Ads 468x60px

.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

Tinh thần thể dục (2)


Mời bạn đọc theo dõi bộ đôi truyện ngắn:
1. Tinh thần thể dục (1)
2. Tinh thần thể dục (2)



Minh họa: Đọc Truyện Cùng LaLa
Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Khởi Nguyên | 2. Cô Vân | 3. Trung Nghị | 4. Thanh Hiền | 5. Nguyễn Ngọc Ngạn | 6. Bích Thuận | 7. Chiến Hữu | 8. LaLa | 9. Khề Khà Official | 10. Thay bạn đọc sách | 11. Trần Thiện Tùng | 12. Hồng Ngọc | 13. TV DKD | 14. Hằng Phạm Audio | 15. Dung | 16. Bún Radio | 17. Nhật Ký Văn Học | 18. L&H | 19. Mắm tôm | 20. Anh Khôi | 21. Nui Ha Noi


Mời đọc Bản đánh máy

Tinh thần thể dục

Nguyễn Công Hoan


Có lính huyện mang trát quan về làng:
Quan tri huyện huyện X.X. 

Sức hương lý xã Ngũ Vọng tuân cử.

Nay thừa lệnh Tỉnh đường, ngày 19 Mars này, tức 29 tháng Giêng An Nam, tại sân vận động huyện có cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ.

Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện.

Những người đã cắt đi dự cuộc khánh thành sân thể dục tháng trước, thì lần này được miễn.

Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh, và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách.

Làng Ngũ Vọng lại phải có năm lá cờ, sẵn sàng từ 10 giờ sáng.

Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.

Nay sức 

Lê Thăng

*
*     *

Anh Mịch nhăn nhó, nói:

- Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy đánh chết.

Ông lý cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to bằng ngón chân cái lên trời, dậm dọa:

- Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh, thì lần này đến lượt mày rồi.

- Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy, ông mà bắt con đi thì ông Nghị ghét con, cả nhà con khổ.

- Thì mày hẹn làm ngày khác với ông ấy, không được à?

- Đối với ông Nghị, con là chỗ đầy tớ, con sợ lắm. Con không dám nói sai lời, vì là chỗ con nhờ vả quanh năm. Nếu không, vợ con con chết đói.

- Chết đói hay chết no, tao đây không biết, nhưng giấy quan đã sức, tao cứ phép tao làm, đứa nào không tuân, để quan gắt, tao trình thì rũ tù.

- Lạy ông, ông thương phận nào con nhờ phận ấy.

- Mặc kệ chúng bay, tao thương chúng bay, nhưng ai thương tao. Hôm ấy mày mà không đi, tao sai tuần đến gô cổ lại, đừng kêu.

*
*     *

Bác Phó gái, dịu dàng, đặt cành cau lên bàn, ngồi xổm ở xó cửa, gãi tai, nói với ông lý:

- Lạy thầy, nhà con thì chưa cất cơn, mấy lại sợ thầy mắng chửi, nên không dám đến kêu. Lạy thầy, quyền phép trong tay thầy, thầy tha cho nhà con, đừng bắt nhà con đi xem đá bóng vội.

- Ồ, việc quan không phải như chuyện đàn bà của các chị!

- Thì lạy thầy, thế này, làng ta thì đông, thầy cắt ai không được. Tại nhà con ốm yếu, nên xin thầy hoãn cho đến lượt sau.

- Ốm gần chết cũng phải đi. Lệnh quan như thế. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi, thì người ta đá bóng cho chó xem à?

- Thưa thầy, giá nhà con khỏe khoắn, thì nhà con chả dám kêu. Nhưng, thưa thầy, từ đây lên huyện, những chín cây lô mếch, sợ nhà con đi nắng thì cảm, rồi phải lại thì oan gia.

- Đây không biết, mà đây cũng không nghe đâu. Vợ chồng thu xếp với nhau thế nào, đây mặc kệ!

- Thưa, hay con nghỉ buổi chợ để đi thay nhà con có được không ạ?

- Không! Phải là đàn ông kia? Chứ nữ nhân ngoại tộc, ai kể.

Người đàn bà thở dài:

- Thế thì con biết làm thế nào được!

*
*     *

Bà cụ phó Bính, mắt kèm nhèm, vừa nói, vừa cười rất vô duyên:

- Thì lòng thành, ông lý cứ nhận đi cho cháu. Cháu hôm ấy không bận đi ăn cưới thì cháu cũng xin vâng. Cháu đã thuê thằng Sang đi thay cho cháu cũng thế. Ông ngơ đi là được.

- Thế ngộ quan biết, có chết tôi không!

- Quan đếm đủ đầu người là xong, chứ ai xem thẻ mà ông sợ.

- Tôi nhận lễ của con bà mà tôi lo lắm. Việc quan nào phải việc chơi.

- Thì cũng như ông làm phúc ấy mà lị.

- Nhưng thằng Sang có khăn áo tử tế, hay lại ăn mặc như thằng ăn mày ấy.

- Ông không phải lo việc ấy. Nó đã dạm mượn được đủ cả rồi. Cháu mặc cả và đã khoán đủ với nó như thế.

Ông lý nhăn mặt, nhặt ba hào, bỏ túi:

- Làm việc mà cứ gặp phải những người như con bà, thì tôi đến chết mất.

- Thì ông không cho phép cháu ở nhà, cháu phải thuê người khác đi thay cũng thế chứ gì.

- Thế đến gà gáy hôm 29, bà phải bảo thằng Sang chực sẵn ở đình, tôi dẫn đi.

- Ấy, ông cho nó cơm nước thong thả đã chứ. Đá bóng ít ra ba bốn giờ chiều mới bắt đầu kia mà. Tôi tưởng mười hai giờ ở nhà đi cũng vừa. Buổi sáng, tôi còn mượn nó cuốc mảnh vườn.

- Ba bốn giờ chiều mới bắt đầu, nhưng quan bắt đến huyện từ 12 giờ trưa. Để ngài điểm. Mà quan sức mười hai giờ, thì mình phải đến từ 11 giờ cho sớm sủa. Vả lại, tôi còn phải mang cờ lên lúc 10 giờ, thì chả đi từ năm sáu giờ thì đi vào lúc nào? Cho nên, mọi người phải chờ tôi ở đình từ gà gáy.

- Thế thì sớm quá.

Ông Lý gắt:

- Tôi không lôi thôi. Bà không bằng lòng thế, thì tôi cứ bắt đích danh con bà. Mặc kệ!

Bà phó sợ hãi:

- Không, lệnh ông thì thế nào tôi chả phải nghe. Là tôi nói chuyện thế đấy chứ.

- Mấy lị bao nhiêu người đều phải thế, chứ riêng gì bà. Bà bảo thằng Sang nắm cơm từ chiều hôm trước, chứ sáng hôm ấy dậy mới thổi thì không kịp đâu.

- Vâng.

*
*     *

Ngay từ sáng tờ mờ hôm 29, ở sân đình làng Ngũ Vọng, đã có tiếng ông lý quát tháo om sòm:

- Thiếu những mười tám thằng kia à? Tuần đâu, đến tận nhà chúng nó, lôi cổ chúng nó ra đây. Chứ đã hẹn đi lại còn định chuồn phỏng!

Sau tiếng dạ ran, những ngọn đuốc linh tinh kéo đi các ngả. Ông lý dặn theo, tiếng oang oang:

- Hễ đứa nào láo, cứ đánh sặc tiết chúng nó ra, tội vạ ông chịu. Mẹ bố chúng nó! Việc quan thế này chết cha người ta không! Chúng bay gô cổ cả, giải cho được ra đây cho ông!

Lại một tiếng dạ nữa, giữa những tiếng chó rống dậy. Ngọn lửa đỏ như nổi lềnh bềnh trong biển sương mù.

Thì đại khái cái cảnh diễn ra như thế này:

Hai người tuần, một người cầm đuốc, một người cầm tay thước, đạp cửa vào nhà thằng Cò. Sau khi tìm sục khắp gian ngoài, buồng trong, không thấy một ai, họ xuống bếp, chọc tay thước vào cót gio và bồ trấu. Rồi họ lùng ra mé sau nhà. Cũng vô hiệu.

Nhưng bỗng có tiếng trẻ khóc thét lên, thì hai anh tuần mới khám phá ra chỗ người trốn: Thằng Cò nằm ẹp với con ở cạnh đống rơm, phủ lên mình đầy rơm.

Nó bị lôi ra ngoài. Nó van lạy:

- Lạy các bác, các bác cho tôi ở nhà làm ăn.

- Sao anh đã hẹn với ông lý, lại không đi, để ông ấy chửi địa lên kia kìa.

- Tôi đi thì tôi mất cả ngày, mà mất buổi làm thì tôi với cháu nhịn đói.

- Tôi không biết!

- Mấy lị tôi không mượn đâu được quần áo.

- Không biết! Anh ra đình mà kêu với ông lý.

Thằng bé con nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy bố. Nó sợ quá, không khóc được nữa. Thằng Cò chưa kịp trả lời, đã bị lôi sềnh sệch đi.

*
*     *

Cuộc săn dù ráo riết đến đâu cũng không sao tróc đủ một trăm người phải đi xem đá bóng. Dăm sáu anh khôn ngoan, đã kéo đến ngủ nhờ nhà khác, hoặc làng khác. Họ làm như lánh nạn.

Khi thấy đã chậm giờ, ông lý trưởng nghiến răng nói:

- Chúng nó ngu như lợn. Người ta cho xem đá bóng chứ ai làm gì mà cũng phải bắt. Rồi quan thấy không đủ số, lại chửi ông không tận tâm.

Rồi ông ra lệnh:

- Chín mươi tư thằng ở đây, xếp hàng năm lại, đi cho đều bước. Tuần chúng bay phải kèm chung quanh giúp tao. Đứa nào mà trốn về thì ông bảo.

Đoạn ông lo lắng, đi cuối cùng, mắt nhanh nhẹn để coi cẩn thận như coi tù binh.

- Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc!



1938

Tiểu thuyết thứ bảy, số 251 (ra ngày 25-3-1939)



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF

Trong Tổng tập văn học Việt Nam - Tập 28 - Trung tâm KHXH NV Quốc gia -2000


Tham khảo: Các bài viết liên quan

Nghe đọc "Tinh thần thể dục" - YouTube





12 comments:

  1. 2.Ký ức một thời về phố Huyện.

    Trong cuốn hồi ức của Nhà văn Nguyễn Công Hoan, ông kể rằng có thời (khoảng những năm ba mươi) ông dạy học ở phố huyện Kinh Môn. Ông cũng kể có lần được chính quyền bảo hộ vời sang Đông Triều bỏ phiếu dân biểu, ông đã tự làm cho lá phiếu của mình thành vô giá trị bằng cách khi đút phiếu váo hòm, đã cố tình ấn ngón tay cho rách lá phiếu. Các nguyên mẫu về tên quan huyện họ Lê là lấy nguyên mẫu từ tri huyện Kinh Môn, có nhiều truyện của ông viết trong thời gian ông dạy học tại Kinh Môn.

    Bố tôi trạc tuổi nhà văn Nguyễn Công Hoan, bà nội tôi quê tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên, cùng làng với nhà văn, cho nên hai ông có qua lại biết nhau. Theo kể lại, ngôi trường ông Hoan dạy học là “trường con gái”, đặt tại Đèo Ngựa, hiện nay là dãy phố vòng qua thị trấn trên đường 188 vào Hoàng Thạch. Khi tôi lớn lên, khoảng thập niên sáu mươi, ngôi trường ấy đã bị phá, khu vực này hồi ấy người ta xây một cái sân khấu, chuyên để chiếu phim và biểu diễn văn công, hầu như không có nhà cửa. Bố tôi và nhiều người ít tuổi hơn ở Kinh Môn vẫn nhớ và kể rằng, bối cảnh của truyện ngắn “Tinh thần thể dục” chính là những sự kiện diễn ra tại các làng ven thị trấn Kinh Môn và chuyện đó có thật, nhà văn hầu như chỉ thổi vào câu chuyện hồn cốt của nhân vật mà thôi. Cái sân vận động mà nhà văn Nguyễn Công Hoan tả trong truyện ngắn ấy chính là Bàn Quần, một khu đất trống làm sân vận động từ những năm ba mươi, nó còn là sân vận động cho đến trước năm 1975. Sau này, người ta cho xây dựng ở đó trường Phổ thông trung học An Lưu ngày nay. Việc kiến thiết thị trấn đàng hoàng hơn, to đẹp hơn là tốt, nhưng một trong những điều đáng tiếc nhất là đã phá bỏ Bàn Quần, biến cái sân vận động ấy thành trường học và nhà ở. Những năm sáu mươi, sân vận động này thường đón các đội hạng A miền Bắc về đây thi đấu, huyện Kinh Môn có một đội bóng không phải tầm cỡ tỉnh, mà cầu thủ của đội cả miền Bắc nhiều ngươì biết.


    http://nguyenxuanhung.com/page/detailinfo/idc/8/id/28/kinh-mon-noi-dau.html

    Trả lờiXóa
  2. Tiêu đề: Tìm hiểu truyện ngắn "Tinh thần thể dục"
    Mon Nov 28, 2011 10:14 pm

    Tác giả

    Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) là một trong những nhà văn lớn, sáng tác từ hồi văn xuôi quốc ngữ còn chập chững. Ông là một đại diện tiêu biểu cho trào lưu văn học hiện thực Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
    Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 - 3 - 1903 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hưng Yên), trong một gia đình quan lại phong kiến xuất thân khoa bảng bắt đầu sa sút. Ông viết nhiều (cả truyện ngắn và tiểu thuyết). Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, ông đặc biệt thành công với loại truyện ngắn trào phúng. Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan tập trung phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội cũ. Đối tượng phê phán của ông chủ yếu là bọn nhà giàu, quan lại, tư sản. Cách mạng tháng Tám thành công, ông hăng hái sáng tác phục vụ kháng chiến. Nguyễn Công Hoan là người có nhiều đóng góp vào sự phát triển của văn xuôi quốc ngữ.

    Tác phẩm chính : Lá ngọc cành vàng (tiểu thuyết, 1935), Cô giáo Minh (tiểu thuyết, 1935), Bước đường cùng (tiểu thuyết, 1938)... ; Kép Tư Bền (truyện ngắn, 1935), Hai thằng khốn nạn (truyện ngắn, 1937), Đào kép mới (truyện ngắn, 1937)... ; Đời viết văn của tôi (hồi kí, 1971) và một số tập truyện ngắn...

    Tác phẩm


    Tinh thần thể dục là một truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan giai đoạn 1936 - 1939 về cả hai phương diện tư tưởng và nghệ thuật.

    Có một trận đấu bóng được tổ chức tại sân vận động huyện X.X. Quan tri huyện gửi giấy về xã Ngũ Vọng yêu cầu hương lí xã phải cử đủ một trăm người đến dự và cổ vũ trận đấu.

    Mọi người trong xã tìm mọi cách để xin miễn đi xem bóng đá. Người thì van xin, người thì chạy tiền, người thì trốn tránh. Không một ai muốn đi xem thể dục vì người thì lo đi làm thuê kiếm cơm ăn, người thì ốm yếu, người thì không muốn đi xa, người thì không kiếm được quần áo lành lặn...

    Lí dịch trong làng tìm đủ mọi cách, đánh đập, bắt bớ, doạ nạt gay gắt hơn cả bắt người đi phu phen. Người trong làng trốn như chạy giặc. Cuối cùng, lí dịch cũng săn lùng, bắt ép được chín mươi tư người đi xem bóng đá. Cuộc đi xem ấy diễn ra như một cuộc giải tù binh.

    Qua câu chuyện, tác giả “đã lật mặt trái cái chủ trương thể dục thể thao bịp bợm của chính quyền thực dân nhằm tô vẽ cho cái trật tự thối nát đó và làm lạc hướng thanh niên. Cuộc đá bóng mà quan trên, quan dưới dàn dựng hết sức hăng hái và hò hét, đôn đốc người xem một cách gắt gao ấy, đối với người nông dân nghèo chỉ là một tai hoạ, họ phải van xin, lạy lục, đút lót, lẩn trốn... và cuối cùng trời chưa sáng, cả làng náo loạn vì cuộc lùng sục tróc nã những kẻ... được cử đi xem bóng đá mà lẩn trốn” - Nguyễn Hoành Khung, Văn học Việt Nam (1900-1945)


    ...
    Xem tiếp bên dưới

    Trả lờiXóa
  3. Tiếp
    ...
    Tinh thần thể dục là sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Công Hoan giai đoạn 1936 - 1939, giai đoạn chín muồi cả về tài năng và tư tưởng nghệ thuật của ông. Đây là một truyện ngắn trào phúng với chủ đề phê phán thói giả dối, chính sách lừa bịp mị dân của bọn cầm quyền thực dân phong kiến. Câu chuyện được chia thành 6 đoạn. Mỗi đoạn thể hiện một nội dung. Sáu nội dung ấy tạo thành một cốt truyện chặt chẽ, được phát triển theo trình tự lôgíc trước sau của việc bắt người đi xem đá bóng.

    Đoạn 1 có thể gọi tên là lệnh quan trên. Đây là một cái lệnh khá đặc biệt, độc đáo, không giống những cái lệnh thông thường khác. Thường quan trên sức giấy bắt phu phen, thu thuế, bắt tội phạm... còn ở đây quan trên sức giấy bắt người đi xem đá bóng. Tác giả không dùng ngôn ngữ kể chuyện mà dùng cách để nguyên văn bản lệnh quan trên. Lệnh quan rất đầy đủ, đúng nghi thức một văn bản hành chính quan trọng. Lệnh quy định rõ số lượng người phải có mặt, những việc người đi xem phải làm... Điều đó cho thấy quan trên rất coi trọng việc thể dục này.

    Đoạn 2 : van xin. Anh Mịch van xin ông Lí cho miễn việc đi xem bóng đá vì anh còn phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị. Nhưng lời van xin thống thiết của anh không làm ông Lí động lòng.

    Đoạn 3 : nài nỉ. Bác Phô gái xin ông lí cho chồng mình không phải đi xem bóng đá với lí do ốm đau. Bác Phô còn mang theo cả cành cau biếu ông lí. Lời van xin cũng không kém phần thống thiết nhưng ông lí cũng rất kiên quyết : “Ốm gần chết cũng phải đi. Lệnh quan như thế. Ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi, thì người ta đá bóng cho chó xem à ?”.

    Đoạn 4 : đút lót. Bà cụ phó Bính thức thời hơn, cũng bởi bà có tiền hơn. Bà có ba hào để đút lót ông lí. Bà có tiền để thuê người đi thay. Vì vậy phản ứng của ông lí nhã nhặn hơn. Ông không doạ nạt mà chỉ trách nhẹ : “Làm việc mà cứ gặp phải những người như con bà, thì tôi đến chết mất”, sau khi đã bỏ ba hào vào túi.

    Đoạn 5 : lùng sục. Người van xin, người nài nỉ, người chạy chọt, người trốn tránh khiến các ông lí dịch trong làng vô cùng vất vả với việc bắt người đi xem thể thao. Các nhà chức trách phải tróc nã, bắt bớ vất vả hơn cả bắt lính. Không khí trong làng như có trận càn. Đánh đập, quát tháo, chửi rủa. Cảnh tượng thương tâm nhất là ở nhà thằng Cò. Ôm con trốn ra đống rơm mà cũng không thoát. Kết thúc đoạn kể về chuyện lùng sục người ấy là hình ảnh “Thằng bé con nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy bố. Nó sợ quá, không khóc được nữa. Thằng Cò chưa kịp trả lời, đã bị lôi xềnh xệch đi”.

    Đoạn 6 : lên đường. Không khí của buổi lên đường cũng không vui vẻ gì. Những người không may mắn, không thể trốn thoát được phải tập trung xếp hàng năm để lên đường đi xem bóng đá. Họ bị giải đi như đoàn tù binh.

    Các đoạn nối tiếp nhau thể hiện sự tăng tiến tính chất gay gắt của việc bắt người đi xem bóng đá. Tác giả đã tạo nên một mâu thuẫn trào phúng rất đặc sắc. Đi xem bóng đá là một hoạt động thể thao, người tham gia thường tự nguyện và thích thú. Thế nhưng, trong câu chuyện này, xem bóng đá lại trở thành một tai hoạ với người dân. Hoạt động thể thao mà bọn quan trên tổ chức để khoe khoang, để mị dân về cái tinh thần thể dục của quốc dân đồng bào đã bị lật tẩy. Tinh thần thể dục chỉ có được khi con người được ăn no mặc ấm. Miếng cơm manh áo còn đang là gánh nặng đè lên vai những người nông dân nghèo thì việc phải đi xem bóng đá là tai hoạ đổ xuống đầu họ.

    Tinh thần thể dục là câu chuyện cười ra nước mắt về một trong những trò bịp bợm của chính quyền thực dân phong kiến.

    Thầy giáo làng

    Trả lờiXóa
  4. /www.vanconghung.com/2013/03/nay-suc.html

    [im]http://laodong.com.vn/Uploaded/ledinhdung/2013_03_28/CD1.jpg[/im]
    [im]http://laodong.com.vn/Uploaded/ledinhdung/2013_03_28/CD2.jpg[/im]

    Trả lờiXóa
  5. [youtube]http://youtu.be/fRlxj0kfbdI[/youtube]

    Trả lờiXóa
  6. Chuyện làng báo, làng văn

    Nguyên mẫu truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan ở Kinh Môn

    CHỦ NHẬT, 10/06/2018 08:05:34

    Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng dạy học tại một trường ở thị trấn Kinh Môn, khoảng những năm 30. Ngày nay, tra trên tiểu sử nhà văn, có thể xác định rõ khoảng thời gian này. Trường học ở khu vực sau này gọi là Đèo Ngựa, hoang vắng chỉ thả ngựa, hiện nay là một dãy phố đông đúc.

    Gia đình tôi còn lưu truyền nhiều câu chuyện về nhà văn Nguyễn Công Hoan. Xét về phả hệ, bố tôi phải gọi ông Hoan bằng cậu. Gia đình tôi sinh sống ở phố huyện Kinh Môn từ trước những năm 20.

    Trong tự truyện của mình, nhà văn Nguyễn Công Hoan có kể lại một vài chuyện trong thời gian ông ở huyện Kinh Môn, dạy học và viết những truyện ngắn châm biếm, hoặc chuyện ông sang Đông Triều bầu cử hội đồng hàng tỉnh...

    Có một truyện ông Hoan viết kể lại đúng như thật những sự việc xảy ra ở huyện Kinh Môn. Đó là truyện "Tinh thần thể dục". Huyện Kinh Môn có một sân bãi cho thi đấu thể thao, là "sân vận động" đầu tiên có lẽ của cả tỉnh trừ khu vực thị xã. Đó là một bãi cỏ, được san lấp phẳng, cho cỏ mọc xanh tốt, xung quanh trống trải, làm thành đường bao quanh ngay ngắn. Bãi trống ngay cạnh đường đi liên huyện, sát với trung tâm. Người Kinh Môn gọi sân đó là Bàn Quần. Có lẽ thường xuyên để các quan đánh quần vợt. Năm đó, huyện tổ chức cuộc thi đấu thể thao tại Bàn Quần và cảnh tượng bắt người đi xem đúng hệt như nhà văn Nguyễn Công Hoan mô tả.

    Bố tôi là người cùng thế hệ ông Hoan. Dĩ nhiên sau đó thì ông cũng đọc truyện "Tinh thần thể dục" và bố tôi còn kể chuyện bắt người đi xem xảy ra ở làng Lưu Hạ, Lưu Thượng, là 2 làng gần phố huyện nhất. Lưu Hạ nay thuộc thị trấn Kinh Môn, Lưu Thượng là xã Hiệp An bây giờ. Duy chỉ có tình tiết này bố tôi "đính chính": "Tri huyện Kinh Môn hoàn toàn khác hẳn với Tri huyện Lê Thăng mà ông Hoan tả. Ông Hoan chơi thân với tri huyện Kinh Môn, ông này gầy, cao, ông Hoan tả béo, thấp, đại khái ông ấy tả ông khác".
    Nếu ai theo dõi phong trào thể thao những năm trước 1975, thì biết Kinh Môn có phong trào rất mạnh, có đội bóng đá thi đấu với các đội hạng B, hạng A. Sân Bàn Quần thường tổ chức mời các đội hạng A về bán vé thi đấu. Do sân ở đồng không, xung quanh không giáp dân cư, nên bốn phía chăng dây, cử một hai bảo vệ xua người. Bọn học sinh thường chui qua luống khoai trốn vé vào xem...

    Sau năm 1975, huyện Kinh Môn bắt đầu xẻ đất Bàn Quần xây các công trình, hiện phần lớn đất Bàn Quần là khu vực Trường THCS thị trấn Kinh Môn. Nếu như chính quyền huyện có một tấm bảng ở khu vực sân trường, ghi rõ nơi đây nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng lấy làm nguyên mẫu viết truyện "Tinh thần thể dục" trong thời gian nhà văn dạy học ở Đèo Ngựa thì rất có tác dụng giáo dục lịch sử văn hóa cho học sinh. Hoặc có thể kết hợp đầu tư làm một khu lưu niệm về nhà văn Nguyễn Công Hoan và các lãnh tụ cách mạng tại Kinh Môn. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng là cậu của các nhà cách mạng Tô Hiệu, Tô Chấn, Tô Đẩu và là anh trai ông Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Những nhà cách mạng này đã nhiều lần về phố huyện Kinh Môn hoạt động.

    Kinh Môn có nhiều thắng cảnh, có thể hình thành tour du lịch văn hóa: An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương và tham quan di tích về Nguyễn Công Hoan, Tô Hiệu thì thật là một tour hoàn chỉnh.

    NGUYỄN XUÂN HƯNG
    ---------------
    (*) Nguyễn Xuân Hưng, sinh năm 1959, hiện là Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quê Kinh Môn, Hải Dương)

    http://baohaiduong.vn/chuyen-trang/van-nghe/chuyen-lang-bao-lang-van/nguyen-mau-truyen-ngan-cua-nha-van-nguyen-cong-hoan-o-kinh-mon-90488

    Trả lờiXóa

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉