Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Một vài nhận xét về ngôn ngữ hội thoại trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan



Một vài nhận xét về ngôn ngữ hội thoại trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan

ThS.Nguyễn Thị Hoa

Nguyễn Công Hoan
1903 - 1977
Văn học giai đoạn 1930 – 1945 đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc cả về chất và lượng của văn học trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Trào lưu văn học hiện thực phê phán đã đóng góp không nhỏ trong công cuộc hoàn thiện nghệ thuật văn xuôi tự sự của văn học Việt Nam mà Nguyễn Công Hoan chính là tác gia tiêu biểu đã khơi nguồn từ những sáng tác của Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học. Nhà văn là một bút rất tài năng, ông luôn tạo ra những đặc sắc, độc đáo rất riêng trong sáng tác.
Bài viết này xin được đưa ra một vài nhận xét về ngôn ngữ hội thoại trong sáng tác của nhà văn.




1. Một số vấn đề về hội thoại, ngôn ngữ hội thoại


Hội thoại là hoạt động giao tiếp phổ biến và cơ bản nhất của con người, trong đó, nhân vật tự nói với mình, đối thoại giữa từng cặp nhân vật và đối thoại giữa nhiều nhân vật với nhau.

Khi phân tích một diễn ngôn hội thoại, chúng ta không thể bỏ qua thuật ngữ cuộc thoại, lời thoại. Để tham gia một cuộc thoại thì người tham gia giao tiếp phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc luân phiên lượt lời và nguyên tắc liên kết. Điều đó có nghĩa người này nói thì người kia phản hồi trở lại và luân phiên nói một cách nhịp nhàng, uyển chuyển để hội thoại không bị “đứt mạch”.

Bên cạnh đó, một cuộc thoại phải có tính mục đích và hướng đến một hay nhiều chủ đề khác nhau. Mỗi bên tham gia giao tiếp có thể nhằm tới mục đích khác nhau hoặc cùng hướng về một đích chung. Và để cuộc thoại diễn ra thành công thì người tham gia giao tiếp phải tôn trọng các nguyên lý hội thoại: nguyên lý cộng tác và nguyên lý lịch sự.

Lời thoại là lời nói của nhân vật (ngôn ngữ nhân vật) trong hội thoại. Thông qua lời thoại, chúng ta sẽ biết được gần hết mọi thứ về nhân vật như: tính cách, phẩm chất, trình độ văn hóa, quyền lực, quan hệ với người đối thoại, thái độ…

Theo GS Đinh Văn Đức thì Ngôn ngữ hội thoại là ngôn ngữ trao lời của các nhân vật trong tác phẩm. Nó là kết quả trực tiếp của các hành vi ngôn ngữ, gắn với các tình huống giao tiếp mà nhân vật đang trải qua. Nét đặc sắc nhất của ngôn ngữ hội thoại là mục đích phát ngôn của các câu mà nhân vật nói ra. Lực ngôn trung tại lời của các nhân vật được tăng cường nhờ ngữ điệu và các phương tiện tình thái”: “Nói dễ nghe nhỉ. Tao thương mày thì ai thương tao?”, “Quân ngu như lợn, muốn được việc lại không muốn mất tiền…” (Nguyễn Công Hoan)


2. Ngôn ngữ nhân vật


Ngôn ngữ nhân vật chính là lời nói trực tiếp của nhận vật trong tác phẩm, được biểu đạt bằng các tín hiệu ngôn ngữ thông qua sự lựa chọn của nhà văn nhằm mục đích tái hiện sinh động lối sống, tính cách, trình độ văn hóa, phẩm chất, quyền lực… của nhân vật “ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật” [3, tr.236].

2.1. Ngôn ngữ nhân vật qua hệ thống tên gọi và từ xưng hô

Tên gọi và xưng hô là hai yếu tố có vai trò quyết định đến vị thế của các vai giao tiếp và hiệu quả giao tiếp từ khi bắt đầu diễn ra hội thoại. Ngôn ngữ giao tiếp giữa của các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan phân biệt rất rõ giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Với những nhân vật thuộc tầng lớp trên của xã hội - tầng lớp thị dân trung lưu và có địa vị, có học thức, đời sống vật chất khá giả thì ngôn ngữ giao tiếp của họ mang tính chừng mực với sắc thái biểu cảm nhẹ nhàng vừa phải.. như vợ chồng xưng hô bằng tên gọi hoặc ông - bà, tôi - cậu/mợ, mình - em, con cái xưng hô với bố mẹ bằng Thầy - Me, Thầy Mẹ; hai người yêu nhau thì xưng hô bằng chàng - nàng, gọi cô xưng tôi, gần gũi hơn thì là anh với em hoặc gọi tên riêng; chủ xưng hô với tớ không bằng tên mà gọi bằng “nghề nghiệp” của nhân vật như thằng Bếp, Vú già, Vú em, thằng đầy tớ, con Sen, Con Đỏ con, thằng xe…. Đối với tầng lớp dưới xã hội, nông dân nghèo thì ngôn ngữ giao tiếp của họ chân chất, mang hơi thở cuộc sống của người lao động như vợ chồng xưng hô với nhau bằng: Thầy nó - U nó, tao -mày; con cái xưng hô với bố mẹ: Thầy - U, Thầy - Bu….

Theo Nguyễn Công Hoan thì một cái tên đẹp cũng có liên quan đến số phận, địa vị của họ trong xã hội. Trong truyện Cô Kếu, gái tân thời của Nguyễn Công Hoan, tác giả đã phản ánh rất rõ vấn đề đặt tên nó có một ý nghĩa thế nào đối với số phận của con người: “…Nhưng cô có nhận cái tên ấy nữa đâu! Kếu là nghĩa thế nào? Nghĩ bao nhiêu, cô lại oán cha trách mẹ, không đặt cho cô cái tên mỹ miều. Mà chữ nho, nào thiếu gì tiếng hay, sao cô chịu mang cái tên nôm na xấu xí ấy mãi?...” hay “Cái tên xấu xí ấy, nhiều lần ông Dự muốn đổi, để gọi cho đỡ có vẻ giai cấp” (Thằng Quít).

Nguyễn Công Hoan thường sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít ở tầng lớp thượng lưu, quan lại như Ngài, Tiên sinh, Ông, Bà, Quan ông, Quan bà, Bà chủ, Ông chủ… hoặc cả chức danh: Ông Nghị, Thầy quyền, Cụ Chánh Bá, Ông Phán, Ông lý, ông Huyện Hinh… và ở tầng lớp dưới bằng những cái tên rất bình thường, đôi khi xưng sử dụng cả đại từ nhân xưng và tên như: Bác Lan (Hai thằng khốn nạn), Chị Tam (Thật là phúc), Cô Hồi (Gói đồ nữ trang), Cô Tuyết, cô Vân, cô Nguyệt (Thanh!Dạ!), Chị cu Bản, Anh cu Bản (Ngậm cười) và bằng “nghề nghiệp” nhưng vô danh như thằng ăn cắp, cô hàng, anh xẩm…

2.2. Ngôn ngữ nhân vật qua hệ thống từ ngữ dùng để kể, tả, bình luận

Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rất phong phú và đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Đối với mỗi kiểu nhân vật, Nguyễn Công Hoan lại miêu tả ngôn ngữ theo một sắc thái riêng, từ quan lại, lính tráng, tư sản, tiểu tư sản đến những me Tây, những cô gái mới lãng mạn…

Ngôn ngữ của mụ me Tây giàu có được Nguyễn Công Hoan viết: “Thế mới biết người ta nói phú quý sinh chữ nghĩa là phải. Chẳng giấu gì ông, từ ngày đánh bạn với quan nhà tôi, tôi mới được học. Thành ra bây giờ, sách Tây, sách Tàu tôi đã được xem qua. Nhưng tôi suy nghĩ, không có quyển nào giá trị bằng bộ La Thông Tảo Bắc (Bà chủ mất trộm).

Ngôn ngữ của một ông quan huyện trong “Gánh khoai lang”:

“Ông ngắm áo quần và người ngợm ông lý bằng đôi mắt đều mỉa mai, rồi trỏ tay vào đống lễ vật, dõng dạc nói:

- Thầy đem tết tôi? Thầy thử ngắm xem cái mả khoai lang của nhà thầy bày giữa buồng giấy này, trông nó có đẹp không đã?”

“Rồi như tiếng sét, ông huyện gắt:

- Đồ xỏ lá, đem về để vợ chồng con cái ăn với nhau! Nhà tao không có lợn!”

Đó là lời nói trắng trợn, vô liêm sỉ và bẩn thỉu đến quái gở và mỗi lúc một tăng cấp trong ngôn ngữ nhân vật ông quan huyện. Dưới ngòi bút của Nguyễn Công Hoan thì những tên quan lại tỏ rõ là những kẻ giỏi nghề bóp nặn của dân. Bản chất hợm hình, tham lam của chúng được bộc lộ rõ nét qua lời nói và giọng điệu của chúng.

Ngôn ngữ của một thằng đi ở được Nguyễn Công Hoan viết với bằng ngôn ngữ rất chân thực, bình dị, gần gũi với đời thường: “Thật con không ngờ đâu cái số con vất vả như thế. Làm với ông con ngót một năm, thôi thì chịu đánh, chịu chửi, con cố nhẫn nhục để lĩnh mười đồng bạc công, thế mà…” (Thằng Quít).

Ngôn ngữ nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan rất đặc sắc. Mỗi hạng người đều có một ngôn ngữ riêng (quan lại, lính tráng, chánh tổng, lý trưởng, me Tây, đứa đi ở…) và không lẫn vào nhau được. Nhóm Lê Trí Dũng và Trần Đình Hượu nhận xét về ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, cho rằng: “Đọc ông, độc giả phân biệt rõ đâu là ngôn ngữ tác giả, đâu là ngôn ngữ nhân vật và mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ riêng của mình. Với Nguyễn Công Hoan, có thể nói truyện ngắn hiện đại và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại đã hình thành” [2, tr.386].

3. Các kiểu hội thoại


3.1. Độc thoại

Độc thoại là phát ngôn của nhân vật nói với chính bản thân mình, phản ánh quá trình tâm lý bên trong của nhân vật. Độc thoại giúp nhân vật tự bộc bạch hết tất cả những gì người kể chuyện khó nói hoặc không thể nói hết được như suy tư, trăn trở, khát vọng, niềm vui, nỗi buồn hay những lo toan về bản thân mình và người khác…

Ngôn ngữ độc thoại là thứ ngôn ngữ tham gia tích cực vào việc xây dựng tâm lý nhân vật. Bởi ngôn ngữ độc thoại chính là sự chuyển hóa từ ngôn ngữ trần thuật của tác giả, qua khâu trung gian là lời nửa trực tiếp sang ngôn ngữ nhân vật hoặc lời kể của tác giả nhưng mang ý thức và suy nghĩ của nhân vật.

Độc thoại trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan rất nghèo nàn, sơ sài và không đặc sắc lắm. Qua khảo sát thì tần số lời độc thoại trong truyện ngắn 0.04 lượt/trang và tiểu thuyết Bước đường cùng (0.05 lượt/trang), trong đó Nam Cao truyện ngắn 0.23 lượt/trang, tiểu thuyết Sống mòn 0.53 lượt/trang, Vũ Trọng Phụng truyện ngắn 0.1 lượt/trang và tiểu thuyết Giông tố 0.054 lượt trang và Ngô Tất Tố truyện ngắn 0.07 lượt/trang và tiểu thuyết Tắt đèn 0.024 lượt/trang.

3.2. Đối thoại

Đối thoại là hoạt động giao tiếp cơ bản của con người. Đối thoại có thể được thực hiện bởi hai người (song thoại), ba người (tam thoại) và nhiều người (đa thoại). Trong đó, tam thoại và đa thoại chiếm một tỉ lệ thấp, thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện đám đông, trong gia đình hay nơi công cộng.

Tìm hiểu sáng tác của Nguyễn Công Hoan, nhà văn xây dựng nhiều dạng kết cấu khác nhau, nhưng chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả vẫn là kết cấu song thoại. Kết cấu song thoại trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan chiếm 56,7% trên tổng số 90 truyện ngắn trong cuốn Truyện ngắn chọn lọc của Nguyễn Công Hoan.

Đối thoại xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan tương đối lớn. Qua khảo sát, tần số xuất hiện lời đối thoại trong truyện ngắn là 4.04 lượt/trang, tiểu thuyết Bước đường cùng là 4.58 lượt/trang, trong đó truyện ngắn của Nam Cao 3.9 lượt/trang, tiểu thuyết Sống mòn 3.36 lượt/trang; truyện ngắn của Ngô Tất Tố 1.18 lượt/trang, tiểu thuyết Tắt đèn 3.43 lượt/trang, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng 2.47 lượt/trang, tiểu thuyết Giông tố 4.8 lượt/trang.

Phần lớn trong cuộc đối thoại, nhà văn thường chia thành hai tuyến nhân vật đối lập nhau: một bên là tầng lớp thống trị và một bên là những người dân nghèo khổ bị áp bức. Các kiểu đối thoại phổ biến trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan: cầu xin - từ chối, thăm dò - lảng tránh, chất vấn - chối cãi, tấn công - phản công… Khi những cuộc thoại diễn ra thì nhà văn thường sử dụng những hành vi ngôn ngữ đưa đẩy để lấy lòng giữa tầng lớp có địa vị thấp với tầng lớp có địa xị xã hội cao, quyền thế. Do đó, ngôn ngữ của nhân vật và ngôn ngữ của người kể chuyện cũng được kịch hóa.

Đây là đoạn đối thoại của Nguyệt trong “Oẳn tà roằn” với Phong:

“- Anh Phong, thế anh định bỏ tôi chết đấy à? Không trách người ta bảo đàn ông bạc tình, có oan tý nào đâu! Tôi vì nghe anh dỗ ngon dỗ ngọt, nào những là lấy nhau, nào những là ăn đời ở kiếp cùng nhau… Từ đó đến nay, tôi dốc một lòng chờ đợi, ai đến dạm hỏi tôi cũng kiếm cớ thoái thác. Vì tôi đã hứa cùng anh. Ấy thế mà anh quyết tình giở mặt. Hẳn là anh cũng biết tôi chỉ là quá dại dột mà nghe anh, nên mới mang vạ vào mình. Anh nghĩ sao cho vuông tròn thì nghĩ…

- Cái bụng Nguyệt chỉ vài tháng nữa là tròn bằng cái thúng. Nguyệt còn phải cần gì đến tôi nghĩ nữa!”

và đoạn đối thoại của Nguyệt với Bắc:

“- Thế có chắc Nguyệt chửa với tôi không?

- Tôi năm nay mới có mười tám tuối đầu, sao anh đã đổ bậy đổ bạ cho tôi cái tiếng khỉ gió ấy! anh hỏi tôi chửa với ai? Rồi nó giống ai, nó máu mủ ai, thì anh biết. Tôi con nhà trâm anh…”

Trong hai đoạn đối thoại trên, Nguyệt hết lời chứng minh với Phong rồi lại với Bắc rằng cô rất chung thủy, không hề hai lòng và nói rằng đứa con trong bụng cô là của họ. Bằng hai đoạn đối thoại, bản chất chất lẳng lơ, trăng hoa, diễn trò trâm anh, nghi lễ của Nguyệt đã được bộc lộ. Sự thật được bóc trần qua lời đối thoại cuối cùng:

“- Thưa bà, bà đẻ con so hay con dạ?

- Thưa bà, con so.

- Bà nên nói thực, thì tôi mới liệu được. Tôi xem bụng bà, hình như đẻ con dạ thì phải hơn.

- Thưa bà, thực tôi đẻ con so.”

Nguyệt một mực chối cãi để chứng minh cho cái ngoan ngoãn của mình. Đến khi tính mạng bị đe dọa, cô không thể che giấu sự thật nên đã nói:

“- Thưa bà, xin bà kín cho, tôi đẻ con dạ!”

Ngoài ra, trong các cuộc đối thoại, bốn sắc thái xưng hô chúng ta thường thấy xuất hiện rất nhiều trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan:
Thứ nhất là sắc thái trang trọng

Thứ hai là sắc thái trung hòa, vừa phải.

Thứ ba là sắc thái thân mật, suồng sã

Thứ tư là sắc thái thô tục, khinh bỉ

Như vậy, lời thoại của các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan thể hiện rất rõ tính cách, nghề nghiệp, địa vị, trình độ văn hóa… Các đoạn đối thoại rất tự nhiên, pha chút hóm hỉnh với nụ cười tinh quái.


4. Kết luận


Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn có ý thức trong sự cách tân về ngôn ngữ. Ngôn ngữ nhân vật trong sáng tác của ông rất đa dạng, nhiều màu sắc. Bên cạnh, vốn từ vựng chung, nhà văn còn dùng vốn từ vựng riêng đặc trưng cho tầng lớp xã hội đó, phù hợp với tính cách từng nhân vật, bối cảnh giao tiếp. Ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan là ngôn ngữ của quần chúng được chọn lọc và nâng cao, đậm hương vị ca dao tục ngữ, có khi tác giả đưa ca dao tục ngữ vào truyện một cách rất tự nhiên, thoải mái. Những chữ dùng của ông thường giản dị, giàu hình ảnh và cụ thể.


---------------------
1. Nguyễn Đức Dân (2000), Ngữ dụng học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Trí Dũng - Trần Đình Hượu (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930, Nxb. Đại học và THCN.
3. Phan Cự Đệ (1974), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập ….. Nxb. Đại học và THCN.
4. Đinh Văn Đức (2005), Các bài giảng về lịch sử Tiếng Việt (thế kỷ XX), Nxb. Đại học Quốc Gia, Hà Nội.
5. Lê Thị Đức Hạnh (1977), Nghệ thuật viết truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Tạp chí văn học số 4/ 1977.
6. Nguyễn Công Hoan (2005), Truyện ngắn chọn lọc, tái bản, Nxb. Văn học, Hà Nội.
7. Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Tú (2001), Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
8. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại, tái bản, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.











0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉