Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Nhớ và ghi về Hà Nội


Mời nghe đọc tại YouTube
Người đọc: Trung Nghị

Thư viện Số



Mời nghe đọc tại:
1. THƯ VIỆN SÁCH NÓI
2. Phật Pháp Ứng Dụng
3. AudioAZ

Phần 1
Phần 3
Phần 5
Phần 7
Phần 9
Phần 2
Phần 4
Phần 6
Phần 8
Phần 10





Nhớ và ghi về Hà Nội

Tác giả: Nguyễn Công Hoan.
Nhà xuất bản: Nxb Trẻ
Ngày xuất bản: 09-2004
Hình thức bìa: Mềm
Số trang: 263
Kích thước: 14x20 cm
Trọng lượng: 300 gram


Giới thiệu về nội dung
Định làm việc này từ lâu, gọi là Nhớ Gì Ghi Nấy. Nhưng hễ sực nhớ được việc, cảnh, người cũ (mà ngày trước chưa đưa vào các truyện ngắn truyện dài), thì lại không ghi. Vì cho là chỉ phải viết coa dăm mươi dòng, mà cũng phải đi tìm giấy bút thì ngại. Cho nên lại để cái sực nhớ thoảng qua đi. Từ hôm nay, quyết làm việc này. Và nhất định có những việc viết hai lần. Những sự kiện in vào óc lúc tuổi trẻ thì nhớ được lâu. Những việc làm lúc tuổi già thì dễ quên - (Lời mở đầu của Nhớ gì viết nấy)
Đây là những dòng chữ nhà văn Nguyễn Công Hoan viết khi gần 70 tuổi, theo cách gọi của riêng ông từ khi đặt bút, là Nhớ gì viết nấy về một thể loại văn học mà ông là một trong số rất ít những nhà văn Việt Nam khởi đầu. Nhớ và ghi về Hà Nội là cuốn sách sưu tầm những trang ông viết dành riêng để nhớ về Hà Nội, một Hà Nội xưa cũ vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, với một lượng thông tin sống động bằng những câu chữ đằm thắm và giản dị. Như một chuyến lãng du bổ ích và ngoạn mục, người đọc sẽ được lang thang cùng ông, nghe ông kể về Hà Nội xưa ở từng thời khắc cũ. Từ Vườn hoa Chí Linh, thời Pháp thuộc, tên là vườn hoa Pôn-be, cho đến Truyện của ta được Pháp quay phim là Truyện Kiều.... Từ nghề làm sách bán cho đến chuyên buôn bán kinh doanh. Từ chuyện học trò trường Bưởi, tiếng đàn người hát rong cho đến sòng bạc, phố cô đầu, mánh khoé của dân buôn. Từ nhà thương cho đến chiếc máy bay đầu tiên của Pháp sang Đông Dương đến Hà Nội năm 1914... Khác với những trang văn viết về Hà Nội cũ của Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài..., những trang viết của Nguyễn Công Hoan ẩn chừa một nỗi niềm, mang một giá trị tư liệu độc đáo về một thời khắc không quên của lịch sử. Đó là một Hà Nội những năm của kiếp sống thuộc địa, tù túng, đầy cốt cách thật đáng nhớ. Và đó cũng chính là giá trị mà cuốn sách mang lại.
--------------
Đó là những ngày ngột ngạt của quá vãng qua góc nhìn nhiều tâm sự, nặng trĩu của nhà văn. Phải chăng, do nhà văn đã viết từ những mảnh hồi ức của mình khi đã ở tuổi cuối đời nên Nhớ và ghi về Hà Nội mới có được chất riêng như thế? Nhớ và ghi về Hà Nội là cuốn sách đầu tiên gom nhặt các bài viết về Hà Nội của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
--------------


Tài liệu
20 trang

Trích đoạn:

Lời nói đầu Trong lĩnh vực văn chương, viết về Hà Nội, đã có khá nhiều những trang viết có giá trị ở nhiều thể loại, thật đa dạng về nội dung và hình thức. Đó là các tác phẩm đã ghi được những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả của những cây bút thuộc nhiều thế hệ. Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là của cố nhà văn bậc thầy Nguyễn Công Hoan- người đã từng sống và gắn bó với Hà Nội từ những năm đầu của thế kỉ trước- thế kỉ XX. Ông đã viết những dòng này khi gần 70 tuổi, theo cách gọi của riêng ông từ khi đặt bút, là “Nhớ gì ghi nấy” về một thể loại văn học mà ông là một trong số rất ít những nhà văn Việt Nam khởi đầu.
“Định làm việc này từ lâu, gọi là NHỚ GÌ GHI NẤY. Nhưng hễ sực nhớ được việc, cảnh, người cũ (mà ngày trước chưa đưa vào các truyện ngắn truyện dài), thì lại không ghi. Vì cho là chỉ phải viết có dăm mười dòng, mà cũng phải đi tìm giấy bút thì ngại. Cho nên lại để cái sực nhớ thoảng qua đi. Từ hôm nay, quyết làm việc này. Việc này nhất định không bao giờ gọi là xong. Và nhất định có những việc viết hai lần. Những sự kiện in vào óc lúc tuổi trẻ thì nhớ được lâu. Những việc làm lúc tuổi già thì dễ quên”. (14.3.1970. HOAN)(* Lời mở đầu của tác giả khi viết “Nhớ gì ghi nấy”)
Từ những trang viết dày dặn với một chủ đích tự bạch như vậy của Nguyễn Công Hoan, ở cuốn sách này, chúng tôi lựa chọn, sưu tầm những trang viết ông dành riêng để nhớ về Hà Nội, một Hà Nội xưa cũ vào những thập niên đầu của thế kỉ XX. Viết theo trí nhớ thì cố nhiên là tản mạn, ít xâu chuỗi, liền mạch. Thế nhưng từng mẩu đoạn ký ức của nhà văn lại tạo nên một sức lôi cuốn kỳ lạ với một lượng thông tin sống động bằng những câu chữ đằm thắm và giản dị. Như một chuyến lãng du bổ ích và ngoạn mục, người đọc sẽ được lang thang cùng ông, nghe ông kể về Hà Nội xưa ở từng thời khắc cũ. Từ “Vườn hoa Chí Linh, thời Pháp thuộc, tên là vườn hoa Pôn-be”, cho đến “Truyện của ta được Pháp quay phim là Truyện Kiều... Các diễn viên toàn là đào kép ở rạp Quảng Lạc.” Từ nghề làm sách báo cho đến chuyện buôn bán kinh doanh. Từ chuyện học trò trường Bưởi, tiếng đàn người hát rong cho đến sòng bạc, phố cô đầu, mánh khoé của dân buôn. Từ nhà thương cho đến chiếc máy bay đầu tiên của Pháp sang Đông Dương đến Hà Nội năm 1914... Khác với những trang văn viết về Hà Nội cũ của Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài..., những trang viết của Nguyễn Công Hoan ẩn chứa một nỗi niềm, mang một giá trị tư liệu độc đáo về một thời khắc không quên của lịch sử. Đó là một Hà Nội những năm của kiếp sống thuộc địa, tù túng, lẫn dễ thương, cốt cách. Và cũng là những gì thật đáng nhớ. Vì thế chúng ta càng trân trọng những điều mà nhà văn đã ghi lại ở quyển sách này.
Nhà xuất bản trẻ.

Quyền dựng vợ gả chồng là quyền ở cha mẹ.
Năm ông Thương ở Thái Ninh đổi lên Đoan Hùng, (1919) thì chị Cử bàn là thuê nhà ở Hà Nội cho Cụ (bà nội) ở. Không hiểu chị viện những lý do gì, mà cả nhà đều nghe. Thuê nhà 97 phố Hàng Gai.
Trông nom cơm nước, là chị Khánh, con gái bác Hai (năm ấy chưa ở riêng). Thuê nhà ở Hà Nội, mình thấy có điều tiện, là mình không phải tìm chỗ trọ học, và mỗi lần ông Thương ở Đoan Hùng về Hà Nội, thì được gặp ngay Cụ, không phải về nhà quê.
Một hôm, chị Khánh đưa một người em gái họ ngoại đến nhà. Mình thấy có cô con gái lạ đến nhà, thì lên gác, không để ý. Chiều, mình hỏi chị, mới biết đây là con ông bà Hàn Đôn Thư tên là Yến.
Ông Hàn, mình có biết mặt. Cái năm mình trọ học với ba Bỉnh (họ Bùi ở Bật), ông có lại chơi với ba Bỉnh, là em họ của bà Hàn. Hôm ấy, thấy ông có mang súng bắn chim (Ba Bỉnh cũng giỏi bắn). Bà Hàn thì mình cũng có gặp ở nhà cô họ mình, là bà Bùi Bằng Đoàn.
Vì cô con ông bà Hàn Đôn Thư đến nhà, nên bác Hai mới đánh tiếng cho bà nội mình, xin cho mình.
Bác Hai và chị Khánh khen cô này ngoan nết, nên bà nội mình ưng lắm.
Năm ông Thương lên thương tá Phú Thọ, mình cũng ở Phú Thọ, thì một lần, chị Khánh lên, hỏi riêng mình xem có bằng lòng lấy cô con gái ông bà Hàn Đôn Thư không, thì nhà cho người sang bên ấy nói chuyện xin cô Yến cho.
Mình không còn nhớ mặt cô Yến thế nào. Nhưng thấy chị Khánh khen những tính nết, thì mình bằng lòng.
Hôm đi dạm, (tháng giêng âm lịch năm 1922), mình cũng chẳng được thấy mặt vợ.
Mãi hôm ăn hỏi (tháng hai năm ấy), bên nhà gái bắt cô Yến ra chào bố chồng, mình mới thoáng nhìn thấy mặt.
Rồi hôm cưới (11 tháng 3 âm lịch Quý Hợi, 1923) ngồi trên toa xe hỏa hạng ba từ Hà Nội về ga Đình Dù, mình mới thấy mặt vợ kỹ hơn. Nhưng cũng không dám nhìn lâu, sợ lỡ ai biết thì thẹn chết.
* * *
Bên nhạc thì cũng chỉ căn cứ vào lời bác Hai và chị Khánh nói về mình mà gả cô Yến cho mình. Còn cô Yến thì hoàn toàn không biết mặt mình thế nào. Không biết hôm ở trên toa xe lửa, hôm cưới, vợ mình có đoán ai là chú rể để nhìn trộm không.
Vợ mình có nói rằng ở nhà có hỏi thêm ba Bỉnh về mình, nên cũng yên lòng. Lại nói rằng bà nhạc bảo: “Trông mặt nó nghịch lắm”.
Ngày trước, vợ chồng lấy nhau, không biết mặt nhau tí nào. Cho đến hôm cưới, hai người cũng chỉ thoáng thấy nhau, cũng là chuyện thường.
Cho nên có câu:
Lấy chồng chẳng biết mặt chồng,
Đêm nằm tơ tưởng nghĩ ông láng giềng. Bởi vì lúc chồng vào buồng với vợ, thì cả hai người đều ngượng, nên phải tắt đèn để nói chuyện với nhau.
* * *
Ở Hà Nội, ngày trước, cùng thuê nhà với nhau, nhưng không ai biết tên ai. Gọi nhau là ông (hoặc bà) chủ nhà ngoài, ông (hoặc bà) chủ nhà trong, ông (hoặc bà) chủ gác ngoài, gác trong.
Chỉ nhớ mặt nhau, và đoán ra nghề của nhau, ví dụ thấy đi về đúng giờ giấc, thì biết ông ấy đi làm. Chẳng bao giờ nói chuyện với nhau, trừ khi đương ăn cơm, thấy người đi qua thì “vô phép”, và người kia mời lại.
Ngày bé trọ học ở phố Hàng Hài (số 8) mình thích nhất hai trò chơi.
Một là cứ đến thứ hai đầu tháng, thì xem lính tây rước đèn. Đám rước đi từ Trại (phố Cửa Đông) ra Đường Thành, đến Hàng Bông, Hàng Hài (qua nhà), rồi sang Hàng Trống, rẽ Tràng Thi, đến Cửa Nam, rồi rẽ về Trại.
Thằng lính nào đeo trống lớn cũng râu xồm. Mình để ý nhận xét thấy như thế.
Sau đám rước, là bọn vợ tây, ngồi trên xe cao-su nhà, hoặc xe cao-su thuê, đi bước một. Trẻ con cũng đi theo.
Vợ tây đây chắc là vợ tụi lính Tây.
Nhiều lần, thấy ngứa mắt, mình lấy đá ném vào chúng nó. Đứa nào bị ném trúng, cũng chửi.
Nhưng sau rút kinh nghiệm, mình không ném vợ tây nữa. Muốn toàn thắng, nghĩa là không bị chửi, thì mình nhằm đúng thằng Tây đương thổi kèn mà ném. Một là Tây không biết chửi bằng tiếng ta. Hai là chẳng lẽ mồm đương ngậm kèn để thổi, nó dám bỏ kèn ra để chửi?
Trò chơi thứ hai: Chập tối, mình đương vơ vẩn ở đầu ô-ten ở phố Hàng Trống, thể nào cũng được anh xe mời lên, để kéo chạy qua ô-ten không mất tiền. Rồi lại được anh xe khác mời lên, kéo trở lại chỗ cũ. Cứ như vậy, được đi hóng mát bằng xe cao-su, mà không mất đồng xu nào.
Ở phố Hàng Trống có Hôtel des Colonies, (khách sạn Thuộc-địa), ở góc Hàng Trống với phố Nhà Thờ. Khách sạn này có một nhà phụ (annexe) ở xế cửa nhà số 45 mà mình trọ. Lại có một ô-ten nữa, ở vào quãng giữa nhà giải khát “Thanh niên làm theo lời Bác” bây giờ. Họ bày bàn ghế ra cả hè phố để khách hưởng gió mát. Vì vậy, đội xếp phải đứng canh. Xe không kéo người, không được đi qua. Vì vậy muốn kéo qua cấm địa, anh xe phải mời người lên ngồi để anh qua đấy cho hợp pháp.
* * *
Một dạo, xe điện ế khách, thì tên đốc lý Virgitti ra lệnh là, hai người không được ngồi một xe kéo. Nó lại ra lệ, mỗi cuốc ngắn, ví dụ từ bờ Hồ lên Đồng Xuân, phải trả một hào.
Ai cũng tưởng đó là lệnh nhân đạo với người lao động. Nhưng chính là nó giết người lao động. Vì trong khi ấy, nó hạ giá xe điện mỗi cuốc là hai xu.
Vậy hai người đi từ bờ Hồ lên chợ Đồng Xuân, lên xe điện, phải trả có 4 xu, nhưng đi xe kéo, phải hai xe, mất hai hào.
* * *
Mỗi đồng bạc trắng nặng 27 gam. So với phật-lăng (franc, tiền của Pháp), thì một đồng bạc ăn hai phật-lăng rưỡi. Nhà Gô-đa, nhà sách Viễn Đông vẫn đề giá hàng theo phật-lăng, chứ không tính ra bạc ta. Cho nên tùy hôm giá phật-lăng cao hạ, mà giá hàng có khác. Trong chiến tranh Thế giới thứ nhất, có lần một đồng bạc ta ăn 27 phật-lăng. Mua hàng bên Tây, hoặc ở nhà Gô-đa, mua sách ở nhà Viễn Đông, được giá rất rẻ.
Sau chiến tranh, đồng phật-lăng bị hạ giá ghê gớm. Nội các nào ở bên Pháp cũng chỉ đứng được vài tháng, rồi đổ, vì không cứu vãn được đồng phật-lăng. Nội các Chautemps (do Chautemps làm thủ tướng) đứng được ba ngày.
Chính phủ Pháp bên chính quốc mới lập kế bòn ở các thuộc địa. Đồng bạc Đông Dương phải phụ thuộc vào đồng phật-lăng của chính quốc. Nó phải đúc lại, nặng có 20 gam, tỉ lệ bạc kém trước, vì phải ăn giá nhất định, là 10 phật-lăng. Đồng bạc cũ 27 gam mà nhân dân phải đổi lấy đồng bạc mới 20 gam để tiêu, cũng chỉ một ăn một. Ai tàng trữ bạc cũ mà không đổi ra bạc mới, thì coi là bất hợp pháp. Bạc bắt được sẽ bị tịch thu. Người bị tù. Bạc kém giá trị, thì giá hàng hóa cao lên.
Nhưng hào một, hào đôi, hào năm, và xu thì vẫn là tiền cũ. Thế thì 10 hào cũ giá trị hơn 1 đồng bạc mới.
Nhưng cũng chỉ được một dạo. Rồi cả bạc, hào, xu biến hết. Thị trường tiêu bằng bạc, hào và xu giấy.
* * *
Phố Hàng Gai, cứ sắp tết Trung thu, thì biến thành phố bán đầu sư tử, đèn, và các đồ giấy chơi tết.
Nhưng cũng chỉ bán ở bên số lẻ, và vào quãng từ giữa phố đến cuối phố. Bên số chẵn thì không. Không rõ vì lí do gì.
* * *
Tây đặt một tên chung cho nhiều phố cũ của ta. Phố gọi là Hàng Gai, là có cả phố Hàng Tiện, từ cuối Hàng Đào cho đến ngõ Hàng Hành. Rồi mới đến Hàng Gai. Phố gọi là Hàng Bông, là gần phố Hàng Hài, phố Hàng Bông, Cây đa Cụ Quyền, phố Hàng Lờ, chỗ vườn hoa Cửa Nam. Cho nên ta cứ gọi Hàng Bông Hài, Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Cây đa Cụ Quyền, Hàng Bông Lờ.
Phố Hàng Bồ cũng vậy. Khoảng từ Hàng Đào đến Lương Văn Can là Hàng Dép, ngày trước bán guốc và dép. Nhà nào cũng nông.
* * *
Nhà Ngân hàng Đông Dương in giấy bạc 500 đ. Tờ nào cũng có chữ ký của một giám đốc.
Phát-xít Nhật chiếm Đông Dương từ 1940. Chúng ký vào giấy 500 của nhà Ngân hàng để tung ra thị trường mua hàng của ta.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhật rút về nước. Nhà Ngân hàng Đông Dương tuyên bố không chịu trách nhiệm về loại giấy bạc của Nhật phát hành.
Ta biểu tình trước nhà Ngân hàng để chống lại sự quỵt nợ này. Chúng ở trong nhà, nổ súng ra đám biểu tình. Nhiều người bị thương nặng.
* * *
Đầu tiên, hồi Tây mới cướp nước ta, thì một quan binh đứng đầu tổ chức cai trị ở Đông Dương. Người to nhất đóng sáu lon, gọi là quan Sáu.
Rồi sau, toàn quyền văn thay thế cho bọn quan võ. Thấy toàn quyền còn to hơn cả quan Sáu, nên tuy toàn quyền không có lon, ta cũng gọi là quan Bảy, vườn Bách thảo gọi là Vườn hoa ông Bảy.
Mả tên Henri Rivière đền tội ở Cầu Giấy, gọi là mả ông Năm.
Thời này, người mình bảo nhau là còn một ông to hơn ông Bảy, nhưng không cai trị, ấy là ông quan Ba Đốc-tờ. Ông Ba Đốc-tờ có thể bảo ông Bảy này yếu sức, phải về Tây, thì ông Bảy bị mất chức ngay. Cho nên toàn quyền rất sợ Đốc-tờ, phải chiều chuộng ông ta để khỏi bị ghét.
Quan Ba Đốc-tờ mà nói ai yếu thì có trời cãi.
Ngày này, cứ nghe những tiếng Năm, Sáu, Bảy, lại thấy tên đào kép mấy rạp tuồng Sài Gòn cũng là Ba (Nhang), Tư (Lộ), Năm (Tồn), Sáu (Phú) v.v... mình tưởng những người này cũng là quan binh.
* * *
Trước Cách mạng, Hà Nội có 18 vạn dân. Nhiều nhà ở rộng quá, phải cho thuê bớt. Dán ở ngoài cửa, giấy yết thị bằng chữ nho, chữ Pháp hoặc chữ quốc ngữ: “Nhà cho thuê”, hoặc “Gác cho thuê” hoặc “Nhà trong cho thuê”,...Thế mà cũng chẳng có người đến hỏi.
Phố đông người là từ Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân, và Hàng Gai, Hàng Bông.
Ở phố Đinh Tiên Hoàng bây giờ, từ nhà Bưu điện Trung ương trở đi, là khu Tây ở, nên vắng người. Tối chẳng ai đi đến.
Từ đầu phố Bà Triệu, gọi là phố Hàng Giò, thì cũng là khu Tây ở, ban ngày cũng đã vắng tanh. Chỉ thấy mấy cô “khâu đầm” (người con gái làm nghề vá may thuê cho các nhà Tây) đi làm mà thôi. Coi Nhà Diêm (nhà máy Trần Hưng Đạo) đã xa lắm. Đến Vân Hồ càng là xa, thường phải đi xe kéo.
Quanh chợ Hôm, gọi là dốc Hàng Gà, có nhà người mình ở. Quá chợ Hôm, vào trước năm 1920, từ quãng đường hơi cong ở phố Huế, là bắt đầu ruộng rồi. Ruộng cho đến chợ mới Mơ, ngã tư Trung Hiền (Ô Cầu Rền).
Phố Nguyễn Thái Học, phố Phùng Hưng, toàn là bãi cỏ hoang.
Bắt đầu phố Thụy Khuê đã là ngoại thành. Ở đây đặt cột cây số 3 bằng gỗ. Có nhà một tên cẩm Tây, và nhà chờ xe điện, ở cạnh cây gạo lớn. Nay chỉ còn cây gạo. Trường An-be Xarô (trẻ con Tây) bây giờ là trụ sở Trung Ương Đảng, cũng chỉ là những bãi hoang. Đường Cột Cờ (Điện Biên Phủ) là nơi mà tối đến, những phu xe bất lương hay kéo khách người nhà quê lớ ngớ, đến đấy để bóc lột (quần áo và đồ đạc). (Ngày ấy đã dùng tiếng Bóc lột). Vườn Bách Thảo là nơi những người có thù nhau, thách nhau đến để giết nhau. Chợ Hàng Da là nơi tụ bạ những trộm cắp, nhất là giật khăn (khách ngồi xe), rồi chạy trốn. Cho nên ai đi xe qua đó, cũng phải giương mui. Chợ Gạo cũng là ổ quân giật khăn.
Ngày trước, khi chưa có khăn xếp, thì ta đội khăn lượt, mỗi khăn 12, 13 vuông. Có người nhà quê đi xe qua đó, sợ kẻ cắp giật khăn, nên phải tụt khăn xuống quanh cổ. Nhưng kẻ cắp thấy ngứa mắt, nó cũng cứ cầm lấy đầu khăn mà kéo. Xe chạy đi, khăn bị kéo lại, người ấy như bị thắt cổ.
Một lần mình đi tầu Nam, trên sân xe có hành lý. Đến gần chợ Gạo thì bị giật khăn. Thế là mình chạy đuổi. Thằng kẻ cắp chạy không kịp, vứt khăn lại. Nhưng mình cứ đuổi. Đến chợ Gạo, nó vào trong, chui tọt vào đống bao gạo. Biết không bắt được nó, mình không đuổi nữa. May sao, cái khăn vẫn còn ở đường, và anh xe vẫn chờ. Giá anh ta kéo cái xe có đồ hành lý đi, thì cũng trôi.
* * *
Người nghĩ ra làm khăn xếp, hoặc khăn chụp, (có người gọi là khăn gỗ) là ông Hai Chinh, mở hiệu bán mũ ở đầu phố Cầu Gỗ. Mũ Hai Chinh vừa nhã, vừa bền. Nhà Gô-đa vẫn thửa để bán cho Tây.
Đầu tiên, họ làm cái đai bằng giấy các-tông quanh đầu, rồi quấn khăn ra ngoài. Như vậy, lúc không muốn đội khăn, bỏ ra, khăn vẫn chít quanh cái đai các-tông, khi muốn đội, chỉ việc chụp vào.
Rồi tiến tới làm cái khăn chụp như bây giờ, ruột là giấy bìa, chỉ cần một tí lượt ở chỗ chữ nhân, ở chỗ các nếp, và nếp ngoài cùng.
Tiết kiệm được lượt. Nếp phẳng hơn. Khăn đẹp hơn.
Kẻ cắp giật khăn chít mới bán được nhiều tiền, cho nên thằng ăn cắp khăn chụp của mình ở Chợ Gạo, mới vứt trả để thoát thân.
Lần đầu tiên mình đến hiệu ông Hai Chinh để làm khăn chụp, thì đem cả 13 vuông lượt của khăn chít đến. Đến hẹn, mình đến lấy, lại trả cả tiền thuê làm.
Ai cũng chê là ngốc. Thế là mất toi hơn mười vuông lượt, còn mất thêm tiền nữa.
Đến ngày lắm mốt, khăn đàn ông lại làm bằng xa tanh, bằng nhiễu tây, bằng nhung đen.
Đến thời kỳ người Việt Nam thấy khăn chụp vừa tiện, vừa đẹp, vừa rẻ, thì ai cũng dùng khăn chụp. Không ai dùng khăn chít nữa.
Từ tháng 11, 12 âm lịch, các hiệu khăn ở Hà Nội đã bắt đầu làm khăn để bán tết.
Những tháng này, mình cũng bị các báo giục viết bài đăng báo tết.
Nghề viết văn chẳng khác gì nghề làm khăn.
* * *
Ngày 14 tháng 7, là ngày kỷ niệm Cách mạng Pháp thành công năm 1789.
Ta gọi là Tết Chính trung, hoặc Tết Tây. Ngày này, các quan ta góp tiền, mua đồ, để đến tết quan Sứ.
Chúng mở hội cho công chúng dự. Nhiều trò thật đểu, như liếm chảo, (dán xu và hào vào lòng chảo, ai liếm được thì lấy). Lấy được tiền, thì mặt nhọ nhem. Đập nồi, là treo ba bốn chiếc nồi lên một cái xà bắc ngang đường. Có cái nồi đựng tiền, nhưng có cái nồi đựng tro, có cái nồi đựng nước (thấy nói là nước giải). Ai đập nồi thì phải bịt mắt lại, ngồi trên xe, anh xe kéo qua đó, thì người ấy cầm gậy vụt vào nồi. Thường thì vụt không trúng, hoặc phải cái nồi không đựng tiền.
Còn những trò như, leo cột mỡ (để lấy đồ đạc treo ở trên, cái ô, đôi giày, hoặc có khi bọc không có gì). Leo lại tụt, tụt lại leo, cứ như vậy, mãi mãi. Người leo tranh nhau lên trước, đạp cho nhau tụt xuống,... Công chúng cười mà không biết xấu hổ.
Trò chạy ếch, là trò để năm sáu con ếch trên xe cút-kít. Năm sáu xe chạy thi nhau, ai tới đích trước mà còn nguyên số ếch, thì được giải. Trong khi chạy, ếch nhảy lung tung, cứ phải dừng lại để bắt. Nhưng được con này, thì con khác lại nhảy mất.
Toàn những trò chơi hạ cấp như vậy.
Nhưng ở Thái Bình có trò múa cà kheo, thì thật đáng xem. Người đi kheo cao lênh khênh, ống quần đỏ thả trùm cả cái kheo cho đến đất. Rồi múa võ, tiến, lui, rất khéo.
Dân làng Quang Lang dùng kheo để đi biển đánh cá. Nhưng đi kheo trên cạn mới thật tài.
* * *
Thằng chánh lục lộ Đông Dương Puy-an (Puyane) thấy những năm 1924 - 1925 - 1926, vỡ đê sông Hồng, mới xin Nhà Nước cho 6 triệu để đắp đê sông ấy rộng và cao hơn.
Một người Việt Nam tính rằng nếu nắn thẳng khúc sông Hồng từ Việt Trì ra biển, và đào thêm sông nhánh ra biển, thì nước dễ thoát đi. Phí tổn có 5 triệu.
Nhưng Tây theo kế hoạch của Puy-an.
Để kỷ niệm công đức thằng Puy-an, một đài ghi công nó được xây ở trên đê sông Hồng, quãng có đường về Bưởi, ở làng Nhật Tân.
Nó chết, trối lại xin chôn ở ga Lăng Cô. Mả nó đặt trên đồi, nhìn ra biển, phong cảnh rất đẹp. Đài kỷ niệm nó, đến năm 1954, tiếp quản Hà Nội, chỉ còn trơ cái nền. Bây giờ mất hẳn rồi.
Mùa hè năm 1914, Hà Nội có bệnh dịch tả lớn, người chết vô kể.
Nhà ai có người chết dịch, thì bị đưa xác vào xe bò để tải đi chôn. Có người chưa chết cũng bị đưa đi. Cho vào áo quan mỏng, rắc vôi bột, rồi chôn. Chỗ chôn người là chỗ trường Đại học Bách khoa bây giờ. Chôn nông, nên mùi thối hoăng. Có cái mả, sau trận mưa, đất lún xuống, thấy thò cả chân ra ngoài. Có lẽ không có quan tài.
Vài năm sau, Hải Phòng có bệnh dịch hạch. Hành khách đi tầu từ Hà Nội xuống Hải Phòng, thì bị khám người ở ga. Họ sờ bẹn xem có hạch không. Người khám là đàn ông. Người bị khám cố nhiên có cả đàn bà, con gái.
Năm 1913 (hay 14, 15) đê Phú Chử, thuộc huyện Thư Trì, Thái Bình, bị vỡ. Đây là đê sông Nha, nên lụt rất tai hại.
Thằng Công sứ Thái Bình Minault (Mi-nôn) sợ quá, mới tự tử.
Tuần phủ Thái Bình, Phạm Văn Thụ, quyên tiền dựng đền kỷ niệm. Trong đền này, thờ tên Minault, tên Nguyễn Duy Hàn (tuần phủ bị ông Tài Tráng ở Việt Nam Quang phục Hội ném bom chết ngày 26 tháng 4, 1913) và vài tên công sứ, tuần phủ nữa. Còn nhớ là 3 công sứ, 3 tuần phủ (căn cứ vào bài thơ có câu: Ba vị tỉnh đường, ba vị sứ).
Sau, bọn chân tay Phạm Văn Thụ, sau khi Thụ chết, cũng rước ảnh Thụ vào đền kỷ niệm để thờ.
Và sau cùng, thờ cả Vi Văn Định, một tên tổng đốc khét tiếng là giết cộng sản.
Sau ngày Đảo chính (Nhật đảo chính Pháp ngày 9.3.1945), thanh niên Thái Bình vào đền, xé ảnh và đục bia đá thờ bọn phản dân hại nước.
* * *
Năm 1918, đến tối, đường Cổ Ngư (Thanh Niên) còn thắp đèn dầu hỏa. Vườn Bách Thảo cũng vậy. Cột sắt dựng hai bên đường, chiếc đèn dầu đặt trong cái khung kính. Người thắp đèn mang cái thang, thắp lần lượt từng đèn, từ đầu đến cuối đường.
* * *
Trẻ con Tây ở Hà Nội học ở Collège Paul Bert, tức là trường Trưng Vương bây giờ. Trường Albert Sarraut làm xong, trường dọn đến đấy. Vì học trò trường Bưởi và học trò Tây cùng đi một chuyến xe điện, nên học trò ta bị học trò Tây bắt nạt.
Năm 1919, xảy ra học trò hai trường đánh nhau. Năm ấy, mình cũng đánh nhau với học trò Tây. Tên thống sứ Bắc kỳ Xanh Sa-phray (Saint Chaffray) vào trường Bưởi họp học trò lại để diễn thuyết. Không rõ nó nói gì, vì mình đứng ở xa. Mình chắc là nó xin lỗi hộ học trò Tây. Nhưng anh em bảo là nó mắng.
Mình chờ báo Trung Bắc tân văn đăng việc đánh nhau này. Mãi không thấy báo đăng. Mình hỏi anh Dương Phượng Dực (là phóng viên báo ấy), anh Dực bảo báo không đăng, vì sợ việc trẻ con thành việc người lớn.
* * *
Trường Cao Đẳng mở năm 1917. Học trò nội trú ăn cơm ta, nhưng lại bằng thìa dĩa.
Có một chiều chủ nhật, mình cũng vào ăn ở nhà ăn trường Cao Đẳng. Vì chiều ấy, nhiều sinh viên cao đẳng ăn cơm ở nhà nên thừa nhiều suất cơm. Chẳng ai biết mình là ai, vì tưởng ở khoa khác.
Thấy học trò Cao Đẳng đã gọi nhau là ông rồi. Mình cũng được gọi bằng ông.
* * *
Trường Nữ Sư Phạm của ta mới làm. Học trò ta ở được một hai năm, thì phải dọn đi, nhường chỗ cho học trò đầm. Trường Nữ Sư Phạm dọn đến trường Paul Bert cũ. Rồi được vài năm, lại dọn đi, để nhường cho trường Cao Đẳng Sư Phạm. Các cô viết ở trường những câu lục bát khêu gợi như: Biết người quân tử sau này là ai, hoặc câu sầu thảm về cuộc đời. Ông Hoàng Ngọc Phách khi ấy học Cao Đẳng Sư Phạm, thấy việc này, mới viết một bài công kích các cô, đăng ở báo Nam Phong.
* * *
Năm mình mới học trường Bưởi (1912), thấy chưa có thầy giáo nào mặc quần áo tây cả. Thường thì đội khăn, đi giày ta, bí-tất trắng, dù trời nực. Học trò cũng ăn mặc như thế. Nhưng nhiều người đi giầy tây, đội mũ tây. Giầy thì mùa hè là giầy vải trắng, phải luôn đánh bằng phấn trắng. Giầy da thì màu đen, mầu vàng hoặc hai mầu. Đi giầy giôn (vàng) hoặc đơ cu-lơ (hai màu) là hạng sang lắm. Có anh học trò lớn, chủ nhật ra phố thì mặc quần lĩnh thâm. Rõ ràng là quần đàn ông, gấu to và cạp đen, chứ không phải quần đàn bà, gấu nhỏ và cạp điều hoặc da bát. Mùa rét, nhiều thầy mặc áo ta, đội khăn, nhưng mặc quần tây bằng dạ. Trong một bài về cách ăn mặc, thầy cũng khuyên mọi người, đến mùa rét, nên mặc quần tây bằng dạ.
Bọn công tử con nhà giàu, tối đi phố chơi, thường mặc quần lụa, đội mũ pa-na-ma, đi giày cườm, và cầm can đầu bịt bạc.
Các cô thiếu nữ con nhà tử tế, khi ra phố, dù ban ngày, cũng không đi một mình. Phải dắt em nhỏ theo. Cũng bất đắc dĩ, thì phải đi xe, dù là gần. Mà xe phải giương mui, ý là cho kín đáo. Đi xe bỏ mui bị coi là không đứng đắn. Chỉ có hạng vợ tây mới đi xe bỏ mui, để người đi đường được ngắm lâu cả phía sau lưng mình.
* * *
Ngày Tây mới sang ta, chúng mở trường dạy tiếng Tây, nhưng ít người đi học. Vì cho là một sự xấu hổ. Chúng phải cấp giấy bút cho học trò. Muốn con các quan cũng đi học, chúng điều đình với cha mẹ. Nể chúng, những người này phải cho con đi học chữ Tây, nhưng chọn những đứa con hư, cho là bỏ đi, hoặc con vợ lẽ, là những con kể như con thêm.
Hai người con quan đi du học bên Pháp đầu tiên, là Đoàn Ký, con trai Đoàn Triển (tổng đốc) và Nguyễn Đình Thông, con trai Nguyễn Đình Quì (tri phủ). Hai người này sang Pháp, học 6 năm, đỗ được bằng tương đương với Cao đẳng tiểu học, rồi về nước, làm nghề dạy học.
* * *
Câu lạc bộ Thống Nhất bây giờ là Hội quán của Hội Khai Trí Tiến Đức thời Pháp thuộc. Miếng đất này nguyên trước có một cái nhà nhỏ, là thư viện của thành phố. Thư viện mà chỉ có tờ báo hàng ngày duy nhất hồi ấy, là tờ Trung Bắc tân văn. Buổi tối, thắp một cái đèn điện tối mù mù. Dễ thường chỉ có mỗi một mình mình hay đến đấy để đọc báo. Qua nhà thư viện, là chỗ đi tiểu công cộng. Chỗ này thì nhiều người lui tới hơn. Rồi đến mấy bồn cây cảnh.
Hội Khai Trí Tiến Đức xin chỗ này làm đất công, chỉ phải nộp thuế thổ trạch mỗi năm có một đồng bạc.
Để dựng hội quán, hội có mở cuộc thi vẽ kiểu. Kiểu đoạt giải nhất được dùng để xây hội quán. Kiểu đoạt giải nhì thì ông hội trưởng lấy để xây nhà riêng. Ông này là Hoàng Trọng Phu, hồi đó làm tổng đốc Hà Đông. Nhà ấy nay là trụ sở của đại sứ quán Trung Quốc, phố Hoàng Diệu bây giờ. Thấy kiểu nhà được giải nhì mà đồ sộ, lộng lẫy, kiểu nhà được giải nhất lại thấp lẹt tẹt, nên nhiều người thắc mắc. Thì hội ấy giải thích rằng, nay quỹ của hội chỉ có vừa số tiền để làm tòa nhà như vậy, nhưng kiểu ấy khéo ở chỗ là đến ngày quỹ của hội dồi dào, thì có thể lên tầng gác nữa mà tường vẫn chịu được sức nặng. Hội Khai Trí Tiến Đức là hội của các quan, và những người hiếu danh, cho nên Hội trưởng là một quan to nhất Bắc kỳ. Hội viên chẳng được khai trí mà cũng chẳng được tiến đức. Chỉ được mỗi cái lợi là đến để đánh tổ tôm điếm. Tối nào tiếng trống tổ tôm cũng vang trên mặt nước Hồ Gươm. Hội viết tắt là K.T.T.Đ. Có người chơi chua, gọi là Hội Khai Tổ Tôm Điếm.
* * *
Những năm đồng bạc Đông Dương chưa phụ thuộc đồng franc của Pháp, nghĩa là một đồng 27 gam của ta ăn 2 franc rưỡi, thì đồng franc cao hạ hàng ngày cũng làm cho đồng bạc ta hạ cao hàng ngày, đối với hàng hóa bán ở nhà Gô-đa.
Bọn chủ chốt ở nhà Ngân hàng Đông Dương vì vậy, đã làm giàu một cách không tốn một đồng xu nào. Vì giá bạc ngày hôm sau lên hay xuống, chúng được biết trước do đồng franc cao hay hạ hơn hôm nay.
Ví dụ giá bạc hôm nay là 5 franc, đến đêm, chúng được báo là ăn 5 franc 1/2. Thế là chúng ghi vào sổ gửi tiền là đã gửi mấy nghìn bạc ta đó. Hôm sau, lấy ra bằng franc, chúng được ngay một số lợi. Rồi đến hôm chúng biết đồng franc được lên giá, thì chúng lại biên là đã gửi mấy nghìn franc đó, để lấy ra bằng tiền Đông Dương.
Cứ làm như vậy, chúng đã ăn cắp được hàng triệu.
* * *
Chiếc máy bay đầu tiên của Pháp sang đến Đông Dương là vào năm 1914. Phi công tên là Marc Pourpe. Hôm máy bay đến Hà Nội, các trường học đều được nghỉ học.
Năm mình ở Lào Cai (1929-31) cũng có lần các trường được nghỉ học để mừng chiếc máy bay đầu tiên vượt đại dương sang đến ta.
* * *
Ngày Hà Nội còn ít ô-tô, thì Tây và nhà giàu ta đi xe ngựa ở phố. Xe song mã, xe độc mã. Có con vợ Tây chiều nào cũng dong xe ngựa đi chơi phố. Mụ này mình không biết tên, nhưng thuộc mặt, vì mấy năm trước, nó làm nghề khâu đầm. Nó vẫn đi dép, mặc áo dài nâu quấn thắt lưng sạ đen, và đeo nón ba tầm ở vai. Hai tay nó cầm hai cương ngựa, đến chỗ đông, nó dận chân vào cái lò xo chuông, kêu tính toong ầm cả phố, vẻ hãnh diện lắm.
* * *
Dương Phượng Dực là bạn thân của anh em mình từ năm anh em mình ở Thanh Oai (1910).
Năm 1917, Dực đỗ Tiểu học Pháp Việt, nhưng thi vào Cao đẳng tiểu học ở trường Bưởi thì hỏng. Anh rất hiếu học, đi học tư, thì thấy thầy nào cũng kém. Một hôm, đọc bài dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine ở Đông Dương tạp chí, anh phục dịch giả là Nguyễn Văn Vĩnh, mới nghĩ rằng: Thầy học ta đây rồi.
Anh nói với ông thân sinh, mua 4 chai rượu bia đến Nguyễn Văn Vĩnh để xin học.
Vì Vĩnh không làm nghề dạy học, nên ngờ ngay là Dực muốn xin việc làm ở báo. Vĩnh nói: Được, cậu cứ về, bao giờ có việc thì tôi gọi.
Anh Dực cáu lắm, mới nói: Tôi thấy ông giỏi thì tôi nhận ông làm thầy, đến xin ông dạy, chứ không phải đến để xin việc. Vĩnh mới cho anh mượn mấy cuốn truyện chữ Pháp mà ông ta mới dịch, đăng ở báo, bảo về nhà, đối chiếu hai bản nguyên văn và dịch văn thì học được.
Nhưng thấy khó học quá, Dực đến nói với Vĩnh. Vĩnh thấy anh thực bụng hiếu học, mới bảo anh làm ở báo để gần thầy. Mới đầu, làm nghề sửa bài in, lương 12đ một tháng.
Dần dần, anh làm phóng viên, rồi biên tập viên. Sau lại thầu cả Vệ Sinh báo (báo phát không) được thêm 150đ một tháng.
Ăn nhịn để dành, anh làm được nhà gạch ở quê nhà.
Không rõ ngày thường anh ăn uống thế nào, nhưng hễ anh em mình ra chơi, thì thể nào anh cũng mua thêm 2 hào lòng lợn và mời ăn cơm. Lần nào cũng vậy.
Dực chỉ thuê nhà của chùa để ở: chùa Tràng Khánh. Những năm cuối cùng đời, anh thuê ở chùa Quang Hoa.
Suốt đời, anh không biết chơi bời gì. Anh kể rằng một lần bạn rủ đi cô đầu. Thấy cô đầu ăn mặc lòe loẹt và nói năng mạnh dạn, anh ngạc nhiên và sợ quá. Cho nên lừa lúc mọi người không để ý, anh rút cầu chì đèn điện, rồi chạy mất.
* * *
Sực nhớ đến một lần Nguyễn Trọng Thuật cùng mình lên Hà Nội. Ông nhờ mình đưa đến hiệu giày để đóng một đôi giày tây. Thấy mình buồn cười, ông nói:
“Tại tôi đến nhà ông tú Nguyễn Hữu Tiến, thấy ông tú thết tôi cốc nước đá”.
Rồi ông thêm: “Nhà nho bây giờ phải sống văn minh chứ?”.
Năm 1920, mình ở Nam Sách, một buổi chiều thứ bảy, Ký Chính (bạn cũ năm 1927 mình còn ở Hải Dương) đi xe về, nói rằng ra ngay tỉnh để vào Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Anh hỏi: Còn rủ thêm được ai không? Ta đi ngay chiều nay.
Cách kết nạp đảng viên Quốc Dân Đảng như thế đấy.
Nhưng vì mình đã gặp Nguyễn Thái Học, anh đã định tổ chức mình cùng Nguyễn Trọng Thuật và Đỗ Huy Phụ vào Đảng, nên muốn từ chối Ký Chính. Mình nói thật với Chính như vậy, thế là Chính cứ kéo cả Thuật, Phụ lẫn mình ra Hải Dương.
Lễ kết nạp làm ở nhà một người đội tuần (đội lệ, dinh Tổng đốc), mà chủ nhà đi vắng, Chính quen người con gái nên mượn được nhà. Mình hỏi sao lại ở nhà đội tuần, Chính bảo nhà này rộng, có bàn thờ, đèn nến đồng sang trọng lắm.
Tối hôm ấy, bàn thờ thắp đèn sáng trưng. Đảng viên tuyên thệ.
Trong khi ấy, hàng xóm thấy nhà này đông người, lại thắp nến trên bàn thờ, bèn vạch hàng rào dâm bụt để ngó sang xem.
Có sáu người làm lễ tuyên thệ. Chính nói rằng đến rủ Giáo Phong vào đảng, nhưng anh ta đi vắng. Bảo em anh Phong đến tuyên thệ hộ, nhưng em anh ta từ chối, vì vợ sắp đẻ, nên không dám đi. [...]

http://www.ybook.vn/ebook/2195/nho-va-ghi-ve-ha-noi

“Sở dĩ mình ngạc nhiên về chữ long này, vì mình thấy trong gia phả nhà ta có chép sự trạng tổ thứ 12, là cụ Nguyễn Gia Cát. Cụ đi sứ cầu phong cho Gia Long. Vua nhà Thanh thấy hai chữ Gia Long thì bẻ: Sao dám lấy tên hai vua Càn Long và Gia Khánh để đặt hiệu? Vốn Cụ nhanh trí và hoạt bát, nên đáp: “Không phải thế. Nguyên nước tôi gồm nam tự Gia Định, bắc chí Thăng Long, cho nên vua nước tôi đặt hiệu là Gia Long. Trong gia phả không chép là vua Tầu bắt đổi chữ long là rồng ra long là thịnh vượng, hay tự Gia Long đổi (vì đó là việc của triều đình, không thuộc phạm vi gia phả), nhưng rõ ràng là hiệu Gia Long, mình vẫn thấy viết long (隆) là thịnh vượng, chứ không phải chữ long (龍) là rồng như chữ viết tên thành Thăng Long (昇龍). Chắc mấy ông viết sử Thăng Long không biết việc này”. (trang 43-44).

Phố Cửa Đông thời Pháp: "Phố Phùng Hưng, quãng từ Cửa Đông đến Ngõ Trạm xưa là bãi cỏ hoang rất vắng… Quanh và trong doanh trại phố Cửa Đông cũng có nhiều nhà kiểu thuộc địa như vậy (nhà tầng dưới xây cuốn, mái lợp tôn)… Ngày trước, ngoài trường Trí Trí, còn nhiều trường tiểu học mở lớp không mất tiền…như trường Hàng Vôi (Nguyễn Du ngày nay) và trường Cửa Đông (nay không còn, vào đất của nhà 3 tầng, số 2 phố Cửa Đông)… Một là cứ đến thứ hai đầu tháng, thì xem lính Tây rước đèn. Đám rước đi từ Trại (phố Cửa Đông)… Muốn toàn thắng, nghĩa là không bị chửi, thì mình nhằm đúng thằng Tây đang thổi kèn mà ném. Một là thằng Tây không biết chửi tiếng ta. Hai là chẳng lẽ mồm nó đương thổi kèn để thổi, nó dám bỏ ra để chửi?"...

"Quãng nửa dưới phố Bà Triệu, từ chỗ cắt nhau với phố Nguyễn Du, trước gọi là phố Lê Lợi, thì năm 1916 còn là ruộng. Chiều nào ở dốc Hàng Gà mình cũng nghe thấy tiếng kèn rè rè, nghe rợn người. Dân ở đây gọi là kèn đuổi ma. Trường Quang Trung gọi là trường Hàng Kèn. Mình chưa đi quá đấy, cho nên không biết còn có hồ Thuyền Quang, vì chỗ này vừa lầy lội, vừa rậm rạp những cây. Nay là phố Nguyễn Du"... (tr. 99-100).

"Ngày 14-7 là ngày kỷ niệm Cách mạng Pháp thành công năm 1789. Ta gọi là Tết Chính trung, hoặc Tết Tây. Ngày này, các quan ta góp tiền, mua đồ, để đến tết quan sứ. Chúng mở hội cho công chúng dự. Nhiều trò thật đểu như liếm chảo (dán xu và hào vào lòng chảo, ai liếm được thì lấy), lấy được tiền thì mặt nhọ nhem. Đập nồi là treo ba, bốn chiếc nồi lên một cái xà bắc ngang đường. Có cái nồi đựng tiền, nhưng có cái nồi đựng tro, có cái nồi đựng nước (thấy nói là nước giải). Ai đập nồi thì phải bịt mắt lại, ngồi trên xe, anh xe kéo qua đó thì người ấy cầm gậy vụt vào nồi. Thường thì vụt không trúng hoặc phải cái nồi không đựng tiền... Còn những trò như leo cột mỡ (để lấy đồ đạc treo ở trên như cái ô, đôi giày, hoặc có khi bọc không có gì). Leo lại tụt, tụt lại leo, cứ như vậy mãi. Người leo tranh nhau lên trước, đạp nhau tụt xuống... Công chúng cười mà không biết xấu hổ. Trò chạy ếch là trò để năm sáu con ếch trên xe cút kít. Năm sáu xe chạy thi nhau, ai tới đích trước mà còn nguyên số ếch thì được giải. Trong khi chạy ếch nhảy lung tung, cứ phải dừng lại để bắt. Nhưng được con này thì con khác lại nhảy mất. Toàn những trò chơi hạ cấp như vậy.

*

Phụ nữ xưa đội nón rộng như hình cái mẹt, ở giữa là cái khua, vừa khổ đầu, quai nón thít dưới cằm. Không ai đội nón chúp như bây giờ. Nón chúp lợp lá lụi hoặc lá già, là nón của người lao động. Một dạo gọi là nón cu-li xe. Người giàu đội nón lợp lá dứa, gọi là nón dứa, có cái chóp bạc, vàng hoặc đồi mồi. Cũng có cái chóp bằng đồng. Sang nữa thì là nón lông, lợp bằng lông màu trắng, màu đen. Thời tối tân của nón là lợp bằng liège (gỗ nút chai). Từ ngày Khải Định ra Bắc, các quan tuần thấy vua đội nón lợp dạ vàng cũng bắt chước lợp nón bằng dạ màu lam, đính tứ li bằng đồng."...
« Khải Định là một thằng vô học, chỉ chơi bời. Năm 1919, nó đã "ngự giá Bắc tuần". Nó nghĩ ra cách ăn mặc rất ngộ nghĩnh: Vàng từ đầu đến chân. Nón lợp vải vàng, có đính long ly quy phượng bằng vàng. Khăn vàng. Áo màu vàng, thêu kim tuyến, ngắn trên đầu gối. Hai vai đeo ngù quan binh Pháp bằng vàng. Thắt lưng to bản giát vàng. Ghệt đính vàng. Giày tây da vàng, có gài cái sắt thúc ngựa bằng vàng. Tay đeo bốn chiếc nhẫn vàng mặt đá màu lớn. Ra Hà Nội, nó ngồi cùng xe với toàn quyền Sa-rô. Mình cứ tưởng đống rơm, không biết là người. (…) Nó ra Bắc để ký nhường cho Tây Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng làm nhượng địa »... (tr. 140-142). ...
« Ngộ nghĩnh nhất là bộ quần áo nó (chỉ vua Khải Định) mặc ra thăm Bắc Kỳ năm 1917, gọi là ngự giá Bắc tuần ».

"1913... trọ số 8 Hàng Hài... thỉnh thoảng, tối được ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3 xu, 5 xu)"...
“… người bán phở phải mua hai hào tem thuế mỗi ngày. Tính ra mỗi năm là 73 đồng”.
“Ở Thái Nguyên hiệu cao lâu chỉ bán phở, chứ không bán cơm bữa. Cho nên ở trên ấy, gọi phở là cao lâu. Bát cao lâu là bát phở. Bánh cao lâu là bánh phở ” (tr.119).

"Ngày bé, mình xem Chùa Một Cột, thấy cái cột bằng gỗ, chứ không xây như bây giờ. Cột mà xây thì còn gì là hay nữa"... (tr. 117)

“…Đèn Hoa Kỳ là đèn của bọn Mỹ sang ta buôn dầu hoả. Muốn bán được dầu hoả, nó phải làm đèn cho người mua dầu dùng (…). Dầu của Mỹ, viết tắt là Socony (Standard Oil Company of New York), cạnh tranh với dầu của Anh viết tắt là Shell. Bất cứ ở thành thị hay nông thôn, hễ có đại lý dầu Mỹ, là ở gần đó, có ngay đại lý dầu Anh. Và trái lại. Nhà bán dầu Mỹ có biển sơn màu vàng, nhà bán dầu Anh có biển sơn màu đỏ. Những nơi bán dầu xăng ô tô, Anh Mỹ cũng cạnh tranh như vậy. Ở Hà Nội, còn có xe dầu đi bán ở phố, cũng sơn màu của hãng… Trụ sở của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật ở phố Trần Hưng Đạo, số 39, là trụ sở cũ của hãng dầu Shell của Anh, nên quét vôi màu đỏ. Ngày trước ta gọi là nhà dầu Shell (…) (tr.149).

“Ở Hà Nội, vào mùa hè ở nhiều phố có những nhà giúp khách qua đường uống nước cho khỏi khát. Trước nhà có cái vại có nắp đậy, trên nắp để vài cái bát và cái gáo. Vại đựng nước vối hoặc nước chè tươi. Người qua đường uống nước chẳng cần cám ơn ai, vì nhà đóng cửa”...

“Tết Trung thu vốn không phải là tết trẻ con. Tối 14 và 15 tháng Tám, có rước rồng, rước sư tử. Các nhà chăng đèn ở ngoài cửa. Thường thì có đèn trống quân, hoặc đèn cù, là một cái khung hình vuông, phất giấy bản. Người ta thắp đèn dầu ta ở dưới, hơi nóng thành gió, làm cho cái tán ở trên quay được. Tán ấy được xếp bằng những mảnh giấy ở cái thế hứng được gió. Tán quay, làm quay cả cái vòng treo ở dưới, có dán hình người, ngựa,...,để ở ngoài nhìn vào, thấy những bóng ấy chạy. (Chạy như đèn cù, nghĩa là chạy quanh không có mục đích gì). Rồi nhiều người có sáng kiến, (Bác Cả Thạch, 19 Hàng Gai) không làm cái vòng quay, mà buộc bằng tóc vào những mảnh hình người, làm cho tán quay, thì người cử động được. Ví dụ cô tiên hái hoa, hai vợ chồng hái dừa, chồng hái dừa vợ hứng bằng váy, hai ông tướng đánh nhau,...Caí cán tán phải chấp bằng từng đoạn theo đường gấp, chứ không thẳng. Phải tính toán rất tỉ mỉ. Múa sư tử và múa rồng thì là trò chơi của người lớn. Các đầu sư tử lớn, rồng rất nhiều khúc, múa nhiều điệu rất khéo. Nhưng một dạo, từng tụi du côn nhân rước sư tử, rước rồng để tranh nhau giải, mà đánh nhau rất hăng. Rồi tụi du côn ở Sầm Công thù nhau với tụi du côn ở ngỏ Tạm Thương chẳng hạn, họ chờ đến tết trung thu, đi múa sư tử, thì đánh nhau. Trong xe bò chở trống và thanh la, họ để sẳn xà beng, các khí giới. Nhiều cuộc đánh nhau thành án mạng. Vì thế, Tây cấm người lớn múa sư tử. Tết Trung thu chỉ cho trẻ con chơi, Tết ấy trở thành tết trẻ con”...

“Hạng người đặt ra mốt nọ mốt kia đầu tiên, là hạng vợ Tây. Con cái nhà tử tế bắt chước sau. Quần áo phụ nữ Việt Nam có tính chất chủ yếu là che đậy những nét khêu gợi trong thân thể người phụ nữ. Phụ nữ Bắc mặc toàn màu đen. Yếm là để dẹp bộ ngực. Áo dài may thẳng để che lườn không cho rõ nét cong, và may rộng khổ, để giọt dài, cho lồng bồng. Quần cũng có cạp màu, thắt lưng cũng màu, nhưng phải giấu cho kín đáo. Lúc ngồi, thì phải kéo vạt áo để nó che cặp đùi. Vợ Tây là hạng đầu tiên bỏ dép, và đi giày mũi nhọn, rồi giày cườm, bỏ nón quai thao và đội nón dứa (có lợp vải trắng, và diềm đăng ten); cạo răng trắng; mặc yếm đầm, có độn vú, đội khăn nhung, chải tóc để lưỡi trai ở phía gáy, rồi quấn tóc trần… Trời rét, dùng khăn tua thay khăn vuông, rồi khăn san, thứ khăn bằng tơ mỏng, dài, trùm đầu, để giỏ hai giọt dài; mặc áo màu xanh hoặc đỏ ở trong, lồng áo sa tây ra ngoài, rồi mặc áo dài lụa trắng, nhưng thắt lưng màu, để vạt áo ánh màu thắt lưng và cạp quần. Rồi quần trắng, áo lam, đến quần trắng, áo huyết dụ… Quần mỏng, áo mỏng, bỏ thắt lưng. Báo Phong hoá in giới thiệu mốt ăn mặc mới của hoạ sĩ Cát Tường, lấy tên Pháp là Le Mur (nghĩa là cái tường). Áo Le Muya bắt chước Âu châu, chít lườn để rõ ngực và mông. Sáu khuy. Tà áo và gấu quần viền nhỏ. Rồi những cổ viền, cổ bẻ… Quần thì giống chân voi. Tính chất mốt này là khêu gợi. Một dạo nó được thịnh hành. Nhưng rút kinh nghiệm, phụ nữ không mặc nhố nhăng quá, áo lại may tà, quần lại may gấu. Chỉ giữ mỗi cái là chét lườn”...


Đầu phố Cửa Nam là vườn hoa Cửa Nam. "Trước có tượng bà đầm xòe. Nó là một người đàn bà, ở đầu xòe ra những tia thẳng (ánh hào quang), tượng trưng cho quyền cai trị… Ta nói đùa với nhau rằng: Ông Pon - be chim bà đầm xòe. Nhưng ông Lê Lợi đứng giữa (tượng ở đền vua Lê), chống gươm, nhìn thấy nên bà đầm xòe phải chốn đi"...

“Sau ngày phát xít Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương(9/3/1945), người Việt Nam được cử làm Đốc lý Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai, tổ chức hạ cái tượng quốc sỉ ấy. Trong những người đi xem, có một ông già là ông Mỹ Ký. Thuở bé, hôm dựng tượng Pôn –be, ông Mỹ Ký có đi xem. Hôm nay hạ tượng, ông lại đi xem. Ông sướng quá, ôm mặt khóc nức nở”. “Tượng Pôn-be bằng đồng hun, tay phải cầm chiếc cờ của nước Pháp, tay trái giơ về phía sau, năm ngón xòe ra… Cạnh chân nó là một người Việt Nam mặc áo cộc, đội khăn chít, chân giẫm đất, ngồi xổm, nghểng mặt lên nhìn cái bàn tay, như cái vẻ cầu khẩn . Ở giáng điệu thằng cướp nước thì như cái vẻ: “cứ yên tâm đã có ta”

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉