt động cách mạng. Anh là người đầu tiên hy sinh trong gia đình tôi ngay từ năm thứ hai của cuộc chiến đấu, khi anh mới hai mươi tuổi. Không hy vọng có thể tìm gặp được tôi sớm, cha tôi viết một bức thư dài sáu trang giấy, kể tỉ mỉ chặng đường đi tìm đến nơi anh đã ngã xuống, gặp gỡ những đồng chí sống với anh giây phút cuối cùng, và ông đã đến nghĩa trang liệt sĩ, nơi anh yên nghỉ. Cha tôi còn vẽ một sơ đồ nhỏ để nếu có dịp về xuôi, tôi tìm đến với anh. Người anh mà ngay từ tấm bé đã dạy tôi biết vẽ, biết âm nhạc, và biết đi vào con đường cách mạng.
Những truyện cổ tích ngày nay tôi còn nhớ là do anh tôi kể, những buổi tối khi tôi còn bé tí, anh vừa xoa lưng, vừa ru tôi vào giấc ngủ. Trong ba anh em, anh là người giống như đúc gương mặt cha tôi.

Đột nhiên cha tôi bật khóc. Một nỗi đau bấy lâu vùi kín, trỗi dậy xé nát lòng tôi. Tiếng khóc của người cha. Người cha mà xưa nay tôi chỉ nghe tiếng cười, chỉ nhận sự bồng bế nâng niu, ấp ủ. Đứa bé gái là tôi trong phút chốc hiểu rằng mình phải "người lớn” hơn, phải đứng vào chỗ của anh, thay thế anh, mang niềm vui và an ủi đến cho cha mẹ, để bù đắp...
Tôi chưa kịp nói một câu gì với cha tôi - rồi sau này mãi mãi cũng chưa bao giờ tôi kịp nói - một chú bé giao thông xuất hiện ở đầu thang. Chú đem đến cho cha tôi một bức thư dày. Tất cả đã đứt khúc. Chuyện cũ không bao giờ tôi dám khuấy động lại nữa vì hy vọng nỗi đau sẽ trôi đi, nhưng những gì xảy ra buổi sáng ấy, suốt đời không bao giờ tôi quên được.

Một kỷ niệm xa xưa vẫn thường hiện đến an ủi tôi, chia sẻ cùng tôi, ấy là khi tôi còn là đứa bé gái mới cắp sách đến trường. Cha tôi có cái thích là bồng tôi xuống thang gác, đến cửa rồi mới thả tôi xuống đi một mình. Ấy vậy mà giữa cái tuổi êm đềm đó, tôi đã phải chứng kiến những cảnh nát tan của tổ ấm.
Đêm ấy nhiều tiếng đập cửa đùng đùng dữ tợn làm tôi giật bắn mình tỉnh giấc. Nghe mơ màng tiếng cha tôi đứng ngoài bao lơn hỏi vọng xuống đường:
- Ai?
- Có giấy của quan đốc học.
Giọng hách dịch, gắt gỏng. Tôi tỉnh hẳn ngủ. Cha tôi đã vào nhà, bật đèn bàn. Mẹ tôi trở dậy rồi.
- Để tôi xuống mở cửa.
Mẹ tôi đã cảm nhận được điều không hay, nên đứng ra đó đỡ thay cha tôi. Nhưng tôi vẫn nghe tiếng bước chân cha tôi xuống thang nặng nề, bực bội. Tôi lóng tai xuống giường.
Vì tiếng rằng nhà có gác, nhưng chỉ là gác ở căn ngoài, căn trong là nhà ngang, cửa ván quay chốt kiểu thôn quê. Gác sơ sài, nhà dưới nói gì, trên nhà nghe được hết.
Cửa mở khoá. Tiếng xí xố đông người, ồ vào khác thường. Giọng Tây lai lơ lớ:
- Nguyễn Công Bông. Nguyễn Tài Khoái.
Trống ngực tôi đánh thình thịch. Chú tôi và anh tôi.
Mẹ tôi đáp dõng dạc:
- Để tôi đánh thức. Nửa đêm các ông đừng làm kinh động.
Giầy Tây xộc rối loạn gian nhà ngang.
Giọng mẹ tôi lúc này dịu ngọt và nâng niu làm sao:
- Con. Em. Dậy. Từ từ. Tỉnh ngủ hẳn đã.
Khoá xích khua loảng xoảng. Tiếng xích khua giữa đêm khuya vang rợn vào tận tâm khảm đứa bé gái là tôi. Căn gác đột ngột rung chuyển. Những tiếng giày dận mạnh lên thang.
Tưởng như bao nhiều ván thang, ván gác rã rời hết mộng mẹo, và đổ sập tức thì. Tôi dán chặt người xuống giường.
- Còn những ai trên này?
Một phản ứng đột ngột xốc tôi ngồi bật dậy. Tôi giương to mắt. Đã lừng lững trước mặt những đứa "đem giấy của quan đốc học" đến gọi một giáo viên tiểu học nửa đêm là cha tôi.
- Ngồi im, không chết.
Doạ nạt một đứa trẻ gái.
Mẹ tôi nhẹ nhàng vắt màn. Tròn xoe một họng súng lục ở bàn tay "nó" chĩa thẳng vào ngực tôi. Ngón tay "nó" lông lá đặt sẵn vào chỗ mà tôi hiểu ngay rằng sẽ phát đi lập tức cái chết. Nhưng, trẻ thơ như tôi thì ngày nào tôi đã chẳng "chết". Đến trường, cưỡi trên "lưng ngựa" (một đứa bạn), tay cầm "kiếm" (cành lá xoan tây), tôi xông lên. Đối phương ngã lăn đùng, nhắm tịt mắt. "Chết". Trống gọi vào lớp. Và hai đứa tôi lại nắm tay nhau đứng vào hàng.
Nhìn cái nòng súng, tôi hiểu không phải chuyện đùa. Tôi giương mắt nhìn "nó", cái thằng mà tôi đoán biết đây chính là tên mật thám thường ngày cha tôi đã có lúc nhắc đến một cách khinh bỉ. Sách vở học của chúng tôi, qua mỗi năm cất giữ trên giá, bị lôi tuột hết xuống, rũ rối tinh. Sách báo của cha tôi, đến cả những trang vừa viết xong để trên bàn, cũng bị lật lộn xộn.
Những trang giấy bay lả tả xuống sàn. Cha tôi thức viết, vừa mới đi nằm. Vậy mà "nó" không biết xấu. Chăn màn quần áo cũng bị lôi thốc ra. "Nó" làm những việc mà cha tôi nghiêm cấm đối với chúng tôi. "Phải ngăn nắp trật tự". "Đụng vào thứ gì của người khác, phải hỏi trước". "Trong khi người khác nằm nghỉ hoặc làm việc, không được nói to làm mạnh”.
Tôi hiểu lập tức, bọn mật thám bao giờ cũng làm ngược những cái thông thường con người làm. Chẳng thế mỗi lần gọi đến tên chúng, cha tôi đã có chữ riêng, "bọn liếm gót giày cho Tây". Còn những bạn bè của chú và anh tôi, thì thầm thào: "bọn chó".
Lũ "chó" đến quỳ trước chủ:
- Bẩm không có gì ạ.
Cặp mắt cha tôi gần như nảy lửa. Còn mẹ tôi, vẫn ở dưới nhà, có lẽ còn canh chừng cho anh tôi và chú tôi chăng. Bọn "chó" chia đôi, vẫn một nửa núp dưới nhà. Bọn được xuỳ lên gác lúc này đã cùng chủ nhao vội xuống. Tôi nghe tiếng sủa dữ tợn:
- Đi.
Tiếng mẹ tôi cao giọng:
- Để tôi lấy cho con tôi cái áo sợi. Trời lạnh thế này.
Bấy giờ tôi mới kịp nhớ, đương mùa đông. Anh tôi nói như vừa mím miệng:
- Thôi mẹ. Không sao.
Như là chú tôi ngoái đầu lại:
- Chị đừng phiền. Chúng em đi.
Sao lúc ấy tôi không biết chạy ngay ra cửa gác nhìn xuống, nhìn lần cuối những người ruột thịt của mình bị bứt lìa khỏi tổ giữa lúc nửa đêm, để rồi đàn "chó" ấy thả sức cắn xé. Tôi nghe vọng lên tiếng ô tô rồ máy. Ra là ô tô chúng nó đỗ tận đầu phố, mà vì làm lụng nhọc mệt cả ngày, những người lớn trong nhà không một ai biết.
Hôm sau tan học, cha tôi soạn lại nhà cửa giấy má, soát kỹ trong đống sách vở của chúng tôi. Cha gọi tôi đến, nhếch cười:
- Lũ chúng nó mù.
Bức chân dung Lênin và Goócki do anh tôi vẽ vẫn còn nguyên trong đống sách vở. Cha tôi ôm xiết tôi vào lòng.
... Bàn tay thô ráp là bàn tay thợ, hay bàn tay nhà văn. Tôi ve vuốt những ngón tay. Tôi nắm chặt bàn tay không rời trong suốt một ngày cuối cùng tôi được sống bên cha. Tôi không tự trả lời được câu hỏi. Những bàn tay ấy đã sưởi ấm bước đường tôi đi và cho đến suốt đời.

Một câu mà cha tôi nhận xét về tôi, nói với người bạn, mà sau khi ông mất rồi tôi mới được nghe kể:
- Nó viết cũng được đấy. Nhưng sao mình vẫn thấy nó là đứa trẻ con.

Tính cách ấy ở trong ông đã nuôi cho ông những trang viết đầy sức trẻ. Tính cách ấy đã đưa ông vào vị trí các nhà phê bình đương thời đã đánh giá, một nhà văn xuôi trào phúng Việt Nam duy nhất, lắm phen làm cho bọn thống trị căm uất và những người cùng cực được nâng lên.

Cho đến hôm nay, vẫn nhiều bạn đọc hỏi tôi: trong Người bạn đọc ấy, nhà văn Tô Hoài viết mừng 60 năm sinh cha tôi, có đoạn miêu tả nhà văn Nguyễn Công Hoan trên bãi biển Trà Cổ, tay dắt cô con gái nhỏ, hai cha con... Bạn đọc muốn biết người con gái nhỏ ấy bây giờ ở đâu?
Hình ảnh mà Tô Hoài bắt gặp một lần và ghi lại ấy đến hôm nay vẫn nguyên vẹn trong tôi và mãi mãi  nguyên vẹn. Bởi hôm nay và cho đến suốt đời, tôi vẫn được trong bàn tay ấm nóng của cha dắt dìu như ngày nào trên bãi biển Trà Cổ. Tôi vẫn được nép bên cha, lòng đầy thơ dại, được nhận những vỗ về, những chỉ bảo, những an ủi, và nhiều lắm, tôi vẫn được nhìn thấy cha tôi đứng trước mặt mình, nói với tôi bằng ánh mắt nhân hậu và cười cợt của Người.

Trong nhiều năm nay, cạnh công việc văn học của mình, tôi còn được một hạnh phúc làm nhiệm vụ sưu tầm và biên soạn những bộ sách của cha tôi để lại. Từ những trang viết của Người đã đặt ra trước tôi biết bao nhiêu câu hỏi, gợi nhớ biết bao kỷ niệm, trong tư cách tôi là một học trò của Người, đồng thời còn là con gái nhỏ đã được chứng kiến và cùng chia sẻ những đoạn đường văn học mà Người đã trải, đầy gập ghềnh đến khó hiểu.
Đọc nhiều đoạn viết của Người, tôi phải dừng lại. Tưởng như những nét chữ viết tay kia biết thốt lên những lời tâm sự cùng tôi, và tôi đã chiêm ngưỡng, đã kinh ngạc. Sau khi đọc đến trang chót của bộ tiểu thuyết Đống rác cũ, ông hoàn thành vào năm ông 60 tuổi, mà bạn đọc chúng ta lúc ấy còn chưa được trông thấy sách, thì quả thật tôi bàng hoàng.
Những nhân vật hiện hình như chính tôi đã trong cuộc, dù bối cảnh xã hội của tiểu thuyết thuộc một thời cách xa thế hệ chúng tôi lắm. Nhưng sao từ sâu kín tâm khảm, những nhân vật tự nó cứ thức dậy bám riết lấy tôi, diễn những cảnh đời ngay trước mắt tôi, không vội vã, không khoa trương, như thường tình, như mộc mạc, như đương ở ngoài đời kia. Chỗ thì vạch như chân tơ kẽ tóc cho mà thấy, chỗ thì thoáng lướt qua cho mà hiểu. Như bảo rằng hãy nhìn kỹ đi, để mà nhận diện, để kịp nghĩ ra, để mà biết giật mình, để bật cười phá, để mà giận căm, mà phỉ nhổ, mà xót thương đến phải thổn thức.
Bản cáo trạng, lời cảnh tỉnh, những nỗi niềm tâm sự cay đắng ngọt ngào, cứ thế sừng sững dâng lên. Và nhân vật thì người nào ra người nấy, từ gương mặt, quần áo, tóc tai, đến điệu bộ, tâm lý ẩn núp sau hành động, sau những mưu toan, sau những cạm bẫy vừa tàn ác vừa lừa mị của một bọn, cắn xé nhau đấy, liên kết nhau đấy, hoành hành trên lưng những người lương thiện, những người nhân hậu, để cuối cùng đẩy họ vào nhiều kiểu chết.
Gập bản thảo, tôi còn nghe được những giọt máu trong tim ông nhỏ xuống những trang viết. Biết bao ngày sau đó, ngồi trước tiểu thuyết mình đang viết dở, tôi chỉ còn ngồi lặng, bất lực. Nỗi bất lực hiếm có trong một đời văn, thúc giục ta phải lục lại vốn liếng, lục lại nhân vật, lục lại mối quan hệ giữa người cầm bút với đời. Câu hỏi lại dấy lên trong tôi những kỷ niệm.

Ai cũng biết, và tất nhiên ông là người biết rõ hơn ai hết, có những kẻ đã từng ăn ở tàn tệ bất lương đối với ông, công khai giày đạp tên tuổi ông, phản bội tấm lòng ông. Nhưng cũng chưa bao giờ tôi thốt câu hỏi đó, và cũng chưa bao giờ Người nhắc chuyện đó, dù trong giây phút tôi cảm nhận được Người im lặng. Như rằng cũng là cái vốn trời cho, cứ để nó lặn vào trong ta, để rồi tự nó sẽ sống bật dậy trong những nhân vật tiểu thuyết. Đến giây phút cuối cùng của đời người, quả là tôi vẫn thấy ông cầm bút, ông còn ghi cả những dự định tác phẩm sẽ phải làm. Mặc dù một thời, có lúc tay chân ông cử động khó khăn và ông đề nghị có một người ghi chép giúp. Thì đến hôm nay, di sản ông để lại, tất không chỉ như chúng ta đã biết.

Một tài năng nở rộ ở hai thời điểm của một đời người, khi ông ở tuổi trẻ đang sung sức (Kép Tư Bền, Bước đường cùng) và khi ông ở tuổi đã thật chín (Đống rác cũ). Lại một sự thật nữa đặt ra trước tôi. Cả hai thời điểm nở rộ tài năng, ông đều phải gặp những cảnh ngang trái. Hàng mấy chục năm sau, dần dần bạn đọc xác định. Quả vậy một thời rất dài, ghi những sự thật tai nghe mắt thấy, dù của lịch sử đã qua chứ không kể là chuyện hôm nay.
Nhớ gì ghi nấy có giá trị đóng góp như với bộ bách khoa toàn thư sống về một thời kỳ xã hội, người viết bị lên án. Phơi bầy những rác rưởi ghê tởm và sự tàn bạo ở một xã hội cũ nhằm bảo vệ những giá trị con người, tác phẩm Đống rác cũ bị đình chỉ lưu hành.
Bản lĩnh nhà văn lại một lần nữa được thử thách.

Đời nhà văn là đời toàn bộ tác phẩm. Một cuộc đời đi cạnh đời thường mà nhà văn đã dốc sức, đã chắt lọc, đã chăm chút và xả thân vì nó. Ở cuộc đời ấy, nhà văn sống vẫy vùng bằng nhịp đập của chính quả tim mình, bằng cái đầu của chính mình, không chịu đội mũ của ai khác đè dấn xuống, hoặc rượt đuổi theo cái bả người khác dứ gọi.

Sưu tầm và in lại toàn bộ tác phẩm của những nhà văn như ông đương là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, được thể hiện từ tinh thần nghị quyết 05 Bộ Chính trị đã ban hành về công tác lãnh đạo văn hoá văn nghệ. Vì đất nước ta trải qua chiến tranh, việc lưu trữ tác phẩm tại các thư viện không còn đầy đủ. Vì đối với nhân dân, có một yêu cầu khẩn thiết về bảo vệ các di sản của dân tộc. Vì những thế hệ đi sau chúng tôi, rất cần được đọc toàn bộ những tác phẩm thuộc thế hệ trước trong nước mình. Một nền văn học muốn phát triển theo hướng dân tộc hiện đại, không thể không đi lên từ cái nền mà những thế hệ đi trước ta xây đắp. Kính trọng và nối tiếp những gì người trước đã khám phá, đó là đạo đức xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực tài năng, làm sao tồn tại được sự cào bằng, hoặc việc tẩy xoá. Một lần cha tôi đã đùa vui bằng câu nói ấy. Hàng năm, cứ vào mùa xuân, ngày xưa, bè bạn cha tôi thường kéo nhau lên Bưởi. Và khi ấy tôi được làm chân phụ bếp dọn mâm giúp mẹ. Những kỷ niệm yên vui sao lúc nào cũng vẫn quấn quýt bên tôi. Trong những giây phút buồn nản nhất, những giây phút mà tôi được nghe hoặc chứng kiến những cảnh ngược đời đến phải thầm thì với cha, thì những kỷ niệm kia dắt tôi đứng dậy và tôi lại được trong bàn tay ấm nóng của Người dắt dìu, như ngày nào còn thơ bé trên bãi biển Trà Cổ.

Thỉnh thoảng lên Bưởi thăm một người bạn, mỗi khi đến đoạn rẽ vào làng Võng Thị, có lẽ từ một nếp quen ẩn sâu trong tiềm thức, xe tôi đạp chậm lại. Nhưng rồi chợt nhớ ra, tôi phóng vội. Một lần đã dắt xe vào con đường đi về làng, nhưng cũng chỉ đến chỗ ngoặt sắp mở ra một khoảng rộng đi thẳng đến tận cổng nhà cũ của mình thì tôi quay trở ra. Tôi không muốn có một hình ảnh gì mới lạ in hằn trên những cảnh cũ đã gắn bó thân thuộc.
Con đường lát gạch nghiêng không bị các nhà đứng ven san sát ép chặt hai bên như ở đoạn phía ngoài, đã mở ra thoáng đãng với những cảnh ao sáng trưng dưới ánh mặt trời, những khu vườn xinh xinh với diềm hàng rào cúc tần đội những sợi tơ hồng rối lồng bồng.
Những hàng xoan đứng xít vào nhau, đến mùa hoa nở tím bạc một khoảng không như sương phủ, và đến mùa đông này, đeo lúc lỉu những quả vàng.
Cổng nhà tôi sơ sài hai cánh gỗ cài then. Một rặng nhãn ven theo ngõ dẫn vào sân trước. Tường hoa thấp ngăn sân với vườn. Một phiến đá to nhẵn thín kê nằm, có lẽ đã từ lâu lắm người ta dùng để đập lụa nhuộm thâm. Phiến đá ấy nay thành cỗ ngồi chơi. Hai cây roi to xùm xoà cả bóng. Vào mùa hè, sau một đêm mưa rào có những tiếng lộp bộp ngoài vườn, sáng ra chúng tôi đi nhặt những quả roi chín trắng đã bị gió mưa vặt xuống hộ. Những trái roi đường ngọt lừ. Mãi mãi sau này, chưa một làn nào chúng tôi được ăn những quả roi ngọt mọng như thế. Trong vườn trước nhà có hai cây hoa mộc, hương thơm toả đượm khí trời, và những gốc hồng nhung, hoa đỏ rực rỡ điểm xuyết vào màu xanh của cây cỏ.
Sau những giờ ngồi viết miệt mài, cha tôi thường đi thong thả trong vườn với điếu thuốc lá trên môi, xem ngắm từng gốc cây, từng cái lá, bắt sâu, xáo gốc. Những giây phút im lặng một mình. Và sau đó là những trang giấy được phủ kín bằng những hàng chữ viết đều đặn, rõ ràng, tỏ ra rằng mọi sự ghi xuống đã được sắp đặt chau chuốt, tỉ mỉ và chính xác từ trong bộ não. Trang bản thảo của cha tôi rất ít chỗ bị rập xoá lằng nhằng khó đọc. Một cách làm việc của người viết tuyết thuyết mà thế hệ chúng tôi còn phải theo đuổi.
Mùa đông gió từ ngoài Hồ Tây thổi vào hút qua khe cửa lạnh cóng. Hồi ấy làng Võng Thị chưa có điện, phải thắp bằng đèn dầu. Đêm đêm dưới ánh đèn dầu, ông khoác chiếc áo dạ màu sẩm, dựng ngược cổ áo lên che ấm gáy và khói thuốc lá toả nghi ngút. Chỉ có tiếng ngòi bút của ông lạo xạo trên giấy cùng với quanh quất là bóng cây phủ xuống. Lấp loáng ánh đèn từ nội thành hắt ra nhỏ li ti như những vụn sao trời.
Những ngày áp Tết, ông nghỉ viết. Năm nào cũng vậy, ông lặp lại câu hỏi:
- Năm nay nhà ta có gói bánh chưng không?
Ông săng sái đi vác những cây củi rải rác trong vườn, gom vào bếp. Ông nhận phần trước:
- Đêm nay cả nhà cứ ngủ yên, tôi thức canh nồi bánh.
Nửa đêm thức giấc nhìn ra, đúng là ông ngồi đó trước ánh lửa bập bùng sáng rực một góc bếp. Ông nhìn ngọn lửa. Ông im lặng hàng giờ ngồi nhìn ngọn lửa. Và cái bóng của ông in lên vách lung linh.
Người bạn mà ông đến chơi đầu năm bao giờ cũng là ông Tú Mỡ. Ông Tú ở bên Láng. Từ Võng Thị ra chợ Bưởi, theo đường Đê la Thành đi thẳng sang là tới. Nhà ông Tú có cây hoa mai. Hoa mai trắng bây giờ rất hiếm, và vì nhiều người đã gọi lẫn hoa mận, hoa song mai, với hoa mai. Hoa mai trắng cánh kép, bông to như hoa đào, nhưng thơm, rất thơm.
Trong vườn có một cây mai thì chỉ cần đến ngõ đã biết, nó phảng phất như phấn như hương mà không bắt được. Mai hoa không kết quả. Những cánh hoa mai trắng rập rờn bay trước gió rồi đậu xuống bờ cỏ quanh gốc. Cành mai khẳng khiu, dáng cây gầy guộc, nhưng hoa trắng phủ kín cành và cánh hoa rơi đậu tản dưới gốc. Mùa đông dưới nắng hanh, màu trắng lấp loáng rực rỡ và tinh khiết. Bao giờ đến thăm nhau, hai ông cũng thăm vườn trước, và đến với gốc mai...
Hôm nay... Hình như cảnh vật đã không còn như cũ. Mọi sự đổi thay tốt đẹp bao giờ cũng có đôi điều đáng tiếc. Vì thế tôi đã không dám quay trở lại thăm ngôi nhà cũ đầy kỷ niệm. Tôi được biết, những người chủ mói đã nâng cấp ngôi nhà và khu vườn khác lạ lắm rồi. Tôi muốn giữ nguyên những hình ảnh đẹp một thời, mà vĩnh viễn sẽ không bao giờ trở lại.
Trước mắt tôi vẫn là ngọn lửa bập bùng chiếu sáng gương mặt của ông. Ông ngồi trầm tư nhìn ngọn lửa. Và cái bóng của ông in trên vách lung linh.
Phải chăng đó chính là giây phút thiêng liêng đã tụ hội những gì ông chiêm nghiệm trong đời để sau này chảy vào tác phẩm. Giây phút im lặng của người cầm bút. Giây phút đầy sóng gió nhưng vô cùng quí hiếm.

Tết chuẩn bị cho người anh thứ hai của tôi đi vào chiến trường miền Nam cũng là cái Tết cuối cùng gia đình chúng tôi ở Võng Thị.
Cha tôi chấp nhận việc ra đi của anh, người con trai duy nhất còn lại sau người anh lớn của tôi đã hy sinh từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp, cũng bằng sự im lặng. Nhiều lần cha mẹ tôi ngồi trước ấm trà, cả hai tránh nhìn nhau, cả hai cũng không nói. Xót thương đang phải nén xuống. Vì cần cho người ra đi được yên lòng. Trên hết là nhiệm vụ với Tổ quốc.
Phút chia tay không ồn ào. Anh tôi ôm hôn cha mẹ và chúng tôi. Lặng lẽ nhìn anh. Đúng lúc ấy, con trai nhỏ của anh tung bổng quả bóng bay qua cửa sổ. Thế là buộc lòng người lớn phải bồng bế xuống thang để nhặt bóng. Linh tính trẻ thơ đã mách bảo, không phải là bố đi một lát như mọi ngày, cũng không phải vài ngày hoặc chủ nhật bố về như thường đi công tác. Bé phải được gần bố thêm đến tận chót đường là cái sân dưới kia, mà ở đó là những bác đang chờ để đưa bố đi xa, xa lắm. Bé không đòi, không khóc nhè, vì đây là giây phút bé cảm nhận được đang là sự thiêng liêng. Ôi, trẻ thơ có đôi mắt trong veo. Đôi mắt ấy đã là ngọn lửa soi sáng cho người ra đi trên những đoạn đường tối tăm cay cực, mãi về tận sau này.
Cha tôi trầm ngâm nhìn xuống đường hút theo cái dáng đi dứt khoát, cắm cúi, không ngoái lại một lần ấy. Ngôi nhà của chúng tôi vừa bị rút đi một cây cột. Và lúc này gánh nặng gia đình lại chất lên vai người đàn ông sức vóc nhất là cha tôi. Cha mẹ tôi dọn về ở cả trong căn phòng nhỏ của nhà 66 Hàng Bông Thợ nhuộm để gia đình anh đỡ vắng thiếu.
Vài năm đầu thấp thoáng có tin anh mạnh khoẻ. Rồi kháng chiến chống Mỹ lan ra miền Bắc, Hà Nội đi sơ tán. Từ nơi sơ tán, lâu lâu cha tôi về Hà Nội để xếp hàng mua các thứ theo tem phiếu, và ngóng hỏi tin anh. Không có tin. Hy vọng có thể là sự chậm trễ của đường dây liên lạc chăng. Nhưng càng mong càng bặt. Nhiều năm bặt hẳn. Người gia đình không dám hỏi nhau, không ai dám nhắc với nhau, vì cùng chung một đoán biết. Cha tôi dồn tâm sức viết những tác phẩm văn học nhằm đóng góp trực tiếp với cuộc chiến đấu trực tiếp của miền Nam. Anh con trai người bạn đọc ấy, Nếu không có anh (sau này khi tôi đưa xuất bản đã đổi tên là Một kiếp người), Trong ấy... ngoài này...
Ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ là niềm hân hoan chung của dân tộc, nhưng cũng là những ngày đầy thấp thỏm lo âu thử thách đè nặng trĩu xuống đôi vai những người gia đình tôi. Ngày thứ nhất qua đi, không có tin của anh. Ngày thứ hai qua đi, vẫn không tin tức. Ngày thứ ba, ngày thứ tư... Những ngày dài đằng đẵng. Trẻ thơ trong nhà đã lớn, các bé không dám hỏi, không dám nhắc, không dám đùa nghịch, không dám nói to. Như trên tay cả nhà đang nâng một cái bình dễ vỡ.
Khuya ấy đã sang ngày thứ bảy của chiến thắng, nỗi thất vọng và khiếp sợ đã sắp nổ bung ra. Nếu cha mẹ tôi, nếu chị tôi và các bé nhận được tin... Tôi không dám nghĩ hết điều ấy. Tôi cầu mong ở sự linh thiêng câu nói một lần cha tôi đã thốt lên trong những năm bặt tin anh: "Kháng chiến chống Pháp gia đình ta hy sinh sáu người, nhưng đến chống Mỹ thì được toàn vẹn". Những đêm giao thừa Hà Nội, giữa tiếng pháo nổ râm ran, bùng cao rền trầm rồi vút lên mạnh mẽ như những con sóng xô dạt, tiếng Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Tôi đứng một mình trên sân gác thượng tầng ba nhìn về phương nam thầm gọi tên anh, gọi thay cho cha mẹ, thay cho chị và các cháu, ở nơi xa nào mà tôi không được biết, nếu nghe được tiếng gọi, anh trở về... về quây quần đoàn tụ với gia đình...
Chợt nghe tiếng guốc lên thang. Thang gác bằng đá granitô, trong đêm khuya, tiếng guốc giòn vang. Tôi bật choàng dậy. Tôi nhận ra ngay tiếng guốc của cha gấp gáp. Trống ngực tôi thình thịch. Tôi mở vội cửa, thì cũng vừa lúc cha tôi bước tới. Như ngọn gió mạnh ào đến, cha tôi vừa thở vừa nói: “- Có tin anh Tài sống rồi". Nước mắt tôi tràn ùa xuống, tôi gục vào cha. Tiếng guốc lên thang ấy mãi mãi vang lên trong tâm khảm tôi.

Sau khi Đống rác cũ của ông ra đời được toàn vẹn - sau 26 năm - bạn đọc càng nhắc đến tên ông. Gặp những cảnh đời, gặp những cảnh trớ trêu rác rưởi, những mưu đồ ám khí, bạn đọc lại nghĩ đến ngòi bút của ông, gọi tên những nhân vật của ông.

Ông vẫn đang đi cùng với thời đại. Cây bút Nguyễn Công Hoan mãi mãi ở độ tuổi của sức trẻ.





(Tuyển tập Nguyễn Công Hoan, tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)









0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉