Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Nguyễn Công Hoan với những tấn trò đời - Ts. LÊ VINH QUỐC

Nguyễn Công Hoan với những tấn trò đời

Ts. LÊ VINH QUỐC

 

Với hơn 300 truyện ngắn, hơn 30 tiểu thuyết, truyện dài và tiểu luận cống hiến cho nền văn học nước nhà, Nguyễn Công Hoan được giới nghiên cứu coi là một người đứng đầu của nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam.

Muôn mặt trò đời
Qua ngòi bút của Nguyễn Công Hoan, những tấn trò đời trong xã hội Việt Nam từ thập kỷ 20 đến thập kỷ 50 của thế kỷ XX đã hiện lên cực kỳ sinh động với đủ các loại nhân vật trong các bậc thang xã hội từ thấp đến cao. Trước hết, đó là những kẻ khốn cùng mạt vận nơi thành thị hoặc cùng khổ đói rách ở làng quê, bao gồm cả ăn mày, gái điếm và bọn trộm cướp (qua các truyện ngắn “Thằng ăn cắp”, “Cái vốn để sinh nhai”, “Bữa no…đòn”, “Được chuyến khách”, “Thằng Quýt”, “Thằng ăn cướp”, “Người ngựa và ngựa người”, “Anh xẩm”…).Tiếp đến là các hạng tiểu thị dân, người làm công, tiểu trí thức hay văn nghệ sĩ (các tiểu thuyết “Tắt lửa lòng”, “Cô làm công” và các truyện ngắn “Sóng vũ môn”, “Oẳn tà rroằn”, “Thật là phúc”, “ Thanh! Dạ!”,“Thế là mợ nó đi Tây”, “Xin chữ cụ Nghè”, “Vợ”, “Cô Kếu, gái tân thời”, “Mất cái ví”, “Kép Tư Bền”, “Thầy cáu”, “Godautre”, “ Đào kép mới”, “ Sáng, chị phu mỏ”, “Người vợ lẽ bạn tôi”…).
Sau cùng là giới thượng lưu trưởng giả và quan lại cường hào các cấp ở cả thành thị lẫn nông thôn (các tiểu thuyết “Lá ngọc cành vàng”, “Cái thủ lợn”, “Bước đường cùng” và các truyện ngắn “Hai thằng khốn nạn”, “Báo hiếu: trả nghĩa cha”, “Báo hiếu: trả nghĩa mẹ”, “Răng con chó của nhà tư sản”, “ Một tấm gương sáng”, “ Nạn râu”, “Cụ Chánh Bá mất giày”, “Chính sách thân dân”, “ Hé! Hé! Hé!”, “Tinh thần thể dục”, “Hai cái bụng”, “Tấm giấy một trăm”, “Công dụng của cái miệng”, “Người thứ ba”, “Gánh khoai lang”…. ).

Từ những tấn trò đời vô cùng đa dạng và phức tạp đó nổi bật lên sự phê phán xã hội vô cùng sâu sắc của tác giả, qua những số phận bi thương của dân nghèo dưới đáy xã hội và những thói tật xấu xa bỉ ổi, những sự áp bức ngang ngược bất công cùng những thủ đoạn bóc lột trắng trợn, gian manh tàn ác của bọn quan lại cường hào trong bộ máy công quyền.

Cái đĩa và gánh khoai lang nơi công đường
Có lẽ “Bước đường cùng” là tác phẩm thể hiện sự phê phán đó một cách đầy đủ và quyết liệt nhất qua số phận của một người dân lương thiện nhưng dốt nát là anh Pha. Bị tên trọc phú Nghị Lại lừa vào một vụ kiện tụng vô nghĩa, Pha sa vào guồng máy công quyền, bị bọn quan lại sâu mọt trong đó cướp đoạt hết tiền bạc ruộng vườn nhà cửa, mất cả vợ con; đến bước đường cùng anh vùng lên đơn độc để bị chúng bắt trói đưa vào vòng lao lý. Chỉ mấy chương tường thuật việc Pha vào cửa quan (từ chương VII đến chương X), tác giả đã tạo nên một biểu tượng toàn diện và đầy đủ về một bộ máy công quyền thối nát gian tham: từ mấy tên lính lệ, viên đội coi ngục, tên thư lại đóng dấu, viên lục sự duyệt đơn cho đến quan phụ mẫu oai vệ đã hợp thành một hệ thống dây chuyền, dùng uy thế công quyền để móc túi người dân, vét từ mấy xu lẻ, mấy đồng hào cho đến những đồng bạc đẫm mồ hôi nước mắt của dân nghèo. Và đây là chân dung quan huyện phụ mẫu giữa chốn công đường:

Pha dựng cái ô vào tường rồi vào, khom lưng vái chào:

- Lạy quan lớn.

Quan vẫn cạo quân bài mà chược và hút thuốc lá như ban nãy. Ngài không ngẩng đầu lên mà cũng không đáp. Cho nên Pha đứng khoanh tay chờ. […].

Bỗng quan ngẩng lên nhìn: một luồng điện làm anh choáng vía, anh run lên, không nói ra hơi nữa.

- Việc gì?

Nghe hai tiếng ồ ồ ở cuống họng quá rộng, Pha hoàn toàn líu tắc lưỡi lại. Nhưng hỏi xong quan đưa mắt xuống quân bài ngay. Lúc ấy Pha mới hoàn hồn dần và nhớ mang máng lại các việc.

Pha móc túi lấy bức thư, vuốt cho thẳng thắn, tiến đến cạnh bàn giấy. Tự nhiên anh lại bắt đầu run và quên đến nỗi chỉ nói được rõ có mấy tiếng:

- Lạy…lớn…nghị.

Như cầy sấy, anh đặt thư lên bàn, và lùi lại góc phòng đứng khoanh tay để lấy hồn vía.

Quan vẫn cắm mắt vào mảnh xương trắng, đưa tay vớ lấy thư, rồi bóc phong bì ra. […].

Quan đọc nốt bức thư, rồi, vẫn không ngẩng lên, gật đầu nói:

- Được, nể lời ông nghị, tao sẽ tha cho mày, nghe chưa. Sang buồng thầy lục, tao bảo thầy ấy liệu lấy cung.

Pha dạ và ngắm nghía quan như ngắm nghía một vị ân nhân. Lúc ấy quan vẫn vừa đọc thư, vừa với tay vào cái đĩa không, để ở góc bàn. Ngài vét mấy bận chẳng được gì. Bỗng ngài ngẩng lên nhìn thẳng vào Pha, ngạc nhiên, hỏi:

- Đâu?

Pha ngạc nhiên chẳng kém gì quan, vì chẳng hiểu quan hỏi gì. Song anh cũng trả lời:

- Dạ.

Quan cau mặt hỏi:

- Dạ cái gì? Đâu? Thế ông nghị mày không dặn mày phải thế nào à?
Bẩm có, con phải đem đầu đến kêu quan lớn thương cho.

Quan gật:

- Biết rồi, nhưng vào quan không có lối nói bằng nước dãi.

Rồi ngài bắt đầu nói xẵng:

- Mày đừng láo. Ông nghị viết cả cho tao là mày trình tao năm đồng và tạ tao hai chục, vì thế ban nãy tao mới bảo tha cho mày.

Pha dựng tóc gáy như nghe thấy tiếng sét. Thực là tự nhiên anh chui vào hang hùm. Năm đồng thì có, chứ hai chục, anh lấy đâu ra. Anh oán ông nghị bỗng dưng đưa anh vào chỗ chết. Anh run lên, nói như mếu máo:

- Lạy quan lớn, cảnh nhà con nghèo, quan lớn đèn trời soi xét cho.

Quan quắc mắt:

- Nghèo thì bước! Làm mất thì giờ của ông.

Nói xong, ông gọi:

- Lính đâu mày, tống cổ thằng này xuống trại.
- Lạy quan lớn…

Anh lính ban nãy lại hùng hổ hiện ra, giơ tay vả luôn vào mồm Pha hai cái, rồi cầm cổ anh lôi ra ngoài.

Đoạn đặc tả trên, nhất là cảnh tượng quan huyện với tay vét mấy lần vào cái đĩa không để ở góc bàn rồi ngẩng lên hỏi “Đâu?”, đã in sâu vào tâm trí bao thế hệ độc giả và học sinh phổ thông khi họ đọc hay học tác phẩm này. Bởi vì cảnh tượng đó cho thấy rõ nạn tham nhũng khủng khiếp đã trở thành thói quen thường lệ trắng trợn của một bộ máy công quyền không còn công lý dưới chế độ thực dân-phong kiến. Người đọc sẽ tự mình rút ra kết luận: phải làm gì với một chế độ chính trị sản sinh ra bộ máy công quyền như vậy.

Cùng với “Bước đường cùng”, hàng chục tác phẩm khác của Nguyễn Công Hoan đã miêu tả vô cùng sinh động bọn quan lại sâu mọt giống như những con quỷ mặt người ấy. Chẳng hạn, truyện ngắn “Gánh khoai lang” kể rằng có một ông lý trưởng ở một làng nghèo phải lễ tết quan huyện một khoản tiền 2 đồng bạc (theo lệ của quan!); ông đành nhịn ăn tết dành ra một đồng, còn đồng nữa không kiếm đâu ra nên buộc phải bù vào đó bằng một gánh khoai lang có giá trị tương đương.

Và đây là cảnh ông lý mang đồ lễ đến kính biếu quan tại công đường:
Đứng trước bàn giấy quan, ông lý gãi tai, nhìn đĩa tiền để trên hai thúng khoai chồng lên nhau, khúm núm nói:

- Lạy quan lớn chúng con gọi là cây nhà lá vườn, đem đầu đến vi thiềng tết quan lớn.

Ông huyện hình như cũng đã nổi giận. Ông ngắm quần áo người ngợm ông lý bằng đôi mắt đầy mỉa mai, rồi trỏ tay vào lễ vật, dõng dạc hỏi:

- Thầy đem tết tôi, thầy cứ thử ngăm xem cái mả khoai lang của nhà thầy bày ở giữa buồng giấy này, trông nó có đẹp không đã?

Ông lý sợ hãi, trống ngực thình thình.
[…].
Rồi như tiếng sét, ông huyện gắt:

- Đồ xỏ lá! Đem về để vợ chồng con cái mày ăn với nhau! Nhà tao không có lợn!

[…]
Ông lý không thể đáp thế nào được, bèn chỉ lạy đỡ đòn:

- Lạy quan lớn.

Ông huyện quắc mắt, đập bàn, lại quát:

- Đem ngay đi! Đừng để bẩn công đường! Từ giờ đến trưa, mày không tết được tao, thì tao bỏ tù. Tao báo trước cho mà biết.

Ông lý run bắn người, nghĩ ngay đến mai là mồng một tết mà mình phải giam trong trại.
Ông bèn khom khom bê hai thúng khoai ra để ở góc hè, bỏ tờ giấy bạc vào túi, rồi ra phía cổng.

Rời khỏi nha môn, ông lý chạy vạy khắp nơi để vay tiền mà không được. Sau cùng, ông phải đem cái triện đồng lý trưởng nộp cho hiệu cầm đồ để vay được 1 đồng. Đã có đủ hai đồng tết quan, ông nhẹ nhõm quay lại công đường. Sự việc tiếp theo diễn ra như sau:
Ông đặt đĩa tiền ở góc bàn, sắp bẩm một câu chiếu lệ. Nhưng ông huyện đã vui vẻ, nói ngọt ngào ngay:

- Đấy, các thầy chỉ được nghề nói dối quan là tài. Từ nay không nên thế. Thôi được, có lòng thành ta cảm ơn.

Nói đoạn, quan phụ mẫu nhanh nhẹn gión món tiền, bỏ túi.

Sự việc đến đây có vẻ đã kết thúc, nhưng không phải vậy. Xin độc giả nhớ lại lúc quan xỉ vả “cái mả khoai lang” và bảo ông lý “đem nó đi ngay, đừng làm bẩn công đường” chỉ cách đó mấy canh giờ, để hiểu rằng đoạn tiếp theo đây mới là sự kết thúc một cách hài hước bất ngờ của tấn trò mà quan đã diễn:

Rồi cũng chẳng ngượng nghịu tí nào, và làm như động lòng thương người thuộc hạ phải gồng gánh nặng nề, ngài dịu dàng nói:

- Thế còn hai thúng khoai ban nãy đâu, đem vào đây nhé.

Từ điển Bách khoa Việt Nam đã rất chính xác khi viết rằng: “Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót”.

Nguyễn Công Hoan sống mãi
Vì đã đạt đến thượng đỉnh của nghệ thuật trào phúng để phê phán xã hội, nên Nguyễn Công Hoan dường như không có nhiều hứng thú để viết theo cách khác. Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, khi miền Bắc nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, thì văn học hiện thực phê phán không còn được chấp nhận nữa, mà mọi người đều phải sáng tác theo đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa để ca ngợi chế độ ta tươi đẹp, nhân dân ta anh hùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng quang vinh. Nguyễn Công Hoan hầu như đã từ bỏ nghệ thuật trào lộng, mà chuyển sang sử dụng nguồn vốn sống phong phú đã tích lũy lâu năm để viết nên các truyện dài “Tranh tối tranh sáng”, “Người cặp rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn 1930”, “Hỗn canh hỗn cư” và tiểu thuyết “Đống rác cũ”. Nhưng các truyện này chưa gây được nhiều hứng thú trong độc giả bằng những tác phẩm trước đó của ông. Riêng “Đống rác cũ” (xuất bản năm 1963) còn bị phê phán là xa rời hiện thực xã hội chủ nghĩa và có khuynh hướng luyến tiếc chế độ xưa, khiến cho nó trở thành tác phẩm kết thúc thời kỳ sáng tác sung sức của Nguyễn Công Hoan.

Nhưng rồi thực tiễn cuộc sống vẫn phát triển theo quy luật khách quan của nó và những tấn trò đời vẫn tiếp tục tồn tại, dù cho người ta có được phép viết về chúng hay không. Mặc dù những ông quan phụ mẫu mặc áo dài khăn đóng đeo thẻ bài ngà đã biến mất từ lâu, để thay thế bằng các đồng chí cán bộ mặc áo đại cán bốn túi đi dép râu trong cơ chế quan liêu - bao cấp, rồi lại được thay bằng thế hệ cán bộ - công chức mặc âu phục đeo cravat đi giày da bóng lộn của thời đổi mới mở cửa hiện đại, thì những thói hư tật xấu của con người cũng vẫn còn nguyên,

ma lực của đồng tiền vẫn tác oai tác quái và nạn tham nhũng không hề thuyên giảm mà dường như còn tăng hơn trước bội phần.

Các quan tham ngày nay không đặt đĩa trên bàn làm việc, không cần vét những đồng tiền của dân đen đặt trên đó, nhưng chúng ăn bẫm hơn nhiều, không chỉ những bao thư dầy mỏng đựng tiền các loại của dân chúng, mà còn ăn bạc tỷ công quỹ qua những dự án khổng lồ theo từng nhóm lợi ích trong hệ thống công quyền. Các quan tham ngày nay chẳng thèm gánh khoai lang của ông lý nghèo kiết, mà họ ăn đất đai, rừng rú, nhà cửa, bê tông, sắt thép và tất tật những gì có thể kiếm chác được.

Nhận thấy tham nhũng đã trở thành “Quốc nạn nội xâm”, người ta đã lập ra những cơ quan phòng chống tham nhũng, áp dụng nhiều biện pháp để chống bọn giặc nội xâm đó, báo chí cũng phanh phui nhiều vụ ăn bẩn của các quan tham khiến nhiều kẻ phải đi tù. Nhưng số kẻ bị trừng trị chẳng thấm vào đâu so với đội ngũ trùng trùng điệp điệp của những kẻ “chưa bị lộ” luôn coi khinh những biện pháp chống lại mình. Trước tình hình đó, những người lương thiện cảm thấy sự thiếu vắng của những tác phẩm văn học phanh phui những tấn trò đời chướng tai gai mắt đang diễn ra hàng ngày. Vì thế, người ta lại nhớ về những cây bút hiện thực phê phán bậc thầy như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng...; và đặc biệt về Nguyễn Công Hoan, người đã phê phán nạn tham nhũng đến từng chân tơ kẽ tóc.

Chính vì lẽ đó mà Nguyễn Công Hoan sẽ sống mãi trong lòng dân tộc cùng những tấn trò đời cực kỳ đặc sắc do ông tạo dựng./.

Tác giả bài viết: Ts. LÊ VINH QUỐC







0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉