Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

NGUYỄN HOÀNH KHUNG - Nguyễn Công Hoan (6/3/1903 – 6/6/1977)


Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.



NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.




NGUYỄN CÔNG HOAN (6/3/1903 – 6/6/1977)

NGUYỄN HOÀNH KHUNG


Nhà văn Việt Nam; một trong những đại biểu ưu tú của trào lưu văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám. Sinh tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng, trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế, bất mãn với xã hội thực dân và bọn quan lại mới. Lúc nhỏ, học ở trường Bưởi; 1922, học Trường cao đẳng sư phạm. Sau khi tốt nghiệp (1926), dạy học cho tới Cách mạng tháng Tám. Bị chính quyền thực dân không ưa, Nguyễn Công Hoan phải đổi đi nhiều nơi: thị xã Hải Dương, huyện Nam Sách, Kinh Môn, thị xã Lào Cai, thành phố Nam Định, Trà cổ... Ông bắt đầu viết truyện từ 1920; 1922, viết những tập Truyện thế gian giúp Tản Đà thư điếm ở Hà Nội. Tập truyện ngắn in đầu tiên là Kiếp hồng nhan (1923). Từ 1930, thường xuyên viết mục Xã hội ba đào ký trên Annam tạp chí của Tản Đà và được dư luận chú ý. Từ đó, Nguyễn Công Hoan sáng tác liên tục vừa truyện ngắn, vừa truyện dài, có mặt thường xuyên trên báo chí và văn đàn công khai đương thời.

Nguyễn Công Hoan có biệt tài về truyện ngắn trào phúng. Đó chính là bộ phận sáng táccó ý nghĩa nhất của ông đối với văn học dân tộc. Tập Kép Tư Bền gồm 15 truyện xuất bản tháng 6 năm 1935, gây một tiếng vang lớn khi đó. Với hàng trăm truyện ngắn trào phúng, ông đã dựng nên bức tranh sinh động về cái xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác, đầy dẫy bất công, giả dối, thối tha đương thời; đả kích không thương tiếc bọn quan lại tàn ác, tham lam, bỉ ổi, bọn địa chủ cường hào keo bẩn, ngu dốt, bọn tư sản vô lương tâm chỉ biết chạy theo đồng tiền và lối sống tư sản lố lăng, đồi bại... Đồng thời, nhà văn thể hiện khá chân thực, cảm động tình cảnh cơ cực của những người nghèo khổ, từ người phu xe, anh kép hát, em bé ăn mày, những "con sen", "thằng nhỏ" ở thành phố... đến người nông dân ở nông thôn, người công nhân ngoài hầm mỏ... Ông đã bênh vực họ khi họ bị xã hội ức hiếp khinh miệt, vu oan giá hoạ. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), ngòi bút trào phúng của ông càng sắc bén và mang tính chiến đấu mạnh mẽ. Ở nhiều truyện, nhà văn hướng tới những vấn đề thời sự, chính trị nóng bỏng đương thời, đả kích những âm mưu, chính sách lừa bịp của chính quyền thực dân. Tuy vậy, tiếng cười trào phúng của Nguyễn Công Hoan cũng có khi còn thiếu một nội dung xã hội nghiêm túc. Do chưa có được sự gắn bó thật sâu sắc với nhân dân lao động nghèo khổ nên tuy đứng về phía họ, bênh vực họ, ông vẫn nhìn họ chưa thật chính xác, tin yêu, có khi còn hài hước mỉa mai. Về nghệ thuật, Nguyễn Công Hoan tỏ ra khá già dặn, độc đáo trong thể loại truyện ngắn trào phúng. Ông giỏi phát hiện những tình huống mâu thuẫn đáng cười và có cách kể chuyện thật tự nhiên, có duyên, hấp dẫn, với một ngôn ngữ sinh động, rất gần khẩu ngữ hàng ngày.

Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Công Hoan còn là tác giả của hơn hai chục truyện dài. Nhìn chung, truyện dài Nguyễn Công Hoan không có giá trị như truyện ngắn của ông. Những truyện viết thời kỳ đầu (Tắt lửa lòng, 1933; Lệ Dung, 1934; Lá ngọc cành vàng, 1935...) thường kể những mối tình éo le, trắc trở, bi thảm; tuy có những yếu tố phê phán xã hội, nhưng chủ yếu được viết bằng phương pháp lãng mạn chủ quan, nhiều tưởng tượng dễ dãi, ít chân thực. Khá hơn cả là Lá ngọc cành vàng, một truyện cảm động, phê phán lễ giáo và bọn quan lại phong kiến tàn ác, khinh miệt người nghèo. Cô giáo Minh (1935) là một tiểu thuyết luận đề mang nặng tư tưởng bảo thủ, chủ trương giải quyết xung đột "mới, cũ" bằng sự thoả hiệp, thực chất là đầu hàng của "phái mới" đối với "phái cũ", trái với giải pháp "đoạn tuyệt" đại gia đình phong kiến để giải phóng cá nhân trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, truyện dài Nguyễn Công Hoan chuyển mạnh sang khuynh hướng hiện thực phê phán với Ông chủ (1935), Bà chủ (1935), Bơ vơ (1936), Nhật ký cô làm công (1936), Bước đường cùng (1938), Cái thủ lợn (1939)... Ông chỉ đề cập đến chủ đề nông dân địa chủ khá thành công.

Đó là chuyện một tên chủ ấp dâm đãng, quỷ quyệt, tàn bạo, đã bày mưu đặt kế cướp vợ người tá điền nghèo, rồi vợ chồng hắn lại vu oan cho anh, đánh đập anh đến chết.

Bước đường cùng là một tác phẩm đặc sắc viết về nông thôn Việt Nam đương thời, vạch rõ quá trình phá sản không cưỡng được của người nông dân dưới sự áp bức, bóc lột tàn tệ của giai cấp địa chủ phong kiến, đồng thời hé ra con đường đấu tranh để giành quyền sống của họ. Ngòi bút Nguyễn Công Hoan đang sung sức, tiến bộ do tiếp thu được ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Dân chủ do Đảng lãnh đạo thì xã hội Việt Nam bước vào một thời kỳ hết sức đen tối. Vốn dễ gần gũi với tư tưởng phong kiến bảo thủ, khi mất phương hướng, Nguyễn Công Hoan đã viết những tác phẩm bảo thủ, lạc hậu, tiêu biểu là Thanh đạm (1942). Thanh đạm lý tưởng hoá một nhân vật quan lại phong kiến xuất thân khoa bảng. Tác phẩm còn thi vị hoá lễ giáo và trật tự phong kiến với cái tôn ti trật tự có tính chất nô lệ, do đó, hạ thấp vai trò và nhân cách nhân dân lao động. Tác phẩm đã bị báo chí cách mạng bí mật và dư luận tiến bộ phê phán.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Công Hoan hăng hái tham gia công tác cách mạng: ông làm Giám đốc kiểm duyệt báo chí Hà Nội, rồi Phó giám đốc Sở tuyên truyền Bắc Bộ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhà văn gia nhập bộ đội, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân và Giám đốc Trường văn hoá cán bộ quân nhân của Bộ Tổng tư lệnh, đồng thời, là Chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo. Sau khi hoà bình lập lại (1953), ông công tác hẳn ở Hội văn nghệ Việt Nam, làm cán bộ Nhà xuất bản Văn nghệ. Khi Hội nhà văn thành lập (1957), ông được bầu làm Chủ tịch Hội khoá đầu (1957 - 1958) và Uỷ viên Ban thường vụ trong các khoá chấp hành Hội tiếp sau đó, đồng thời, là Uỷ viên ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Công Hoan ít sáng tác, nhưng sau ngày hoà bình, ông trở lại sáng tác đều đặn. 1955, Nguyễn Công Hoan cho in Nông dân và địa chủ, tập truyện ngắn về cải cách ruộng đất. Những ngày tháng Tám ở Côn Đảo và Người cặp rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn năm 1930 (1960) ghi lại những hồi ức của các chiến sĩ cách mạng và của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong nhà tù Côn Đảo. Nguyễn Công Hoan có ba truyện dài về xã hội Việt Nam trước cách mạng: Tranh tối tranh sáng, (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (mới in tập I, 1963). Với vốn sống phong phú và ánh sáng của nhận thức mới, Nguyễn Công Hoan đã lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp, phát xít Nhật và bộ mặt phản động, xấu xa của bọn quan lại, tư sản, địa chủ, cường hào; đồng thời, đã cố gắng thể hiện vai trò quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng vô sản. Nhưng những tác phẩm đó còn có những nhược điểm về tư tưởng và nghệ thuật: chất liệu hiện thực bề bộn chưa được khái quát sâu sắc, các nhân vật chưa thật có sức sống, kết cấu chưa chặt chẽ, nhiều chi tiết vụn vặt, rườm rà, đôi khi sống sượng, đậm tính chất tự nhiên chủ nghĩa, nhất là trong Đống rác cũ. Với sự quan tâm và hiểu biết phong phú về truyền thông văn học và ngôn ngữ dân tộc, Nguyễn Công Hoan còn viết những tiểu luận về Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Thiện Kế, Ngô Tất Tố, Tản Đà... đăng trên các báo chí văn học. Tập hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) cung cấp nhiều tài liệu sinh động về đời sống văn học Việt Nam trước 1945.

Nguyễn Công Hoan mất tại Hà Nội, để lại một số bản thảo truyện dài, bút ký, hồi ký, tiểu luận đã hoặc đang hoàn thành. Với hơn năm mươi năm lao động văn học bền bỉ, có mặt trên văn đàn ngay từ khi nền văn xuôi "quốc ngữ" còn non nớt, Nguyễn Công Hoan có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của văn xuôi Việt Nam. Hàng trăm truyện ngắn đặc sắc và tiểu thuyết Bước đường cùng đã khẳng định vị trí hàng đầu của nhà văn trong trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.


(Từ điển văn học, tập II, NXB KHXH.1984)





0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉