Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Nguyễn Công Hoan - Vương Trí Nhàn

Rating:★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nhà phê bình Vương Trí Nhàn
Vài nét tiểu sử
Nguyễn Công Hoan sinh 6-3-1903, mất 6-6-1977. Tác phẩm chính: Kép Tư Bền (1935), Bước đường cùng (1939), Đống rác cũ (1963), Đời viết văn của tôi (1971), Nhớ gì ghi nấy (bản in đầy đủ 1998).


Những cái nháy mắt tinh nghịch

Trong các cuốn từ điển cùng sách giáo khoa dùng ở phổ thông và đại học, Nguyễn Công Hoan thường được đánh giá xác đáng như nhà văn tả chân độc đáo, một trong những tác giả tiêu biểu của trào lưu hiện thực phê phán trong văn học tiền chiến. Nhưng với các truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thời kỳ đó, luôn luôn người ta còn có thể đọc ra những mối liên hệ sâu xa với văn học dân gian và qua ông, hiểu thêm thực trạng của những người cầm bút đương thời.
Trạng là một loại nhân vật đặc biệt của văn học dân gian Việt Nam, biểu tượng tập trung của trí thông minh và cách sống khôn ngoan mà những người dân bình thường vốn ưa thích. Dù sống ở thời nào và khoác tên gì, song các nhân vật trạng đều giống nhau ở chỗ tinh ranh ma quái, giỏi biến báo, và nhất là giỏi đối đáp. Trước những tình thế khốn quẫn, những nghịch cảnh trớ trêu, họ linh hoạt tìm ngay được cách thích ứng. Không làm gì, nhưng họ biết tất cả. Không để bị ai lừa, họ còn luôn luôn "đi guốc trong bụng thiên hạ". Lại cũng do biết nhiều quá, nên một triết lý hư vô thường cũng phảng phất trong cách nhìn đời của các trạng. óc thực tế chắc chắn cộng với một trí tưởng tượng hồn nhiên thường trực, đã giúp cho các trạng nhìn đâu cũng thấy chuyện buồn cười, dù sau khi cười, họ cũng không biết làm gì hơn!
Trước khi trở thành nhân vật của các truyện cười dân gian, các loại trạng nói trên đã thả sức tung hoành trong xã hội trung cổ Việt Nam nhiều thế kỷ. Sang thời hiện đại, trong khi các truyện trạng trong quá khứ bắt đầu được sưu tầm ghi chép, thì các trạng hiện đại tiếp tục hành nghề. Lại có những nhà văn hấp thụ được cái mạch truyện cười dân gian đó để viết đều đều, chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Công Hoan, cây bút cả đời sống đạo mạo trong nghề dạy học, song vẫn mang tâm hồn nghịch ngợm trẻ trung của một thứ trạng hiện đại.


Tấn kịch nhân gian

Có nhiều dấu hiệu khác nhau để xác nhận sự vững vàng và lý do tồn tại thật sự của một ngòi bút, song dấu hiệu quan trọng nhất có lẽ là khả năng của ngòi bút đó trong việc áp đặt một cách nhìn đời riêng cho bạn đọc. Thế giới do nhà văn tạo nên có thể lớn có thể nhỏ. Nhưng thế giới đó phải có sức sống nội tại, phải thống nhất lại theo những quy luật riêng, cái cung cách riêng mà chỉ nhà văn đó mới có.
Trong giới cầm bút ở xứ ta thế kỷ này, Nguyễn Công Hoan thuộc về một số ít ỏi những người tìm được lý do tồn tại thật sự như vậy. Từ cách khái quát hiện thực, cho tới cách dựng truyện, cách tìm nhân vật, cách đặt câu dùng chữ, văn ông luôn luôn có một thần thái riêng trộn không lẫn. Mà nguồn gốc của tất cả những cái làm nên thần thái riêng ấy là một lối nhìn đời theo kiểu trạng dân gian trên kia đã nói. Vào các trang sách của ông, cuộc sống xã hội Việt Nam thuở giao thời hiện lên với không biết bao nhiêu là vớ vẩn nhảm nhí. Đám nhà giàu xổi mới nảy nòi, nhố nhăng lố bịch (Cô Kếu gái tân thời, Nỗi lòng ai tỏ, Một tấm gương sáng); bọn quan lại keo bẩn ngu dốt, sẵn sàng làm bất cứ việc gì xấu xa, miễn bóp nặn được người dân và thăng quan tiến chức (Thật là phúc, Cái nạn ô tô, Xuất giá tòng phu...). Sự suy đồi phong hóa diễn ra ở khắp mọi nơi, trong mọi gia đình (Mất cái ví, Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn...). Từ thành thị đến nông thôn những người dân thường túng bấn, nghèo khổ, chìm đắm trong cảnh tối tăm vô nghĩa (Sáng chị phu mỏ, Thanh! Dạ, Quyền chủ, Chính sách thân dân...). Bằng một cách nói có phần táo tợn, trong cuốn hồi ký Đời viết văn của tôi (ĐVVCT) (in ra năm 1971, lúc nhà văn đã 68 tuổi), Nguyễn Công Hoan từng nhiều lần trình ra những "đức tính" bẩm sinh chẳng có gì hay ho của mình lúc còn trẻ, nào là "khinh thế ngạo vật" "nghịch ngợm ranh mãnh", thích tìm những thói xấu của người chung quanh để trêu ghẹo, đôi khi trở thành bất nhẫn "hư đốn, mất dạy" (trích ở ĐVVCT, các trang 42, 45). Trong những lời lẽ đó, không phải chỉ có chút ít thậm xưng, mà còn rất nhiều sự thực. Bàng bạc sau các câu chuyện tức cười là một khái quát thản nhiên về thói đời đen bạc. ở đời có ai tốt bụng với ai đâu, người ta chỉ tỏ ra tử tế khi cảm thấy có lợi, giống như người đàn bà nọ, hết lòng trông nom một người ốm chỉ vì biết chẳng bao lâu người ốm đó sẽ chết, và mình sẽ xin được mái tóc (Tôi xin hết lòng). Hoặc ông chủ nhà đòn đám ma mang lê táo đến thăm một gia chủ, cốt để xí phần trông nom ma chay (Một tin buồn). Bởi vậy, sẽ là ngớ ngẩn, nếu ta tin ở những lời hứa hão, như lời hứa trở về của người vợ đi du học ở nước ngoài (Thế là mợ nó đi tây), hoặc lời mời chào của một kẻ thị dân trong cơn túng quẫn (Thằng điên). Theo cách trình bày của Nguyễn Công Hoan, sự nông nổi phải được xem như một thứ bản tính thứ hai của con người. Với sự nông nổi ấy, người ta đã làm bao tội ác mà không hay biết, tình thế trớ trêu chẳng khác cảnh đám lính huyện lỵ nọ hùa nhau chôn sống cười cợt trên sự đau đớn của một con ngựa già, hoặc một ông tri châu bắn bừa bắn bãi sáu mạng người - thực ra là những kẻ vô tội - sau đó vu cho họ là giặc, và đi báo quan trên lĩnh thưởng.

Không phải ngẫu nhiên, trong hồi ký, Nguyễn Công Hoan kể lại rằng khi đi học, có lần thầy giáo ra đầu bài "ở đời anh có hy vọng gì", ông đã viết có mỗi một câu "ở đời tôi không có hy vọng gì cả", rồi đem nộp.
Để hiểu cái đành hanh khinh bạc trong nhiều truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, có lẽ nên xem mẩu chuyện bâng quơ đó như một thứ chìa khóa đích thực. Khinh bạc, hư vô, bi quan đến cùng cực trước sự đời, nên trong nhiều tác phẩm, ông đã đứng ra vạch vôi vào những gì gọi là giá trị, là tốt đẹp, từ vẻ nghiêm chỉnh của một ông giáo (Thầy cáu) tới cái mải miết của một kẻ đi theo dõi các hành tung nghi vấn (Cái lò gạch bí mật), từ sự trịnh trọng của một ông đồ già viết phúng điếu (Xin chữ cụ nghè) cho tới những lời quảng cáo của một gánh hát nghèo nơi tỉnh nhỏ (Đào kép mới). Với Nguyễn Công Hoan, hình như bao giờ cũng thế, không có gì mới trên đời này cả!


Kẻ sống bên lề

Trong số các nhà văn Việt Nam sống và viết ở thế kỷ XX, Nguyễn Công Hoan thuộc loại viết khỏe, viết nhiều bậc nhất. Truyện dài đã in của ông lên tới trên 30 quyển, bao gồm cả những tiểu thuyết dài dài và nổi tiếng bởi những lý do khác nhau như Tắt lửa lòng, Lá ngọc cành vàng, Bước đường cùng. Truyện ngắn - lĩnh vực bộc lộ đầy đủ văn tài của ông - cũng vậy, số lượng những cái ông đã cho in đâu những trên 200, mà riêng số thật hay, thường được in đi in lại cũng đến dăm sáu chục. Vào dịp Nguyễn Công Hoan lên lão 60, với tư cách một kẻ hậu sinh, một cậu học trò, nhà văn Tô Hoài đã ghi nhận "Lực lưỡng như một tay đô vật không có địch thủ, từ Kiếp hồng nhan tới nay, truyện ngắn truyện dài Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo Ba Vì hùng vĩ, vượt qua cả hai thời kỳ, tiến vào Cách mạng tháng Tám" (Kiếp hồng nhan là tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Công Hoan in ra năm 1923; hai thời kỳ nói ở đây là trước và sau 1930 - V.T.N).
Ấy vậy mà trước sau Nguyễn Công Hoan không sống hẳn về nghề văn. Nghề tay phải của ông vẫn là nghề dạy học. Chẳng ai ngăn cản, mà chủ ý của ông là vậy. Nghe người ta gọi mình là nhà văn, ông thấy ngần ngại.
Nguyễn Công Hoan chỉ nhận mình là người viết văn, thế thôi! Mỗi lần có thể được, ông đều tìm cách làm ngược những điều thiên hạ quen hình dung về các nhà văn, coi đó làm vui. Ví như xưa nay ai cũng nghĩ người viết văn phải đọc sách nhiều. Thì ông công khai bảo là rất ngại đọc sách, có những cuốn rất nổi tiếng đã cầm lấy rồi, cũng chỉ đọc ít trang rồi bỏ.

Người ta chỉ có thể hiểu được những điều ấy, nếu nhớ tới cá tính riêng của Nguyễn Công Hoan và nhất là đặt con người ông, nhân cách ông, trong mối quan hệ với cái môi trường mà ông chịu nhiều ảnh hưởng. Thời gian hình thành tính cách của ông là hai chục năm đầu của thế kỷ. Tuy lúc ấy chế độ thực dân đã được xác lập để dần hướng xã hội theo hướng tư bản, song tàn tích phong kiến còn rất nặng. Bản thân Nguyễn Công Hoan lại lớn lên trong một gia đình quan lại, loại quan nhỏ, sống có phần thanh bạch. Lý tưởng phong kiến - ở cái phần thanh cao tốt đẹp - cộng với cảm hứng dân gian lành mạnh đã giúp cho ông một thái độ sống có lương tri, thương người nghèo, ghét kẻ giàu, nhất là luôn luôn cười giễu những cái xấu xa dơ bẩn. Nhưng quan niệm phong kiến về văn hóa vốn nghiệt ngã. Nó rất ghét những gì gọi là phi chính thống vượt ra ngoài khuôn khổ. Nói chung thì đó là một quan niệm hẹp hòi khô cứng. Có lẽ là do tâm thức ăn sâu những quan niệm kiểu đó, nên một người thạo viết quen viết, sinh ra để viết, như Nguyễn Công Hoan, chỉ coi những chuyện mình viết ra là để cười cợt cho vui, mà không phải việc nghiêm chỉnh. Mặt khác, cũng phải nhận là vào thời Nguyễn Công Hoan viết nhiều viết khỏe, nghề viết văn ở Việt Nam chưa ra quy củ nền nếp gì cả. Những điều mà Nguyễn Công Hoan mang rêu rao (nào là ở đây "như một cái chợ", quá nhiều kẻ tầm thường theo đuổi những cái danh hão; nào là "một dạo người ta sợ những người làm nghề cầm bút như sợ... hủi") không phải là không có lý. Quá trình dân chủ hóa trong xã hội bấy giờ vừa mới bắt đầu thì đã bị làm hỏng. Cách nhìn cao ngạo, lối sống bên lề mà Nguyễn Công Hoan lựa chọn là một cách phản ứng trước thời đại. Sự phản ứng ấy lại nhiều phần phù hợp với bản chất tự do của sự sáng tạo và cũng ăn nhịp với xu hướng vận động của lịch sử, nên đã góp phần giải phóng ở Nguyễn Công Hoan một sức làm việc dồi dào mà mỗi lần nghĩ tới, không ai là không kính phục.






Nguyễn Công Hoan


Với tư cách tác giả tiểu thuyết Bước đường cùng và nhiều truyện ngắn ghi lại tình cảnh bần cùng của người nông dân Việt Nam trước 1945 như Thịt người chết, Chiếc quan tài, Đi giày, Công dụng của cái miệng v.v... Nguyễn Công Hoan có vẻ như một tác giả của nông thôn. Các tài liệu nghiên cứu cũng thường nhấn mạnh ông từng dạy học ở nhiều vùng thuộc các tỉnh xa: ở Kinh Môn, ở Trà Cổ, ở Lào Cai, Thái Bình, v.v...
Nhưng chính Nguyễn Công Hoan đã học ở trường Bưởi Hà Nội từ khi chưa đầy mười tuổi. Ông còn nhớ rất rành mạch cuộc sống khi nội trú trong trường, khi ra trọ ở Hàng Hài (phố Hàng Bông hiện nay)... Nói chung nhiều mặt đời sống Hà Nội những năm ấy, còn được ghi lại trong các tập Đời viết văn của tôi, Nhớ và ghi. Nào là vụ dịch tả ở Hà Nội hè 1914; nào cảnh người ngoài phố giàu có bấy giờ còn đi xe ngựa song mã, độc mã, các thày giáo ở trường Bưởi còn đội khăn, đi giày ta, bít tất trắng. Nào những hiệu bán sách vở giấy bút, nào hiệu cho thuê xe đạp để tập, v.v... Chúng ta có thể nhận xét tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cậu học sinh này rất hóm, nghịch, hay tò mò để ý mọi chuyện, và hay phá quy tắc “vượt rào” làm chuyện ngược đời. Mặt khác, từ nhỏ, Nguyễn Công Hoan đã quen với nhân tình thế thái người phường phố, thành thạo sự đời, và chả coi cái gì làm quan trọng. Đấy là những đặc tính ăn sâu vào cách nhìn của ông trước đời sống. Thành thử, tuy không phải bao giờ cũng trực tiếp đả động đến chuyện Hà Nội, nhưng trong cái nhìn của ông, chất Hà Nội rất rõ.
Không bao giờ ông tỏ ra ngây thơ dại dột mắc lừa người khác. Dân con buôn Hà Nội có định “chơi” ông thì ông “chơi lại, chứ không kém cạnh” (chữ của Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi).
Cũng chính là ở Hà Nội, mà Nguyễn Công Hoan làm quen với những người viết văn, viết báo đương thời, và sống trong giới những người làm nghề này một cách thoải mái, Nguyễn Công Hoan kể: Do trọ học ở Hàng Hài, mà ông sớm làm quen với Tản Đà. “Ông Tản Đà thấy tôi khôi ngô, lanh lợi, nên tuy tôi ít tuổi hơn ông nhiều, nhưng ông không coi tôi như trẻ con”. Mối giao tình giữa Nguyễn Công Hoan và Tản Đà kéo rất dài, đến nỗi, sau này, có người ngạc nhiên, tại sao một người trữ tình duyên dáng như Tản Đà, lại rất thân với một người bông phèng, tinh quái như Nguyễn Công Hoan. Và người ta bảo tác giả Bước đường cùng là một thứ “quái thai” của tác giả Khối tình con (!). Có điều là dù bông phèng thế nào, bao giờ Nguyễn Công Hoan cũng dành cho Tản Đà những dòng rất trân trọng.

Không những làm quen với Tản Đà, Nguyễn Công Hoan còn gặp gỡ nhiều nhân vật có tiếng hồi ấy, như Mâu Châu Nguyễn Mạnh Bổng, Ngẫu Trì Trịnh Đình Rư và nhiều người khác.


“Tôi thích đến chơi với các nhà văn ấy. Tôi coi họ như các anh. Họ cũng coi tôi như em nhỏ. Tôi đến với họ, chỉ để nghe chuyện hơn là để góp chuyện... Nhiều lần trí tò mò của tôi được thoả mãn. Họ rất tinh quái. Những buổi đến với họ, dù ngồi đến khuya, tôi cũng không tiếc thì giờ, khi về còn lấy làm khoan khoái”.
Nguyễn Công Hoan thường bảo mình viết văn do năng khiếu và người ta nói chung viết được là do trời sinh ra, không có bài bản nào sẵn, không có trường sở nào dậy được. Nhưng chẳng phải cái môi trường trong đó có Tản Đà và những người vừa kể đã thúc đẩy ông đến với nghề văn một cách mạnh mẽ?
Về sau, dù đi dạy học ở xa, Nguyễn Công Hoan thường vẫn gắn bó với đời sống văn học Hà Nội. Ông biết tường tận xu hướng cách làm ăn của từng tờ báo. Có khi nghỉ hè, ông về Hà Nội để trông nom báo giúp bè bạn, như giúp Đỗ Văn trông nom tờ Nhật Tân hoặc bàn với Tản Đà việc tái bản An Nam tạp chí. Nơi Nguyễn Công Hoan gắn bó nhiều hơn cả là nhà Tân Dân. Vũ Đình Long là chỗ quen biết với ông từ hồi đi học, khi bắt đầu ra Tiểu thuyết thứ bẩy, có bàn kỹ với Nguyễn Công Hoan. Nhiều tác phẩm của ông đã in ở đấy.
Thế còn sáng tác? Trên đây, chúng ta đã nói Hà Nội mang lại cho ông một cái nhìn. Do những thành thạo của người “kẻ chợ”, đi nhiều biết nhiều, ông không bao giờ rơi vào lý tưởng hoá cảnh điền viên ở nông thôn như một số nhà văn lãng mạn thường làm.
Mặt khác, ông vẫn viết nhiều về chính “chốn thị thành”. Vốn liếng của tác giả khá phong phú. Chính ta có thể lọc ra ở truyện ngắn Nguyễn Công Hoan những chi tiết liên quan đến nhiều lớp người.
- Phu xe, nhà thổ nghèo, không có cả chỗ hành nghề (Người ngựa và ngựa người); các loại ăn mày, ăn cắp “nghiệp dư” bất đắc dĩ (Bữa no đòn, Cái vốn để sinh nhai; dân đi ở ngu ngơ bị cả chủ lừa (Thằng Quýt).
- Các loại me tây hoặc lưu manh mới nẩy nòi làm giàu, học đòi: Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Cô Kều gái tân thời.
Ngoài ra, Nguyễn Công Hoan còn miêu tả cảnh đào kép ở các rạp hát rẻ tiền hoặc lớp công chức nhỉnh hơn một chút (Tôi cũng không hiểu tại làm sao v.v...) Như tác giả kể trong Đời viết văn của tôi, truyện Đào kép mới được viết khi ông đang ở Nam Định, nhưng nhiều chi tiết lại lấy ở hai rạp tuồng Năm Chấn và Thông Sang ở Hà Nội mà Nguyễn Công Hoan quen từ thuở nhỏ. Hà Nội đã cung cấp một kho vốn sống vô tận, tác giả còn dùng đến nó trong nhiều năm về sau.

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉