Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Tính trào lộng: một đặc trưng của văn phong Nguyễn Công Hoan - NGUYỄN XUÂN TƯ

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nguyễn Công Hoan

Tính trào lộng: một đặc trưng của văn phong Nguyễn Công Hoan

NGUYỄN XUÂN TƯ

 

Nhà văn Nguyễn Công Hoan được độc giả đặc biệt hâm mộ và tán thưởng, không chỉ về đề tài văn học trong các tác phẩm của ông được thể hiện phong phú và đa dạng, hầu như đề cập mọi tầng lớp thế nhân của xã hội đương thời, mà còn ở một đặc trưng “có một không hai” của văn phong. Đó là tính trào lộng của nhà văn hiện thực xuất sắc trên văn đàn Việt Nam hiện đại.


Tính trào lộng (còn gọi là tính hài hước) trong văn phong Nguyễn Công Hoan có lẽ chỉ thua tác giả của truyện tiếu lâm Việt Nam. Nó được thể hiện rất sinh động, khi thì ở sự việc có tính trào lộng, khi thì ở ngôn từ có tính trào lộng, và thường thì ở cả hai hình thức nói trên phối hợp với nhau. Trong rất nhiều truyện dài và truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, người ta có thể dễ nhận thấy tính trào lộng rất đặc biệt và trường hợp điển hình:

1
Trong truyện Lá ngọc cành vàng, nhận vật Nga là con nhà khuê các con quan Tri phủ, đã quá say mê anh chàng Chi, một học sinh nghèo có tính hào hiệp ở phố phủ. Vì không được thỏa mãn tình cảm yêu thương, Nga đã phát điên và điên thực sự. Nga nói chuyện huyên thuyên với mấy đứa trẻ nhỏ rằng: Nga đã sang Tầu và gặp được ông Tưởng Giới Thạch (đương Kim Tổng thống Trung Hoa). Ông này đón tiếp Nga rất nhiệt tình, bắt tay Nga rất thân mật và nói: “Très bien” (tiếng Tây, nghĩa là “rất tốt”)… khi biết rõ nguyên nhân căn bệnh của cháu mình, chú ruột của Nga là quan Tham (Tham tá: công chức bậc cao của chính quyền bảo hộ Pháp), do am hiểu Tây học,
đã khuyên cha Nga là quan Tri phủ họ Lê: nên cho Nga và Chi gặp nhau tâm sự để thỏa mãn tình yêu tha thiết thì Nga sẽ khỏi bệnh.
Ông Phủ vốn là người có tính bảo thủ phong kiến liền quát mắng em đã làm đốn mạt gia phong, xúc phạm đến tổ tiên, nên phải “ được trừng trị” nghiêm khắc: bắt ông Tham nằm phủ phục trước bàn thờ, trên mông đặc một cái roi song to; ông Phủ vào lễ và khấn vái, kể tội “ngỗ nghịch” của đứa em bất trị và thỉnh cầu tổ tiên về trị tội đứa bất hiếu định làm điều trái đạo. Ông Tham không bị đánh, cái roi song vẫn đặt trên mông của ông này, và ngụ ý: ông Tham đã bị trừng trị. Sau đó, ông Tham lóp ngóp bò dậy và vào lễ tạ tổ tiên.

2
Trong truyện Cô giáo Minh, có nhân vật bà Tuần là mẹ chồng và cô giáo Minh là nàng dâu. Mẹ chồng thì cổ hủ, nàng dâu thì tân tiến. Chuyện “mẹ chồng nàng dâu” âm ỉ hằng ngày trong gia đình. Bà Tuần thì to béo, phốp pháp, đối lập với nàng dâu gầy yếu, mảnh khảnh. Bà Tuần ngồi trên sập gụ, trải nệm bông dầy cộp. Khi bà rời chỗ ngồi thì trên nệm bông còn in hình hai vết lõm sâu trên nệm. Một lần xảy ra chuyện xô xát giữa mẹ chồng và nàng dâu. Cô giáo Minh ngã trên nên nhà. Bà mẹ chồng cũng ngã theo và nằm trên đè lên nàng dâu. Ban đêm, cô giáo Minh thấy đau ê ẩm (trên) khắp người mà không biết nguyên nhân bởi đâu.

Mãi sau cô mới nhớ ra rằng: trong lúc cô ngã thì cái đùi của bà Tuần, lớn bằng cái cột đình, đã đè ngang trên người cô mà lúc đó cô không hề biết… Một lần, bà Tuần có bạn đến chơi. Cô giáo Minh làm cơm đãi khách. Bà Tuần ngầm sai đứa ở xúc một thìa to muối, lén bỏ vào nồi canh cô giáo Minh đã tra gia vị đầy đủ. Đến bữa ăn, bà khách nhăn mặt vì món canh quá mặn. Bà Tuần nếm lại rồi cười khanh khách: “Cháu nó nấu canh như vậy để khỏi mang tiếng là đãi khách không mặn mà”… Sau này, khi được cảm hóa, bà Tuần đối xử rất tử tế với nàng dâu. Những khi đắc ý, bà đã “Âu hóa” bằng cách bắt tay cô giáo Minh rất chặc, lắc đi lắc lại vài lần và nói vui : “Tốt, tốt! Rất tốt!”

3
Trong tryện Tắt lửa lòng, cậu Điệp (Nguyễn Khắc Điệp) là người yêu của cô Lan, con gái ông Tú. Điệp đi thi bị trượt. Cậu đã báo tin cho người yêu biết sự không may của mình. Đến khi ông Tú xem báo, cứ một mực khẳng định rằng Điệp đã đậu trong kì thi này. Cô Lan nói rằng Điệp bị trượt thì ông Tú chỉ tay vào báo, bảo rằng: “Đây này, báo đăng tên Nguyễn Khắc “Điện”, tức là tên Nguyễn Khắc “Điệp” đó, vì báo in sai chữ p (Điệp) thành chữ n (Điện). Rồi ông hả hê kể chuyện in sai của báo, rằng: có câu “ một nhà văn đã TẢ ra một bài văn rất hay”, thế mà báo kia đã in sai chữ T (tả) thành chữ I (ỉa). Đấy, sai như thế đấy. cho nên kỳ này báo đăng tên Điện tức là Điệp đó!”
Trong truyện này còn có một chi tiết khác, nhưng là “cười ra nước mắt”. Thúy Liễu là con gái của quan phủ, người to béo quá cỡ, đến tuổi dậy thì mà không có người yêu, nên không dập tắt được ngọn lửa tình, đã “lén” quan hệ với anh lính cách (tiếng Pháp: “ Cách” là số bốn, tức là “quatre”) và có “bầu”. Quan phủ đã âm mưu mời Điệp đến dự tiệc riêng tại tư thất, rồi khi Điệp bị ép uống rượu quá say thì được đưa vào một phòng ngủ. Đến chiều, khi tỉnh rượu, Điệp thấy đang có Thúy Liễu nằm chung với mình. Thế là Điệp “phải” trở thành con rể “bất đắc dĩ” quan phủ. Chuyện này khiến cho Lan quyết “tắt lửa lòng” để đi tu, tạo thành tấm bi kịch “Lan và Điệp”.

4
Trong truyện Tranh tối tranh sáng, nội dung nói về thời kì 1940 – 1945 của nước ta, trong đó có nhiều chuyện trào lộng về các quan ta và quan tây. Hồi đó, quan Toàn quyền Đông Dương là Jean Decoux (đờ-cu), có vợ chết. Các quan ta kháo nhau về chuyện này.

Phủ Hinh là tay ăn nói hóm hỉnh, kể với đồng liêu rằng:

“Từ ngày phu nhân quan Toàn quyền mất đi thì ngài Decoux thực sự trở thành “ngài đờ-cu” (mượn tên riêng để chỉ tình trạng độc thân phải chịu “đờ-cu”).

(Trong một truyện khác (?) có quan giám đốc học chính Đông Dương là Béris Debat (Bê-ri Đờ-ba) thì một bà Tuần gọi tên vị học quan này là ông Ba-đờ-xuy Ba-đờ-loa (vì không đọc đúng được tiếng Pháp).

5
Trong hàng trăm truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, ít nhất có đến 60% số truyện có tính trào lộng. Tiêu biểu nhất là truyện “Tinh thần thể dục”. Vào những năm 1936-1938, Thống sứ Bắc kì là Chatel đề xuất phong trào thể dục thể thao hình thức để đánh lạc hướng thanh niên ta. Nguyễn Công Hoan viết truyện này để bài bác và đả kích phong trào lừa bịp đó. Đây là một truyện ngắn có kết cấu rất đặc biêt và có tính trào lộng xuyên suốt tác phẩm. Mở đầu là tờ trát (tờ sức, tức thông báo) của quan Tri huyện
sức cho hương lí làng Ngũ Vọng phải dẫn đủ 100 trai làng, đúng 12 giờ trưa ngày 19 Mars (tháng Ba) đến sân vận động huyện để xem “cuộc đá bóng thi, có nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ”.(Dù biết rằng đến 3-4 giờ chiều mới bắt đầu đá). Và “ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách”. “Làng Ngũ Vọng phải có sẵn 5 lá cờ, sẵn sàng từ 10 giờ sáng”.

Sau đó là 5 màn hài kịch rất đặc sắc:



Màn 1: Anh Mịch van lạy ông Lí để được miễn đi xem đá bóng vì phải đi làm thuê để kiếm sống, thì Lí trưởng quát nạt: “Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh thì lần này đến lượt mày rồi”… “Hôm ấy, mày mà không đi, tao cho tuần đến gô cổ mày lại, đừng kêu”.

Màn 2: Bác Phô gái đặt cành cau lên bàn, ngồi xổm ở xó cửa, gãi tai nói với ông Lí: “Lạy thầy, nhà con thì chưa cất cơn, thầy tha cho nhà con, đừng bắt nhà con đi xem bóng đá vội”. Lí trưởng nạt lại: “Ốm gần chết cũng phải đi. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi, thì người ta đá bóng cho chó xem à!”

Màn 3: Bà cụ phó Bính , mắt kèm nhèm, vừa nói vừa cười rất vô duyên: “Thì lòng thành, ông Lí cứ nhận đi cho cháu, cháu hôm ấy không bận đi ăn cưới thì cháu cũng xin vâng. Cháu đã thuê thằng Sang đi thay cho cháu cũng thế…”. Ông Lí nhăn mặt nhặt ba hào bỏ túi: “Làm việc mà cứ gặp những người như con bà thì tôi đến chết mất”.

Màn 4: từ tờ mờ sáng ngày 19 tháng Ba, đã có tiếng ông Lí quát om sòm ở sân đình làng Ngũ Vọng: “Thiếu những 18 thằng kia à! Tuần đâu, đến tận nhà chúng nó, lôi cổ chúng nó ra đây. Chứ đã hẹn đi lại còn tính chuồn phỏng! Hai người tuần “đạp cửa vào nhà thằng Cò” tìm khắp nơi “cũng vô hiệu”. Bỗng có tiếng trẻ con khóc thét lên, thì ra “thằng cò nằm ẹp với con nó ở cạnh đống rơm, phủ lên mình đầy rơm. Nó bị lôi ra ngoài, rồi bị lôi sềnh sệch đi”.

Màn 5: Có 6 anh trốn thoát. Ông Lí nghiến răng nói: “chúng nó ngu như lợn, người ta cho xem đá bóng, chứ ai làm gì mà cũng phải bắt. Rồi quan thấy không đủ số, lại chửi ông không tận tâm. Chín mươi tư thằng ở đây, xếp hàng năm lại, đi cho đều bước. Tuần chúng bay phải kèm chung quanh giúp tao, đứa nào mà trốn thì ông bảo. Rồi ông Lí đi cuối cùng, vừa đi vừa lảm nhảm chửi: “Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc”.

Tính trào lộng ở đây đạt đến cao độ” sự việc trào lộng kết hợp với ngôn từ trào lộng đã khiến cho truyện “Tinh thần thể dục” trở nên “độc nhất vô nhị”, mãi mãi sẽ là bất hủ với thời gian.

Xin dẫn thêm hai trường hợp nữa:

Một là truyện Oẳn-tà-roăn:
Một người phụ nữ lẳng lơ “đi lại” với đủ thứ đàn ông trong nước và nước ngoài. Chị ta báo cho mấy ông nhân tình, rằng: chị đã có bầu. Ông nào cũng tưởng rằng đứa bé sắp chào đời kia là con của mình. Ngày chị ta vào hộ sinh để sinh con,
có mấy ông mang hoa đến để mừng cho đứa trẻ vừa chào đời.

Nhưng rồi không ai bảo ai, ông nào cũng vứt hoa đi, rồi chuồn thẳng. Thì ra đứa bé là một chú “oẳn-tà-roăn” tí hon, da đen như củ súng.

Hai là truyện Samanji:
Một người phụ nữ Việt Nam kết hôn với một anh lính châu Phi da đen. Nhưng chị này vẫn giấu chồng đề bắt nhân tình với một nhà văn Việt Nam. Anh Samanji tính tình trong sáng hồn nhiên nên không nghi ngờ gì. Một hôm nhà văn kia đến thăm cô nhân tình. Hai người âu yếm ngồi bên nhau để cùng xem tấm ảnh chụp chung nhà văn và chị kia. Bất chợt, Samanji trở về. Đôi tình nhân không kịp đối phó.
Samanji cầm lấy tấm ảnh và thẳng thắn nói với nhà văn: “Anh không tốt!”. Nhà văn và cô nhân tình sợ tái mặt đi, vì sợ rằng Samanji sẽ nổi trận lôi đình. Không ngờ, Samanji từ tốn nói tiếp: “Anh không tốt, và vợ tôi cũng không tốt. Lần sau, khi chụp ảnh với vợ tôi, anh nhớ phải gọi tôi đứng chụp chung với cả hai người đấy nhé!” thật là một phen hú vía đối với nhà văn kia.


Tháng 3/2013, Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nguyễn Công Hoan
Tác giả bài viết: NGUYỄN XUÂN TƯ






0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉