Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Kép Tư Bền




Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. VOV6 | 2. Cô Vân | 3. Khởi Nguyên | 4. Cô Trinh | 5. Trung Nghị | 6. Thanh Hiền | 7. Nam Trần | 8. Bích Thuận | 9. Chiến Hữu | 10. Huỳnh Minh Hiền | 11. Mắm Tôm | 12. Quỳnh Hoa | 13. Trần Thiện Tùng | 14. Hằng Phạm Audio | 15. Đọc truyện đêm khuya | 16. Lê Thu Cúc | 17. Kiều Phong | 18. TV DKD | 19. Truyện dễ ngủ | 20. Minmin | 21. Hạ Radio | 22. Nhật Ký Văn Học | 23. L&H | 24. Bình Tâm | 25. Anh Khôi | 26. Đức Linh | 27. Nui Ha Noi



Mời đọc Bản đánh máy


Kép Tư Bền

Nguyễn Công Hoan


Các ngài thích xem hát bội, hẳn chẳng ai là không biết tên Kép Tư Bền. Ấy anh ta chỉ nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta, các khán quan cũng đủ phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp.

Anh ta ở Sài Gòn ra hát ở Hà Nội đã ba năm nay. Vì anh ta có tài riêng mà tính lại thích tự do, nên anh chẳng chịu làm chuyên cho một rạp nào. Nhưng hễ rạp nào khéo dùng anh một độ, là cũng đông khách. Cho nên, tối nào bà con Hà thành đọc chương trình hay xem báo, thấy kép Tư Bền đóng vai giễu là cũng nô nức đi xem. Lắm người đến chậm, phải mang tiền về không, phàn nàn rằng rạp chật quá!

Cho nên những tối hát có anh giúp, thì các hý viện đều trưng lên là buổi hát đặc biệt.

Nhưng đã hơn một tháng nay, anh không diễn ở đâu cả. Vì đã hơn một tháng nay, cha anh ta ốm. Đã hơn một tháng nay, lúc nào trong cái gác tối om ở gian nhà ngay đầu ngõ Sầm Công, cái tiếng rền rĩ của ông cụ cũng hòa lẫn với tiếng rầu rĩ của siêu thuốc mà làm anh Tư Bền phải rầu gan nát ruột, chẳng thiết đến sự làm ăn. Bệnh cha anh càng ngày càng nặng, thuốc thang chữa chạy, nào anh có quản ngại gì. Nhưng cái số tiền để dành của một vai kép dần dần cũng đi bài tẩu mã, đến nỗi anh phải đi vay trước của các ông chủ rạp hát ít nhiều.

Một hôm, ông chủ rạp Kịch trường đến nhà anh ta chơi. Sau một vài câu hỏi thăm chiếu lệ, ông ta nghiêm sắc mặt, nhắc đến món nợ:

- Sao? Cái số tiền đó, cậu đã có để trả tôi chưa?

- Thưa ngài, xin ngài hãy thư cho ít bữa, khi nào thư thả, tôi sẽ đi làm và nộp sau.

Ông chủ bĩu môi, nói:

- Thôi, biết bao lần rồi! Cậu không trả, tôi sẽ đem ra tòa đó.

Anh Tư Bền cười lạt cho xong chuyện, nhưng lại thấy ông chủ ngọt ngào dỗ:

Bấy lâu cậu nghỉ hát ở các rạp, khách nhắc nhở luôn đấy. Vậy cậu liệu liệu mà đi làm ăn chứ?

- Vâng, tôi định thế...

- Tôi mới nhờ một nhà văn sĩ đại danh soạn cho một vở hài kịch theo lối tuồng cổ. Vậy cậu ra giúp tôi vai chính. Vì phi cậu, không còn ai xứng đáng.

- Diễn vở mới thì phải học, thưa ngài?

- Phải, phải học và tập diễn trong độ nửa tháng.

- Trong nửa tháng! Chà!

Anh Tư Bền nhắc lại ba tiếng đó, nhưng trong anh lẩn vẩn nghĩ ngợi biết bao nhiêu điều: Trong nửa tháng, trong mười lăm hôm trời, mỗi ngày anh phải xa cách cha mấy tiếng đồng hồ để đi học diễn. Cha anh ốm. Trong khi anh vắng nhà, ai trông nom săn sóc thay anh? Nghĩ vậy anh đáp phắt:

- Thôi, xin lỗi ông, tôi bận quá mà!

Rồi anh trỏ vào màn và nói tiếp:

- Cha tôi yếu, tôi phải ở nhà.

Lúc ấy, ở trên giường bệnh, ông cụ ho sù sụ, rồi thò tay ra cái ghế đẩu kê cạnh, để với lấy cái ống nhổ. Nhưng lật bật cầm không vững, cụ đánh rơi ngay xuống sàn gác, đờm rãi nổi lềnh bềnh.

Anh Tư Bền giật mình, chạy lại đỡ cha:

- Sao ông không gọi con?

Rồi anh đỡ lấy chổi quét chỗ nước lênh láng đi, đoạn nét mặt rầu rầu, anh nói.

- Đó, ông coi, vắng tôi sao đặng.

- Không, cậu cứ nhận lời giúp tôi, tôi sẽ sai người đến trông nom hộ cậu.

- Đa tạ ông, nhưng tôi không yên tâm.

Lúc ấy, trong màn có tiếng keng keng của chiếc đũa đập vào bát sứ. Đó là hiệu gọi. Anh Tư Bền lật đật chạy lại gần cha. Giọng khàn khàn của ông cụ sai anh rót chén nước.

Nhân muốn gây cảm tình, ông chủ rạp Kịch trường lại gần giường, mở màn, rồi hỏi:

- Chào cụ, cụ có biết tôi là ai không.

Ông già giương hai mắt lên. Rồi như đã nhận biết, bèn nhăn bộ răng ra cười, cái cười khó đăm đăm, và gật gật mấy cái, rồi run lẩy bẩy, giơ tay ra bắt.

Các ngài đừng tưởng rằng ông cụ quen gọi lối tây, nên mới bắt tay đâu. Đến phải nhăn bộ răng ra cười còn là sự bất đắc dĩ nữa là. Nay sở dĩ ông cụ phải bắt tay, vì là tiếp khách theo lối lịch sự của những người mà con mình có nhờ vả.

- Cụ cũng không yếu lắm nhỉ. Sao cậu Tư Bền không nhận lời cho tôi?

Ông cụ hất hàm, có ý hỏi.

- Tôi sắp cho tập vở mới, định nhờ cậu ấy sắm vai chính.

Ông cụ lại nhăn răng ra cười và gật, nhưng anh Tư Bền nói ngay với cha.

- Ông mệt lắm, con phải ở nhà.

Ông cụ cau mặt. Chỉ có anh Tư Bền hiểu. Bởi vì ông cụ chẳng muốn vì mình mà con làm trái lòng người chủ nợ. Ông chủ dỗ dành, nói:

- Cậu cứ giúp tôi đi. Cậu mà nhận lời, thì món tiền ấy, cậu để đến bao giờ cũng được. Còn tiền hỏa hồng khi diễn tấn "Ông huyện ba phải" này, cậu cứ lấy cả để thuốc thang cho ông cụ.

Cái sức làm cho anh kép Tư Bền có thể nghĩ đến sự bỏ cha ốm một mình là ở câu nói ấy. Mà cha anh cũng vì câu nói ấy mà nở nang cả lồng xương ngực. Ông cụ cố thở mạnh mấy cái cho khoan khoái trong lòng.

- Cậu nghĩ sao?

- Nhưng nửa tháng trời! Ai trông nom cho cha tôi?

- À, thôi, thế này thì cậu bằng lòng nhé. Cậu cứ ở nhà mà học vở. Đến hôm diễn thử lần cuối, cậu hãy đến rạp cũng được. Vì tôi biết cậu thông minh và có tài hơn người khác. Tội chi, có dịp trổ tài, vả lại để cho thiên hạ nhớ mong lâu cũng không tiện!

Nghe câu nói sau cùng như được ăn miếng bánh thánh, anh Tư Bền có vẻ nghĩ ngợi. Anh nhìn cha. Ông cụ thấy con còn ngần ngừ, thì lộ ra vẻ không bằng lòng. Cụ nhăn mặt, cố cất lên cái tiếng khàn khàn để gắt:

- Nhận lời đi!

Nói xong, lại ho sù sụ.

Anh Tư Bền cảm động, nhìn ông chủ rạp Kịch trường và trả lời.

- Vâng!

Ông chủ vì chờ cái tiếng vâng này mất nhiều công quá, nên sợ nó không được chắc chắn. Đến hôm diễn, mà cha anh Tư Bền có làm sao, anh cứ vắng mặt ở rạp hát, thì lỡ bét. Ông bắt anh làm giấy giao kèo.

Bà con sính xem hát, hôm đó thấy ôtô quảng cáo chạy rong khắp phố để thả chương trình, và vải căng ở các ngã tư, đều nô nức rủ nhau đi xem buổi biểu diễn đặc biệt, có Tư Bền sắm vai chính.

Tối đến, cửa rạp Kịch trường đèn thắp sáng trưng như ban ngày, chiếu rõ cái cảnh người đứng lô nhô như luống hoa trăm hồng ngàn tía, bướm ong chờn vờn. Trên thềm, dưới bậc, giữa đường, non nghìn thiếu niên nam nữ túm tụm lại, tìm chỗ để đứng ngắm nhau cho đỡ nóng ruột lúc chờ đợi. Tiếng nhạc hòa trong rạp, du dương trầm bổng, chứa chan biết bao tình tứ ái ân, như câu, như kéo, làm cho người ta quên hẳn, mà bất giác moi túi lấy tiền mua vé.

Rồi cái làn sóng người dần dà tràn vào trong. Trên các hàng ghế, chỗ nọ nhắc lại câu bông lơn của kép Tư Bền, chỗ kia bắt chước điệu bộ của kép Tư Bền. Ai nấy đều nóng ruột sốt lòng, mong cho chóng đến giờ mở màn sân khấu, để được cười, được vỗ tay, được học thêm vào lối pha trò mới, để mai làm nhếch mép người yêu.

Vinh dự thay, anh kép Tư Bền! Nhưng mà khốn nạn thân anh! Người ta biết đâu rằng hiện giờ này, ở nhà, cha anh đương dở chứng khò khè, chỉ chờ từng phút để thở một hai hơi nữa là hết nợ, và ở trong buồng trò, anh cũng đương nẫu ruột nhầu gan. Thật vậy, ai ngó vào trong buồng trò mới thấy được cái khổ tâm của anh Tư Bền. Anh ngồi ủ rũ trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì nhăn nhó, nhưng tay vẫn phải sờ vào hộp phấn hồng để đánh mặt, quệt vào đĩa mực để bôi nhọ cái mồm. Rồi anh phải mặc trái cái áo lụng thụng thêu, lận đôi hia xanh và đội cái cánh mũ chuồn ngược. Anh đóng vai này, trông ra phết giàu sang sung sướng. Chốc nữa, anh còn phải làm cho chủ anh bằng lòng, các bạn anh trông anh mà gắng sức, các khán quan được một phen cười vỡ bụng vỗ rát tay kia mà! Nhưng mà cha anh Tư Bền sắp chết! Ban nãy lúc anh ở nhà ra đi, đã thấy nguy lắm rồi. Thôi! nhưng mà mặc kệ. Anh phải quên đi, mà bông, mà đùa, mà pha trò trên sân khấu, cho chúng tôi cười, hét lên mà cười, cười đến nỗi lăn ra cả đất chứ?

*
*     *

Một hồi chuông vừa dứt, màn kéo lên. Một tràng vỗ tay đôm đốp như pháo nổ để hoan nghênh ông chúa khôi hài. Anh Tư Bền lững thững bước ra, cúi đầu chào, rồi đứng thần người ra như phỗng một lúc. Tiếng reo, tiếng hò, tiếng vỗ tay lại làm dữ hơn trước! Mà khách quan thấy anh ăn mặc ngộ nghĩnh, cái mồm bôi nhọ nhem, thì ai nhịn cười được! Càng thấy anh đứng yên, họ càng được ngắm, và cho là anh muốn pha trò như thế, nên càng cười già! ác thật! Vai anh Tư Bền hôm ấy cứ phải đứng trên sâu khấu. Nhất là anh phải làm nhiều điệu bộ hơn mọi khi. Lắm lúc còn phải rặn ra mà cười ha hả!

Hết cảnh đầu. Sao mà lâu thế! Anh được nghỉ một chốc, mới nhờ người về xem tình hình cha anh ra làm sao. Rồi anh lại phải ra trò. Anh lại phải hò, phải hét phải dằn từng tiếng, phải ngân từng câu, phải làm những điệu bộ, phải cười ha hả như cảnh thứ nhất. Người xem hát thì cứ trông thấy anh là cũng đủ cười rồi. Nào họ có để ý và nhìn rõ đâu được cái vẻ lo âu của anh, nó hiện ra ở trước mắt. Bỗng khi anh đương phệnh phạo trên sân khấu, khi người ta đương vỗ tay đôm đốp, thì anh nghe thấy có người ở trong phòng nói ra:

- Nguy hơn ban nãy. Đã cấm khẩu rồi!

Minh họa: Đỗ Dũng

Cha anh cấm khẩu rồi! Đành vậy, nhưng chính là bây giờ mới nhiều cái vui trò. Khán giả dưới kia, hàng mấy nghìn con mắt, đương chăm chắm vào anh và im phăng phắc. Họ chỉ chờ anh há miệng là họ được lăn ra mà cười và vỗ tay mà thôi.

Cảnh thứ hai cũng lâu như cảnh đầu, mãi mới hết. Lúc anh đang ngồi thừ trong buồng trò, thì anh lại nhận được tin báo nữa, là hiện nay cha anh đã mê đặc, chân tay lạnh cả rồi.

Còn gì đau đớn hơn cái tin ấy nữa! Anh Tư Bền bỗng ứa hai hàng nước mắt, rồi khóc nức nở:

- Cha ơi!

Ông chủ thấy vậy, sợ quá. Anh mà bỏ dở vở kịch đương vui thì nguy. Ông cố khuyên giải, và cấm không ai được báo tin gì cho anh biết hết.

Sân khấu bài trí đã gần xong. Ông chủ bắt anh đánh lại tý phấn cho thêm xuân sắc, và sửa lại bộ áo mũ cho có vẻ ngộ nghĩnh hơn. Ông thấy anh vừa dắt lại dải áo, vừa sụt sịt mếu máo, thì bắt anh im đi, chùi nước mắt. Rồi ông đẩy anh ra sân khấu. Anh lại phải hò, hét, ngâm, cười, múa, nhảy, để mua gượng lấy những tràng vỗ tay. Cái cảnh thương tâm của anh Tư Bền, đi đôi với cái bông lơn, cứ diễn ra mãi, mỗi chốc lại càng thương tâm hơn lên. Mà càng thấy vắng bặt tin nhà, ruột anh càng nhàu như dưa, xót như muối.

Cái cảnh cuối cùng mà anh cho là lâu tới, thì khán giả cho anh là chóng quá. Cho nên khi sắp hạ màn, anh cúi chào, thì cả rạp vỗ tay đôm đốp thật dài, dài mãi. Anh tưởng phen này quyết hết nợ, quyết được về cạnh giường bệnh của cha để nhìn mặt cha một lượt sau cùng trước khi tắt nghỉ, thì ở hàng ghế hạng nhất, người ta kêu ầm:

- Bis! Bis! (1)

Ông chủ rạp lại cho kéo màn lên. Anh Tư Bền lại phải giấu bộ mặt rầu rầu mà anh thích - vì nó hợp với tâm lý anh hơn, - để vui vẻ mà diễn lại đoạn cuối lượt nữa.

Rồi khi bài kèn chào nổi lên, hồi vỗ tay sau cùng như làm vỡ rạp. Cái màn từ từ buông xuống. Anh cúi đầu thong thả chào. Nhưng bao nhiêu người, chẳng để chậm thì giờ, đã tranh nhau chạy lên gần anh. Người thì tặng hoa, người thì bắt tay, người thì véo mũi, người thì khen. Làm cho anh ruột càng như thiêu đốt.

Khi không còn phải thở dài để hoan nghênh những cái hoan nghênh của công chúng, anh Tư Bền mới lật đật chạy vào buồng trò, cởi vội mũ áo và rửa quàng mặt mũi.

Lúc ấy, trong khi anh đang rối beng nghĩ đến cha anh, không biết bây giờ đã lạnh tới đâu, thì một người bạn hát chạy đến, vội vã ấn vào tay anh tập giấy bạc của ông chủ để sẵn cho anh, và nói:

- Mau mà về. Anh Tư! Hỏng từ ban nãy mất rồi! Khốn nạn thân anh quá!


27 Juillet 1933
Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản, 1935.
_____________

(1) Bis!: Diễn lần nữa .

 

Trong Tập truyện ngắn "Kép Tư Bền"
Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản (Nhà in Tân Dân, 1935).





Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF


Tham khảo: Các bài viết liên quan
Phụ lục
KÉP TƯ BỀN

VỚI HẢI TRIỀU, HOÀI THANH VÀ NGUYỄN CÔNG HOAN

Nguyễn Trung

Lời dẫn của Phạm Tôn: Kép Tư Bền tập tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đã làm sôi nổi hẳn cuộc tranh luận nổi tiếng một thời giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh ở nước ta nửa sau những năm 1930. Hôm nay, chúng tôi đưa lên blog tư liệu sưu tầm của Nguyễn Trung trích  từ bài Cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939 của Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện Văn học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam số 4/2011 và sách Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, năm 1971.

*

*          *

I. Trích bài Cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939

của Nguyễn Đình Chú (từ trang 44 đến trang 48)

 (…) Nhân dịp tập truyện ngắn mang tên Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan được xuất bản (1935), trên Tiểu thuyết thứ bảy số 62 ra ngày 2/8/1935, Hải Triều viết bài Kép Tư Bền – một tác phẩm thuộc về trào lưu “Nghệ thuật vị nhân sinh” ở nước ta, trong đó, ông tỏ rõ khoái chí đã có Kép Tư Bền để chứng minh cho sự thành công của quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Hải Triều viết: “Ở xứ này muốn chủ trương một vấn đề gì mà đến khi tìm vài cái chứng giải thiết thực về xã hội, thật nhiều khi không biết vớ vào đâu. Tôi nhận thấy ở nước ta, trong văn học giới đã bắt đầu có cái triều lưu “nghệ thuật vị nhân sinh”; “tôi đã thừa nhiều cơ hội để đề khởi đến nó và đã có phen bút chiến với ông Thiếu Sơn về vấn đề ấy (Báo Đời mới số 1,3,4). Nhưng đến khi ai hỏi tôi cái tư triều văn nghệ vị dân sinh nước ta đâu nào? Thật tôi cũng thấy lúng túng không biết kiếm đâu cho ra một cái chứng cứ đích xác. Nhưng đến ngày nay, tôi đã có thể tự đắc nói rằng: “Có rồi, có rồi, ông cứ xem quyển Kép Tư Bền đi. Cái chủ trương “nghệ thuật vị nhân sinh” của tôi ngày nay đã biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngòi bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay là “nhà văn của hạng người khốn nạn”. “Cái mục đích của thuyết nghệ thuật vị nhân sinh đến đây có thể gọi là có chút thành quả vậy”; “Kép Tư Bền có thể nói rằng đã mở một kỷ nguyên mới cho cái tư triều văn nghệ tả thiệt và xã hội ở nước ta”…Và lần này thì không phải Hải Triều mà chính Hoài Thanh đã chủ động tấn công. Trên báo Tràng An số ra ngày 15/8/1935, Hoài Thanh cho in bài Văn chương là văn chương (đáp lại bài Phê bình văn nghệ của ông Hải Triều ở TTTB số 62). Trong đó, ông viết: “Ông Hải Triều có lẽ là một người đối với thời cuộc có tấm lòng nhiệt thành đáng trọng, một nhà xã hội học, một nhà triết học hay gì… học đi nữa tôi không biết. Nhưng rõ ràng ông không phải là một người hiểu văn chương. Người ta vẫn có thể đứng về phương diện xã hội phê bình một văn phẩm cũng như người ta phê bình về phương diện triết lý, tôn giáo, đạo đức… Nhưng có một điều không nên quên là bao nhiêu phương diện ấy đều là phương diện phụ. Văn chương muốn gì thì trước hết cũng phải là văn chương đã”; “Ông Hải Triều chán những tác phẩm ấy không phải vì nghệ thuật thấp kém mà ông thích quyển Kép Tư Bền cũng không phải vì nghệ thuật quyển này có cao hơn. Nghệ thuật là cái gì đó mà ông không biết đến. Ta hãy nghe ông nói: “Thời các ngài đọc các truyện như Người ngựa và ngựa người, Thằng ăn cắp, Kép Tư Bền… các ngài sẽ thấy trong xã hội một số đông người phải bán thân nuôi miệng, hoặc các ngài sẽ thấy những đứa bé cùng khốn quá, quyết ăn lường để chịu đấm, hoặc các ngài thấy một giai cấp đủ ăn, đủ mặc, chực mua cái cười vui bên cái sầu cái khổ của kẻ nghèo”. Nếu phải nhờ đến Kép Tư Bền ra đời mới biết trong xã hội này phải có người bán thân nuôi miệng, có người ăn lường chịu đấm… thì xin lỗi độc giả – công chúng nước Nam này rặt là người ngu. Có ngu mới không thấy những điều tầm thường như vậy, một đứa trẻ lên mười cũng thừa hiểu. Dẫu sao tôi cũng tin ở trí thông minh của công chúng hơn. Công chúng thích tập truyện ngắn Kép Tư Bền không phải thích xem những chuyện họ vốn thừa biết từ bao giờ mà thích những câu văn ngộ nghĩnh, có ý tứ mà Nguyễn Công Hoan đã khéo léo lắp vào trong những cốt truyện không có gì. Người ta xem một cuốn truyện chứ có phải xem một thiên phóng sự đâu?”.

(…) Sau bài viết của Hoài Thanh hai tuần lễ, Hải Triều đã có bài Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội (Đáp lại bài Văn chương là văn chương của ông Hoài Thanh ở báo Tràng An số 11/8/1935). Đến lượt mình, Hải Triều cũng lại cho Hoài Thanh là người không hiểu nghệ thuật và “vô ý đã mài gươm tự sát”. Hải Triều viết: “Ông Hoài Thanh bảo: “Khi thưởng thức một tác phẩm về nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chú ý tới cái đẹp, trước khi chú ý tới những tính cách phụ, những hình thức tạm thời của nó”. Căn cứ vào cái quan niệm ấy, ông bảo chúng ta rằng cái giá trị quyển Kép Tư Bền không phải ở chỗ Nguyễn Công Hoan tả những nỗi đau thương của hạng người nghèo khó hay những cái xấu xa hèn mạt của một chế độ xã hội hủ bại, mấy cái ấy đối với ông Hoài Thanh, ông đều liệt vào “cái tính cách phụ” hay những “hình thức tạm thời”. Chính giá trị quyển Kép Tư Bền theo ý ông là những câu văn ngộ nghĩnh, có ý cứ mà Nguyễn Công Hoan đã khéo lắp vào những cốt truyện không có gì”… Tôi thiết tưởng muốn đáp lại bài của ông Hoài Thanh, tôi chỉ khuyên ông ấy chịu khó đọc lại những bài mà tôi đã viết về vấn đề ấy. Nó sẽ là những tiếng đáp lại rất vững vàng chắc chắn cho ông rồi. Ông Hoài Thanh cho tôi nói câu này: Ông bàn về nghệ thuật mà thực ông chưa hiểu về nghệ thuật là cái gì. Nói đến cái đẹp trong nghệ thuật – nói gồm lại là trong văn nghệ – mà ông chỉ chú ý có một phương diện về hình thức câu văn cho ngộ nghĩnh, cho du dương, thì đã có gì là đẹp đâu, đã có gì là nghệ thuật đâu? Không, ông ạ, khi nói đến nghệ thuật, ông phải chú ý đến cả hai phần: hình thức (forme) và nội dung (fond). Hai cái phân tích ấy nó đắp nổi, nó bồi bổ cho nhau, không cái nào là thực thụ, cái nào là tạm thời, cái nào là chính thức, cái nào là phụ thuộc. Bên này ông Hoài Thanh không thế. Trong khi ông thưởng thức văn nghệ, ông chỉ chú trọng câu văn hay, chẳng khác nào con người ta có hai chân, ông cưa bớt đi một chân rồi bảo thế là đẹp, thì chẳng biết đẹp ở cái gì nhỉ?”…

(…) Hoài Thanh đã có bài viết tiếp cũng lấy nhan đề là Văn chương là văn chương (Đáp lại ông Hải Triều và ông Phan Văn Hùm trên Tin Văn) đăng ở báo Tràng An số 62 ngày 1/10/1935. Ở đây (…) Hoài Thanh cãi lại: “Tôi đọc bài của hai ông, đọc đi đọc lại rồi ngẫm nghĩ, tôi chỉ thấy hai ông trách tôi ở chỗ này: không cho nhà văn làm công việc xã hội. Sao các ông không thấy trong bài trước tôi đã có câu: “Nhà văn là một người sống giữa xã hội cố nhiên phải tùy sức mình, làm hết phận sự đối với xã hội. Tôi muốn nói nhà văn có lúc phải biết bênh vực kẻ yếu, chống lại sức mạnh của tiền tài, của súng đạn, nhưng trong lúc đó nhà văn không làm văn nữa mà chỉ làm cái phận sự của một người cầm bút mà thôi. Ta nên nhớ rằng càm bút chưa phải là viết văn. Văn chương là một vật quý có đâu được nhiều thế. Cũng trong bài trước, tôi nhận rằng một quyển sách có tính cách văn chương vẫn có thể đèo thêm nhiều tính cách khác nữa như chính trị, xã hội, đạo đức, tôn giáo, v.v… Tôi chỉ muốn người ta phân biệt các tính cách ấy ra và trong lúc xét quyển sách về phương diện nghệ thuật, phải để ý đến tính cách khác… tôi lại muốn người ta nhận rằng một quyển sách chuyển tải nỗi khổ của kẻ lao động chưa phải là sách hay, hay là ở chỗ biết cách tả. (Hoài Thanh – Bình luận văn chương. NXB Giáo Dục, 1992, tr.28-39) cũng cần nói thêm là trong quãng thời gian giữa hai bài viết cùng một nhan đề Văn chương là văn chương (Từ 15/8/1935 đến 1/10/1935), ngày 14/9/1935, trên Tiểu thuyết thứ bảy số 68, trong bài Phê bình văn, với tinh thần phê phán tình trạng viết văn phê bình nhàm chán đương thời, Hoài Thanh cũng lại có ý kiến về Kép Tư Bền và Hải Triều. Ông viết: “Còn như lặp đi lặp lại những điều trơ trơ ra trước mắt, thì viết làm gì mất công. Như gần đây trong bao nhiêu bài phê bình quyển Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, tôi chỉ thấy có bài của ông Hải Triều là còn có một hai chỗ đặc sắc, tuy ông Hải Triều không đứng về phương diện văn chương. Ngoài ra, người nào cũng khen Nguyễn Công Hoan có lối văn trào phúng và hay tả những cảnh khốn nạn. Thì hai cái đặc tính ấy của văn Nguyễn Công Hoan người ta đã nói đến những bao giờ. Nói lại làm gì nữa, nếu không có thể nói lại một cách hay hơn”. Cũng cần nói thêm rằng: trong khi Hoài Thanh và Hải Triều bút chiến với nhau chung quanh tác phẩm Kép Tư Bền thì tác giả Nguyễn Công Hoan có thể nói vẫn là người của cả hai bên, thậm chí là còn của Hoài Thanh nhiều hơn (Chúng tôi nhấn mạnh – N.T). Cụ thể: nhân dịp Kép Tư Bền ra mắt bạn đọc, Nguyễn Công Hoan vào Huế chơi, ở ngay trong nhà Hoài Thanh. Còn Hải Triều chủ nhiệm nhà sách Hương Giang thì chỉ mời ông đến cho độc giả chữ ký. Sau này, trong Đời viết văn của tôi, (nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1971), Nguyễn Công Hoan đã kẻ lại: “Khi tôi ở Huế, nhà sách Hương Giang tổ chức một buổi mời tôi đến ký tên vào những tác phẩm của tôi do độc giả đưa lại… Nhà Hương Giang còn mở một cuộc trưng cầu ý kiến các bạn hàng xem những cuốn nào được hoan nghênh. Kết quả là Kép Tư Bền được xếp lên hàng đầu. Cuốn Kép Tư Bền là đề tài cho một cuộc bút chiến giữa hai chủ trương về nghệ thuật. Phái nghệ thuật vị nhân sinh của Hải Triều đã viết nhiều bài đanh thép để công kích phái nghệ thuật vị nghệ thuật của Hoài Thanh. Tất cả những sự việc trên đã làm cho cuốn Kép Tư Bền của tôi được công chúng độc giả rộng rãi hơn trước chú ý đến. Riêng tôi việc cuốn Kép Tư Bền được hoan nghênh làm cho tôi càng tin rằng tôi viết nổi tiểu thuyết và tôi có thể theo đuổi được nghề viết văn. Còn như là tiểu thuyết xã hội, hay nhà văn tả chân, hay nhà văn trào phúng và hài hước hay nhà văn của dân nghèo, v.v… như các nhà phê bình đã nhận định về tôi, tôi cho là tùy người ta, muốn gọi gì thì gọi”.

 

II. Trích sách Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan (trang 160-161)

       Trong Đời viết văn của tôi, do nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, xuất bản năm 1971, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã chân tình, ưu ái viết về Phạm Quỳnh như sau:

      “Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh. Tôi cho rằng Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những người có chính kiến. Thấy ở nước ta, ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau, Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết trực trị. Người Pháp trực tiếp cai trị người Nam, như ở Nam Kỳ, không phải qua vua quan người Nam, thì dân được hưởng nhiều chế độ rộng rãi hơn. Phạm Quỳnh, trái lại, chủ trương thuyết lập hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884, chỉ đóng vai trò bảo hộ, còn công việc trong nước thì vua quan người Namtự đảm nhiệm lấy. Bây giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan, tôi cho không phải vì danh. Quốc dân biết Phạm Quỳnh hơn biết mấy Thượng thư Namtriều. Cũng không phải vì lợi. Làm báo Nam Phong Phạm Quỳnh cũng được phụ cấp 600 đồng một tháng, món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan, chỉ là để rồi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam triều, đòi Pháp phải trở lại Hiệp ước 1884. Vậy một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền,tả một anh kép hát nổi tiếng về bông lơn, đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà ra sân khấu nhà hát làm trò cười, ngay cái tối cha anh đương hấp hối.”

(Trích ở Đời viết văn của tôi NXB Văn học Hà Nội 1971)

N.T.


NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI NƯỚC

Cứ nghĩ đến trường hợp Phạm Quỳnh là ta lại không khỏi nhớ đến mấy dòng Lỗ Tấn viết trong phần kết thiên kiệt tác A.Q chính truyện: “Còn như về dư luận, thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng: A.Q. không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn. Vì rằng: nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn kia chứ!”1F[1]

Hơn 60 năm qua, người ta đã viết về ông trong sách báo biết bao nhiêu với giọng điệu như thế: lấy cái chết của ông vì bị bắn làm điểm xuất phát để đánh giá cả cuộc đời và sự nghiệp của ông. Suốt từ năm 1945 đến 1975 ở miền Bắc nước ta và sau năm 1975 là trong cả nước, hầu như đều một giọng như thế…

Trong Đời viết văn của tôi, do nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, xuất bản năm 1971, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã chân tình, ưu ái viết về Phạm Quỳnh như sau:

“Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh. Tôi cho rằng Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những người có chính kiến. Thấy ở nước ta, ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau, Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết trực trị. Người Pháp trực tiếp cai trị người Nam, như ở Nam Kỳ, không phải qua vua quan người Nam, thì dân được hưởng nhiều chế độ rộng rãi hơn. Phạm Quỳnh, trái lại, chủ trương thuyết lập hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884, chỉ đóng vai trò bảo hộ, còn công việc trong nước thì vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy. Bây giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan, tôi cho không phải vì danh. Quốc dân biết Phạm Quỳnh hơn biết mấy Thượng thư Nam triều. Cũng không phải vì lợi. Làm báo Nam Phong Phạm Quỳnh cũng được phụ cấp 600 đồng một tháng, món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan, chỉ là để rồi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam triều, đòi Pháp phải trở lại Hiệp ước 1884. Vậy một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền, tả một anh kép hát nổi tiếng về bông lơn, đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà ra sân khấu nhà hát làm trò cười, ngay cái tối cha anh đương hấp hối.”

hinh-1_nuoc1

Nhưng, ngay sau đó, như một phản ứng của bản năng tự vệ, ông lại vội vã bác bỏ ngay điều mình vừa khẳng định, bằng cách viết: “Có lạ gì trình độ chính trị của tôi thời này. Nếu tôi tinh khôn thì tôi đã hiểu hai thuyết trực trị và lập hiến chẳng qua chỉ là thủ đoạn của bọn cướp nước bảo hai tên tay sai bày ra để loè bịp, để ru ngủ người ta đương được chủ nghĩa cộng sản thức tỉnh.” ...

http://phamquynh.wordpress.com/2009/02/17/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-n%E1%BA%B7ng-long-v%E1%BB%9Bi-n%C6%B0%E1%BB%9Bc/

Xem thêm Cuộc tranh luận 'vị nghệ thuật' hay 'vị nhân sinh' thời kỳ 1935 – 1939


6 comments:

  1. [youtube]http://youtu.be/aApmDu3GAJ0[/youtube]

    Trả lờiXóa
  2. http://traihevietnam.vn/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/danh-nhan/nha-phe-binh-tai-hoa-34944.html

    Ông cũng “va” vào một tranh cãi khác trong nghệ thuật - quanh tác phẩm Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Số đông, cũng là phái “vị nhân sinh” khi đó hết lời ngợi ca giá trị hiện thực và nhân đạo mà tác phẩm chuyển tải. Nhưng Hoài Thanh ở phía đối lập với số đông này. Ông cho rằng giá trị của Kép Tư Bền chỉ nằm ở những “câu văn ngộ nghĩnh” được “lắp vào những cốt truyện không có gì”.

    Cuộc tranh luận gay gắt ấy đã trở thành vụ án đình đám trong giới phê bình nghệ thuật những năm 30-40 của thế kỷ 20. Mặc dù vậy, “tình đồng chí” giữa Hoài Thanh và Nguyễn Công Hoan sau này vẫn gắn bó, thân tình như ruột thịt. Hoài Thanh vẫn hết lòng chăm sóc, lo lắng cho gia đình Nguyễn Công Hoan lúc ốm đau, cơ nhỡ. “Ông là người ăn ở với ai cũng thế, luôn luôn vì người khác...”, nhà văn Lê Minh - con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan - chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  3. Bìa sách này chụp ở đâu ạ? Muốn mua sách cũ này quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ảnh lấy từ đây http://sachxua.net/forum/n/nguyen-cong-hoan/
      bạn thử xem

      Xóa
  4. https://dembuon.vn/threads/doc-hieu-kep-tu-ben-nguyen-cong-hoan-trac-nghiem-va-tu-luan.96482/

    Trả lờiXóa
  5. https://hoatieu.vn/hoc-tap/doc-hieu-kep-tu-ben-223778

    Trả lờiXóa

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉