Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Nhận thức về nghề và tình nghĩa nghề nghiệp - Vương Trí Nhàn

Rating:★★★
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Vương Trí Nhàn

Nhận thức về nghề và
tình nghĩa nghề nghiệp



Nhiều đoạn trong hồi ký Đời viết văn của tôi, được Nguyễn Công Hoan dành để kể về cách hiểu của ông với nghề văn. Cho đến trước 1945, nghề chính của ông vẫn là nghề dạy học, cầm bút chỉ là việc làm thêm. Có đến mấy chỗ, ông nhấn mạnh rằng với cái nghề phụ này, ông vừa mải miết đeo đuổi vừa chẳng coi ra gì. Mà lý do chính có lẽ là nghề viết văn ở ta lúc ấy còn đang trong giai đoạn trứng nước, nên thường bày ra nhiều trò nhố nhăng:
“Làng văn, từ xưa đến giờ quả là cái chợ“.
”Một dạo, người ta sợ những người làm nghề cầm bút như sợ hủi“. Khi một người cầm bút có việc đến nhà ai, thường bị người ta nghi ngờ và chỉ “muốn tống ra khỏi nhà cho sớm“.
Với nhiều “nhà văn“ chỉ lai vãng qua nghề ít ngày rồi bỏ hẳn (nhất là loại chỉ láng tráng trục lợi), mỗi khi nhắc đến họ, Nguyễn Công Hoan dùng đến cái chữ khá nặng “những người cầm bút nửa đời nửa đoạn“.
Hiện nghề viết văn ở nước ta chưa được khảo cứu một cách nghiêm túc, nên không thể nói cái cách nhìn nhận như trên của Nguyễn Công Hoan là xác đáng hay quá khích. Chỉ biết chẳng những Nguyễn Công Hoan mà một vài nhà văn nổi tiếng khác như Thế Lữ, Vũ Bằng cũng thường hay nói về nghề văn bằng những lời lẽ tương tự.
Lạ một cái là trong khi có vẻ như hạ bệ mạt sát nghề mình như vậy, thì các nhà văn tiền chiến lại là người tha thiết với nghề, hết lòng làm nghề, và nhất là nhiều người làm việc với hiệu xuất khá cao, để lại cho đời nhiều cuốn sách có giá trị. Mặt khác, giữa các đồng nghiệp thường có tinh thần hiếu hoà thân mật. Hãy nhớ lại những số báo Tân Dân được làm nhân cái chết của Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Thương tiếc nhau không cần khóc váng cả lên để khoe với đời hoặc trộ đời. Chỉ trong ít dòng lưu niệm cũng đã thấy toát lên mối giao tình đầm ấm của những kẻ “cùng một lứa bên trời lận đận“. Mà chẳng cứ đối với người chết, với các đồng nghiệp đang sống, người ta lại càng cảm thấy cần phải độ lượng. Nguyễn Công Hoan có một chuyện này khiến ai biết ra đều khâm phục: Khoảng 1935, sau khi ông viết xong "Tắt lửa lòng", "Cô giáo Minh", thì Tự Lực văn đoàn có đến mấy bài viết rêu rao là ông ăn cắp văn của Khái Hưng trong "Nửa chừng xuân" và văn Nhất Linh trong "Đoạn tuyệt". Chơi nhau đến thế là cùng ! Lê Tràng Kiều, Lãng Nhân đã đứng ra bênh vực.
Chính Nguyễn Công Hoan cũng đã ba lần lên tiếng phản bác lại. Thế mà về sau, khi đã thành đạt (từng là chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam), trong hồi ký, ông không hề đả động tới chuyện này, và vẫn nhắc đến Khái Hưng, Nhất Linh bằng những lời tử tế.
(Sinh thời, Thạch Lam cũng từng có lần có lối xử rất nhã như vậy: Trên báo Ngày nay, dưới bút danh Nhất Chi Mai, ông lên tiếng than phiền trước những trang viết đen tối của Vũ Trọng Phụng. Tác giả Dứt tình đáp lại bằng những lời lẽ khá nặng nề. Nhất Chi Mai –mà chúng tôi đoán là Thạch Lam --- không bao giờ trở lại với câu chuyện này nữa, mặc dù ai cũng biết rằng trong thâm tâm, ông vẫn nghĩ về văn chương Vũ Trọng Phụng như đã nghĩ).
Những việc đã cũ hôm nay tôi mang ra nhắc lại, bởi có nhiều chuyện tạm gọi là thời sự văn nghệ lại diễn ra theo tinh thần ngược lại.
Một mặt mỗi khi có dịp đăng đàn diễn thuyết trước bạn đọc, không ít nhà văn nhà thơ hôm nay thường hết lời ca tụng cái nghề của mình, nào là cao đẹp nào là sang trọng, tưởng như đây là đất hội tụ của những vị thánh, và trên đời này không có nghề gì cao quý hơn.
Mặt khác, trong lúc đua tranh trên văn đàn, nhiều người chỉ muốn làm tướng, thao túng dư luận và không muốn ai có ý khác mình. Ghen ghét tị nạnh. Dìm dập chê bai. Kết bè kết cánh làm ăn, nhưng lại sẵn sàng quay lưng trở mặt, thụi ngầm nhau, khi kiếm được miếng ở chỗ khác. Mỗi khi trong giới có ít việc gọi là “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt“, thì sôi lên sùng sục tìm đủ mọi cách để truy bức đối thủ và ghép cho họ đủ thứ tội. Và cái sự thù lâu oán nặng chắc không ai dám đảm bảo là không có.
Nếu như mang các sự kiện ghép lại với nhau thì người ta lại thấy là trong nhiều trường hợp, càng những người to mồm nói rằng nghề của mình là cao sang, lại càng giỏi xử tệ với đồng nghiệp.
Nghĩa là hoàn toàn ngược với cả hai phương diện làm nên thái độ của Nguyễn Công Hoan mà chúng tôi đã thử dẫn lại ở trên.
Xin phép không cần bình luận gì thêm.



0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉