Ads 468x60px

.

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Tô Hoài và những người thầy văn chương


Kỷ niệm một năm nhà văn Tô Hoài ra đi:
Tô Hoài và những người thầy văn chương

Hợp tác cùng Thời Nay


Nhận xét về Tô Hoài, Vũ Ngọc Phan khẳng định: “Tiểu thuyết của Tô Hoài cũng thuộc loại tả chân như của Nguyễn Công Hoan, nhưng Nguyễn Công Hoan ngả về hoạt kê, còn Tô Hoài có khuynh hướng xã hội".

Nhà văn Tô Hoài


Từ những năm 30 của thế kỷ 20, các nhà văn bắt đầu đi sâu nghiên cứu về tình trạng suy thoái đạo đức và kinh tế ở các thành phố của Việt nam. Hà Nội là một trong những thành thị được nhiều các nhà văn tập trung hành nghề, và viết về nó. Với nhiều nhà văn sống và lập nghiệp tại Hà Nội thì đây là một thế giới mới mẻ để họ khai thác.

Trong bộ sách “Nhà văn hiện đại”, quyển tư, tập hạ, phần Tiểu thuyết tả chân, nhà nghiên cứu - phê bình Vũ Ngọc Phan có nhắc đến bốn nhà văn. Đó là Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nguyễn Đình Lạp và Tô Hoài.

Nhận xét về Tô Hoài, Vũ Ngọc Phan khẳng định: “Tiểu thuyết của Tô Hoài cũng thuộc loại tả chân như của Nguyễn Công Hoan, nhưng Nguyễn Công Hoan ngả về hoạt kê, còn Tô Hoài có khuynh hướng xã hội.

Cái tính chất xã hội trong tiểu thuyết của Tô Hoài hơi thiên về một mặt là trong hầu hết các truyện ngắn, truyện dài của ông, ông đều tả hạng dân quê nghèo nàn, mà hạng người này cũng chỉ là những người ở một miền, một vùng - vùng Nghĩa Đô, quê hương tác giả.”
(Nhà văn hiện đại - Vũ Ngọc Phan)

Tô Hoài đã giãi bày rằng: Ông đến với nghề văn một cách rất giản dị, và bước đầu vào nghề, không thấy có gì mới lạ hơn, sơ với những nghề khác, như nghề bán giày ở một đại lý cho hãng Bata hay nghề dạy trẻ học. Đại để thời đó, có lần đi hộ đê cùng dân trong phủ ở Tứ Tổng, thấy cảnh canh đê, thấy tiếng “trống giục trống dồn”, thấy sự nheo nhóc “người lớn và trẻ con rúc ráy bên vệ cỏ” nên thấy gì viết nấy, ông viết truyện “Nước lên” gửi đăng ở báo Hà Nội tân văn do Vũ Ngọc Phan làm chủ bút. Với bài viết này Hà Nội tân văn đã trả nhuận bút là 5 đồng. Nếu nói vào nghề là viết truyện, gửi đăng và được trả nhuận bút thì “Nước lên” chính là vốn liếng đầu tiên để Tô Hoài tự tin bước vào nghề viết văn.

Tô Hoài thông minh, thích viết văn và nuôi mộng sinh nhai bằng văn chương. Cái bút danh Tô Hoài của ông, là dùng hai chữ đầu của hai địa danh gắn với ông đó là sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức rồi ghép lại.

Tô Hoài không có điều kiện để học nhiều, cho tới năm 1938, ông 17 tuổi mới đỗ “xéc-ti-phi-ca (bằng tiểu học Pháp Việt). Ham đọc sách nhưng không đủ điều kiện vào thư viện để đọc sách, bởi vì thư viện lúc đó yêu cầu phải đỗ bằng Thành chung trở lên họ mới cấp thẻ, rồi cả không biết cách chọn sách, luồng sách…

Nhưng Tô Hoài đã rất may mắn khi gặp được ông Vũ Ngọc Phan - chủ bút báo Hà nội tân văn, một người đã hoạt động văn chương từ cuối những năm 20. Tô Hoài kể lại: “… Đầu tiên, anh Phan đưa cho tôi quyển “Đỏ và Đen” của Stăngđan. Anh bảo: “Đỏ và Đen” là mẫu mực của tiểu thuyết Pháp thế kỷ 18. Anh phải đọc kỹ”. Tôi đọc, chả hiểu mấy. Có lẽ vì nhiều chữ khó, phải tra từ điển luôn ta, mất thú. Anh đưa tiếp theo kịch “Con chim xanh” của Mateclinh in khổ lớn trên tạp chí sân khấu Iluýtxtraxiông. Tôi vừa đăng truyện “Mê gái” (Con gà mái ri) trên báo chủ nhật của Tự lực văn đoàn. Anh bảo: “Có thể cái kịch thần tiên này gợi ý nhiều cho anh về viết truyện loài vật”(Những gương mặt - chân dung văn học. NXB Hội nhà văn.1994). Và để học thêm bằng việc đọc sách, Tô Hoài đã đến nhà Vũ Ngọc Phan để đọc sách theo sự hướng dẫn rất khoa học và chuẩn mực của “nhà giáo” Vũ Ngọc Phan, hàng năm trời.

Nếu nói Vũ Ngọc Phan là người vỡ lòng, người định hướng cho Tô Hoài, thì Nguyễn Công Hoan là người hướng dẫn những kỹ năng, những mẹo mực cho Tô Hoài. Ông đã kể lại những gì Nguyễn Công Hoan đã truyền lại cho mình: “… Và anh Nguyễn Công Hoan đã làm việc truyền nghề cho tôi. Anh không giảng như anh thường đi giảng các lớp bồi dưỡng sáng tác. Mà anh dặn: nghề viết phải học lỏm, học mót, học thế nhớ lâu, người ta nói một, mình hiểu mười, phải tinh mới được. Này tôi bảo anh… phải láu mới được.

… Các bài báo, bài bút ký hay truyện ngắn, truyện dài tôi viết, anh đều đọc, khi bản thảo, khi sách in, anh đọc kỹ và bao giờ cũng khen chê rõ ràng như thầy giáo chấm bài. Phần nhiều anh chê, “yêu cho vọt mà…”, anh bắt bẻ rồi cắt nghĩa, vẽ ra cách chữa. Nếu không định bảo ban tôi, truyền nghề cho tôi, chắc chẳng bao giờ anh bỏ công thế”
. (Những gương mặt - chân dung văn học. NXB Hội nhà văn.1994).

Người ta thường nói “trò giỏi tại thầy”, có lẽ nếu không gặp được những người thầy tận tụy, hết lòng như Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Công Hoan, thì có lẽ chúng ta - những người đọc sách cũng không được thưởng thức những trang viết tinh tế của Tô Hoài sau này.

Có những lúc, mải mê cái mới, cái tân kỳ, “bắt chước cái giọng văn “ lãng mạn buồng khách” của Ngọc Giao, Thanh Châu đăng ở Tiểu thuyết thứ bẩy” để viết. Nhưng đã thất bại, Tô Hoài kể: “Tôi viết bằng lối văn mà tôi cho là của nhà văn. Nhưng thật ra, thời kỳ ấy là thời kỳ tôi thoái bộ. Viết nhiều, nhưng hỏng hết. Chẳng ai thích đọc…” (Hỏi chuyện các nhà văn - Nguyễn Công Hoan).

Đọc lại lời nhận xét hết sức nghiêm khắc, chân thành của Người thày văn chương đầu tiên của Tô Hoài nhận xét về văn chương của ông, trong giai đoạn này mới thấy người thầy Vũ Ngọc Phan của Tô Hoài là người hết sức nghiêm khắc, khắt khe, công minh và tận tụy với người học trò của mình: “… Về sau người ta thấy những truyện ngắn của ông (Tô Hoài) trong Tiểu thuyết thứ bảy hơi đá giọng trào lộng và khinh bạc, nhưng lại rất tầm thường về hành văn và về ý kiến cùng tư tưởng. Âu cũng là cái “sính”của thời đại. Nhưng tôi tin rằng đó không phải là địa hạt của ông. Ông sở trường về tả chân lại có khuynh hướng về dân quê, vậy thiết tưởng ông không nên rẽ sang đường khác” (Nhà văn hiện đại - Vũ Ngọc Phan).

Và chính Tô Hoài đã kể về người thầy đầu tiên của mình, sau hàng chục năm, khi ông đã trở thành một nhà văn nổi tiếng: “… Tôi ngờ ngợ có thể anh chưa cần trò chuyện thêm, đã “có ý kiến ngay”rồi. Các thày giáo thường thế. Quả nhiên anh bảo tôi, vẫn nghiêm nghị: Cái khinh bạc của anh trong văn chương tôi nói ngày trước đã lây sang cả tính nết anh rồi đấy, nặng đấy.

… Anh cũng đã phê bình thành chữ nghĩa như thế, về tôi, trong tập “Nhà văn hiện đại”. Đến bây giờ anh vẫn nhắc nhở vậy. Trước mắt anh bao giờ tôi cũng chỉ là anh chàng mới cầm bút, hôm ấy lần đầu tiên đến tuần báo Hà Nội tân văn ở phố Hàng Buồm”
(Những gương mặt - chân dung văn học. NXB Hội nhà văn.1994).

Còn đây là những gì Tô Hoài viết về người thầy thứ hai của mình - Nguyễn Công Hoan: “… Bao nhiêu năm nay, những gì anh viết , tôi đều đọc, có thể nói, không sót một chữ. Tưởng như từ tập truyện “Kiếp hồng nhan” đến giờ, anh viết bài nào ở báo nào, sách nào, người học trò chăm chỉ của anh đều tìm đọc. Tôi đã nghe anh kể anh cũng chú ý đọc tôi từ những truyện ngắn đầu tay của tôi đăng báo Hà Nội tân văn. Đến bây giờ anh vẫn đọc và thường cho tôi nhiều ý kiến về mọi cái tôi viết ra.” (Những gương mặt - chân dung văn học. NXB Hội nhà văn.1994)
Chỉ cần đọc những dòng trên, hoặc thấy cách xưng hô “Anh Phan - chị Phan” của Tô Hoài với những người thầy của mình thì ta hiểu ngay tình yêu, sự kính trọng của ông dành cho những người thầy vỡ lòng cho ông. Cho đến sau này mối giao tình giữa ông và các con của ông Vũ Ngọc Phan, ông Nguyễn Công Hoan vẫn rất gắn bó. Họ vẫn luôn coi ông như một người chú thân thiết trong gia đình.

Gần như suốt cả một đời văn của mình, Tô Hoài đã sống, quan sát và viết bằng chính những điều học được từ những người thầy tận tụy, nghiêm khắc của mình. Ông đã cần mẫn lao động, cần mẫn học tập để trở thành một Tô Hoài như ta đã biết. Tô Hoài đã từng chia sẻ: Tôi như người thợ mộc suốt ngày đục đẽo. Người thợ mộc chăm chỉ sẽ làm ra ngày chiếc bàn, ngày chiếc ghế và thỉnh thoảng mới được một tác phẩm mỹ nghệ. Nghề viết cũng vậy, chăm chỉ may ra mới cho ra đời một tác phẩm hay.

Cách đây một năm, cũng vào tháng 7 này, Nhà văn Tô Hoài đã buông rũ tất cả để ra đi. Chắc giờ đây, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan và cả người học trò Tô Hoài của họ đã gặp nhau ở cái nơi xa thẳm, mênh mông kia. Họ đã gặp nhau, vẫn sống với nhau như ngày nào… Vẫn yêu thương, vẫn chăm sóc, vẫn tận tình, vẫn chân thành với nhau. Và tôi luôn tin là như vậy.


Hợp tác cùng Thời Nay






0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉