Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Sự cắt nghĩa giản dị (Nguyễn Công Hoan và cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi") - Vương Trí Nhàn


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Vương Trí Nhàn

Sự cắt nghĩa giản dị


cuộc bộc bạch của Nguyễn Công Hoan
trong Đời viết văn của tôi





Quyển sách phải có
Với khối lượng chữ nghĩa đã viết, trong văn học VN hiện đại, tác giả Bước đường cùng phải được xem như một trong số những người viết hoạt động có hiệu quả nhất.Trong khi không sống hẳn giữa giới cầm bút mà lấy dạy học làm nghề chính, Nguyễn Công Hoan vẫn biết giữ cho mình một nếp làm việc đều đặn. Giữa dự định và công việc, thường khi có sự ăn khớp. Đã viết là in được. Ông lại luôn biết chăm lo tới tay nghề. Dễ không ai say sưa nói về kỹ thuật viết truyện như ông, nào là dàn quân nào là bài binh bố trận, và cuối cùng còn là bẫy độc giả là đưa suy nghĩ của họ vào đúng cái luồng lạch mình đã bố trí sẵn khiến họ như cá vào lờ không sao thoát ra nổi…, từng cách thức được ông kể lại tỉ mỉ với niềm tin không thể lay chuyển: viết văn phải có mẹo.

Sự xuất hiện của một cuốn sách hồi ký như Đời viết văn của tôi nằm trong cái mạch liên tục ấy. Nó là một bằng chứng nữa đánh dấu tính cách chuyên nghiệp của ngòi bút Nguyễn Công Hoan. Một cách tự nhiên, đúng hơn một cách bản năng không cần tính toán gì nhiều, thật ra ông đã tiếp nhận quan niệm về một nhà văn chuyên nghiệp thường thấy ở phương Tây: sau những năm tháng cặm cụi làm việc một người làm nghề thực thụ thể nào cũng phải để ra một ít thời gian tính đếm lại đời mình. Hồi ký nên được coi là cái dấu chấm hết đẹp đẽ nhất cho một đời viết sung mãn.



Cuốn hồi ký này đã ra đời trong hoàn cảnh nào?
Nguyễn Công Hoan đã sống những năm tháng trước 1945 một cách khá vẻ vang.Thế nhưng từ sau 1945, quá trình sáng tác của ông so với các đồng nghiệp trẻ hơn như Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Nguyên Hồng … có nhiều chỗ khác.Tám năm kháng chiến, trong khi nhiều nhà văn đấu đầu lo liệu cho Hội văn nghệ thì ông làm việc ở một trường bổ túc văn hoá của quân đội,và chỉ sau hoà bình lập lại 1954 mới trở về nhận biên chế ở Hội nhà văn. Sự nhập cuộc trở lại này không mấy hiệu quả.Trong khi những Đường vui,Tình chiến dịch, Sông Dà, Truyện Tây Bắc hoặc Ngôi sao, Riêng chung, Anh sáng và phù sa...viết thẳng về cuộc sống mới và được dư luận đón đợi, được đủ các loại giải thưởng to nhỏ thì Nguyễn Công Hoan chủ yếu viết lại cuộc sống trước 1945 như Tranh tối tranh sáng(1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (1963), và mặc dù các sáng tác ấy đã được tác giả đặt nhiều công sức, song có vẻ như chúng không tương xứng với tầm vóc của nhà văn; khi ra đời chúng chỉ được chào đón một cách dè dặt. Có cuốn chỉ in được tập một rồi dừng lại hơn hai chục năm sau mới ra nốt được tập hai ( Đống rác cũ ). Có cuốn viết xong đành xếp tạm đấy mãi khi nhà văn qua đời mới được in (Anh con trai người bạn đọc ấy).

Một người ưa hoạt động coi việc viết ngang với cơm ăn nước uống hàng ngày như Nguyễn Công Hoan trước hoàn cảnh ấy không chịu bó tay. Ông xoay ra làm một số việc khác như đi phỏng vấn các đồng nghiệp (Hỏi chuyện các nhà văn) hoặc đính chính thơ văn của Nguyễn Khuyến, Tú Xương.
Dẫu sao có thể dự đoán, càng ngày ông càng cảm thấy vốn liếng mình là ở như những hiểu biết về xã hội cũ và chỉ trong khi viết về xã hội cũ mình mới trở nên có ích hơn cho con người đương thời.

Cái định hướng này có thể ngẫu nhiên song đúng là đã trở thành nhất quán ở Nguyễn Công Hoan. Có lẽ bởi vậy mà ông sớm tính chuyện viết hồi ký. Trong một bảng niên biểu Nguyễn Công Hoan thấy đề rõ ngay từ cuối năm 1957, cuốn Đời viết văn của tôi đã hoàn thành ở dạng sơ thảo (tới năm 1969 thì hoàn thành, và 1971 thì được in ra ở nhà xuất bản chuyên về văn chương duy nhất bấy giờ là nhà Văn học).

Trong một bài viết về Nguyễn Công Hoan, nhà văn Tô Hoài từng ghi lại một đoạn đối thoại

(…) Lại đến năm trước anh kể:
– Tôi mới nghĩ ra cái truyện dài, cái truyện dài này thì dài vô tận.
– Truyện gì ạ?
– Truyên nhớ gì ghi nấy.
Tôi vẫn chưa hiểu. Anh cắt nghĩa: Ở tuổi anh bây giờ, những từng trải những mắt thấy tai nghe, từ lúc mất nước đến khi độc lập, biết bao phong phú, phải ghi lại cho lớp người sau biết. Thế là anh đóng từng tập giấy hàng trăm trang, mỗi khi nhớ việc gì, suy nghĩ thấy nên ghi lại, anh ghi. Ghi hết giấy anh đóng tập khác.

Những ý tưởng này chủ yếu liên quan đến tập Nhớ gì ghi nấy, song cũng đã hé ra cho thấy một phần cái tâm sự của nhà văn khi đến với Đời viết văn của tôi. Đặt vào thời điểm mà cuốn sách được viết, phải nói sự xuất hiện của nó là táo bạo bởi lẽ khoảng những năm năm mươi sáu mươi thế kỷ XX, số nhà văn ở ta tính chuyện nhìn lại đời mình một cách rành mạch, số đó còn rất ít.


Một kiểu viết hồi ký, một kiểu tự phân tích
Thể loại văn học mang trong nó một sự đa dạng nhất định. Ở đây có những nguyên tắc chung nhưng lại có chỗ rộng rãi cho sự sáng tạo.
Lấy ngay thí dụ trong văn học VN hiện đại. Có hồi ký gần với tự truyện, tức là một thứ tiểu thuyết, như Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Có hồi ký có tính cách một sự suy nghĩ lại về đời mình và do đó giàu chất chính luận như Tự phán của Phan Bội Châu. Về mặt nhân vật mà xét, có khi tác giả bám sát quá trình cầm bút của bản thân như Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, lại có khi người viết như tránh sang một bên, để nói về một ai đó hoặc nói chung về những người tác giả đã gặp và có vẻ chỉ nhân tiện mà nói thêm về mình như Cát bụi chân ai của Tô Hoài.

Còn Đời viết văn của tôi thì sao?

Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, cuốn sách nhằm tới cái đích chung là phác hoạ sự hình thành tính cách của tác giả và con đường tác giả đến với văn học. Ông không chủ ý kể về đời mình một cách chi tiết, theo kiểu bám sát từng năm hoặc từng thời kỳ một. Mà ông khái quát lại thành các phần ảnh hưởng Hoạt động Sáng tác… Trong khi hàng ngày, nhà văn thường vẫn tuyên bố là mình viết một cách hồn nhiên không đắn đo cân nhắc gì nhiều thì lúc bắt tay vào viết hồi ký, trên đại thể ông lại sử dụng một bút pháp mang ý nghĩa tổng kết tức là đi từ xa tới gần từ tổng thể đến trường hợp riêng từ nguyên nhân tới kết quả lớp lang đâu vào đấy.
Cái việc mang mình ra mà phân tích được làm một cách khá bài bản. Ông hiểu ông là sản phẩm của một hoàn cảnh, cũng giống như tờ giấy thấm, con người ông đã thấm đẫm những ảnh hưởng của môi trường chung quanh.

Người ghi chép phong tục

Khi bàn về thể tài của Bước đường cùng, nhiều người thích xác định đấy là tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tố cáo, song Nguyễn Công Hoan nói đơn giản hơn đấy là tiểu thuyết phong tục, chẳng qua thạo nhiều chuyện ở nông thôn từ chuyện đẻ đái cãi nhau vì mất gà tới cảnh vay nợ, cảnh ăn khao rồi bỏ ruợu lậu vào ruộng của nhau nên ông đưa cả vào trong sách.

Cách hiểu về chi tiết phong tục như thế này cũng chi phối tác giả khi viết hồi ký Đời viết văn của tôi.
Sinh năm 1903, Nguyễn Công Hoan có thể tự nhận là người cùng tuổi với thế kỷ XX. Mà đặt trong lịch sử dân tộc thì thế kỷ này cũng là một bước rẽ ngoặt: từ đây xã hội rời bỏ mẫu hình phát triển trung đại của phương đông để sải bước trên con đường Âu hoá. Bởi vậy những kỷ niệm của tác giả trong tuổi niên thiếu có thể coi như những chứng tích về sự xâm nhập của văn hoá phương tây thông qua mọi yếu tố của môi trường xã hội cũng như con đường các gia đình nền nếp giáo dục các thành viên của mình để đứng vững trước mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đó.
Những trang kể lại thời đi học ở trường Bưởi không hề mang tính cách thơ mộng như thường thấy mà cũng vẫn là những trang tự bộc lộ chân thành đến mưc có phần như là thách thức sự đời, và pha một chút trắng trợn bất cần. Nào là học trò làm giấy khai sinh với ít nhiều man trá. Nào là chia phe phái trọc ghẹo nhau và đánh nhau với bọn trẻ con Tây. Nào là vào hùa chạy theo phong trào “đế chế bắc hoá “, tẩy chay hàng Tàu … Còn có hàng loạt những chi tiết có liên quan đến mọi mặt đời sống được Nguyễn Công Hoan nhân tiện ghi lại làm nên da thịt của cuốn hồi ký văn học.



Tiếng nói của người trong cuộc
Nguyễn Công Hoan đã liên tục có mặt trong những giai đoạn nối tiếp nhau của lịch sử văn học: ông vừa là người của thời kỳ dò dẫm tìm đường (những năm hai mươi), vừa là nhà văn hàng đầu khi đời sống sáng tác đạt tới một sự chín đẹp (từ sau 1932 tới khoảng 44-45).

Mấy chục năm đầu thế kỷ là thời đặt nền móng của nền quốc văn mới mà cũng là thời của báo chí văn học. Đây cũng là môi trường tốt để ngòi bút Nguyễn Công Hoan tập dượt. Với tờ báo này, ông là bạn của người sáng lập, nhân nể bạn thì viết giúp. Với tờ tạp chí kia, ông là một trong những cây bút chủ trò, người ta bàn với ông cả từ thể tài đến cách bán hàng. Những năm hai mươi khi mở mục Việt Nam nhị thập thế kỷ ba đào ký trên An Nam tạp chí , Tản Đà chỉ viết những bài đầu còn thực chất về sau là do Nguyễn Công Hoan gánh vác. Những quyển sách đầu tiên của ông được in ra khi các nhà xuất bản còn chưa thành hình và chỉ có các nhà in hoặc các hiệu sách đứng tên sau các xuất bản phẩm.
Đến khi Tiểu thuyết thứ bảy Phổ thông bán nguyệt san ra đời thì ông lai trở thành một trong những tác giả góp truyện đều đặn. Dường như có thể soi vào đời viết của ông để thấy bước đi của một mùa màng văn học từ lúc thịnh trị tới lúc lụi tàn: Nếu như Vũ Trọng Phụng trẻ hơn ông viết sau ông nhưng lại qua đời trước ông (1939) thì Nguyễn Công Hoan còn lải rải viết thêm mãi về sau, cả khi những ngày đẹp nhất của văn học đã qua.

Có thể xem đây là một trong những yếu tố chủ đạo tạo nên giá trị của cuốn hồi ký. Qua Nguyễn Công Hoan chúng ta được biết nhiều chi tiết có liên quan đến những sự kiện văn hoá mà không sách vở nào ghi lại. Chẳng hạn chung quanh Đông dương tạp chí Nam phong, tác giả Đời viết văn của tôi nói rõ hơn mỗi tờ báo đó được nhà nước bảo hộ trợ cấp bao nhiêu tiền hàng năm. Hoặc chẳng hạn chung quanh tờ Hữu thanh của Bắc kỳ công thương đồng nghiệp ái hữu hội, lâu nay chỉ nghe nói Tản Đà làm với báo vài tháng rồi thôi. Cũng qua Nguyễn Công Hoan, chúng ta được biết thực chất cái hội đó ra sao và ông chủ báo có cái thói kỳ cục thế nào (Nguyễn Huy Hợi, chủ báo Hữu Thanh là một kẻ rất hiếu danh. Bài viết ra để đăng báo, toà soạn họp để bàn thì bao giờ Nguyễn Huy Hợi cũng có mặt. Có mặt không để góp ý kiến mà để thấy bài nào hay cũng thò vào một câu “Hay là ký tên tôi “). Có những chi tiết thoạt nhìn có vẻ bâng quơ không đâu vào đâu nhưng nghĩ kỹ thấy có ý nghĩa, giá Nguyễn Công Hoan không kể thì ít người biết. Ơ phần Hoạt động Nguyễn Công Hoan bảo rằng một điều khiến ông tự hào là cuốn sách đầu tay của ông mang tên Kiếp hồng nhan chỉ toàn sáng tác. Mới nghe người đọc thời nay hẳn lấy làm lạ tập truyện ngắn nào mà chẳng toàn sáng tác nhưng đọc thêm đoạn dưới của cuốn hồi ký mới biết hồi ấy sách in thường tạp pí lù mỗi thứ một tí, truyện lẫn với thơ, truyện mới sáng tác chen lẫn truyện dịch. Và như vậy tình trạng ấu trĩ của văn học lúc ấy còn len vào cả trong quan niệm về sách còn Nguyễn Công Hoan thì có quyền tự hào là mình thuộc loại đi đầu trên con đường thay đổi để đi tới một sự thuần chủng.

Chẳng những biết sách vở khi nó đã được in ra, ông còn biết nhiều cuốn sách ngay từ khi nó được thai nghén. Đây là ví dụ: Khi thuật lại nguyên cớ thúc đẩy Ngô Tất Tố viết Tắt đèn Nguyễn Công Hoan nói rõ hồi ấy Ngô Tất Tố cũng chưa hề có ý thức tố cáo, chẳng qua thấy Vũ Trọng Phụng viết truyện Vỡ đê thì ông nói "Vũ Trọng Phụng viết thế nào được truyện nhà quê. Để tôi viết cho". Ý Nguyễn Công Hoan muốn nhấn mạnh điểm xuất phát ban đầu tiểu thuyết của Ngô Tất Tố khá giản dị, tính chất tố cáo của sáng tác chỉ đến về sau (đây là điều không chỉ đúng với Ngô Tất Tố mà còn đúng với nhiều nhà văn cùng thời)

Cũng nên biết thêm là trong một bài viết mang tên Mấy ý kiến về cuốn Văn học Việt Nam 1930-1945 in trên Tạp chí Văn học 1962 (sau đổi là Cần hiểu đúng Ngô Tất Tố in vào tập sách Ngô Tất Tố với chúng ta, NXB Hội nhà văn 1993) Nguyễn Công Hoan từng đả động tới một sự việc mà nhiều nhà văn học sử thích nhắc lại coi như một niềm tự hào của ngòi bút nhà nho Ngô Tất Tố, ấy là quyển Tắt đèn bị cấm. Sau khi hạ một câu chắc chắn như đinh đóng cột “ Sự thực, thì tôi không nghe ai nói điều này “, Nguyễn Công Hoan để công giảng giải khá kỹ về cách cấm sách thời trước để khẳng định thêm chuyện này không xảy ra với đồng nghiệp của mình.
Tinh thần này được Nguyễn Công Hoan tiếp tục trong hồi ký Đời viết văn của tôi . Không phải ngẫu nhiên mà khi trích đoạn Nguyễn Công Hoan viết về Vũ Trọng Phụng ở đây vào sách Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta, một giáo sư đặt cho đoạn trích một cái tên Chiêu tuyết cho người đã khuất. Để hiểu điều này cần biết là trước 1975 ở Hà Nội Vũ Trọng Phụng được liệt vào loại nhà văn có vấn đề và nói như ở đây là một cách nói ngược dòng, nếu không phải ở miệng Nguyễn Công Hoan chắc là không được in.
Còn một nhân vật nữa lâu nay ít được nói cho minh bạch, ấy là Phạm Quỳnh. Ngay từ đầu Nguyễn Công Hoan đã nói rõ ai đã đứng tên trong việc tổ chức ra báo Nam Phong. Song đến khi Phạm Quỳnh không làm báo nữa mà đi nhận chân thượng thư (một việc thường được người đương thời và hậu thế giải thích một cách như ta hay gọi là tiêu cực), Nguyễn Công Hoan không cần rào đón nhiều đưa ra cách hiểu riêng. Theo ông, Phạm Quỳnh là người yêu nước, cùng với những người lương thiện khác chịu chung cảnh ngộ người dân mất nước “ai không đau đớn ai không khóc thầm “, và việc người chủ bút Nam Phong bỏ báo để đi làm quan chẳng phải do hám lợi như người ta vẫn nói, mà chỉ muốn có một dịp thuận lợi nói rõ ý mình, thế thôi. Giá kể vào tay người khác thì khi viết những chuyện này hẳn là phải ra điều quan trọng lắm coi như mình dám đi ngược lại ý kiến thông thường và nhờ thế khôi phục lai bộ mặt của lich sử và trước khi nói ra tiếng nói cuối cùng hẳn rào trước đón sau đủ chuyện. Nguyễn Công Hoan thì khác. Cách viết của ông ở chỗ này tự nhiên rành rẽ, dường như ông muốn nói sự thực rất đơn giản những người đa sự chỉ nói tầm phơ mà chẳng có ích cho ai !


Sự suồng sã cần thiết
Cái chết của nhiều nhà viết hồi ký là hay quan trọng hoá những hoàn cảnh những sự kiện mình đã từng sống. Nguyễn Công Hoan thì khác. Ông thích làm giảm tầm quan trọng của sự kiên đã nêu. Trong nhiều trường hợp ông lưu ý một việc người đời sau coi là tày đình xảy ra chẳng qua chỉ có lý do rất ngẫu nhiên. Đây cũng là một cách để phản ứng lại lối vào hùa hoặc thói cơ hội mà ông khinh bỉ.

Như trên đã nói, mặc dù viết đều viết khỏe bậc nhất trong giới, song suốt trong thời tiền chiến, Nguyễn Công Hoan vẫn không bỏ nghề dạy học. Không bao giờ người ta thấy ông kêu than là phải làm gấp bản thảo để mang bán trong khi vợ đau con yếu kiểu như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Mà ông cũng không ham chơi đến mức luôn luôn cần tiền như Nguyễn Tuân hoặc Lưu Trọng Lư. Như vậy là đối với nghề văn, ông không bị ràng buộc đến bị động. Luôn luôn ông đứng cách nó một khoảng cách. Điều này chẳng những mang lại cho nhà văn một cuộc sống độc lập mà còn giúp ông thế đứng bên ngoài vốn rất cần thiết cho việc đưa ra một cái nhìn bao quát về nghề nghiệp.

Chúng ta biết rằng suốt thời trung đại, văn học VN không có hồi ký mà ngay trong thế kỷ XX, cả các nhà chính trị nhà hoạt động xã hội lẫn các nhà văn các hoạ sĩ nhạc sĩ và nói chung là những người lẽ ra nên viết hồi ký cũng không mấy ai tính chuyện động bút trong thể tài này.
Tại sao như vậy?
Hình như ở đây có vấn đề của tư duy: người Việt tuy luôn luôn lưu luyến quá khứ song lại không thích chuyện tính sổ quá khứ một cách rành mạch. Xu thế tâm lý nói chung là tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại. Thậm chí nhiều người trong thâm tâm thừa biết rằng mình sống dở, sống chẳng ra sao, song khi kể chuyện cũ lại tìm cách tô điểm cho cái quá khứ ấy một vẻ dễ coi. Với những bộ sử những tài liệu nghiên cứu có liên quan đến mình, họ thường săn đón và tìm mọi cách chăm sóc sao cho khuôn mặt mình được tô vẽ cho dễ coi một chút. Còn hồi ký ấy ư — họ ngại!

Thế Nguyễn Công Hoan thì sao? Những người thích đọc ông đều biết nhà văn này có một cách nghĩ riêng về đời.

Đoạn văn sau đây là một tuyên ngôn:
Điều tôi lấy làm bực mình nhất là thế nào chẳng có một độc giả đa nghi, xem xong câu chuyện này bảo một bạn rằng
– Hắn bịa.
Tôi hãy cãi trước rằng:
– Thưa không bịa tí nào.
Rồi không để ông độc giả ấy nói thêm, tôi phải tiếp luôn:
– Ngài cho là vô lý? Ngài nên hiểu nghe chuyện gì mà ngài cứ lấy cái óc cổ điển ra mà xét thì cũng cho là vô lý cả. Vì thế sự đã xoay thành ngược mà đời ngày nay chẳng phải là một bà hiền mẫu thưởng phạt công minh. Đời đã hoá ra một con mụ chửa hoang đẻ bậy sinh non ra toàn những hạng hoặc mất dạy hoặc đói cơm.
Không. Ngài cho phép tôi nói nốt đã. Hạng đói cơm thì ngài thấy nhan nhản khắp mọi nơi. Thường họ gõ cửa nhà ngài xưng là thất nghiệp. Họ bị ngài đuổi đi sau khi đã bố thí cho một bài học về siêng năng không hợp thời. Còn hạng mất dạy cũng chẳng ít. Họ rất no đủ sang trọng, song, chuyên môn đeo mặt nạ để lừa dối bóc lột lẫn nhau.

Được cái trong khi giữ một cách nhìn bi quan về xã hội, đồng thời ông không biệt đãi bản thân mà cũng biết nhìn ra trong bản thân mình đủ thứ thói hư tật xấu. Nhìn quá rõ những mặt xấu trong con người, hoài nghi đối với nhân tâm thế đạo, rồi khinh thế ngạo vật rồi lười biếng ẩu không coi việc gì là quan trọng … xưa nay thật khó có ai tự nói về mình như vậy.

Và cũng vì thế nên trong Đời viết văn của tôi có những nhận xét về nghề cầm bút rất khắc nghiệt đại loại:
- Làng văn từ xưa đến giờ, quả là cái chợ
- Một dạo người ta sợ những người cầm bút như sợ hủi
- Rất nhiều người viết chỉ láng tráng đến với nghề một chốc rồi chuồn thẳng đến mức phải gọi cái cách tồn tại của họ là nửa đời nửa đoạn.
Trong những trường hợp có thể, Nguyễn Công Hoan đã sòng phẳng. Có thể nói đây là tinh thần chính chi phối tác giả khi nhìn lại đời viết văn của mình.



Cách tồn tại riêng trong nghề - Một kiểu người Việt
Tìm hiểu về Nguyễn Công Hoan, người ta không khỏi nhận ra một sự éo le rõ rệt.
Một mặt, đây là một trong những cây bút hàng đầu của nền văn học dân tộc trong thế kỷ XX, một đô vật lực lưỡng trong trường văn trận bút.
Mặt khác, đó hình như lại là cây bút đặt rất ít sự nghiêm chỉnh vào sáng tác. Như ông đã kể, có lần ông mang truyện của mình tặng cho người khác để người đó bán cho các báo lấy tiền. Lại như cái cảnh ông vừa chơi bài vừa viết truyện, hoặc viết tiểu thuyết đăng báo mà không thuộc hết tên nhân vật, phải để trống rồi nhờ toà soạn điền hộ. Người đời vốn ranh mãnh có làm như vậy đi chăng nữa thì cũng giấu biệt đi không muốn cho ai biết. Trong khi đó, Nguyễn Công Hoan lại bô bô kể hết cả ra trong sách. Qua những phát biểu trực tiếp cũng như qua cách làm việc của ông, thấy toát lên cái ý chẳng qua do lọc lõi thạo đời thì viết cho mọi người cùng đọc chứ trong bụng chả buồn để tâm gì đến nghĩa lý với lại vai trò rắc rối mà người ta thường gán cho nghề nghiệp này. Đại khái ông không phải trăn trở nhiều khi ngồi trước trang giấy, thảng hoặc đôi lần có để ý đến ý nghĩa xã hội của công việc (như khi viết Bước đường cùng) thì cũng là làm vội làm vàng chứ chưa phải đã dồn hết vào đấy tất cả tâm sức vốn có.

Nguồn cảm hứng nào đã thúc đẩy Nguyễn Công Hoan kể chuyện mình theo kiểu như vậy?
Chúng tôi có cảm tưởng điều đầu tiên ông muốn truyền đạt tới mọi người, ấy là viết văn phải có năng khiếu và sự thành công không thể do ý chí hay day tay mắm miệng mà có được. Vốn thích đề cao những gì gọi là tự nhiên ông chúa ghét những nhà văn nào quan trọng hoá nghề nghiệp của mình và lấy sự viết lách ra để lừa bịp. Sự dông dài tuỳ tiện mà ông hay nói, đúng hơn sự đùa bỡn mà ông cố ý phô ra, là một cái gì quán xuyến trong ông, nó buộc người ta sau đó phải hiểu dần ra những điều đơn giản mà ông muốn nói việc viết văn cũng là một việc thường như mọi việc khác trên đời hoặc gán cho văn chương có lắm ý nghĩa đâu đâu tức là chẳng hiểu gì về nó cả.

Ở chỗ này có thể nói cách làm của Nguyễn Công Hoan trùng khít với một xu thế của tư duy hiện đại ấy là nhìn đời sống ở một khoảng cách gần gũi, phi huyền thoại hoá nó, làm cho mất đi cái vẻ thiêng liêng giả tạo mà con người trung đại thích dùng để tự tô vẽ.
Đồng thời sự phi huyền thoại hoá này còn đi gần tới một quan niệm khác cũng chỉ thấy ở con người hiện đại ấy là nhấn mạnh tính chất trò chơi của cuộc đời, và cho rằng trong trò chơi, cả ý nghĩa nghiêm chỉnh lẫn cái vẻ hư vô của kiếp nhân sinh có dịp bộc lộ. Chơi để sống cho nhẹ nhàng và nếu có phải chết cũng là chết một cách thoải mái.
Trong tiếng Việt chữ chơi hay gợi ra cái ý ham vui gặp chăng hay chớ chả cần để tâm vào việc gì mà tha hồ làm nhanh làm ẩu làm hàng giả bịp bợm. Có thể nói Nguyễn Công Hoan chơi với nghĩa khác. Chơi ở đây thuộc về một cái gì nằm trong cách nhìn đời trong ý thức của con người nó giúp cho một cây bút như tác giả Bước đường cùng thêm hào hứng trong sự sáng tạo, khi viết tìm thêm được những trò hóm nghịch lôi cuốn bạn đọc.
Truy nguyên về tận nguồn gốc, có thể bảo cái sự nhởn nhơ ở Nguyễn Công Hoan còn thuộc về hồn cốt dân tộc mà ông thấm nhuần trong dòng máu mình.
Rải rác trong các đoạn trên chúng ta đã nhắc qua một số đặc điểm làm nên cách nhìn đời sống của Nguyễn Công Hoan qua các truyện ngắn truyện dài đã in: Thích sự tự nhiên và luôn luôn tự nhắc nhở mình là phải giữ bản sắc. Không tin lắm ở sách vở mà thích đề cao một sự khôn ngoan trời cho. Trong khi gắng gỏi học theo mọi người thì bề ngoài lại tỏ ra không coi cái gì là quan trọng và xem thường mọi chuyện. Lấy sự cười đùa làm vui tự nhiên, bài bác những sự quan trọng hoá giả tạo song lại sẵn sàng để tâm và tỏ ra rất thích thú với những sự sắp đặt tinh xảo v…v…. Đến Đời viết văn của tôi thì chúng ta lại gặp cái tinh thần đó trong chính con người Nguyễn Công Hoan. Trong khi nhìn lại đời mình, nhà văn hiện ra như một cá tính cụ thể, mà trong đó đồng thời thấy bao hàm những con người khác những cuộc đời khác. Xét theo nghĩa này, cuốn sách là một bộ phận hợp thành không thể thiếu trong sự nghiệp đồ sộ của tác giả./.

Xem bài mới: Nguyễn Công Hoan và cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi" - 12/03/2014.

Một vài nhận xét về ngôn ngữ hội thoại trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan


Một vài nhận xét về ngôn ngữ hội thoại trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan

ThS.Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội)

Văn học giai đoạn 1930 – 1945 đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc cả về chất và lượng của văn học trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Trào lưu văn học hiện thực phê phán đã đóng góp không nhỏ trong công cuộc hoàn thiện nghệ thuật văn xuôi tự sự của văn học Việt Nam mà Nguyễn Công Hoan chính là tác gia tiêu biểu đã khơi nguồn từ những sáng tác của Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học. Nhà văn là một bút rất tài năng, ông luôn tạo ra những đặc sắc, độc đáo rất riêng trong sáng tác. Bài viết này xin được đưa ra một vài nhận xét về ngôn ngữ hội thoại trong sáng tác của nhà văn.



1. Một số vấn đề về hội thoại, ngôn ngữ hội thoại

Hội thoại là hoạt động giao tiếp phổ biến và cơ bản nhất của con người, trong đó, nhân vật tự nói với mình, đối thoại giữa từng cặp nhân vật và đối thoại giữa nhiều nhân vật với nhau.

Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977)
Khi phân tích một diễn ngôn hội thoại, chúng ta không thể bỏ qua thuật ngữ cuộc thoại, lời thoại. Để tham gia một cuộc thoại thì người tham gia giao tiếp phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc luân phiên lượt lời và nguyên tắc liên kết. Điều đó có nghĩa người này nói thì người kia phản hồi trở lại và luân phiên nói một cách nhịp nhàng, uyển chuyển để hội thoại không bị “đứt mạch”.

Bên cạnh đó, một cuộc thoại phải có tính mục đích và hướng đến một hay nhiều chủ đề khác nhau. Mỗi bên tham gia giao tiếp có thể nhằm tới mục đích khác nhau hoặc cùng hướng về một đích chung. Và để cuộc thoại diễn ra thành công thì người tham gia giao tiếp phải tôn trọng các nguyên lý hội thoại: nguyên lý cộng tác và nguyên lý lịch sự.

Lời thoại là lời nói của nhân vật (ngôn ngữ nhân vật) trong hội thoại. Thông qua lời thoại, chúng ta sẽ biết được gần hết mọi thứ về nhân vật như: tính cách, phẩm chất, trình độ văn hóa, quyền lực, quan hệ với người đối thoại, thái độ…

Theo GS Đinh Văn Đức thì Ngôn ngữ hội thoại là ngôn ngữ trao lời của các nhân vật trong tác phẩm. Nó là kết quả trực tiếp của các hành vi ngôn ngữ, gắn với các tình huống giao tiếp mà nhân vật đang trải qua. Nét đặc sắc nhất của ngôn ngữ hội thoại là mục đích phát ngôn của các câu mà nhân vật nói ra. Lực ngôn trung tại lời của các nhân vật được tăng cường nhờ ngữ điệu và các phương tiện tình thái”: “Nói dễ nghe nhỉ. Tao thương mày thì ai thương tao?”, “Quân ngu như lợn, muốn được việc lại không muốn mất tiền…” (Nguyễn Công Hoan)

2. Ngôn ngữ nhân vật

Ngôn ngữ nhân vật chính là lời nói trực tiếp của nhận vật trong tác phẩm, được biểu đạt bằng các tín hiệu ngôn ngữ thông qua sự lựa chọn của nhà văn nhằm mục đích tái hiện sinh động lối sống, tính cách, trình độ văn hóa, phẩm chất, quyền lực… của nhân vật “ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật” [3, tr.236].

2.1. Ngôn ngữ nhân vật qua hệ thống tên gọi và từ xưng hô

Tên gọi và xưng hô là hai yếu tố có vai trò quyết định đến vị thế của các vai giao tiếp và hiệu quả giao tiếp từ khi bắt đầu diễn ra hội thoại. Ngôn ngữ giao tiếp giữa của các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan phân biệt rất rõ giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Với những nhân vật thuộc tầng lớp trên của xã hội - tầng lớp thị dân trung lưu và có địa vị, có học thức, đời sống vật chất khá giả thì ngôn ngữ giao tiếp của họ mang tính chừng mực với sắc thái biểu cảm nhẹ nhàng vừa phải.. như vợ chồng xưng hô bằng tên gọi hoặc ông - bà, tôi - cậu/mợ, mình - em, con cái xưng hô với bố mẹ bằng Thầy - Me, Thầy Mẹ; hai người yêu nhau thì xưng hô bằng chàng - nàng, gọi cô xưng tôi, gần gũi hơn thì là anh với em hoặc gọi tên riêng; chủ xưng hô với tớ không bằng tên mà gọi bằng “nghề nghiệp” của nhân vật như thằng Bếp, Vú già, Vú em, thằng đầy tớ, con Sen, Con Đỏ con, thằng xe…. Đối với tầng lớp dưới xã hội, nông dân nghèo thì ngôn ngữ giao tiếp của họ chân chất, mang hơi thở cuộc sống của người lao động như vợ chồng xưng hô với nhau bằng: Thầy nó - U nó, tao -mày; con cái xưng hô với bố mẹ: Thầy - U, Thầy - Bu….

Theo Nguyễn Công Hoan thì một cái tên đẹp cũng có liên quan đến số phận, địa vị của họ trong xã hội. Trong truyện Cô Kếu, gái tân thời của Nguyễn Công Hoan, tác giả đã phản ánh rất rõ vấn đề đặt tên nó có một ý nghĩa thế nào đối với số phận của con người: “…Nhưng cô có nhận cái tên ấy nữa đâu! Kếu là nghĩa thế nào? Nghĩ bao nhiêu, cô lại oán cha trách mẹ, không đặt cho cô cái tên mỹ miều. Mà chữ nho, nào thiếu gì tiếng hay, sao cô chịu mang cái tên nôm na xấu xí ấy mãi?...” hay “Cái tên xấu xí ấy, nhiều lần ông Dự muốn đổi, để gọi cho đỡ có vẻ giai cấp” (Thằng Quít).

Nguyễn Công Hoan thường sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít ở tầng lớp thượng lưu, quan lại như Ngài, Tiên sinh, Ông, Bà, Quan ông, Quan bà, Bà chủ, Ông chủ… hoặc cả chức danh: Ông Nghị, Thầy quyền, Cụ Chánh Bá, Ông Phán, Ông lý, ông Huyện Hinh… và ở tầng lớp dưới bằng những cái tên rất bình thường, đôi khi xưng sử dụng cả đại từ nhân xưng và tên như: Bác Lan (Hai thằng khốn nạn), Chị Tam (Thật là phúc), Cô Hồi (Gói đồ nữ trang), Cô Tuyết, cô Vân, cô Nguyệt (Thanh!Dạ!), Chị cu Bản, Anh cu Bản (Ngậm cười) và bằng “nghề nghiệp” nhưng vô danh như thằng ăn cắp, cô hàng, anh xẩm…

2.2. Ngôn ngữ nhân vật qua hệ thống từ ngữ dùng để kể, tả, bình luận

Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rất phong phú và đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Đối với mỗi kiểu nhân vật, Nguyễn Công Hoan lại miêu tả ngôn ngữ theo một sắc thái riêng, từ quan lại, lính tráng, tư sản, tiểu tư sản đến những me Tây, những cô gái mới lãng mạn…

Ngôn ngữ của mụ me Tây giàu có được Nguyễn Công Hoan viết: “Thế mới biết người ta nói phú quý sinh chữ nghĩa là phải. Chẳng giấu gì ông, từ ngày đánh bạn với quan nhà tôi, tôi mới được học. Thành ra bây giờ, sách Tây, sách Tàu tôi đã được xem qua. Nhưng tôi suy nghĩ, không có quyển nào giá trị bằng bộ La Thông Tảo Bắc (Bà chủ mất trộm).

Ngôn ngữ của một ông quan huyện trong “Gánh khoai lang”:

“Ông ngắm áo quần và người ngợm ông lý bằng đôi mắt đều mỉa mai, rồi trỏ tay vào đống lễ vật, dõng dạc nói:

- Thầy đem tết tôi? Thầy thử ngắm xem cái mả khoai lang của nhà thầy bày giữa buồng giấy này, trông nó có đẹp không đã?”

“Rồi như tiếng sét, ông huyện gắt:

- Đồ xỏ lá, đem về để vợ chồng con cái ăn với nhau! Nhà tao không có lợn!”

Đó là lời nói trắng trợn, vô liêm sỉ và bẩn thỉu đến quái gở và mỗi lúc một tăng cấp trong ngôn ngữ nhân vật ông quan huyện. Dưới ngòi bút của Nguyễn Công Hoan thì những tên quan lại tỏ rõ là những kẻ giỏi nghề bóp nặn của dân. Bản chất hợm hình, tham lam của chúng được bộc lộ rõ nét qua lời nói và giọng điệu của chúng.

Ngôn ngữ của một thằng đi ở được Nguyễn Công Hoan viết với bằng ngôn ngữ rất chân thực, bình dị, gần gũi với đời thường: “Thật con không ngờ đâu cái số con vất vả như thế. Làm với ông con ngót một năm, thôi thì chịu đánh, chịu chửi, con cố nhẫn nhục để lĩnh mười đồng bạc công, thế mà…” (Thằng Quít).

Ngôn ngữ nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan rất đặc sắc. Mỗi hạng người đều có một ngôn ngữ riêng (quan lại, lính tráng, chánh tổng, lý trưởng, me Tây, đứa đi ở…) và không lẫn vào nhau được. Nhóm Lê Trí Dũng và Trần Đình Hượu nhận xét về ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, cho rằng: “Đọc ông, độc giả phân biệt rõ đâu là ngôn ngữ tác giả, đâu là ngôn ngữ nhân vật và mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ riêng của mình. Với Nguyễn Công Hoan, có thể nói truyện ngắn hiện đại và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại đã hình thành” [2, tr.386].


3. Các kiểu hội thoại

3.1. Độc thoại

Độc thoại là phát ngôn của nhân vật nói với chính bản thân mình, phản ánh quá trình tâm lý bên trong của nhân vật. Độc thoại giúp nhân vật tự bộc bạch hết tất cả những gì người kể chuyện khó nói hoặc không thể nói hết được như suy tư, trăn trở, khát vọng, niềm vui, nỗi buồn hay những lo toan về bản thân mình và người khác…

Ngôn ngữ độc thoại là thứ ngôn ngữ tham gia tích cực vào việc xây dựng tâm lý nhân vật. Bởi ngôn ngữ độc thoại chính là sự chuyển hóa từ ngôn ngữ trần thuật của tác giả, qua khâu trung gian là lời nửa trực tiếp sang ngôn ngữ nhân vật hoặc lời kể của tác giả nhưng mang ý thức và suy nghĩ của nhân vật.

Độc thoại trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan rất nghèo nàn, sơ sài và không đặc sắc lắm. Qua khảo sát thì tần số lời độc thoại trong truyện ngắn 0.04 lượt/trang và tiểu thuyết Bước đường cùng (0.05 lượt/trang), trong đó Nam Cao truyện ngắn 0.23 lượt/trang, tiểu thuyết Sống mòn 0.53 lượt/trang, Vũ Trọng Phụng truyện ngắn 0.1 lượt/trang và tiểu thuyết Giông tố 0.054 lượt trang và Ngô Tất Tố truyện ngắn 0.07 lượt/trang và tiểu thuyết Tắt đèn 0.024 lượt/trang.

3.2. Đối thoại

Đối thoại là hoạt động giao tiếp cơ bản của con người. Đối thoại có thể được thực hiện bởi hai người (song thoại), ba người (tam thoại) và nhiều người (đa thoại). Trong đó, tam thoại và đa thoại chiếm một tỉ lệ thấp, thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện đám đông, trong gia đình hay nơi công cộng.

Tìm hiểu sáng tác của Nguyễn Công Hoan, nhà văn xây dựng nhiều dạng kết cấu khác nhau, nhưng chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả vẫn là kết cấu song thoại. Kết cấu song thoại trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan chiếm 56,7% trên tổng số 90 truyện ngắn trong cuốn Truyện ngắn chọn lọc của Nguyễn Công Hoan.

Đối thoại xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan tương đối lớn. Qua khảo sát, tần số xuất hiện lời đối thoại trong truyện ngắn là 4.04 lượt/trang, tiểu thuyết Bước đường cùng là 4.58 lượt/trang, trong đó truyện ngắn của Nam Cao 3.9 lượt/trang, tiểu thuyết Sống mòn 3.36 lượt/trang; truyện ngắn của Ngô Tất Tố 1.18 lượt/trang, tiểu thuyết Tắt đèn 3.43 lượt/trang, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng 2.47 lượt/trang, tiểu thuyết Giông tố 4.8 lượt/trang.

Phần lớn trong cuộc đối thoại, nhà văn thường chia thành hai tuyến nhân vật đối lập nhau: một bên là tầng lớp thống trị và một bên là những người dân nghèo khổ bị áp bức. Các kiểu đối thoại phổ biến trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan: cầu xin - từ chối, thăm dò - lảng tránh, chất vấn - chối cãi, tấn công - phản công… Khi những cuộc thoại diễn ra thì nhà văn thường sử dụng những hành vi ngôn ngữ đưa đẩy để lấy lòng giữa tầng lớp có địa vị thấp với tầng lớp có địa xị xã hội cao, quyền thế. Do đó, ngôn ngữ của nhân vật và ngôn ngữ của người kể chuyện cũng được kịch hóa.

Đây là đoạn đối thoại của Nguyệt trong “Oẳn tà roằn” với Phong:

“- Anh Phong, thế anh định bỏ tôi chết đấy à? Không trách người ta bảo đàn ông bạc tình, có oan tý nào đâu! Tôi vì nghe anh dỗ ngon dỗ ngọt, nào những là lấy nhau, nào những là ăn đời ở kiếp cùng nhau… Từ đó đến nay, tôi dốc một lòng chờ đợi, ai đến dạm hỏi tôi cũng kiếm cớ thoái thác. Vì tôi đã hứa cùng anh. Ấy thế mà anh quyết tình giở mặt. Hẳn là anh cũng biết tôi chỉ là quá dại dột mà nghe anh, nên mới mang vạ vào mình. Anh nghĩ sao cho vuông tròn thì nghĩ…

- Cái bụng Nguyệt chỉ vài tháng nữa là tròn bằng cái thúng. Nguyệt còn phải cần gì đến tôi nghĩ nữa!”

và đoạn đối thoại của Nguyệt với Bắc:

“- Thế có chắc Nguyệt chửa với tôi không?

- Tôi năm nay mới có mười tám tuối đầu, sao anh đã đổ bậy đổ bạ cho tôi cái tiếng khỉ gió ấy! anh hỏi tôi chửa với ai? Rồi nó giống ai, nó máu mủ ai, thì anh biết. Tôi con nhà trâm anh…”

Trong hai đoạn đối thoại trên, Nguyệt hết lời chứng minh với Phong rồi lại với Bắc rằng cô rất chung thủy, không hề hai lòng và nói rằng đứa con trong bụng cô là của họ. Bằng hai đoạn đối thoại, bản chất chất lẳng lơ, trăng hoa, diễn trò trâm anh, nghi lễ của Nguyệt đã được bộc lộ. Sự thật được bóc trần qua lời đối thoại cuối cùng:

“- Thưa bà, bà đẻ con so hay con dạ?

- Thưa bà, con so.

- Bà nên nói thực, thì tôi mới liệu được. Tôi xem bụng bà, hình như đẻ con dạ thì phải hơn.

- Thưa bà, thực tôi đẻ con so.”

Nguyệt một mực chối cãi để chứng minh cho cái ngoan ngoãn của mình. Đến khi tính mạng bị đe dọa, cô không thể che giấu sự thật nên đã nói:

“- Thưa bà, xin bà kín cho, tôi đẻ con dạ!”

Ngoài ra, trong các cuộc đối thoại, bốn sắc thái xưng hô chúng ta thường thấy xuất hiện rất nhiều trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan:
Thứ nhất là sắc thái trang trọng

Thứ hai là sắc thái trung hòa, vừa phải.

Thứ ba là sắc thái thân mật, suồng sã

Thứ tư là sắc thái thô tục, khinh bỉ

Như vậy, lời thoại của các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan thể hiện rất rõ tính cách, nghề nghiệp, địa vị, trình độ văn hóa… Các đoạn đối thoại rất tự nhiên, pha chút hóm hỉnh với nụ cười tinh quái.

4. Kết luận

Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn có ý thức trong sự cách tân về ngôn ngữ. Ngôn ngữ nhân vật trong sáng tác của ông rất đa dạng, nhiều màu sắc. Bên cạnh, vốn từ vựng chung, nhà văn còn dùng vốn từ vựng riêng đặc trưng cho tầng lớp xã hội đó, phù hợp với tính cách từng nhân vật, bối cảnh giao tiếp. Ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan là ngôn ngữ của quần chúng được chọn lọc và nâng cao, đậm hương vị ca dao tục ngữ, có khi tác giả đưa ca dao tục ngữ vào truyện một cách rất tự nhiên, thoải mái. Những chữ dùng của ông thường giản dị, giàu hình ảnh và cụ thể.

------------------------------

1. Nguyễn Đức Dân (2000), Ngữ dụng học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Trí Dũng - Trần Đình Hượu (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930, Nxb. Đại học và THCN.
3. Phan Cự Đệ (1974), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập ….. Nxb. Đại học và THCN.
4. Đinh Văn Đức (2005), Các bài giảng về lịch sử Tiếng Việt (thế kỷ XX), Nxb. Đại học Quốc Gia, Hà Nội.
5. Lê Thị Đức Hạnh (1977), Nghệ thuật viết truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Tạp chí văn học số 4/ 1977.
6. Nguyễn Công Hoan (2005), Truyện ngắn chọn lọc, tái bản, Nxb. Văn học, Hà Nội.
7. Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Tú (2001), Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
8. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại, tái bản, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.


KẾT CẤU TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT "ĐỐNG RÁC CŨ" CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN


KẾT CẤU TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT "ĐỐNG RÁC CŨ" CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN

TS Phạm Ngọc Hiền

 

Nguyễn Công Hoan là nhà văn bậc thầy trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông thường viết thể loại truyện ngắn nhưng tác phẩm hội tụ tất cả những thành tựu nghệ thuật của ông lại là tiểu thuyết Đống rác cũ (1963). Phân tích tác phẩm này từ góc độ kết cấu trần thuật, ta sẽ thấy được rất nhiều sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Công Hoan.

Tiểu thuyết Đống rác cũ có dung lượng khá đồ sộ, ngót 1600 trang, chia làm bốn phần lớn, mỗi phần chia làm nhiều chương, mỗi chương được đặt một tên riêng. Truyện có rất nhiều lớp nội dung do nhân vật trung tâm Trần Đức Thừa làm rất nhiều nghề, quan hệ với rất nhiều hạng người thuộc nhiều tầng lớp và thế hệ khác nhau. Hoạt động của các nhân vật dàn trải trong một không gian rộng lớn gồm nhiều tỉnh thành ở Bắc Bộ với thời gian kéo dài trên 20 năm. Lẽ dĩ nhiên, một cốt truyện đồ sộ như vậy sẽ kéo theo một kết cấu phức tạp và điểm nhìn trần thuật cũng rất đa dạng. Chúng ta sẽ chỉ khảo sát kết cấu trần thuật của tác phẩm trên hai phương diện: cách bố trí các tình tiết trong cốt truyện và hệ thống nhân vật.

Ta biết rằng, tiểu thuyết truyền thống thường theo lối kể tuyến tính. Chẳng hạn, kể về cuộc đời một con người, phải bắt đầu từ lúc anh ta còn trẻ đến trung niên, về già rồi chết. Nhưng trong Đống rác cũ, Nguyễn Công Hoan kể ngược lại. Mở đầu, tác giả dành mười bảy trang để tả hết sức tỉ mỉ một cái nhà đặc biệt được xây dựng rất công phu, khéo léo, đẹp đẽ và sang trọng. Bạn đọc nghĩ rằng, đây có lẽ là một ngôi nhà của một quan lớn đang sinh sống. Nhưng sau đó, bạn đọc chưng hửng khi tác giả cho biết đó là cái nhà mồ dành cho người đã chết - Trần Đức Thừa. Đó là trò chơi đánh lừa cảm giác độc giả. Sau đó, tác giả đẩy lùi thời gian sự kiện để kể về đám tang của người quá cố. Rồi câu chuyện về người đã chết cắt ngang ở đó, tác giả chuyển sang kể chuyện người sống. Một thanh niên được giấu tên bỏ quê nghèo lên ga Đồng Đăng làm phu kíp. Bạn đọc băn khoăn không rõ anh ta có liên hệ gì với người quá cố hay không. Mãi đến khi anh về Hà Nội làm cu-li kéo quạt cho sếp phó Tu-nô thì tác giả mới chịu bật mí đó là Trần Đức Thừa lúc còn thanh niên. Như vậy, xét trên cấp độ toàn tác phẩm, chương I là đảo tuyến, từ chương II trở đi là tuyến tính. Tác giả lần lượt giới thiệu từng chặng đường đời của Thừa từ lúc làm phu kíp đến cu-li kéo quạt, rồi chào hàng, rước khách cho các nhà trọ, quán ăn. Từ khi có vốn, Thừa mở hiệu thuốc, phòng mạch, kinh doanh bất động sản, làm chủ báo, nhà thầu, đại điền chủ, mở sòng bạc, buôn lậu, tranh chức nghị viện, mua tước, kinh doanh tàu thủy thua lỗ đổ bệnh chết. Chương cuối cùng miêu tả cảnh hỗn loạn của gia đình khi An-be Thừa chết đi. Đáng lẽ, chương I phải được lắp vào sau chương này nhưng hai chương lại ở cách xa nhau nên bạn đọc cảm nhận về diện mạo nhân vật và bối cảnh có sự "lệch pha" nhau. Ở chương đầu, do chưa hiểu biết về Thừa nên bạn đọc có thể nghĩ rằng Thừa là người tốt, đáng thương. Đến chương cuối, do bạn đọc đã quá hiểu biết bản chất của Thừa nên hình dung Thừa không đẹp như trước nữa. Như vậy, độc giả tự mâu thuẫn với chính mình và "kiểm điểm" lại sai lầm của mình trong việc đánh giá con người. Hiếm có nhà văn nào nghĩ ra được cách làm như vậy.

Trong nội bộ của nhiều chương cũng có sự đảo lộn trật tự trần thuật. Chẳng hạn, ở chương III (phần I), độc giả yên trí rằng suốt đời Thừa sẽ yên phận làm đầy tớ cho vợ chồng Tu-nô, Ma-ri. Bất ngờ, sang chương IV, thấy Thừa và Ma-ri nói chuyện tình tứ với nhau, địa vị bị đảo lộn. Sau khi gây bất ngờ cho độc giả rồi, tác giả mới nhẩn nha lui về quá khứ để lý giải vì sao có hiện tượng lạ thường như vậy. Thừa và Ma-ri lấy nhau, đẻ con rồi xa nhau, lại đến với nhau rồi xa nhau khi vỡ nợ. Tác giả cắt bỏ cuộc đời khốn nạn của họ ở đó để chuyển sang nói về cuộc sống xa hoa, giàu có của ông Hàn, bà Hàn. Độc giả lại băn khoăn: ông bà Hàn là ai ? Cuối chương, tác giả mới bật mí ra cho biết hai ông bà "cao quý" kia chẳng là ai khác mà là con gái điếm cao cấp Ma-ri và tên lừa đảo nổi tiếng Trần Đức Thừa. Chương tiếp theo, tác giả lùi lại "Mười năm về trước" để giải đáp thắc mắc bạn đọc. Một lần nữa, bạn đọc lại bị cuốn hút vào câu chuyện để xem thử vì sao một kẻ tay trắng lại trở thành đại điền chủ Cẩu Rồng (Vĩnh Yên).

Cốt truyện truyền thống thường theo mối quan hệ nhân quả. Nhưng Đống rác cũ có rất nhiều đoạn theo quan hệ nghịch nhân quả. Mở đầu chương "Một việc đã rồi" là câu rất giật gân: "Dư luận phố Hàng Đào ầm lên về việc cô Lễ bỏ nhà theo trai". Đó là câu chỉ hậu quả, rồi sau đó là hàng loạt câu chỉ nguyên nhân. Để sử dụng thành công kết cấu quả - nhân, chi tiết đón đầu phải bất ngờ, hấp dẫn làm cho bạn đọc tò mò theo dõi mặc dù đã biết trước đáp số. Ở chương cuối tác phẩm, tác giả cũng dùng lối kể đón đầu sự kiện. Lúc nhân vật còn đang sống thì tác giả đã bói trước: "Hôm nay là ngày cuối cùng trong đời Thừa. Gọi tiếng chữ, là ngày quy tiên". Đáng lẽ, đọc đến câu này, bạn đọc đã yên tâm gấp sách lại nhưng liền sau đó là cảnh Ma-ri hớn hở chạy đến khoe việc Thừa được cử làm đại biểu nhân dân Bắc Kỳ nên bạn đọc lại phải tiếp tục tò mò theo dõi vì sao Thừa phải chết trong ngày vui như vậy. Trong khi cha chờ chết thì các con tưng bừng mở tiệc rồi đánh nhau giành lấy tài sản của cha. Thừa đau lòng tắt thở trong lúc các con quá vui. Hai bức tranh tương phản được đặt cạnh nhau đã tố cáo sự mất dạy của các con Thừa và cho thấy những bi kịch đớn đau mà Thừa phải trả giá cho những lầm lỗi của mình. Tức là gieo nhân nào, gặt quả nấy. Nội dung câu chuyện theo trật tự nhân - quả nhưng hình thức trần thuật lại theo hướng quả - nhân. Đó là cái tài kể chuyện của Nguyễn Công Hoan.

Tác giả thường sắp xếp các tình tiết theo hướng quy nạp, nhất là trong việc miêu tả tính cách nhân vật. Khi mới sinh ra, tính cách Mão giống như một tờ giấy trắng. Nhưng lớn lên, chứng kiến sự đối xử bất công của Thừa với mẹ mình, Mão sinh ra tính ngang ngạnh. Chứng kiến những thủ đoạn làm ăn bất chính của cha, Mão cũng tập tành thói trộm cướp. Sống chung với ông nhà thơ "Tình muôn thuở", Mão học thêm thói dâm đãng, nghiện ngập... Những yếu tố đó hội tụ lại đã làm cho Mão hư hỏng toàn diện. Nếu như Mão được xây dựng theo hướng xấu dần thì Nghĩa được xây dựng theo hướng tăng dần ý thức cách mạng. Lúc còn là học sinh, Nghĩa có tham gia các cuộc biểu tình, đập phá... nhưng xuất phát từ sự hiếu động, bồng bột của tuổi trẻ. Từ khi bị trường đuổi học và chị gái bị tòa xử oan làm cha phẫn uất chết, gia đình khán kiệt, Nghĩa mới chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác, bỏ nhà đi làm cách mạng. Cách xây dựng tính cách nhân vật như vậy là có logic hợp lý, thuyết phục được bạn đọc. Lối sắp xếp tình tiết theo hướng phân - hợp không chỉ sử dụng để miêu tả tính cách mà còn dùng trong các đoạn đối thoại của nhân vật. Khi anh Xi bị bắt vào nhà giam, anh được một tù nhân quan tâm hỏi chuyện và khêu gợi ý thức đấu tranh. Tù nhân được giấu tên nên anh Xi và độc giả không rõ là ai. Đến hồi cuối đoạn đối thoại dài, anh Xi được giác ngộ cách mạng thì người tù cộng sản kia mới lộ tên là Nghĩa. Đoạn văn đã được viết theo hướng quy nạp.

Theo cảm nhận thông thường, đã có nhân thì phải có quả, đã có trước thì phải có sau. Tuy nhiên, có lúc, tình tiết câu chuyện chỉ được nêu ra một vế, còn vế còn lại không được nhắc đến. Chẳng hạn, chuyện Thừa sai Ĩnh con đi đòi nợ và mụ này đánh nhau dữ dội với vợ phó tổng. Vừa lúc đó thì phó tổng Hạ về tới nhà. Câu chuyện hoàn toàn kết thúc ở đó, mãi về sau, tác giả không hề nhắc tới cách giải quyết vụ việc. Ở một đoạn khác, tác giả cũng dùng lối kể chuyện bỏ lửng như vậy. Múi từ Đồng Đăng tìm về Hà Nội và may mắn gặp người tình nhưng không ngờ Thừa lừa lấy hết toàn bộ tiền bạc bỏ cô bơ vơ ở nhà săm Đồng Lợi. Từ đó, tác giả không trực tiếp kể số phận bơ vơ của cô nữa. Thỉnh thoảng, cô được nhắc đến qua lời kể rời rạc của các nhân vật khác. Báo chí có đăng vụ M. thuê người đánh T. nhưng người ta không rõ M, T là ai. Để biết được số phận của cô gái đáng thương này, bạn đọc phải căng thẳng theo dõi từng chi tiết trong cả rừng chữ nghĩa bạt ngàn mới may ra chắp nhặt được vài câu chữ giúp giải mã cuộc đời nhân vật. Có nhiều cuốn sách có thể dễ dàng đọc lướt qua nhưng Đống rác cũ không phải là loại sách như vậy.

Nguyễn Công Hoan thường dùng lối kể chuyện ngắt quãng (gián cách, đứt đoạn) để chêm xen vào các nội dung khác với mục đích vừa thay đổi không khí truyện vừa kéo dài sự hồi hộp của độc giả. Trong một lần về Hải Phòng, Thừa cho một cô gái tên là Xuy-dan đi nhờ xe. Tác giả dùng thủ pháp che giấu bí mật để "nhử" cho độc giả tò mò theo dõi mối quan hệ của hai người. Đầu tiên là cô gái này giống Thừa ở cái cằm lẹm.

"Hắn ngợ quá. Không những tiếng nói giống tiếng người hắn quen, mà cả khổ người, nét mặt, cũng hao hao một người nào đó mà hắn đã gặp. Hắn cố nghĩ xem, cái người mà hắn đã gặp là ai. Nhưng không tài nào nhớ ra". Thừa lừa cô gái vào nhà chứa rồi biến cô thành tình nhân của hắn. Cô gái luôn giấu lai lịch của mình nhưng chỉ nói đùa "Tuổi anh bằng tuổi ba em mà anh đòi lấy em! (...) Thế hẳn con anh lớn bằng em đấy nhỉ?". Câu chuyện tình trộm lén giữa Thừa với Xuy-dan bị cắt đứt liên tục bởi các câu chuyện làm ăn kinh tế và hoạt động chính trị của Thừa. Mỗi lần quay lại chuyện Xuy-dan, tác giả hé mở thêm một chút rồi khép lại để độc giả hồi hộp đợi chờ xem thử họ có phải là cha con không. Họ lấy nhau, sinh con, đến ngày tết, Thừa lật tấm ảnh thờ và mới điếng người khi nhận ra mẹ của Xuy-dan chính là Múi, nghĩa là Thừa đã lấy nhầm con gái của mình. Những ký ức về Múi liên tục quay cuồng đảo lộn trong đầu Thừa. Quá khứ - hiện tại liên tục đan xen để đối chiếu, so sánh, quy kết tội lỗi. Ta thử hỏi, nếu câu chuyện này được kể liền mạch thì đơn điệu biết chừng nào!

Nguyễn Công Hoan cũng dùng lối trần thuật đồng hiện. Ở chương "Việc bất thường", tác giả kể song song hai sự việc đối lập nhau diễn ra trong cùng một thời điểm. Trong lúc vợ cả đang đau đớn vì bị bọn Tây cường hiếp thì Thừa đang sung sướng trong đám cưới vợ hai: "Nhưng bị đánh đau quá, chị đành phải thua. Chị nhắm nghiền mắt lại, nằm ưỡn ra, không còn sức giãy giụa nữa./ Có lẽ lúc này, đám tiệc cưới ở Hàng Tiện bắt đầu (...) Chị nằm như cái xác chết. Thế mà còn thằng thứ năm. Chị mê lên. Chị thiếp đi. Không biết nó ra lúc nào./ Bữa tiệc ở Hàng Tiện giờ này, hẳn đương vào lúc vui nhộn nhất". Hai bức tranh tương phản hiện lên cùng một lúc có tác dụng đối sánh làm rõ nghịch cảnh trái ngang của mẹ Mão và bản chất tàn nhẫn của Thừa. Có khi, tác giả đưa ra hai bức tranh đồng hiện giống như hai đường thẳng song song nhưng ngược chiều nhau. Đó là lúc Thừa đã đánh chết vợ ba là cô Lễ và vui vẻ trở lại với vợ hai: "Trong khi những cảnh thương tâm liên tiếp diễn ra ở gia đình Phúc Lâm, phố Hàng Đào, thì ở phố Hàng Bồ, Trần Đức Thừa sống đề huề với Ma-ri và hai đứa con". Cách miêu tả đối sánh như vậy có tác dụng làm nổi rõ nghịch cảnh trái ngang của xã hội, người tốt ngày càng rơi xuống vực thẳm còn người xấu ngày càng phất lên.

Tiểu thuyết là sự lắp ghép nhiều cảnh đời, nhiều sự việc lại với nhau. Sự lắp ghép ấy không chỉ thể hiện ở trật tự đồng vị, trước - sau, trong - ngoài, ẩn - hiện, nhiều - ít... mà còn thể hiện ở độ lớn - nhỏ, dài - ngắn của các mảnh ghép. Có khi, biên độ thời gian trần thuật rất ngắn như đoạn Ma-ri dùng sức mạnh tình dục để vắt kiệt sức Hàn Xương: "Mới được ba tháng, Hàn Xương đã như cái que. Và thêm hai tháng, thân hình Hàn Xương được tả như đúng cái tên của hắn. Rồi thêm một tháng nữa, bộ xương ấy không nhúc nhích được. Hàn Xương chết". Thời gian trần thuật chỉ mười giây đồng hồ nhưng thâu tóm được sáu tháng cuối cùng trong cuộc đời nhân vật. Chúng ta có cảm tưởng, toàn bộ tài sản khổng lồ của Hàn Xương đã nhanh chóng rơi vào tay Ma-ri chỉ trong tích tắc có mấy giây. Ngoài lối rút ngắn thời gian trần thuật, tác giả còn còn có lối kéo dài thời gian trần thuật. Cô Lễ bị Thừa đánh gây thương tích nặng phải vào bệnh viện, tình thế rất nguy cấp. Nhưng y bác sĩ vẫn thản nhiên làm việc riêng. Tác giả kìm hãm hành động đánh cờ của bác sĩ Tường bằng cách miêu tả tỉ mỉ các nước xe pháo mã. Hành động vô lương tâm của các y bác sĩ được miêu tả giãn ra tới mười trang giấy, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô Lễ. Cách trần thuật như vậy tự nó đã mang ý nghĩa phê phán mà không cần tác giả phải lên tiếng.

Trong bức tranh muôn màu muôn vẻ của Đống rác cũ, ta thấy có nhiều hình ảnh được lặp lại khá nhiều. Chi tiết cái cằm lẹm của Thừa, Mão, Xuy-dan được lặp lại nhiều lần như để nhắc nhở rằng, trong vô số con của Thừa, chỉ có Mão và Xuy-dan mới thực sự là con của hắn. Cái cằm lẹm vừa nhấn mạnh nét riêng của Mão vừa nói lên tính cách ham quyền lực và biết dùng mọi cách để vươn lên trong xã hội - nói theo cách của các nhà nhân tướng học. Nhắc đến cụ Tú Phúc Lâm, bạn đọc không thể không nhắc đến thói quen rung đùi của cụ, nó nói lên tính cách "ta đây", tự cao, bất cần đời của nhân vật... Nhưng có điều lạ là cụ rung đùi bất kể lúc nào: vui - buồn, đồng ý - không đồng ý, lúc có người - không có người...Thành thử cái rung đùi của cụ Tú trở thành chi tiết gây cười, mỗi lần lặp lại là mỗi lần gây cười. Trong Đống rác cũ có vô số những yếu tố hài như thế.

Không chỉ quan tâm tới kết cấu cốt truyện và sự sắp xếp các chi tiết, Nguyễn Công Hoan còn chú trọng xây dựng hệ thống nhân vật, vị trí và mối quan hệ giữa các nhân vật. Truyện có vô số nhân vật nhưng có ba nhân vật chính là Thừa, Ma-ri và mẹ Mão, trong đó, Thừa là nhân vật trung tâm. Xung quanh Thừa là các nhân vật trong gia đình và các đối tác làm ăn rất đa dạng, đủ ngành nghề, địa vị, tuổi tác, tính cách khác nhau... Có thể xếp các nhân vật vào hai hệ thống chính: hệ thống xã hội và hệ thống gia đình. Trong mỗi hệ thống luôn xảy ra trạng thái liên kết và tranh đấu giữa các thành viên. Có thể ví Thừa như một thân cây lớn đẻ ra vô số cành nhánh, tầng bậc, các nhánh lá chen chúc để tranh giành không gian sinh tồn. Số lượng cành nhánh càng nhiều thì cây càng rậm rạp, cốt truyện càng phong phú, kết cấu càng phức tạp.

Thừa là trung tâm của mọi xung đột gia đình và xã hội. Trên lĩnh vực xã hội, Thừa mâu thuẫn với sếp phó Tu-nô, cạnh tranh làm ăn với các hiệu thuốc, các tờ báo, công ty buôn lậu và các hãng tàu thủy... Cuộc cạnh tranh nào cũng gay cấn nhưng kịch liệt hơn cả là cuộc chạy đua tranh giành ghế nghị viện Bắc Kỳ với ứng cử viên đảng cộng sản Nguyễn Thiện. Cả hai phe đều dùng nhiều chiêu thức rất bất ngờ, hấp dẫn để thu hút cử tri. Bạn đọc như được chứng kiến một vở bi kịch gay cấn với đầy đủ các công đoạn thắt nút - cao trào - mở nút. Màn kịch kết thúc theo hướng khá bất ngờ: nhân vật chính bị thua cuộc mặc dù có ưu thế về tài chính và được chính phủ Pháp ủng hộ. Điều bất ngờ hơn là viên phó sứ bác đơn kiện của Thừa và bắt tay Nguyễn Thiện, công nhận sự thắng lợi của phe cộng sản (!). Ngoài xung đột xã hội, Thừa còn phải lo đối phó với hàng loạt xung đột gia đình. Xung đột tiềm ẩn thỉnh thoảng bùng phát giữa Thừa và mẹ Mão. Múi thuê người đánh Thừa. Thừa đánh chết cô Lễ. Thừa và Ma-ri là vợ chồng liên kết nhau trên cơ sở xác thịt và làm ăn kinh tế nhưng cũng mâu thuẫn ngầm suốt cả tác phẩm. Ma-ri không đội trời chung với mẹ Mão. Còn Mão thì luôn thù địch với Pôn và Giăng. Việc hai bên đánh nhau để giành chìa khóa hòm tiền và giành cả chiếc răng bịt vàng của cha là đỉnh cao bản chất vô luân của chúng.

Kết cấu điểm nhìn trần thuật cũng khá linh hoạt. Có khi, người kể chuyện ở ngôi thứ ba số ít nhưng đôi lúc nhảy sang ngôi thứ nhất để trực tiếp nói chuyện với độc giả. Ở chương "Để kết thúc" có đoạn: "Để kết thúc cho phần thứ hai của tiểu thuyết này, kẻ chép truyện xin các bạn độc giả thêm dăm phút nữa, để đọc nốt vài dòng dưới đây./ Chúng ta biết rằng...". Đến đây xuất hiện công thức: "kẻ chép truyện" + "các bạn độc giả" = "chúng ta". Tức là chuyển sang ngôi thứ nhất số nhiều, từ điểm nhìn cá nhân sang điểm nhìn cộng đồng. Làm như vậy, tác giả kéo độc giả về phía mình, tạo ra sự đồng tình rộng rãi, tăng tính khách quan và sức mạnh miêu tả. Thông thường, người trần thuật là người biết hết mọi chuyện rồi kể lại cho độc giả nghe. Nhưng trong Đống rác cũ, có khi người trần thuật tự nhận mình không hiểu biết hết cuộc đời nhân vật. Ở chương IX, phần IV, nói về việc Ma-ri vào Huế dùng "vốn tự có" để mua chuộc các quan phong tước cho chồng. Tác giả thú nhận: "Thế thì cái gì nó hấp dẫn Ma-ri ở lại đất đế đô những nửa tháng trời ? / Ma-ri không nói rõ, nên tác giả không biết để viết tỉ mỉ lại". Như vậy, tác phẩm có nhiều lớp trần thuật: nhân vật kể cho tác giả rồi tác giả tâm tình với độc giả, tác giả không phải là người độc diễn từ đầu chí cuối. Đó là tinh thần đối thoại dân chủ của tiểu thuyết, nó khác với tinh thần độc thoại quan phương đang phổ biến trong nền văn học sử thi thời bấy giờ.

Kết cấu của Đống rác cũ giống như một ma trận ngôn ngữ do quân sư Nguyễn Công Hoan bài bố để lôi kéo bạn đọc vào trò chơi ú tim đầy lý thú. Để trò chơi hấp dẫn, tác giả không chỉ là nhà nghệ thuật ngôn từ điêu luyện mà còn là một nhà tâm lý học "biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng". Một văn sĩ nhà nghề như Nguyễn Công Hoan khi viết truyện không thể không quan tâm tới tâm lý tiếp nhận của độc giả. Nói như Pautovski, là nhà văn phải để cho "cái bóng của độc giả cúi xuống trang viết của mình".



TS PHẠM NGỌC HIỀN

Bài viết này dựa theo bản in Đống rác cũ, NXB Hội nhà văn, H. 2001.




Tiểu thuyết "Bước đường cùng" và kỷ lục của một đời văn - Phạm Khải


Kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Công Hoan:

Tiểu thuyết "Bước đường cùng" và
kỷ lục của một đời văn

Phạm Khải

Tiểu thuyết "Bước đường cùng" có độ dày hơn hai trăm trang in, khổ 14,5x20,5cm (trong bộ "Toàn tập Nguyễn Công Hoan" do NXB Văn học ấn hành năm 2004, "Bước đường cùng" được sắp xếp nằm ở tập 4, từ trang 543 đến hết trang 778, nghĩa là 236 trang). Sở dĩ tôi phải nói kỹ như vậy để thấy tốc độ viết của Nguyễn Công Hoan là rất đáng nể phục...

Kết cấu trần thuật trong Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan - Phạm Ngọc Hiền


Lý luận phê bình văn học

Kết cấu trần thuật trong Đống rác cũ
của Nguyễn Công Hoan

Phạm Ngọc Hiền

Đống rác cũ, tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan. NXB Văn học, 1963, mới chỉ ra tập 1: 622 trang. Sau đó, sách bị cấm. Năm 1989, in trọn bộ 2 tập. NXB Hội nhà văn tái bản năm 2001.

Khuôn mặt tham nhũng trong tiểu thuyết “BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG” của nhà văn NGUYỄN CÔNG HOAN - Hàn Tân


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Hàn Tân

Khuôn mặt tham nhũng trong tiểu thuyết “BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG” của nhà văn NGUYỄN CÔNG HOAN

Hàn Tân


Đúng là sức mạnh của văn chương không thua vũ khí. Ngòi bút của Nguyễn Công Hoan như những phát súng bắn vào đầu bọn gian ác, vạch trần bọn tham ô, tham nhũng, sâu dân mọt nước.