Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Mất cái ví



Minh họa: Vân Radio

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Khởi Nguyên | 2. Cô Vân | 3. Trung Nghị | 4. Bích Thuận | 5. Chiến Hữu | 6. Minh Hải | 7. TV DKD | 8. Trần Thiện Tùng | 9. Vân Radio | 10. Mắm Tôm | 11. Phạm Hằng | 12. Thơ Văn Audio | 13. L&H


Mời đọc Bản đánh máy


Mất cái ví

Nguyễn Công Hoan


Ông Tham [1][1] Tham (gọi tắt của Tham biện, Tham tá): trí thức hạng trung thời trước. nhà ta hôm nay mất cái ví trong đựng bốn mươi đồng bạc. Ngài làm dữ quá! Dữ đến nỗi giá không có ông cụ cậu ruột ngài là người có thế lực, can thiệp vào mà phát gắt lên, thì việc này quyết ra đến tận xăng tan [2][2] Xăng tan - (tiếng Pháp: central): vốn nghĩa là trung tâm, trung ương, ở đây có nghĩa là nhà ngục trung ương ở phố Hỏa Lò (Hà Nội) thời bấy giờ. chứ chẳng chơi! Thằng xe [3][3] Xe: đầy tớ kéo xe tay; bếp: đầy tớ nấu ăn; : người phụ nữ đi ở vú (nuôi con cho chủ bằng sữa mình); thằng, con: là lối gọi miệt thị đối với kẻ dưới., thằng bếp, con vú, sợ xanh mắt, suýt phải trận đòn sống cũng thành tật. Mà khốn nạn, ở trong bếp, đứa nọ đổ cho đứa kia, đứa thì xin đi thề, đứa thì quyết đi trình mật thám [4][4] Mật thám: người cơ quan an ninh chuyên dò xét, điều tra, trong chính quyền thực dân. . Đứa nào cũng không muốn để chủ ngờ oan mình.

Ông Tham, bà Tham thấy chúng nó quả quyết, cũng không biết xử trí [5][5] Xử trí: giải quyết một việc cụ thể nào đó. ra sao. Nhưng vẫn không sao bỏ được lòng ngờ.

- Rồi tao không để yên cho chúng bay!

- Vâng nếu việc này không ra, thì chúng con tức lắm.

- Chúng bay làm gì mà to mồm thế, nói khẽ cho cụ ngủ. Hôm qua cụ thức khuya.

Cụ đây, tức là ông cụ cậu ruột ông Tham, ngủ ngay ở cái giường kê cạnh đấy. Thằng xe muốn đổ riệt cho con vú, bèn nói:

- Thật chúng con từ sáng đến giờ chưa đứa nào bước chân ra khỏi cửa. Mà một mất mười ngờ, chúng con lấy làm bực lắm. Xin ông bà cho phép chúng con khám lẫn nhau. Chắc của vẫn còn ở trong nhà, thì còn tìm thấy được.

Bà Tham nói:

- Ừ, rồi đến lúc ra trước cửa quan mới hối. Chúng bay sấp mặt thật!

- Ấy, mợ khẽ để ông ngủ, đêm qua ông lủng củng mãi, mới chợp mắt đấy.

Nhưng họ làm điếc cả tai. Ông cụ có ngủ được đâu! Ông cụ vẫn để ý đến những lời nói của vợ chồng ông Tham, nhất là ông Tham, thì lấy làm giận lắm.

"Mình chẳng ra gì cũng là cậu ruột nó, em mẹ nó, mà sao nó không biết nể mặt. Chẳng biết nó có dám ngờ mình hay không, mà sao nó nói lắm câu nghe trái tai quá".

Rồi ông cụ nghĩ lại cái địa đồ [6][6] Địa đồ: bản đồ. nhà ông cháu để tự xét đoán việc mất bạc này thế nào.

"Ngoài nhà ngoài có cái giường mình nằm, thông với buồng trong của vợ chồng nó. Nhưng hôm qua, nó ngủ ở ngoài này với mình. Thế rồi đến cửa ra sân, chính tay mình đóng và gài then. Mà trước khi đi ngủ, nhà Tham nó còn soi các then cửa cẩn thận. Thế thì chỉ có thể nghi con vú em ăn cắp được, vì thằng bếp, thằng xe ngủ cả dưới nhà dưới, cạnh bếp. Vậy chỉ truy con vú này là ra ngay".

Đương nghĩ thế, bỗng cụ nghe thấy ông Tham nói:

- Tao thì tao không ngờ cho con vú em đâu. Nếu nó có tính tắt mắt [7][7] Tắt mắt: thói hay ăn cắp vặt., thì tao mất nhiều lần rồi. Mọi khi tao ngủ để bừa bãi cả tiền nong ra bàn, nhưng sáng dậy vẫn còn nguyên, một trinh [8][8] Trinh: đơn vị tiền tệ giá trị nhỏ nhất thời trước, bằng nửa xu. cũng không suy suyển. Hai chúng bay liệu hồn!

Ông cụ vừa nghi cho vú em, nghe thấy ông Tham nói thế, nên càng phân vân.

"Ừ, hay là nó ngờ cho mình thật, mà không dám nói rả Trên nhà trên chỉ có vợ chồng nó, con vú em và con nó. Ngoài ra khách lạ, chỉ có mình mà thôi. Nhưng chẳng có lẽ. Hay là nó ngờ thằng bếp, thằng xe, sáng sớm dậy, có đứa nào lên nhà trên, rồi thấy cái ví ấy để chỗ nào, mà lấy chăng?".

- Bẩm lạy ông bà, hai anh em con ngủ dưới nhà mà trên nhà trên thì khóa cửa. Sáng ngày, chúng con mới dậy. Cửa trên này chưa mở, con đã thấy ông bà kêu mất tiền. Lúc ấy, ông mới gọi chúng con lên. Xin ông bà xét cho chúng con chỗ ấy. Hay ông đi chơi tối hôm qua, mà đánh rơi đâu chăng?

- Tao nhớ rằng khi tao đi nằm, tao còn mở ví ra để đếm lại giấy bạc, rồi tao gối ở đầu giường, chỗ này. Tao nằm bên cạnh cụ. Vì thức khuya nói chuyện, nên tao mệt, tao ngủ say lúc nào không biết. Tao chắc lúc tao đếm tiền, có đứa nào trông thấy.

Ông cụ nghe cháu nói câu ấy, thì thở dài, cựa mình một cái.

- Lạy ông bà, chúng con có biết cái ví tiền của ông mặt ngang mũi dọc thế nào, thì chúng con cứ chết một đời cha ba đời con!

"À, nếu nó đổ riệt cho thằng bếp, thằng xe, sao nó không đánh, không tra, không trình báo gì cả? Quyết là nó nói xa xôi cho mình hiểu đây. Hay là nó nghi mình đồng tình với lũ kia, vì thấy mình lạ nhà không ngủ được, phải xì xục suốt đêm, hết hút thuốc lại uống nước, rồi mở cửa ra sau đi tiểu. Nếu thế thì thực nó chó đểu quá!".

Nghĩ thế, ông cụ thấy khó chịu, lại quay mình nằm lại. Cụ muốn ngồi hẳn dậy mà bộc bạch [9][9] Bộc bạch: giãi bày, thổ lộ thành thật rõ ràng. tâm sự, rồi "đông đủ cả nhà, mình thề độc mấy câu cho nó đỡ nghi. Nhưng chắc đâu. Lỡ mình đoán lầm thì oan vợ chồng nó".

- Lạy ông bà xét lại, chỉ có người trên nhà, chứ thực chúng con không biết đấy là đâu.

Ông Tham quát:

- Chúng bay bảo tao ngờ cho ai? Ngờ cho bà à?

Ông cụ nằm yên, hơi tức đầy đến ngực, không chịu được, lại trở mình lượt nữa.

"Thôi, đích lắm rồi. Chỉ là nó không dám nói đến nơi mà thôi".

- Lạy ông bà, chúng con đâu dám nghĩ thế.

- Thế thì chúng bay bảo tao ngờ cho cụ à? à, quân này láo thật!

- Chết, sao cậu ăn nói càn làm vậy!

Câu bà Tham vừa nói dứt, thì tự nhiên như có cái gì nó giật nhổm ông cụ ngồi dậy. Cụ hỏi dồn:

- Cái gì? Cái gì? Thế nào? Thế nào?

Ông Tham dịu ngay nét mặt lại, nói:

- Không ạ.

Rồi ông bảo bọn người nhà:

- Cho chúng mày xuống nhà.

Mục đích ông cụ là muốn giãi tỏ khúc lòng, rồi mắng thằng cháu vô phúc mấy câu cho hả dạ. Chứ nó ăn nói cục súc, vô ý thế, mà mình cứ giả điếc, thì nó cho mình không biết gì. Nhưng thấy vợ chồng ông Tham muốn dập chuyện đi, thì cơn tức lại đè lên đến cổ. Nên cụ cố gắng hỏi:

- Không. Tôi xem trong nhà như mất cái gì kia mà?

Bà Tham nói:

- Không ạ. Cháu mất đồng xu, nhưng đã tìm thấy rồi ạ.

- Không phải. To hơn kia.

- Thế thì ông chiêm bao đấy ạ.

- Rõ ràng tôi vừa tỉnh dậy, thấy anh Tham gắt gì to lắm kia mà.

Ông Tham nói:

- Không ạ. Đó là cháu mắng chúng nó từ nay thấy tiền nong, không cứ là của ai, cũng không được tơ hào.

Ông cụ càng ngờ là cháu nói cạnh, bèn hỏi:

- Anh mắng ai?

- Những đứa kia là đứa nào. Anh đừng láo!

Bà Tham thấy ông cụ gắt gỏng to tiếng, bèn can chồng:

- Tôi đã bảo cậu mà!

- Thì tôi đã muốn im đi, sao mợ còn cứ xui tra xui tấn.

- Tôi không dám, cậu mợ dạy quá lời, tôi đã hiểu cả rồi.

- Cháu lạy ông, vợ chồng cháu có thất thố [10][10] Thất thố: có điều sơ suất, sai phạm trong lời nói, hành vi. điều gì xin ông bỏ quá đi, ông đừng để bụng. Thôi, không nói đến chuyện ấy nữa. Hôm nay phiên chợ Đồng Xuân mời ông lên chơi chợ.

Ông cụ càng muốn làm lớn, thì cứ bị cháu dập đi cho nên càng không chịu được.

"Bây giờ nó bảo mình đi chợ Đồng Xuân, thì rõ ràng nó nói cạnh mình là kẻ cắp [11][11] Kẻ cắp: kẻ ăn cắp - Thành ngữ đương thời: kẻ cắp chợ Đồng Xuân.. À, quân này thâm thật. Mới dính tí Hà Nội, đã học lối ăn nói ba que [12][12] Ba que: xảo trá, đểu cáng, lừa lọc.!".

- Anh nghi cho ai lấy tiền của anh?

- Kìa! Tiền nong gì, thưa ông?

- Tôi nằm đây, tôi thức, tôi nghe hết từ đầu đến cuối. Anh nghi cho ai, anh cứ nói.

- Kìa! Cậu nói đầu đuôi ông nghe, kẻo chả mấy khi ông ra chơi, ông thấy thế này, ông lại giận.

- Bẩm ông nguyên thế này: Cháu có bốn mươi đồng bạc để vào trong cái ví. Mọi khi bao giờ trước khi đi ngủ, cháu cũng bỏ ví vào tủ có khóa. Vì hôm qua đi xem hát với ông về khuya, nên cháu không muốn vào buồng lấy thìa khóa tủ, cháu cứ để ví trong túi. Nhưng sau, thấy nằm cứ cộm lên, cháu mới lấy ví ra, kiểm lại số tiền, rồi để gối đầu giường. Lúc ấy ông cũng biết.

- Phải, sao nữa?

- Rồi sáng hôm nay, cháu thấy mất.

- Phải, sao nữa?

- Bẩm có thế thôi.

- Thế anh nghĩ cho ai?

- Cháu nghi cho thằng bếp, thằng xe.

- Sao anh không nghi cho con vú?

- Tại nó thực thà, xưa nay cháu biết nó.

- Anh nghĩ thế là vô lý lắm. Tôi hiểu rồi, chính anh nghi cho tôi!

Bà Tham vội nói:

- Chết! Lạy ông, con cháu nào dám thế! Sao ông nghĩ vẩn vơ làm vậy?

- Thôi, tôi xin bà đừng nói khéo. Tôi biết ông ấy từ thuở để cái chỏm [13][13] Chỏm: mớ tóc để chừa lại giữa đỉnh đầu sau khi cạo trọc của trẻ con (theo tục cũ); thuở để chỏm: thuở còn bé, đầu còn có chỏm. chòe bằng ngần này, nên tôi hiểu cả giọng nói. Này, tôi bảo cho anh biết, tôi tuy nghèo thật, nhưng tôi lấy của anh để tôi phải tội lòi mắt ra à?

- Khổ quá! Cháu không biết nói thế nào bây giờ được. Tự ông đổ cho ông đấy.

- Không phải tôi đổ cho tôi. Vì những câu anh nói cạnh nói khóe từ nãy đến giờ, nên chẳng phải bảo đến nơi tôi cũng hiểu ý cả. Đây, tôi cũng dằn lòng cho anh khám.

- Chết! Sao ông lại làm thế?

- Nhưng tức lắm!

Nói đoạn, ông cụ chạy đến mắc áo, giật cái áo trắng dài và cái áo the [14][14] The: thứ hàng dệt bằng tơ, mặt thưa, mỏng, thường may áo dài mặt ngoài hoặc làm màn che. xuống, rồi rũ rõ kỹ. Rồi cởi tuột cái áo cộc ra, lộn các túi. Xong rồi, lại tháo cả thắt lưng, đưa cho ông Tham xem. Giá có tiện, có lẽ cụ cũng tụt phăng cả cái quần ra nốt, cho cháu tin rằng tất cả trong mình không giấu giếm cái ví vào chỗ nào cả. Nhưng cụ cũng cứ lấy hai tay, nắn bóp khắp hai đùi thật kỹ, từ trên đến dưới.

Ông Tham thấy cậu làm đùng đùng sôi nổi, biết là cậu giận lắm, nên cứ ngồi yên như phỗng [15][15] Phỗng: tượng người bằng đất, đá, đặt ở đền, chùa, để đứng hầu; cũng còn để gọi hình người bằng sứ, gỗ... làm đồ chơi trẻ em.. Bà Tham thì lạy van hoài. Nhưng vẫn không ăn thua gì. Tự khám mình xong ông cụ phân bua:

- Đấy nhé, anh chị đã tin chưa? Tôi không ngờ đâu bây giờ anh chị lại khinh người làm vậy. Cậu cũng như mẹ mà anh nghi cho tôi ăn cắp, anh nghĩ đã phải chưa? Từ ngày anh đi làm, đã hơn hai năm nay, bất quá tôi đến chơi lần này là lần thứ bốn! Tôi thấy anh ở xa thì nhớ, nên đến thăm, chứ nào tôi có xin xỏ, bòn đãi [16][16] Bòn đãi: thu nhặt, lấy dần từng tí chút. cái gì? Chẳng qua anh mất mấy bữa cơm và suất tàu là cùng.

Nói xong, cụ súc miệng, và rửa quàng cái mặt, rồi đội khăn, mặc áo. Ông Tham thấy vậy, hỏi:

- Thưa ông, cháu có lòng nào như thế! Ông đừng tưởng vậy mà oan cháu. Bây giờ ông đi đâu?

- Tôi đi về. Ông bà xử với tôi thế này thì tôi còn mặt mũi nào mà ở nữa!

- Khổ lắm! Vợ chồng cháu có điều gì không phải, thì ông là người trên, ông cứ mắng chửi, sao ông lại để tâm làm vậy?

- Thôi tôi xin quan ông quan bà đừng nói khéo. Đồ đểu! Tao thề rằng từ nay tao không họ hàng gì với vợ chồng nhà mày nữa!

Nói đoạn, ông cụ hầm hầm, cắp ô đi.

Vợ chồng ông Tham nhất định nằn nèo cho ông cụ ở lại. Nhưng ông cụ nói dỗi:

- Thôi kẻ cắp chả dám ở chung với người! Để tôi lên chợ Đồng Xuân tôi ở.

Nói xong, cút thẳng.

Vợ chồng ông Tham rầu rầu nét mặt, trở vào, im lặng nhìn nhau mà thở dài. Một lát, bà Tham ra dáng ân hận, gắt với chồng:

- Chỉ tại cậu lơ đễnh, đánh mất ví tiền, nên mới sinh ra lắm cái rắc rối.

Ông Tham ung dung, tủm tỉm cười, đáp:

- Thì đã làm sao?

- Thế sao cậu lại ngờ cho ông làm vậy?

- Tôi vờ thế, chứ ví đây này, có mất đếch đâu!

Vừa nói, ông móc trong túi quần, quẳng cái ví đánh bẹt xuống mặt phản.

Bà Tham trố mắt nhìn chồng:

- Rõ khéo khỉ, thế có phải là ông giận không.

- Mợ không hiểu. Tôi chỉ cốt làm thế để bận sau ông đừng ra chơi nữa. Tốn kém lắm!...



21 Juillet 1933

Chú giải

[1]. Tham (gọi tắt của Tham biện, Tham tá): trí thức hạng trung thời trước. Tham tá (H. tham: dự vào; tá: giúp đỡ) - Viên-chức ở các công-sở thời Pháp thuộc. Công chức cao cấp trong thời Pháp thuộc.
https://vtudien.com/viet-viet/dictionary/nghia-cua-tu-tham%20t%C3%A1
Chức quan trong ngạch viên chức hành chính của Pháp ở Đông Dương. Được tuyển chọn từ những học viên người Pháp tốt nghiệp hệ chuyên ban Đông Dương Trường Thuộc địa Pari, Pháp (thành lập cuối 1889). Trực tiếp làm việc trong các văn phòng hành chính cấp "xứ" hoặc cấp toàn "liên bang". Từ ngạch hành chính này cũng có thể chuyển sang ngạch "quan cai trị" nhưng về nguyên tắc phải qua thi tuyển. Từ 1.12.1920, được hoàn thiện và tổ chức lại trong hệ thống "Khung nhân viên Văn phòng" theo sắc lệnh của tổng thống Pháp và nghị định của toàn quyền Đông Dương Xarô (A. Sarraut).

[2]. Xăng tan - (tiếng Pháp: central): vốn nghĩa là trung tâm, trung ương, ở đây có nghĩa là nhà ngục trung ương ở phố Hỏa Lò (Hà Nội) thời bấy giờ.
[3]. Xe: đầy tớ kéo xe tay; bếp: đầy tớ nấu ăn; : người phụ nữ đi ở vú (nuôi con cho chủ bằng sữa mình); thằng, con: là lối gọi miệt thị đối với kẻ dưới.
[4]. Mật thám: người cơ quan an ninh chuyên dò xét, điều tra, trong chính quyền thực dân.
[5]. Xử trí: giải quyết một việc cụ thể nào đó.
[6]. Địa đồ: bản đồ.
[7]. Tắt mắt: thói hay ăn cắp vặt.
[8]. Trinh: đơn vị tiền tệ giá trị nhỏ nhất thời trước, bằng nửa xu.
[9]. Bộc bạch: giãi bày, thổ lộ thành thật rõ ràng.
[10]. Thất thố: có điều sơ suất, sai phạm trong lời nói, hành vi.
[11]. Kẻ cắp: kẻ ăn cắp - Thành ngữ đương thời: kẻ cắp chợ Đồng Xuân.
[12]. Ba que: xảo trá, đểu cáng, lừa lọc.
[13]. Chỏm: mớ tóc để chừa lại giữa đỉnh đầu sau khi cạo trọc của trẻ con (theo tục cũ); thuở để chỏm: thuở còn bé, đầu còn có chỏm.
[14]. The: thứ hàng dệt bằng tơ, mặt thưa, mỏng, thường may áo dài mặt ngoài hoặc làm màn che.
[15]. Phỗng: tượng người bằng đất, đá, đặt ở đền, chùa, để đứng hầu; cũng còn để gọi hình người bằng sứ, gỗ... làm đồ chơi trẻ em.
[16]. Bòn đãi: thu nhặt, lấy dần từng tí chút.

Truyện ngắn "Mất cái ví" của nhà văn Nguyễn Công Hoan đăng trên Báo Nhật Tân số 3 ra ngày 16-3-1933.



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Tập truyện ngắn "Kép Tư Bền"
Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản (Nhà in Tân Dân, 1935).


Tham khảo: Các bài viết liên quan
Xem thêm:
Tiểu Phẩm Hài: Mất Cái Ví
  1. HÀI TẾT 2017 MR. VƯỢNG RÂU 2017 | MẤT CÁI VÍ
  2. Biểu diễn: NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Minh Vương, NSƯT Hồng Vân

Minh họa: Tạp chí Sông Hương

1 comments:

  1. HÀI TẾT 2017 MR. VƯỢNG RÂU 2017 | MẤT CÁI VÍ
    https://youtu.be/Ve6gIW99GZM

    Trả lờiXóa

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉