Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Ta say - Thơ Nguyễn Công Hoan


Ngoài văn xuôi, Nguyễn Công Hoan còn sáng tác thơ, hiện chỉ còn 1 bài hoàn chỉnh, ông có một số kiến giải về thơ như sau: "Thơ phải chuốt lời để ngậm ý. Đọc một bài thơ hay, người hiểu thơ thấy như chữ có hồn. Nếu một bài cần bao nhiêu ý mà phải phơi bày cả ngần ấy lời, thì chưa gọi là thơ. Nó chỉ có cái xác tênh hênh bằng văn chương vụng về".

Nguồn: http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=2225

Ta say



Môi cay, lưỡi đắng. Ta say. Ừ, ta say!
Thảo nào ù tai, hoa mắt, nặng nề chân tay...

Kìa kìa cơn gió lốc,
Vũ trụ cũng thành quay.
Ngán nỗi tài không đạt chí,
Đầu xanh mấy chốc pha màu tuyết,
Trăm năm thân thế cuộc cờ xoay!

Vặn đàn ta gẩy,
Lên giọng ta hát,
Nào ai tỉnh đó?
Những điều tai nghe mắt thấy, có chi hay!

Nằm đây!
Nằm đây!
Nằm xuống đây, ta biết tựa về đâu?
Tựa về Đông phương, sóng biển Đông cuồn cuộn muốn lên bờ,
Tựa về Tây phương, gió ngàn Tây vi vút, hoa cỏ xác xơ,
Tựa về Bắc phương, xóm Bắc phương gà ai nhao nhác đá nhau trong chuồng,
Tựa về Nam phương, trời Nam mây ám, non sông nhuộm ánh tà dương!
Tựa về đâu?
Tựa về đâu?
Ôm đàn ngồi đợi năm canh thâu,
Chờ được lúc trăng chìm sao lặn,
Sầu này gỡ hết, cũng còn lâu!


♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣ ♣

Nhan đề bài thơ do người biên soạn đặt
Nguồn: Ðời viết văn của tôi (hồi ký, 1971), NXB Hội nhà văn, 1994.




Nhà văn trào phúng mà làm thơ trào phúng là chuyện vui rồi, làm thơ lãng mạn lại còn vui hơn nữa, vì không ai ngờ tới. Trong tập Đời viết văn của tôi nhà văn Nguyễn Công Hoan cho biết: “Tôi học thơ từ thuở nhỏ, khiếu văn chương đó mà ra. Việc tôi ham đọc văn thơ càng tạo cho tôi nhìn đời bằng tâm hồn thi sĩ. Hồi còn là học trò trường Bưởi, tôi đã quen biết thi sĩ Tản Đà. Tản Đà hơn tôi những 15 tuổi, nhưng không xem tôi như trẻ con. Tôi đọc thơ Tản Đà khi chưa xuất bản thành sách Khối tình con, đã biết là hay. Vào khoảng năm 1928-1929 tôi có sáng tác một bài thơ lãng mạn do đọc tập hồi kí của một thanh niên ta tự viết ra để kể việc mình bỏ nước trốn đi du học tại Trung Quốc và Nhật Bản. Đọc xong, tôi rất buồn, cái buồn man mác, thấm thía của người mất nước. Trong lúc chán nản cực độ, tôi lấy rượu uống thật say rồi nằm gẩy đàn. Tự nhiên, tôi nghĩ ra là phải làm thơ để giải buồn. Tôi bèn làm thơ.
Đáng chú ý là bài thơ này không giống loại thơ yêu nước sáo cũ, lặp đi lặp lại những tiếng như “giang sơn”, “nợ non nước”, “trời Âu bể Á” thấy nhan nhản trên các mục Văn uyển, bảy chữ tám câu hoặc thượng lục hạ bát, mà không theo thể luật cũ, phóng lời, cốt nói hết được ý. Đó là điều lạ. Bài thơ như sau: "..."

Bài thơ lãng mạn trên của Nguyễn Công Hoan không phải là thơ theo các điệu từ Trung Quốc, như của Tản Đà, mà là thơ tự do thật sự, “phóng lời, cốt nói hết được ý”. Giá đăng báo thì phải xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ Mới, chứ không phải bài Tình già của Phan Khôi, đăng báo Phụ nữ tân văn năm 1932, Phong hóa đăng lại trong số Tết năm 1933.

Nguyễn Đình Hải


Theo: Báo điện tử Quân đội nhân dân