Ads 468x60px

.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

NGUYỄN THANH TÚ - Kịch hoá trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần I: Nguyễn Công Hoan - Nhà văn hiện thực lớn, bậc thầy truyện ngắn trào phúng.


KỊCH HOÁ TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN CÔNG HOAN

NGUYỄN THANH TÚ


Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đã đem lại tiếng cười bằng một hình thức nghệ thuật mới: kịch hoá trần thuật. Đây có thể xem là một yếu tố đổi mới trần thuật, làm phong phú loại hình kể chuyện, làm giàu cho nghệ thuật tự sự trong văn học Việt Nam ở thế kỷ này.


I. VỀ KHÁI NIỆM "KỊCH HOÁ TRẦN THUẬT"
Trần thuật là "phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định".
Lý thuyết tự sự trước nay ghi nhận hai hình thức trần thuật: trần thuật ở ngôi thứ ba (khách quan hoá) và trần thuật ở ngôi thứ nhất (chủ quan hoá). Nhưng cách phân biệt này mới chỉ dừng ở hình thức bề ngoài chứ chưa đi sâu vào phương thức tự sự bên trong. Có khi trần thuật ở ngôi thứ nhất nhưng vẫn khách quan. Sự phân biệt này còn dẫn đến chưa xem người kể đứng gần hay xa các sự kiện, nhân vật trong truyện một cách cụ thể.

Hiện nay, người ta còn nêu vấn đề kịch hoá trần thuật. Kịch hoá trần thuật là một bước cụ thể hoá hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất. Người kể được nhân vật hoá. Nó thoả mãn hai chức năng: chức năng miêu tả các biến cố, sự kiện và chức năng phát hiện ra thế giới bên trong của nhân vật - người trần thuật. Người kể đóng vai nhân vật, do vậy tất yếu phải tự biểu diễn với một thái độ, tình cảm nhất định, với ngôn ngữ, giọng điệu của một con người cụ thể. Vì thế, câu chuyện không chỉ lôi cuốn sự chú ý của người đọc theo dòng các biến cố mà còn lôi cuốn người đọc vào cả lời kể, cách kể.

Từ đó mà nảy sinh hai hiệu quả: tạo ảo giác ở độc giả về tính khách quan của nội dungcâu chuyện và thể hiện đậm nét dấu ấn chủ quan của người kể chuyện.


II. KỊCH HOÁ TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN CÔNG HOAN

1. Một vài vấn đề chung
Truyện cười dân gian kể về một câu chuyện tự nó vốn đã buồn cười. Cái cười ở đây lộ liễu, dễ thấy. Ví dụ truyện Đến chết vẫn hà tiện thì dân gian cười tính hà tiện của anh nhà giàu nọ. Do vậy, truyện cười dân gian không được kịch hoá.

Đến truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan, theo quan niệm của chúng tôi, đã xuất hiện cái cười mới, cao hơn, sâu sắc hơn cái cười thông thường. Tiếng cười của ông chĩa vào từng sự tha hoá trong xã hội, qua đó mà tầm phổ quát của nó là tố cáo trạng thái tha hoá của toàn xã hội. Ngoài nhu cầu mỉa mai, đả kích, trong truyện ngắn của ông còn có cả nhu cầu biểu hiện thái độ, tình cảm... Ngoài bản thân câu chuyện tự nó vốn đã buồn cười, nhà văn còn gây cười bằng chính lời kể, có cách kể kéo người đọc vào truyện. Để cho "xôm trò", tác giả cũng nhảy vào làm trò với nhiều kiểu cách khác nhau.

Khi tác giả nhảy vào làm trò, tức tác giả nhập vai nhân vật. Lúc này, điểm nhìn trần thuật là điểm nhìn từ nhân vật, từ bên trong. Kẻ cao đạo nói về thằng lưu manh là giọng bề trên nói về kẻ dưới. Như vậy, tất yếu tạo lập một khoảng cách. Kẻ khốn nạn nói về kẻ khốn nạn, khoảng cách sẽ bị phá vỡ. Vì đó là cái nhìn từ bên trong, cái nhìn tận gan ruột. Do vậy, nó rất thật. Nếu có bịa cũng là "bịa y như thật".

Nhà văn xưng "tôi" hoặc cho "tôi" xuất hiện là để phá vỡ khoảng cách trần thuật giữa chủ thể trần thuật và các sự kiện được trần thuật. Nói khác đi, là xuất phát từ nhu cầu kịch hoá trần thuật.

2. “Tôi” đóng trò ngốc nghếch, dớ dẩn
Theo Nguyễn Công Hoan, "... viết truyện là - đánh vào tình cảm của người đọc". Sự xuất hiện nhân vật "tôi" ngốc nghếch dớ dẩn này cũng là một cách đóng kịch. Cái tài của nhà văn là để "tôi" giả vờ (mà độc giả biết là giả vờ) nhưng độc giả cứ bị cuốn hút theo dòng biến cố. Ở đây là giả vờ chứ không phải nói dối. Nói dối là không thật, là đánh lừa. Giả vờ là vừa giả vừa thật. Giả vờ, trước hết phải như thật nhưng phải hé cho người đọc thấy điều giả vờ này không phải là thật. Như vậy "giả vờ" mang hiệu quả nghệ thuật lưỡng tính: thật mà giả, giả mà thật. Độc giả hồ nghi cứ muốn theo dõi tiếp sự phát triển của truyện.

Ngay ở phần đầu được mở rộng ở truyện Cái lò gạch bí mật, người kể đã "vô phép" độc giả vì "trong khi kể chuyện có điều gì sơ xuất xin được bỏ quá đi cho”. Nghĩa là chuyện sắp kể chưa chắc đã thật, mà nếu có thật hẳn chưa chắc đã tin được.
Trinh, có lẽ vì đọc quá nhiều tiểu thuyết trinh thám, nên mắc bệnh "trinh thám". Trinh nhìn điều gì cũng thấy cần phải "trinh thám” cả. Còn nhân vật "tôi" dớ dẩn đến mức Trinh bảo cái gì làm cái ấy. Người đọc buồn cười vì những câu nói ngây ngô này của "tôi":
"- Tiếng súng lục to bằng tiếng pháo tép hay pháo đùng?"
“- Nó (tức tang vật) treo trên tường hay để dưới đất?"


Nhưng cũng "tôi" lại có những liên tưởng thú vị chả dớ dẩn tí nào: "Trông bốn thằng chồm chỗm, đen ngòm, ngồi trên bốn góc thành tường cũng đen ngòm, tôi nghĩ ngay đến cái xe đám ma. Mà cũng may, nghĩ vậy, tôi tự nhiên thấy phấn chấn trong lòng. Vì nếu cảnh này giống cái xe đám ma, thì sao chả có một xác chết. Cái xác chết ấy bao giờ cũng ở giữa xe. Thế vị chi là thằng giết người chốc nữa nó chui vào giữa lò. Thế thì nó chết. Chúng tôi sống".

Như vậy, "tôi" giả vờ dớ dẩn với độc giả để dẫn chuyện. Chẳng dớ dẩn để đủ tỉnh táo xen vào ý nghĩ "xôm trò".

Ở truyện Lại chuyện con mèo, "tôi" lôi cuốn người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác qua các câu hỏi rồi tự trả lời: "Đi nhà thương?... Hay thằng Jean...?". Nhưng "Nó vẫn hồng hào, ngoan ngoãn...", "Đẻ? Ai đẻ? Hay bà chủ? Không có lý. Bà ấy mới có mang được bốn tháng... Hay là đẻ non?" Những câu hỏi cứ dồn dập và sự ước đoán vẫn "dớ dẩn": "Ô hay? Ba thằng Jean sắp đi? Chủ tôi sắp đi? Đi đâu? Không có lẽ ông lại đi nhà thương để đẻ". Người đọc dù có ngây ngô đến đâu cũng thừa hiểu "tôi" này giả vờ, vì làm gì có chuyện có mang "bốn tháng" mà "đẻ non", càng không có chuyện "ông chủ lại đi nhà thương để đẻ".
Tất cả những sự "dớ dẩn" ấy, để kết thúc câu chuyện "tôi" mới bật mở nguyên nhân quá đỗi bình thường: con mèo Mini của ông chủ sắp đẻ.

Ở những truyện Mánh khoé, Samandji, "tôi" cũng đóng trò ngốc nghếch dớ dẩn. Riêng ở truyện Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo lại là quá trình từ "ngốc nghếch" tới "khôn" của chàng Lê Hùng Dũng. Nhưng cái "khôn" của "tôi" là để tạo ra sự ngốc nghếch của "tôi" mới, tức một Lê Hùng Dũng mới.

3. “Tôi” đểu cáng, khốn nạn.
Mình khen mình, ngườì đời khó tin. Mình chê mình, người đời thường là tin, vì ở đời mấy ai "vạch áo cho người xem lưng".

Kể xấu người mà lấy "tôi" ra kể thì "thâm" thật. Còn phải kể đến có ai "bị chạm nọc, họ cũng không giận tác giả đã lật tẩy họ".

Trong Tôi tự tử, "tôi" tự kể chuyện của mình về "ngày ấy", thời "tôi" làm quan: "Tính tôi thích chơi bời""Bởi cần kiếm thêm nhiều tiền, nên tôi phải bớt nhiều sự liêm chính". "Tôi" vô trách nhiệm để đê vỡ, "nào những nhà trôi, người chết, nào những của cải tan tành”. "Tôi" trốn tránh bằng cách giả vờ tự tử. Kết quả "Nhờ việc tự tử tôi thoát nạn. Và sự gian dối ấy có lợi cho tôi trong những lần thăng thưởng về sau".
Giả sử không có "tôi" trong truyện mà thay vào đó là một nhân vật mang ngôi thứ ba, độc giả sẽ nghi ngờ: chắc là tác giả tố cáo một tay đểu giả mà người viết thù hằn. "Tôi" có mặt phá tan sự nghi ngờ này. Độc giả càng tin hơn khi cuối truyện chính "tôi" bổ sung "sự thật": "Bây giờ, đến tuổi về hưu, tôi nhớ lại việc cũ, cho là có nói thật cũng không hại gì cho bước đường công danh của tôi".

Truyện Con ngựa già điển hình cho quan niệm về con người tha hoá, phi nhân tính của nhà văn. Đám lính đem con ngựa già đi chôn sống. Họ bày trò chặt cụt bốn cẳng con vật.
Con vật tội nghiệp đau đớn nằm ngửa trong huyệt "phi” bằng bốn cẳng cụt. Con vật kiệt sức, người ta bổ lưỡi dao vào mặt nó, nhắc nó chạy tiếp để "tiếng cười lại nổi lên rầm rĩ”. "Tôi cười, nhảy lên mà cười, vỗ tay mà cười. Vui quá!".

Câu chuyện tưởng không có gì nhưng lại là cả một vấn đề lớn ẩn đằng sau đó: sự vô ơn bạc nghĩa, sự tha hoá thảm hại tính người, tình người.

Sự việc xảy ra do "tôi", cùng "tôi", mang rõ dấu ấn cảm xúc của "tôi". Tôi kể sự việc ấy với độc giả như nó vốn có: trung thực và sống động.


4. "Tôi" là nhân vật chính, tự kể lại chuyện mình
Nhân vật chính chiếm vị trí trung tâm, tập trung cao độ nhất xung đột của cốt truyện.
Chính vì thế nó thể hiện rỏ nhất tư tưởng chủ đề của truyện.
Khi "tôi" là nhân vật chính, "tôi” trực tiếp chứng kiến mọi biến cố. Mọi biến cố xoay quanh "tôi". Từ thời hiện tại, "tôi” kể lại thời quá khứ (ngày ấy). Vì kể lại chuyện trong đời mình, khoảng cách giữa hai thời hiện đại và quá khứ không quá xa nhau, do vậy, truyện kể vẫn đậm tính thời sự. Một số truyện: Tôi tự tử, Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo, Chiến tranh, Thằng ăn cướp... nằm ở dạng này.

Truyện Chiến tranh tố cáo sự tàn bạo của bọn sĩ quan Nhật đang tâm giết những người lính bị trọng thương của chính quân Nhật khi thấy họ không thể đánh nhau được nữa. Đây là một truyện có giá trị tư tưởng cao. Xét về mặt nghệ thuật xây dựng cốt truyện, công bằng mà nói, có chỗ phi lý. Đầu truyện, "tôi" cho biết "Chiến địa thực là mênh mông", "tôi đã biết vết thương ở bụng nặng nhất. Xương đùi bên trái của tôi gãy, và cánh tay bên phải chỉ còn dính lỏng lẻo vào vai bằng một lượt da. Tôi ê ẩm, đau đớn, nhắm mắt lại, chờ chết". Nhưng đến cuối truyện, "đến tận tối mịt, tôi mới cố bò về Trương Châu". Một người bị trọng thương "chờ chết" không thể "bò về Trương Châu" được, nghĩa là phải vượt qua khoảng cách "mênh mông" từ "chiến địa" đến Trương Châu? Đúng như một nhà phê bình đã nhận xét, nhiều khi ông hy sinh cả tính chân thật của cốt truyện.
Điều quan tâm là sự có mặt của "tôi" làm tăng thêm sức mạnh tố cáo. Chính "tôi" cầm súng. Chính "tôi" bị thương. Chính "tôi" nhìn thấy viên đại uý cầm súng lục "gí vào thái dương Hítto". Chính "tôi", "ngày nay" kể lại câu chuyện. Ai còn bắt bẻ vào đâu được!

Truyện Thằng ăn cướp là những lời trò chuyện giữa nhân vật chính xưng "tôi" với một người khác (có thể là tác giả mà tên ăn cướp gọi bằng "anh"). Tất cả mọi sự kiện có liên quan đều bao choán trong trường nhìn của "tôi". "Tôi" đi ăn cưóp. "Tôi" gặp thằng ăn cướp khác cao tay hơn nhiều, đó là viên quan huyện. Điểm nhìn trần thuật từ "tôi" chiếu thẳng ống kính sang viên quan. Như thế, viên quan huyện lại là đối tượng phản chiếu. Lúc này người chiếu ống kính mặc sức lia ống kính của mình dưới góc độ nào là tuỳ thuộc vào ý muốn chủ quan. "Tôi" đã chiếu "ống kính" vào tận tim đen của tên quan: "Tao giữ kín cho mày tội này, và sẽ cho mầy về nhà, đem tiền lên đây nộp tao".

Đây là một truyện được nhà văn khách quan ghi lại từ câu chuyện chủ quan của thằng ăn cướp. Hiện thực câu chuyện (viên quan) được khúc xạ qua nhân vật "tôi", khúc xạ một lần nữa qua tác giả. Nếu hiện thực câu chuyện chỉ khúc xạ một lần qua tác giả, nghĩa là không có nhân vật "tôi", tên truyện Thằng ăn cướp là chính nó, chính thằng ăn cướp. Trong truyện có "tôi", nghĩa là hiện thực được khúc xạ qua hai lần, tên truyện Thằng ăn cướp không còn là thằng ăn cướp nữa mà chính là viên quan ăn cướp kia. Nếu nhà văn không tuân theo quy luật khúc xạ này lại đặt tên truyện là "Quan ăn cướp", quả thực sẽ quá non tay, vì, nói như nhà văn là "nói toẹt" cả truyện ra rồi!

Đến đây, chúng tôi xin nói thêm, nếu chỉ nói "hiện thực cuộc sống được khúc xạ qua lăng kính nhà văn", e rằng đúng nhưng chưa đủ. Những truyện như truyện Thằng ăn cướp trên, hiện thực còn được khúc xạ qua nhân vật nữa.

5. “Tôi" là nhân vật phụ kể lại các biến cố được trực tiếp chứng kiến
Nhân vật phụ chỉ đóng vai trò thứ yếu so với nhân vật chính trong sự phát triển của cốt truyện. Nhưng trong những tác phẩm tự sự không thể thiếu vắng kiểu nhân vật này.
Người kể chuyện xưng "tôi" tức người kể chuyện cũng được "nhân vật hoá". Nhân vật này kể lại tất cả những gì mắt thấy, tai nghe. Có khi chứng kiến trung thực, khách quan. (Gói đồ nữ trang, Người vợ lẽ bạn tôi, Mánh khoé, Nhân tài, Xin chữ cụ Nghè...), có khi tham gia hẳn vào các biến cố (Samandji, Cái lò gạch bí mật, Con ngựa già, Thằng Quýt). Loại truyện có "tôi" chứng kiến trung thực, khách quan để nhấn mạnh giọng điệu hiện thực và tái hiện sự kiện theo cái nhìn của "tôi", cách kể của "tôi" chứ không phải ai khác. Thậm chí lấy "tôi" ra để đối sánh với nhân vật khác ("tôi" và cụ Nghè trong Xin chữ cụ Nghè, "Tôi" ù cạc như vịt nghe sấm. Cụ Nghè dù nổi tiếng "hay chữ", nghĩ mãi cuối cùng cũng chỉ viết được bốn chữ "Hạc giá tiên du" rậm rì, to tướng đã quá quen thuộc. Truyện này có thể xếp vào thể nhại.
Nhại hình tượng (cụ Nghè), nhại khuôn mẫu (bốn chữ "Hạc giá tiên du").
Sự hiện diện của "tôi" có xu hướng rút ngắn khoảng cách trần thuật giữa người kể và sự kiện. Sự kiện được tái hiện trực tiếp như phơi bày trước mắt người đọc.
Khi "tôi" tham gia hẳn vào các biến cố, sẽ có hai khả năng xảy ra. "Tôi" là người kể chuyện nên có quyền điều chỉnh các biến cố. "Tôi" là nhân vật nên chịu tuân theo quy luật diễn biến của các biến cố. Do vậy, "tôi" bị co kéo, bị phân thân giữa hai thời điểm: hiện tại (kể chuyện) và quá khứ (nhân vật). Vấn đề ở chỗ, điều này mang lại hiệu quả gì? Trước hết, nó cố gắng che mờ khoảng cách thời gian giữa hiện tại và quá khứ tạo nên tính thời sự.
Đồng thời cho phép "tôi" (người kể chuyện) xen vào những lời bình luận mang tính chủ quan, thường là để châm chọc: "Đời nó sẽ phẳng lặng, sung sướng một cách buồn tẻ như đời một vị quốc trưởng, có gì đáng ghi thêm" (Thằng Quýt).

6. “Tôi” là người kể chuyện
Khi người kể chuyện là "tôi", "tôi" kể việc "tôi" biết cho độc giả nghe. "Tôi" đối thoại, tranh luận với độc giả. "Tôi" dẫn độc giả từ sự kiện này đến sự kiện khác theo ý "tôi".

Mạch trần thuật đang trôi theo dòng sự kiện bỗng bị rẽ ngang bởi sự xuất hiện của người kể chuyện. Sự xuất hiện này, có thể là để "hãm tình cảm của độc giả đi chậm lại". Căn cứ vào sự phát triển của cốt truyện, có thể coi nó là cái bản lề khép mở kết quả và nguyên nhân của một hiện tượng. Phần "kết quả" của truyện "Lập gioòng" là chú quyền Ván cách bị "lập gioòng". Trước khi chuyển sang phần "nguyên nhân" có sự xuất hiện của nhà tiểu thuyết: "Nhà tiểu thuyết chẳng để chỗ thủng ấy vừa chỗ cho độc giả đánh dấu hỏi. Vậy xin kể cái miếng võ nó rình đánh vào chỗ yếu của thầy quản, và mưu mẹo nó lừa ra sao".

Có khi tận cuối truyện, người kể chuyện mới xuất hiện để "góp vui": "Vậy xin độc giả đoán nét mặt ông nghị Đào tôi lúc bấy giờ thế nào. Và ông có lên nhà xơi nước hay không?" (Cái thú tổ tôm). Nhưng "tôi" là người kể chuyện thường xuất hiện ở đầu truyện tranh luận mang tính chất định hướng với độc giả, hay "rào đón", "thuyết phục", khơi gợi sự tò mò ở độc giả: "Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khoẻ mạnh béo tốt. Thuyết ấy sai! Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo khoẻ, đều là những anh thích ăn bẩn cả" (Đồng hào có ma).
Chất mỉa mai bật ra từ mâu thuẫn giữa "sách vệ sinh" và "sự thực ở đời". "Tôi" khẳng định cái "sai” của sách bằng một phép tăng cấp để nhấn mạnh: "Thuyết ấy sai! Trăm lần sai! Nghìn lần sai”. Để cho sự khẳng định ấy được chấp nhận, "tôi" chứng minh bằng thực tế hẳn hoi: "...Ở đời này, bao nhiêu những anh béo khoẻ, đều là những anh thích ăn bẩn". Đây lại là một mâu thuẫn nữa, mâu thuẫn trong thực tế: những anh béo khoẻ là những anh ăn bẩn.
Đến cuối truyện, độc giả mới thấy những mâu thuẫn tưởng chừng vô lý này lại thành có lý.

Vào truyện Một tấm gương sáng, "tôi" rào đón độc giả bằng ngay đoạn mở đầu:
"Điều tôi lấy làm bực mình nhất, là thế nào cũng có một độc giả đa nghi, xem xong câu chuyện này, bảo một người bạn rằng:
- Hắn bịa.
Tôi hay cãi trước rằng:
- Thưa không bịa tí nào".

Đồng thời định hướng cho độc giả cảm nhận về "Đời" bằng một câu thật khinh bạc: "Đời" đã hoá ra một con mụ chửa hoang đẻ bậy, sinh non ra toàn những hạng hoặc mất dạy, hoặc đói cơm". Qua câu chuyện về cuộc đời "tiết hạnh khả... nghi" của bà Nguyễn Thị Bống, "tôi" chứng minh câu nói này.

Có khi "tôi" lại vòng vo thuyết phục độc giả bằng một loạt hiện tượng đáng ra Sở cẩm phải phạt. Từ giả định: "Nếu có luật Cẩm phạt như trên kia thật", để đi đến khẳng định "thì cái tác phẩm của Lê Văn Tám mới in thành sách, còn đáng Cẩm phạt nặng gấp đôi". Sau đó "tôi" kể lại câu chuyện bẩn thỉu giữa nhà phê bình Việt Sỹ và "tác giả" Lê Văn Tám để chứng minh cho khẳng định này (Nhân tài).


(Thông báo khoa học của các trường Đại học 1996, Ngôn ngữ - Văn học).



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉