Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Sự cắt nghĩa giản dị (Nguyễn Công Hoan và cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi") - Vương Trí Nhàn


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Vương Trí Nhàn

Sự cắt nghĩa giản dị


cuộc bộc bạch của Nguyễn Công Hoan
trong Đời viết văn của tôi





Quyển sách phải có
Với khối lượng chữ nghĩa đã viết, trong văn học VN hiện đại, tác giả Bước đường cùng phải được xem như một trong số những người viết hoạt động có hiệu quả nhất.Trong khi không sống hẳn giữa giới cầm bút mà lấy dạy học làm nghề chính, Nguyễn Công Hoan vẫn biết giữ cho mình một nếp làm việc đều đặn. Giữa dự định và công việc, thường khi có sự ăn khớp. Đã viết là in được. Ông lại luôn biết chăm lo tới tay nghề. Dễ không ai say sưa nói về kỹ thuật viết truyện như ông, nào là dàn quân nào là bài binh bố trận, và cuối cùng còn là bẫy độc giả là đưa suy nghĩ của họ vào đúng cái luồng lạch mình đã bố trí sẵn khiến họ như cá vào lờ không sao thoát ra nổi…, từng cách thức được ông kể lại tỉ mỉ với niềm tin không thể lay chuyển: viết văn phải có mẹo.

Sự xuất hiện của một cuốn sách hồi ký như Đời viết văn của tôi nằm trong cái mạch liên tục ấy. Nó là một bằng chứng nữa đánh dấu tính cách chuyên nghiệp của ngòi bút Nguyễn Công Hoan. Một cách tự nhiên, đúng hơn một cách bản năng không cần tính toán gì nhiều, thật ra ông đã tiếp nhận quan niệm về một nhà văn chuyên nghiệp thường thấy ở phương Tây: sau những năm tháng cặm cụi làm việc một người làm nghề thực thụ thể nào cũng phải để ra một ít thời gian tính đếm lại đời mình. Hồi ký nên được coi là cái dấu chấm hết đẹp đẽ nhất cho một đời viết sung mãn.



Cuốn hồi ký này đã ra đời trong hoàn cảnh nào?
Nguyễn Công Hoan đã sống những năm tháng trước 1945 một cách khá vẻ vang.Thế nhưng từ sau 1945, quá trình sáng tác của ông so với các đồng nghiệp trẻ hơn như Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Nguyên Hồng … có nhiều chỗ khác.Tám năm kháng chiến, trong khi nhiều nhà văn đấu đầu lo liệu cho Hội văn nghệ thì ông làm việc ở một trường bổ túc văn hoá của quân đội,và chỉ sau hoà bình lập lại 1954 mới trở về nhận biên chế ở Hội nhà văn. Sự nhập cuộc trở lại này không mấy hiệu quả.Trong khi những Đường vui,Tình chiến dịch, Sông Dà, Truyện Tây Bắc hoặc Ngôi sao, Riêng chung, Anh sáng và phù sa...viết thẳng về cuộc sống mới và được dư luận đón đợi, được đủ các loại giải thưởng to nhỏ thì Nguyễn Công Hoan chủ yếu viết lại cuộc sống trước 1945 như Tranh tối tranh sáng(1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (1963), và mặc dù các sáng tác ấy đã được tác giả đặt nhiều công sức, song có vẻ như chúng không tương xứng với tầm vóc của nhà văn; khi ra đời chúng chỉ được chào đón một cách dè dặt. Có cuốn chỉ in được tập một rồi dừng lại hơn hai chục năm sau mới ra nốt được tập hai ( Đống rác cũ ). Có cuốn viết xong đành xếp tạm đấy mãi khi nhà văn qua đời mới được in (Anh con trai người bạn đọc ấy).

Một người ưa hoạt động coi việc viết ngang với cơm ăn nước uống hàng ngày như Nguyễn Công Hoan trước hoàn cảnh ấy không chịu bó tay. Ông xoay ra làm một số việc khác như đi phỏng vấn các đồng nghiệp (Hỏi chuyện các nhà văn) hoặc đính chính thơ văn của Nguyễn Khuyến, Tú Xương.
Dẫu sao có thể dự đoán, càng ngày ông càng cảm thấy vốn liếng mình là ở như những hiểu biết về xã hội cũ và chỉ trong khi viết về xã hội cũ mình mới trở nên có ích hơn cho con người đương thời.

Cái định hướng này có thể ngẫu nhiên song đúng là đã trở thành nhất quán ở Nguyễn Công Hoan. Có lẽ bởi vậy mà ông sớm tính chuyện viết hồi ký. Trong một bảng niên biểu Nguyễn Công Hoan thấy đề rõ ngay từ cuối năm 1957, cuốn Đời viết văn của tôi đã hoàn thành ở dạng sơ thảo (tới năm 1969 thì hoàn thành, và 1971 thì được in ra ở nhà xuất bản chuyên về văn chương duy nhất bấy giờ là nhà Văn học).

Trong một bài viết về Nguyễn Công Hoan, nhà văn Tô Hoài từng ghi lại một đoạn đối thoại

(…) Lại đến năm trước anh kể:
– Tôi mới nghĩ ra cái truyện dài, cái truyện dài này thì dài vô tận.
– Truyện gì ạ?
– Truyên nhớ gì ghi nấy.
Tôi vẫn chưa hiểu. Anh cắt nghĩa: Ở tuổi anh bây giờ, những từng trải những mắt thấy tai nghe, từ lúc mất nước đến khi độc lập, biết bao phong phú, phải ghi lại cho lớp người sau biết. Thế là anh đóng từng tập giấy hàng trăm trang, mỗi khi nhớ việc gì, suy nghĩ thấy nên ghi lại, anh ghi. Ghi hết giấy anh đóng tập khác.

Những ý tưởng này chủ yếu liên quan đến tập Nhớ gì ghi nấy, song cũng đã hé ra cho thấy một phần cái tâm sự của nhà văn khi đến với Đời viết văn của tôi. Đặt vào thời điểm mà cuốn sách được viết, phải nói sự xuất hiện của nó là táo bạo bởi lẽ khoảng những năm năm mươi sáu mươi thế kỷ XX, số nhà văn ở ta tính chuyện nhìn lại đời mình một cách rành mạch, số đó còn rất ít.


Một kiểu viết hồi ký, một kiểu tự phân tích
Thể loại văn học mang trong nó một sự đa dạng nhất định. Ở đây có những nguyên tắc chung nhưng lại có chỗ rộng rãi cho sự sáng tạo.
Lấy ngay thí dụ trong văn học VN hiện đại. Có hồi ký gần với tự truyện, tức là một thứ tiểu thuyết, như Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Có hồi ký có tính cách một sự suy nghĩ lại về đời mình và do đó giàu chất chính luận như Tự phán của Phan Bội Châu. Về mặt nhân vật mà xét, có khi tác giả bám sát quá trình cầm bút của bản thân như Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, lại có khi người viết như tránh sang một bên, để nói về một ai đó hoặc nói chung về những người tác giả đã gặp và có vẻ chỉ nhân tiện mà nói thêm về mình như Cát bụi chân ai của Tô Hoài.

Còn Đời viết văn của tôi thì sao?

Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, cuốn sách nhằm tới cái đích chung là phác hoạ sự hình thành tính cách của tác giả và con đường tác giả đến với văn học. Ông không chủ ý kể về đời mình một cách chi tiết, theo kiểu bám sát từng năm hoặc từng thời kỳ một. Mà ông khái quát lại thành các phần ảnh hưởng Hoạt động Sáng tác… Trong khi hàng ngày, nhà văn thường vẫn tuyên bố là mình viết một cách hồn nhiên không đắn đo cân nhắc gì nhiều thì lúc bắt tay vào viết hồi ký, trên đại thể ông lại sử dụng một bút pháp mang ý nghĩa tổng kết tức là đi từ xa tới gần từ tổng thể đến trường hợp riêng từ nguyên nhân tới kết quả lớp lang đâu vào đấy.
Cái việc mang mình ra mà phân tích được làm một cách khá bài bản. Ông hiểu ông là sản phẩm của một hoàn cảnh, cũng giống như tờ giấy thấm, con người ông đã thấm đẫm những ảnh hưởng của môi trường chung quanh.

Người ghi chép phong tục

Khi bàn về thể tài của Bước đường cùng, nhiều người thích xác định đấy là tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tố cáo, song Nguyễn Công Hoan nói đơn giản hơn đấy là tiểu thuyết phong tục, chẳng qua thạo nhiều chuyện ở nông thôn từ chuyện đẻ đái cãi nhau vì mất gà tới cảnh vay nợ, cảnh ăn khao rồi bỏ ruợu lậu vào ruộng của nhau nên ông đưa cả vào trong sách.

Cách hiểu về chi tiết phong tục như thế này cũng chi phối tác giả khi viết hồi ký Đời viết văn của tôi.
Sinh năm 1903, Nguyễn Công Hoan có thể tự nhận là người cùng tuổi với thế kỷ XX. Mà đặt trong lịch sử dân tộc thì thế kỷ này cũng là một bước rẽ ngoặt: từ đây xã hội rời bỏ mẫu hình phát triển trung đại của phương đông để sải bước trên con đường Âu hoá. Bởi vậy những kỷ niệm của tác giả trong tuổi niên thiếu có thể coi như những chứng tích về sự xâm nhập của văn hoá phương tây thông qua mọi yếu tố của môi trường xã hội cũng như con đường các gia đình nền nếp giáo dục các thành viên của mình để đứng vững trước mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đó.
Những trang kể lại thời đi học ở trường Bưởi không hề mang tính cách thơ mộng như thường thấy mà cũng vẫn là những trang tự bộc lộ chân thành đến mưc có phần như là thách thức sự đời, và pha một chút trắng trợn bất cần. Nào là học trò làm giấy khai sinh với ít nhiều man trá. Nào là chia phe phái trọc ghẹo nhau và đánh nhau với bọn trẻ con Tây. Nào là vào hùa chạy theo phong trào “đế chế bắc hoá “, tẩy chay hàng Tàu … Còn có hàng loạt những chi tiết có liên quan đến mọi mặt đời sống được Nguyễn Công Hoan nhân tiện ghi lại làm nên da thịt của cuốn hồi ký văn học.



Tiếng nói của người trong cuộc
Nguyễn Công Hoan đã liên tục có mặt trong những giai đoạn nối tiếp nhau của lịch sử văn học: ông vừa là người của thời kỳ dò dẫm tìm đường (những năm hai mươi), vừa là nhà văn hàng đầu khi đời sống sáng tác đạt tới một sự chín đẹp (từ sau 1932 tới khoảng 44-45).

Mấy chục năm đầu thế kỷ là thời đặt nền móng của nền quốc văn mới mà cũng là thời của báo chí văn học. Đây cũng là môi trường tốt để ngòi bút Nguyễn Công Hoan tập dượt. Với tờ báo này, ông là bạn của người sáng lập, nhân nể bạn thì viết giúp. Với tờ tạp chí kia, ông là một trong những cây bút chủ trò, người ta bàn với ông cả từ thể tài đến cách bán hàng. Những năm hai mươi khi mở mục Việt Nam nhị thập thế kỷ ba đào ký trên An Nam tạp chí , Tản Đà chỉ viết những bài đầu còn thực chất về sau là do Nguyễn Công Hoan gánh vác. Những quyển sách đầu tiên của ông được in ra khi các nhà xuất bản còn chưa thành hình và chỉ có các nhà in hoặc các hiệu sách đứng tên sau các xuất bản phẩm.
Đến khi Tiểu thuyết thứ bảy Phổ thông bán nguyệt san ra đời thì ông lai trở thành một trong những tác giả góp truyện đều đặn. Dường như có thể soi vào đời viết của ông để thấy bước đi của một mùa màng văn học từ lúc thịnh trị tới lúc lụi tàn: Nếu như Vũ Trọng Phụng trẻ hơn ông viết sau ông nhưng lại qua đời trước ông (1939) thì Nguyễn Công Hoan còn lải rải viết thêm mãi về sau, cả khi những ngày đẹp nhất của văn học đã qua.

Có thể xem đây là một trong những yếu tố chủ đạo tạo nên giá trị của cuốn hồi ký. Qua Nguyễn Công Hoan chúng ta được biết nhiều chi tiết có liên quan đến những sự kiện văn hoá mà không sách vở nào ghi lại. Chẳng hạn chung quanh Đông dương tạp chí Nam phong, tác giả Đời viết văn của tôi nói rõ hơn mỗi tờ báo đó được nhà nước bảo hộ trợ cấp bao nhiêu tiền hàng năm. Hoặc chẳng hạn chung quanh tờ Hữu thanh của Bắc kỳ công thương đồng nghiệp ái hữu hội, lâu nay chỉ nghe nói Tản Đà làm với báo vài tháng rồi thôi. Cũng qua Nguyễn Công Hoan, chúng ta được biết thực chất cái hội đó ra sao và ông chủ báo có cái thói kỳ cục thế nào (Nguyễn Huy Hợi, chủ báo Hữu Thanh là một kẻ rất hiếu danh. Bài viết ra để đăng báo, toà soạn họp để bàn thì bao giờ Nguyễn Huy Hợi cũng có mặt. Có mặt không để góp ý kiến mà để thấy bài nào hay cũng thò vào một câu “Hay là ký tên tôi “). Có những chi tiết thoạt nhìn có vẻ bâng quơ không đâu vào đâu nhưng nghĩ kỹ thấy có ý nghĩa, giá Nguyễn Công Hoan không kể thì ít người biết. Ơ phần Hoạt động Nguyễn Công Hoan bảo rằng một điều khiến ông tự hào là cuốn sách đầu tay của ông mang tên Kiếp hồng nhan chỉ toàn sáng tác. Mới nghe người đọc thời nay hẳn lấy làm lạ tập truyện ngắn nào mà chẳng toàn sáng tác nhưng đọc thêm đoạn dưới của cuốn hồi ký mới biết hồi ấy sách in thường tạp pí lù mỗi thứ một tí, truyện lẫn với thơ, truyện mới sáng tác chen lẫn truyện dịch. Và như vậy tình trạng ấu trĩ của văn học lúc ấy còn len vào cả trong quan niệm về sách còn Nguyễn Công Hoan thì có quyền tự hào là mình thuộc loại đi đầu trên con đường thay đổi để đi tới một sự thuần chủng.

Chẳng những biết sách vở khi nó đã được in ra, ông còn biết nhiều cuốn sách ngay từ khi nó được thai nghén. Đây là ví dụ: Khi thuật lại nguyên cớ thúc đẩy Ngô Tất Tố viết Tắt đèn Nguyễn Công Hoan nói rõ hồi ấy Ngô Tất Tố cũng chưa hề có ý thức tố cáo, chẳng qua thấy Vũ Trọng Phụng viết truyện Vỡ đê thì ông nói "Vũ Trọng Phụng viết thế nào được truyện nhà quê. Để tôi viết cho". Ý Nguyễn Công Hoan muốn nhấn mạnh điểm xuất phát ban đầu tiểu thuyết của Ngô Tất Tố khá giản dị, tính chất tố cáo của sáng tác chỉ đến về sau (đây là điều không chỉ đúng với Ngô Tất Tố mà còn đúng với nhiều nhà văn cùng thời)

Cũng nên biết thêm là trong một bài viết mang tên Mấy ý kiến về cuốn Văn học Việt Nam 1930-1945 in trên Tạp chí Văn học 1962 (sau đổi là Cần hiểu đúng Ngô Tất Tố in vào tập sách Ngô Tất Tố với chúng ta, NXB Hội nhà văn 1993) Nguyễn Công Hoan từng đả động tới một sự việc mà nhiều nhà văn học sử thích nhắc lại coi như một niềm tự hào của ngòi bút nhà nho Ngô Tất Tố, ấy là quyển Tắt đèn bị cấm. Sau khi hạ một câu chắc chắn như đinh đóng cột “ Sự thực, thì tôi không nghe ai nói điều này “, Nguyễn Công Hoan để công giảng giải khá kỹ về cách cấm sách thời trước để khẳng định thêm chuyện này không xảy ra với đồng nghiệp của mình.
Tinh thần này được Nguyễn Công Hoan tiếp tục trong hồi ký Đời viết văn của tôi . Không phải ngẫu nhiên mà khi trích đoạn Nguyễn Công Hoan viết về Vũ Trọng Phụng ở đây vào sách Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta, một giáo sư đặt cho đoạn trích một cái tên Chiêu tuyết cho người đã khuất. Để hiểu điều này cần biết là trước 1975 ở Hà Nội Vũ Trọng Phụng được liệt vào loại nhà văn có vấn đề và nói như ở đây là một cách nói ngược dòng, nếu không phải ở miệng Nguyễn Công Hoan chắc là không được in.
Còn một nhân vật nữa lâu nay ít được nói cho minh bạch, ấy là Phạm Quỳnh. Ngay từ đầu Nguyễn Công Hoan đã nói rõ ai đã đứng tên trong việc tổ chức ra báo Nam Phong. Song đến khi Phạm Quỳnh không làm báo nữa mà đi nhận chân thượng thư (một việc thường được người đương thời và hậu thế giải thích một cách như ta hay gọi là tiêu cực), Nguyễn Công Hoan không cần rào đón nhiều đưa ra cách hiểu riêng. Theo ông, Phạm Quỳnh là người yêu nước, cùng với những người lương thiện khác chịu chung cảnh ngộ người dân mất nước “ai không đau đớn ai không khóc thầm “, và việc người chủ bút Nam Phong bỏ báo để đi làm quan chẳng phải do hám lợi như người ta vẫn nói, mà chỉ muốn có một dịp thuận lợi nói rõ ý mình, thế thôi. Giá kể vào tay người khác thì khi viết những chuyện này hẳn là phải ra điều quan trọng lắm coi như mình dám đi ngược lại ý kiến thông thường và nhờ thế khôi phục lai bộ mặt của lich sử và trước khi nói ra tiếng nói cuối cùng hẳn rào trước đón sau đủ chuyện. Nguyễn Công Hoan thì khác. Cách viết của ông ở chỗ này tự nhiên rành rẽ, dường như ông muốn nói sự thực rất đơn giản những người đa sự chỉ nói tầm phơ mà chẳng có ích cho ai !


Sự suồng sã cần thiết
Cái chết của nhiều nhà viết hồi ký là hay quan trọng hoá những hoàn cảnh những sự kiện mình đã từng sống. Nguyễn Công Hoan thì khác. Ông thích làm giảm tầm quan trọng của sự kiên đã nêu. Trong nhiều trường hợp ông lưu ý một việc người đời sau coi là tày đình xảy ra chẳng qua chỉ có lý do rất ngẫu nhiên. Đây cũng là một cách để phản ứng lại lối vào hùa hoặc thói cơ hội mà ông khinh bỉ.

Như trên đã nói, mặc dù viết đều viết khỏe bậc nhất trong giới, song suốt trong thời tiền chiến, Nguyễn Công Hoan vẫn không bỏ nghề dạy học. Không bao giờ người ta thấy ông kêu than là phải làm gấp bản thảo để mang bán trong khi vợ đau con yếu kiểu như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Mà ông cũng không ham chơi đến mức luôn luôn cần tiền như Nguyễn Tuân hoặc Lưu Trọng Lư. Như vậy là đối với nghề văn, ông không bị ràng buộc đến bị động. Luôn luôn ông đứng cách nó một khoảng cách. Điều này chẳng những mang lại cho nhà văn một cuộc sống độc lập mà còn giúp ông thế đứng bên ngoài vốn rất cần thiết cho việc đưa ra một cái nhìn bao quát về nghề nghiệp.

Chúng ta biết rằng suốt thời trung đại, văn học VN không có hồi ký mà ngay trong thế kỷ XX, cả các nhà chính trị nhà hoạt động xã hội lẫn các nhà văn các hoạ sĩ nhạc sĩ và nói chung là những người lẽ ra nên viết hồi ký cũng không mấy ai tính chuyện động bút trong thể tài này.
Tại sao như vậy?
Hình như ở đây có vấn đề của tư duy: người Việt tuy luôn luôn lưu luyến quá khứ song lại không thích chuyện tính sổ quá khứ một cách rành mạch. Xu thế tâm lý nói chung là tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại. Thậm chí nhiều người trong thâm tâm thừa biết rằng mình sống dở, sống chẳng ra sao, song khi kể chuyện cũ lại tìm cách tô điểm cho cái quá khứ ấy một vẻ dễ coi. Với những bộ sử những tài liệu nghiên cứu có liên quan đến mình, họ thường săn đón và tìm mọi cách chăm sóc sao cho khuôn mặt mình được tô vẽ cho dễ coi một chút. Còn hồi ký ấy ư — họ ngại!

Thế Nguyễn Công Hoan thì sao? Những người thích đọc ông đều biết nhà văn này có một cách nghĩ riêng về đời.

Đoạn văn sau đây là một tuyên ngôn:
Điều tôi lấy làm bực mình nhất là thế nào chẳng có một độc giả đa nghi, xem xong câu chuyện này bảo một bạn rằng
– Hắn bịa.
Tôi hãy cãi trước rằng:
– Thưa không bịa tí nào.
Rồi không để ông độc giả ấy nói thêm, tôi phải tiếp luôn:
– Ngài cho là vô lý? Ngài nên hiểu nghe chuyện gì mà ngài cứ lấy cái óc cổ điển ra mà xét thì cũng cho là vô lý cả. Vì thế sự đã xoay thành ngược mà đời ngày nay chẳng phải là một bà hiền mẫu thưởng phạt công minh. Đời đã hoá ra một con mụ chửa hoang đẻ bậy sinh non ra toàn những hạng hoặc mất dạy hoặc đói cơm.
Không. Ngài cho phép tôi nói nốt đã. Hạng đói cơm thì ngài thấy nhan nhản khắp mọi nơi. Thường họ gõ cửa nhà ngài xưng là thất nghiệp. Họ bị ngài đuổi đi sau khi đã bố thí cho một bài học về siêng năng không hợp thời. Còn hạng mất dạy cũng chẳng ít. Họ rất no đủ sang trọng, song, chuyên môn đeo mặt nạ để lừa dối bóc lột lẫn nhau.

Được cái trong khi giữ một cách nhìn bi quan về xã hội, đồng thời ông không biệt đãi bản thân mà cũng biết nhìn ra trong bản thân mình đủ thứ thói hư tật xấu. Nhìn quá rõ những mặt xấu trong con người, hoài nghi đối với nhân tâm thế đạo, rồi khinh thế ngạo vật rồi lười biếng ẩu không coi việc gì là quan trọng … xưa nay thật khó có ai tự nói về mình như vậy.

Và cũng vì thế nên trong Đời viết văn của tôi có những nhận xét về nghề cầm bút rất khắc nghiệt đại loại:
- Làng văn từ xưa đến giờ, quả là cái chợ
- Một dạo người ta sợ những người cầm bút như sợ hủi
- Rất nhiều người viết chỉ láng tráng đến với nghề một chốc rồi chuồn thẳng đến mức phải gọi cái cách tồn tại của họ là nửa đời nửa đoạn.
Trong những trường hợp có thể, Nguyễn Công Hoan đã sòng phẳng. Có thể nói đây là tinh thần chính chi phối tác giả khi nhìn lại đời viết văn của mình.



Cách tồn tại riêng trong nghề - Một kiểu người Việt
Tìm hiểu về Nguyễn Công Hoan, người ta không khỏi nhận ra một sự éo le rõ rệt.
Một mặt, đây là một trong những cây bút hàng đầu của nền văn học dân tộc trong thế kỷ XX, một đô vật lực lưỡng trong trường văn trận bút.
Mặt khác, đó hình như lại là cây bút đặt rất ít sự nghiêm chỉnh vào sáng tác. Như ông đã kể, có lần ông mang truyện của mình tặng cho người khác để người đó bán cho các báo lấy tiền. Lại như cái cảnh ông vừa chơi bài vừa viết truyện, hoặc viết tiểu thuyết đăng báo mà không thuộc hết tên nhân vật, phải để trống rồi nhờ toà soạn điền hộ. Người đời vốn ranh mãnh có làm như vậy đi chăng nữa thì cũng giấu biệt đi không muốn cho ai biết. Trong khi đó, Nguyễn Công Hoan lại bô bô kể hết cả ra trong sách. Qua những phát biểu trực tiếp cũng như qua cách làm việc của ông, thấy toát lên cái ý chẳng qua do lọc lõi thạo đời thì viết cho mọi người cùng đọc chứ trong bụng chả buồn để tâm gì đến nghĩa lý với lại vai trò rắc rối mà người ta thường gán cho nghề nghiệp này. Đại khái ông không phải trăn trở nhiều khi ngồi trước trang giấy, thảng hoặc đôi lần có để ý đến ý nghĩa xã hội của công việc (như khi viết Bước đường cùng) thì cũng là làm vội làm vàng chứ chưa phải đã dồn hết vào đấy tất cả tâm sức vốn có.

Nguồn cảm hứng nào đã thúc đẩy Nguyễn Công Hoan kể chuyện mình theo kiểu như vậy?
Chúng tôi có cảm tưởng điều đầu tiên ông muốn truyền đạt tới mọi người, ấy là viết văn phải có năng khiếu và sự thành công không thể do ý chí hay day tay mắm miệng mà có được. Vốn thích đề cao những gì gọi là tự nhiên ông chúa ghét những nhà văn nào quan trọng hoá nghề nghiệp của mình và lấy sự viết lách ra để lừa bịp. Sự dông dài tuỳ tiện mà ông hay nói, đúng hơn sự đùa bỡn mà ông cố ý phô ra, là một cái gì quán xuyến trong ông, nó buộc người ta sau đó phải hiểu dần ra những điều đơn giản mà ông muốn nói việc viết văn cũng là một việc thường như mọi việc khác trên đời hoặc gán cho văn chương có lắm ý nghĩa đâu đâu tức là chẳng hiểu gì về nó cả.

Ở chỗ này có thể nói cách làm của Nguyễn Công Hoan trùng khít với một xu thế của tư duy hiện đại ấy là nhìn đời sống ở một khoảng cách gần gũi, phi huyền thoại hoá nó, làm cho mất đi cái vẻ thiêng liêng giả tạo mà con người trung đại thích dùng để tự tô vẽ.
Đồng thời sự phi huyền thoại hoá này còn đi gần tới một quan niệm khác cũng chỉ thấy ở con người hiện đại ấy là nhấn mạnh tính chất trò chơi của cuộc đời, và cho rằng trong trò chơi, cả ý nghĩa nghiêm chỉnh lẫn cái vẻ hư vô của kiếp nhân sinh có dịp bộc lộ. Chơi để sống cho nhẹ nhàng và nếu có phải chết cũng là chết một cách thoải mái.
Trong tiếng Việt chữ chơi hay gợi ra cái ý ham vui gặp chăng hay chớ chả cần để tâm vào việc gì mà tha hồ làm nhanh làm ẩu làm hàng giả bịp bợm. Có thể nói Nguyễn Công Hoan chơi với nghĩa khác. Chơi ở đây thuộc về một cái gì nằm trong cách nhìn đời trong ý thức của con người nó giúp cho một cây bút như tác giả Bước đường cùng thêm hào hứng trong sự sáng tạo, khi viết tìm thêm được những trò hóm nghịch lôi cuốn bạn đọc.
Truy nguyên về tận nguồn gốc, có thể bảo cái sự nhởn nhơ ở Nguyễn Công Hoan còn thuộc về hồn cốt dân tộc mà ông thấm nhuần trong dòng máu mình.
Rải rác trong các đoạn trên chúng ta đã nhắc qua một số đặc điểm làm nên cách nhìn đời sống của Nguyễn Công Hoan qua các truyện ngắn truyện dài đã in: Thích sự tự nhiên và luôn luôn tự nhắc nhở mình là phải giữ bản sắc. Không tin lắm ở sách vở mà thích đề cao một sự khôn ngoan trời cho. Trong khi gắng gỏi học theo mọi người thì bề ngoài lại tỏ ra không coi cái gì là quan trọng và xem thường mọi chuyện. Lấy sự cười đùa làm vui tự nhiên, bài bác những sự quan trọng hoá giả tạo song lại sẵn sàng để tâm và tỏ ra rất thích thú với những sự sắp đặt tinh xảo v…v…. Đến Đời viết văn của tôi thì chúng ta lại gặp cái tinh thần đó trong chính con người Nguyễn Công Hoan. Trong khi nhìn lại đời mình, nhà văn hiện ra như một cá tính cụ thể, mà trong đó đồng thời thấy bao hàm những con người khác những cuộc đời khác. Xét theo nghĩa này, cuốn sách là một bộ phận hợp thành không thể thiếu trong sự nghiệp đồ sộ của tác giả./.

Xem bài mới: Nguyễn Công Hoan và cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi" - 12/03/2014.

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉