Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn



Minh họa: Đỗ Dũng

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Bích Thuận | 2. Khởi Nguyên | 3. Dung | 4. Đọc Truyện Official Channel | 5. Cô Vân



Mời đọc Bản đánh máy

Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn

Nguyễn Công Hoan


Từ ngày đã lâu, thằng Dần thấy không biết tại làm sao, cậu nó ngủ một giấc mãi đến bây giờ chưa dậy. Trong lúc cậu nó ngủ, nó thấy người ta gói cậu nó lại, cất vào cái hòm dài, rồi túm tụm khênh đi, bỏ xuống cái hố sâu. Mợ nó thì ăn mặc như con cào cào trắng, và không biết phải đòn hay sao, mà bù lu bù loa khóc rầm lên, rồi nhảy cả xuống hố, nằm ôm lấy cái hòm. Mấy người lôi mãi mới lên. Rồi người ta lấp đất. Ấy thế là cậu nó không về nhà với nó nữa.

Ngày ấy nó mới lên ba, chả biết gì là thương cậu nó cả. Chỉ biết thương mợ mà thôi. Vì mợ nó thì cứ đến tối, đứng đâu, ngồi đâu, nằm đâu cũng ti tỉ. Mỗi khi mợ nó khóc như thế, thì y như nó cũng khóc theo. Nó nghĩ chắc rằng hễ nó ăn no chóng lớn thì mợ nó nín luôn, vì nó thấy dần dần, mợ nó không hay khóc nữa. Nhưng tức quá, nó cứ lên ba mãi, nóng cả ruột.

Thế nhưng hôm Tết, mợ nó bảo nó rằng:

- Bây giờ Dần lên bốn rồi.

Nó mừng quá, chạy lại bá lấy cổ mợ nó, gí cái môi bé tí vào má, nũng nịu:

- Không, chả, Dần lên năm cơ!

Nói trộm bóng, từ ngày nó lên bốn, nó như con chó ấy, hóm đáo để! Ai hỏi cậu nó đâu thì nó bảo chết rồi, chứ nó không bảo cậu nó đi Tây nữa. Ai hỏi ảnh cậu nó đâu, thì nó trỏ cái ảnh dựng trên giường thờ, chứ không trỏ bậy trỏ bạ cả vào ảnh ông Quan Công treo trên tường nữa. Một hôm nó hỏi mợ nó:

- Cậu là ai hở mợ?

- Cậu với mợ đẻ ra Dần chứ ai? Cũng như thầy u con Tý đẻ ra con Tý ấy mà!

Nó nghĩ đến thầy con Tý yêu con Tý, mà nó chưa được cậu nó yêu, thì nó xị mặt xuống.

- Thế cậu chết ở đâu? Bao giờ cậu về, hở mợ?

- Cậu chết ở dưới đất, không bao giờ về nữa.

- Ứ, chả thế đâu!

Thế rồi nó thấy mợ nó rầu rầu, nhìn lên ảnh cậu nó ở giường thờ, mà nước mắt chạy quanh. Nó hiểu rằng không có cậu nó thì mợ nó không vui, nó thỏ thẻ dỗ mợ nó:

- Mợ đừng thế nữa. Không cần, cậu không về đã có bác Phán.

- Từ rầy Dần đừng nói thế, Dần nhé.

- Dần vẫn thấy bác Phán như thầy con Tý đấy, mợ ạ.

- Mợ bảo thì Dần nghe, chóng ngoan.

Nó biết rằng hễ nó hư thì mợ nó không bằng lòng, nên nó không nói nữa.

Đến tối, nó thấy mợ nó thắp hương ở giường thờ, rồi đứng ở trước bàn, nói thầm như mọi khi. Nó cũng chắp tay đứng cạnh, vì mợ nó bảo:

- Mợ nói thầm thế là khấn cậu về phù hộ cho mợ và Dần đấy.

- Thế khấn thì cậu về, a mợ?

- Ừ, cậu về cho mợ và Dần vui vẻ.

Nó chưa được thấy cậu nó về nhà bao giờ, nên nó mong quá. Mà nhất là để cho mợ nó được vui thì nó càng mong. Vì nó chỉ mong cho mợ nó được vui. Mợ nó vui vẻ, thì nó cũng được vui sướng trong lòng.

- Thế thì bao giờ cậu về hở mợ?

- Chốc nữa.

Mợ nó nói xong thì nét mặt lại buồn rầu. Nó giương hai mắt lên nhìn, rồi nắm lấy tay mợ nó, gí chặt vào mồm. Nó cũng thấy trong bụng nó thế nào ấy, như muốn khóc.

Hai mẹ con đứng như vậy một lúc lâu. Rồi mợ nó vái mấy cái, quay ra, thì bỗng giật mình kêu thét lên:

- Ối trời ôi!

Thằng Dần chẳng biết gì, cũng thét lên, hoa cả mắt, ôm chặt lấy chân mợ. Nhưng nó lại thấy ngay mợ nó vừa thử vừa cười mà nói:

- Phải gió! Thằng ông mãnh, làm người ta hết hồn!

À, té ra bác Phán nó chứ ai, sừng sững ở đằng sau mợ nó và nó từ bao giờ mà không biết. Tuy nó không sợ nữa, nhưng vẫn chưa buông mợ nó ra. Mợ nó bèn đánh vào vai bác Phán:

- Có bế nó đi không, làm thằng bé tái cả mặt lại đây này!

Bác Phán ôm nó vào lòng. Nó thích lắm. Rồi bác ấy lại móc túi lấy ra quyển sách Tây, giở các tranh ảnh ra cho nó xem. Đến cái tranh "hai cha mẹ dắt con đi chơi", bác Phán trỏ vào đứa bé con, hỏi:

- Ai đây?

- Dần đấy.

- Phải rồi, ai dắt Dần đây?

- Mợ đấy!

- Phải rồi, thế ai đi bên cạnh mợ đây?

- Bác Phán đấy!

Bác Phán phá ra cười khen hay. Nhưng mợ nó cau đôi lông mi lại, mắng nó:

- Nhảm nào!

Nó chả hiểu vì sao phải mắng, vì có một lần nó đã trông thấy thế. Nó liền hỏi:

- Làm sao hở mợ?

- Hễ nói thế thì con chuột chí cắn cống tè đấy!

Cắn cống tè! Cắn thì mất cống tè, mất cái để làm giống, rồi thành ra con Tý thì xấu! Nó không muốn xấu, cho nên nó đứng im, mắt hấp ha hấp háy, nghe mợ nó nói chuyện với bác Phán. Nó thấy mợ nó và bác Phán cười luôn luôn, nó thích lắm. Nhưng nó chẳng hiểu gì cả. Rồi bác Phán móc túi, lấy ra đồng hào ván đưa nó và bảo:

- Bác Phán cho Dần tiền, ra hiệu chú Sìn mà mua quả bóng nhé.

Được mua bóng, nó sướng mê. Cầm lấy tiền, nó chạy tọt ra cửa, nhưng còn ngoái cổ lại nói rằng:

- Thế đến mai bác Phán mua cho Dần cái ô-tô nhé. Chốc nữa cậu Dần về, rồi mai Dần vặn máy cho cậu mợ Dần với bác Phán đi chơi cho mà xem.

- Ừ, khép chặt cửa lại.

Vừa mới một lát, đã thấy nó đẩy cửa vào, nét mặt tiu nghỉu. Nhưng nó vội chạy ngay lại đứng cạnh bác Phán mà làm nũng:

- Bác Phán hôn cả Dần nữa kia!

Rồi nó kiễng chân lên, chìa má cho bác Phán hôn.

- Bóng đâu con?

- Thưa mợ, chú ấy bảo chốc nữa mợ sang mà mua, chú ấy không lấy tiền.

- Chỉ láo, lại đây mợ bảo.

Nó thong thả đến gần mợ nó, nó lại làm nũng:

- Mợ ơi, mợ khấn cậu về nữa đi.

Mợ nó thở dài một cái, cầm hai tay nó, nhìn nó, rồi đưa mắt lên giường thờ cậu nó, rồi lại liếc sang bên bác Phán. Mợ nó ôm nó vào lòng ra cách âu yếm, cúi đầu, kề cái miệng lên làn tóc lơ thơ của nó. Rồi hình như trông thấy hai cái dải khăn ngang rũ đằng trước ngực, thì không biết mợ nó nghĩ những gì, nó thấy mợ nó lại thở dài, mà xung quanh mắt thì ươn ướt. Nó liền giơ hai tay bé tí tẹo lên vuốt má mợ nó, rồi bá cổ xuống hít một cái thật dài mà hỏi rằng:

- Mợ ơi, mợ làm sao thế?

Bác Phán cũng hỏi:

- Mợ làm sao thế?

Thằng Dần giật phắt đầu ra, quay ngay lại bác Phán mà bẻ rằng:

- Mợ của Dần đấy chứ, mợ của bác Phán đâu?

- Ừ phải, bác quên!

Rồi nó thấy bác Phán liếc mắt nhìn mợ nó, tủm tỉm cười. Mợ nó thì ngồi thẳng lại, tì khuỷu tay lên bàn, thở dài, cũng tủm tỉm cười mà nói:

- Không, tôi có làm sao đâu.

- Dần lại đây bác Phán cho cái này.

Thằng Dần lon ton chạy lại chìa tay ra, bác Phán ôm nó, hôn nó một cái, và bảo:

- Bác Phán gởi cái này cho mợ Dần nhé.

Nó chạy lại hôn mợ nó, rồi mợ nó cũng hôn nó và dặn:

- Đưa trả bác Phán nhé.

Đến lượt bác Phán lại hôn nó, và nói:

- Bảo mợ Dần rằng bác Phán cho đấy.

Thằng Dần cứ chạy đi chạy lại như thế đến mười lượt. Thì ra nó tưởng là mợ nó và bác Phán đùa với nó. Nó cười như nắc nẻ! Một lúc, nó chạy mệt, nó kêu khát. Nó xin mợ nó chén nước, nhưng mợ nó chỉ ừ thôi. Rồi mợ nó mải nói chuyện với bác Phán, mợ nó quên không rót. Nó đành phải trèo lên ghế rót nước lấy, cái ấm ngay bàn bên cạnh giường nằm. Nhưng nó chả được hụm nào, vì nó không biết rót. Nước đổ lênh láng cả ra bàn, cái nắp ấm rơi xuống, đổ tứ tung. Giá mọi khi như thế thì mợ nó đã mắng và đánh nó rồi đấy, nhưng vì lần này mợ nó vui, cho nên chỉ nhìn qua, và bảo:

- Thôi, đi ngủ đi Dần.

- Dần chưa buồn ngủ, Dần còn chờ cậu về.

- Khuya rồi, đi ngủ đi, lúc nào cậu về, thì mợ đánh thức Dần.

- Thế mợ khấn cậu đi nhé.

Dặn mợ nó xong, nó hớn hở trèo lên giường, nằm xuống, đắp chăn, quay mặt ra phía mợ nó và bác Phán, thao láo đôi con mắt để nhìn. Nó thấy mợ nó cười đùa luôn, nó thích, nó cũng không muốn ngủ nữa.

Một chốc, thằng Dần trông thấy đầu mợ nó ngả vào vai bác Phán, nó cười khanh khách. Nhưng mợ nó giật đầu ra và mắng:

- Ngủ đi ranh!

Nó phụng phịu cái mặt, nhắm mắt lại. Nhưng đàn muỗi cứ vo vo bên tai, làm cho nó phải mở mắt. Nó trông thấy một con bay là là trước mắt, nó giơ tay ra vồ, rồi ngồi nhổm dậy đuổi theo.

- Cái gì thế Dần?

- Dần bắt muỗi, mợ đốt nó đi.

- Để mợ quạt màn cho chóng mà ngủ.

Mợ nó tìm quạt, nhưng không thấy đâu cả. Bác Phán nói:

- Lấy cái gì quạt chẳng được.

- Tìm hộ tôi một cái để quạt.

Bác Phán trông xung quanh chả có cái gì quạt được. Thằng Dần vẫn giương mắt lên nhìn theo, thì thấy bác Phán lại đằng giường thờ, với tay cầm lấy cái ảnh cậu nó dựng ở giữa mà hỏi:

- Lấy cái này quạt được không?

- Đừng! Phải tội thì chết!

- Tội lội xuống sông, không thì lấy đếch gì mà quạt!

Thằng Dần nghĩ ngay đến cậu nó, nó liền bảo bác Phán:

- Bác Phán đưa cho Dần cái ảnh cậu Dần đây để cậu Dần ngủ với Dần nào!

Mợ nó cầm lấy cái ảnh để quạt màn, rồi đưa cho nó, khép chặt cửa màn lại.

Nó chơi ảnh chán rồi, đã hơi buồn ngủ. Nhưng cố gượng mở to mắt để nhìn ra phía ngoài, thì chỉ thấy lờ mờ mợ nó và bác Phán ngồi kề gần với nhau, nói những chuyện gì khẽ quá. Nó không nghe rõ, nó buồn. Rồi nó lim dim đôi mắt, nó ngủ...

Nhưng trong khi nó ngủ, bỗng nó thấy rét. Nó cựa dậy thì không biết chăn ai co đi đâu mất cả. Nó sờ chăn, xê lại gần, nhưng nó thấy cái gì kềnh kệnh làm đau má nó. Nó mở mắt ra, ngẩng cổ dậy, thì ra cái ảnh. Nó cầm đưa mợ nó:

- Mợ ơi, mợ cất ảnh cậu đi.

Mợ nó cầm lấy ảnh. Nó hôn lưng mợ nó và nói:

- Mợ ơi, mợ quay mặt lại đây với Dần đi!

- Mợ gì, ngoáo kia kìa!

Nó sợ, không dám đòi nữa.

Một lúc, đương thiu thiu, nó thấy tiếng kẹt cửa. Nó mở choàng mắt ra, thì thấy bác Phán đương mặc quần áo. Nó nói giọng ngái ngủ:

- Không, bác Phán đừng về.

- Bác Phán về rồi mai bác Phán lấy ô-tô cho Dần chơi.

Thấy nói đến ô-tô, nó lại sực nhớ đến cậu nó, nó hỏi:

- Thế cậu đã về chưa hở mợ?

- Cứ ngủ yên thì cậu về.

Bác Phán ra về. Mợ nó đóng cửa rồi lên giương, nằm quay mặt lại với nó. Nó thích quá, ôm chặt sườn mợ nó, rúc vào nách mợ nó. Rồi nó trùm chăn lên đầu, lại ngủ.

Nhưng một lúc lâu, mồ hôi nó ra như tắm. Nó nực quá. Không tài nào ngủ được. Nó tỉnh dậy, đạp chăn ra. Rồi nó sờ xung quanh, không thấy mợ nó. Nó gọi, không thấy mợ nó thưa. Nó nhìn, không thấy mợ nó đâu cả. Nó ngồi nhổm dậy, trông trước trông sau, cũng chả thấy đâu.

Mợ nó đâu? Nó đứng dậy nó tìm... Quái, không biết mợ nó đi gọi cậu nó hay đi mua quả bóng. Nó đang nghĩ dở, thì nó thấy ở bàn nước cạnh giường có cái bìa vuông. Nó vớ lấy để đến mai làm cái vợt đánh ten-nít. Nhưng nhìn mặt sau, thì là cái ảnh cậu nó. Cái ảnh cậu nó, úp mặt xuống bàn, đẫm những nước, thành ra phồng lên. Nó ngắm một lúc, vui sướng quá đến nỗi rơm rớm nước mắt, vì nó tưởng cậu nó về thực, mà đã lên đến đấy rồi... Nó nghĩ thế nào, nó muốn cho cậu nó chóng đến nơi hơn, nó liền uốn cho cong thêm lên tí nữa...

Thằng Dần lúc này như được vui sướng quá chừng. Cậu nó sắp đến nơi, mợ nó được vui vẻ. Ô-tô, quả bóng, như đã bi bo, bình bịch bên tai nó. Trống ngực đánh thình, nó cuộn tròn nó với ảnh cậu nó vào trong chăn như con sâu kèn, rồi nó ngủ khì một mạch đến sáng...


25 Mars 1931




Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
Trong Tập truyện ngắn "Kép Tư Bền"
Theo bản Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản (Nhà in Tân Dân, 1935).

Tham khảo: Các bài viết liên quan
1. Về truyện ngắn "Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn" trong "Nhà văn hiện đại - Quyển 5" Tiểu thuyết tả chân: Nguyễn Công Hoan (Vũ Ngọc Phan)
Trang 44-46/22-48/236 (1051-1077)

Giết nhau


Mời đọc các truyện ngắn về "làng bẹp":
1. Giết nhau - 1933
2. Mưu làng bẹp - 1938
3. Chừa thuốc phiện - 1939


Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Thái Hoàng Phi | 2. Cô Vân

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 kênh 2 video


Mời đọc Bản đánh máy

Giết nhau

Nguyễn Công Hoan


Sáng hôm qua, tôi có một người bạn ở Hà Nội xuống chơi. Vừa đến nơi, ghếch xe đạp lên thềm, bạn tôi đã thú thực:

- Nhịn từ hôm qua, chưa được hút đây!

Tôi xưa nay vẫn buồn cười vì tính anh ấy nóng nảy như lửa, và thực thà như đếm, cho nên anh ấy mà nói thế, tất là con nghiện đã làm khổ anh ấy lắm rồi. Bởi vì tôi nhận thấy những ông nghiện thuốc phiện đến chơi bạn đồng chí, mà chủ nhân có giở tĩnh ra, thì dù mục đích ông khách chỉ là cốt gạ gẫm dăm ba điếu, nhưng khi chủ có tiêm xong mà mời, thì cũng cố làm giá, nhăn mặt lắc đầu, đẩy cái dọc tẩu ra mà nói:

- Không sao được nữa! Tôi vừa hút ở đằng kia, say lắm rồi!

Thế rồi, hình như chủ cố ép lắm, khách mới miễn cưỡng mà "vô phép" hút một điếu, rồi hai điếu, rồi miễn cưỡng cả đến điếu thứ mười, điếu thứ hai mươi, rồi miễn cưỡng hút "củ tỷ" đến tận điếu cuối cùng xái "hợi"!

- Tôi nể ông quá!

Cho nên bạn tôi lấy thân tình mà không giấu diếm như thế, thì trước khi mời được bạn ăn cơm trắng cho ngon lành, tất phải để bạn ăn cơm đen đã!

Chuyện bạn tôi nghe vui lắm. Nhất là khi đã "ken cờ" rồi, mà anh ấy tán và pha trò, thì tôi tính bụt cũng phải nhếch mép! Vì đã lâu khao khát chuyện anh ấy, nên tôi sai người nhà mượn ngay bàn đèn. Bạn tôi tươi cười, nói:

- Tốt lắm!

Dứt lời, anh ấy than thở cái cảnh thuốc xái bô xu, lắm lúc đói phiện thì cực quá, nhưng lúc kiết mà được một bữa người ta thết thì hút vô tội vạ, sướng "thấy ông bà ông vải"! Anh ấy tả cái cảnh say thuốc phiện cho tôi nghe, đôi mắt lim dim, tơ lơ mơ như mộng như tỉnh, linh hồn như bay như cuốn lên thế giới thần tiên, nào nịnh vợ, nựng con, nào đánh bàn, lau ghế, đương đêm cũng trở dậy để đóng lại chiếc khung ảnh trên tường, hoặc đánh thức người nhà, bắt kê lại đồ đạc.

Những khi chưa có thuốc, làng bẹp ta hay có lối ranh thế đấy! Cứ tưởng tượng đến lúc say phè để dối "lương tâm" cho đỡ ngáp!

Một lát, thằng người nhà bưng cái bàn đèn về. Như người được của, bạn tôi mừng rú lên khen:

- Anh này nhanh nhẩu nhỉ!

Thằng người nhà này xưa nay vẫn nhanh nhẩu lắm, tôi biết tính bạn cho nên mới sai đến nó. Đặt bàn đèn lên giường xong, tôi bảo nó đi mua thuốc. Bạn tôi hỏi:

- Ở đây, có ai bán thuốc ngang không?

- Có.

- Chỗ mua gần hay xa?

- Cách đây độ ba cây số.

- Còn có chỗ nào gần hơn không?

- Chỗ ấy là gần nhất.

- Thế thì lâu lắm nhỉ!

Nói xong, bạn tôi ngáp luôn hai chiếc, rồi hắt xơi! Tôi đưa tiền cho thằng Cam người nhà, và bảo:

- Mày phải chạy ba chân bốn cẳng, tao hẹn cho một giờ phải có thuốc.

Cam vâng xong, liền đi ngay, nhưng bạn tôi gọi giật lại:

- Này! Anh gì ơi!

Tôi hỏi:

- Anh cần thức gì nữa?

- Nó có biết đi xe đạp không?

- Có.

- Thế thì bảo nó lấy xe đạp của tôi mà đi cho chóng.

Bạn tôi bảo nó:

- Anh lấy cái xe đạp này mà đi, mau lên! Rồi chốc nữa, tôi bảo cậu anh thưởng cho anh một hào nhé!

Thằng người nhà thấy nói được đi xe đạp, mừng rơn, có lẽ mừng như bạn tôi được hút, vì nó mới biết đi độ nửa tháng, mà ngày mới tập, có khi nó bỏ cả công việc, có đồng nào thuê xe đạp hết cả. Có một lần tôi tức, đến phải đánh nó, nó mới chừa.

° ° °

Cam dắt xe đạp đi, nhảy tót lên yên, rồi đạp tít. Bạn tôi trông theo, cười ha hả, nịnh Cam mấy câu nữa, rồi khen tôi:

- Số anh được cung nô bộc tốt đấy!

Xong, bạn tôi ngồi xếp bằng tròn trên giường, đánh diêm châm đèn, cắt cái bấc cho đều, uốn cái ngọn cho thẳng, rồi sắp tẩu vào dọc, mút kêu chùn chụt, ngồi chờ; nhưng muốn có việc làm nữa cho quên sự mong, anh ấy lau lại cái chụp cho thật trong, xếp lại các tiêm móc cho thật ngay, và lau lại cái khay cho thật bóng, rồi rủ rỉ nói:

- Cái bàn đèn này sạch sẽ đấy. Nhiều người nghiện để bẩn thỉu quá, lúc mượn về, còn phải lau chán chê rồi mới dám hút. Nó đi độ bao lâu thì về nhỉ?

- Độ hơn hai mươi phút.

- Bây giờ đến nơi chưa nhỉ?

- Có lẽ nó đang mua.

- Ba cây số kia mà?

- Nhưng được đường trải nhựa, xe đạp đi chóng.

Nói xong, bạn tôi lại ngáp và hắt xơi, trước còn thưa, sau mau dần, rồi hắt xơi đổ hồi. Hắt xơi cái trước, bạn tôi còn cười, đến cái thứ hai, thứ ba, thứ sáu, thứ bảy, bạn tôi không cười nữa, mà đã hơi phát cáu, rồi nước mắt nước mũi giàn giụa ra:

- Lâu lắm nhỉ! Khó chịu quá!

- Chờ độ năm phút nữa thì nó về! Làm gì mà cuồng lên thế?

Lúc ấy càng ngáp, càng hắt xơi, nước mẳt nước mũi càng như người khóc, mùi soa lau mãi, chỉ tổ đỏ hỏn đầu mũi lên mà thôi. Muốn chữa thẹn, bạn tôi nói:

- Anh trông tôi đã khổ chưa! Anh nên lấy mà làm gương! Anh xem nó đã về chưa?

- Đừng nóng ruột. Chịu khó chờ, nó về bây giờ đấy.

Bạn tôi im, rồi để tay sờ soạng cái ấm tích nước chè hột nóng hôi hổi, rồi lại khêu to ngọn đèn, nhưng xem chừng đã lóng cóng lắm, rồi buột mồm, anh chửi luôn thằng người nhà chậm chạp!

Tôi nóng ruột thay cho bạn, thỉnh thoảng phải chạy ra cổng để ngóng, nhưng đến mười phút, mười lăm phút, cũng chẳng thấy chi; lúc trở vào, tôi thấy bạn tôi nằm bẹp gí, tay phải cầm cái tiêm giơ lên và lăn lăn như người tiêm, tay trái vê vê không, như người vê điếu xái.

Khi nghe tiếng giầy tôi, anh ấy mở choàng mắt và hỏi:

- Thuốc có tốt không?

Tôi ngượng quá, trả lời bằng một câu thất vọng:

- Nó chưa về.

Lần này thì bạn tôi chửi nó thực, chứ không buột mồm nữa. Nói xong, vắt cánh tay lên trán, nằm thẳng cẳng, chẳng nói chẳng rằng. Tôi cố gợi chuyện cho bạn quên con nghiện, nhưng khó quá. Bạn tôi nể tôi, lim dim con mắt chỉ trông thấy lòng trắng, thỉnh thoảng ừ ào ú ớ như người mơ ngủ. Tôi hét to tướng bên cạnh tai, không biết bạn tôi có nghe rõ không, nhưng hễ có tiếng kẹt cống khẽ, hoặc tiếng chuông xe đạp ở đằng xa, thì bạn tôi nhổm dậy thực mau, tỉnh như con sáo, rồi ngơ ngác nói:

- Ờ! Quái lạ! Vẫn chưa phải nó. Hay là nó ăn cắp tiền và xe đạp rồi. Anh này không biết nuôi người nhà!

- Đừng ngờ oan! Nó thực thà lắm, ở với tôi đã năm sáu năm nay cho nên tôi biết tính.

- Chớ quá tin người, càng những đứa thật thà mới khỏe ăn cắp. Tôi trông thấy mặt nó, tôi đã đâm nghi. Liệu mà tống cổ nó đi!

Tôi cười. Bạn tôi phát gắt cả với tôi:

- Tôi nói đùa với anh đấy à?

Khốn nạn! Bạn tôi nói những câu chí lý, chứ có phải nói đùa đâu, như câu cách ngôn "Càng những đứa thực thà mới khỏe ăn cắp", tôi nào dám cho là vô lý, là nói đùa!

Nhưng tôi biết làm thế nào được? Tôi ái ngại cho anh ấy thực, nhưng hiện bây giờ tôi biết trả lời sao?

° ° °

Tôi bèn cũng ngả lưng bên bàn đèn, và nói chuyện vậy. Tôi cũng biết rằng tôi nói thì tôi nghe, chứ bạn tôi còn ruột gan nào mà để tai vào câu chuyện không thơm, không khói, không bổ ích cho linh hồn thân thể anh một mảy may! Cái mùi soa đã ướt đẫm, bạn tôi cũng không dùng nó nữa, cứ mặc kệ cho nước mẳt nước mũi chảy ra lướt mướt, đành nằm ngay như thằng chết mà thở ngắn thở dài! Chắc lúc bấy giờ bạn tôi không còn hy vọng gì to hơn là được trông thấy thằng người nhà tôi nó hớn hở chạy vào, tay giơ cái hến thuốc phiện!

° ° °

Bầu dầu đã cạn, ngọn đèn đã hoa, đầy tớ tôi vẫn chẳng thấy tăm bóng. Khổ quá! Giá tôi có nhiều đứa ở, không bận việc đồng áng, thì tôi quyết sai một đứa đi xem sao, nhưng thực là cả nhà chỉ còn mỗi một con bé con, nó đang dọn cơm ở dưới bếp. Mà chẳng lẽ tôi lại bỏ bạn nằm trơ một mình mà đi hay sao? Lỡ tôi cũng mất hút, thì hẳn bạn tôi lại lẩm bẩm:

"Thầy trò mày về hùa với nhau để xỏ ngầm ông!"

Lúc mâm cơm bưng lên, tôi đập, thức bạn tôi dậy, bạn tôi xua tay không trả lời.

- Dậy xơi cơm, anh!

Bạn tôi lại xua lấy xua để và lắc đầu.

- Ăn cơm xong thì nó về.

- Nó về rồi à?

Bạn tôi lại choàng mắt dậy. Lúc biết mình nghe lầm, bạn tôi nói:

- Thôi, mời anh xơi cơm, cho tôi nằm yên một tí.

Tôi biết rằng không thuốc phiện thì anh chẳng thiết gì, đến con ruồi đỗ mép cũng không buồn đuổi, cho nên đành để cho anh ấy nằm yên. Nhưng nào anh ấy có nằm được yên! Thỉnh thoảng lại ự ự, chân tay thì buồn bã, sờ cái nọ, vớ cái kia; lúc thì giãy đành đạch, trông mà đâm sợ!

Chờ đến hai, ba, bốn giờ cũng chẳng thấy bóng thằng Cam đâu cả, mà tôi cũng không hiểu vì lẽ gì nó đi lâu thế, hay đã xảy ra tai nạn ở giữa đường chăng?

Bạn tôi nằm yên được một lát, rồi trở dậy, mặt xám hơn con gà cắt tiết, đi loạng choạng như người say rượu, được vài bước, lại về nằm vật lên giường, mặc liều cho cô ả Phù Dung làm tình làm tội.

Lúc ấy đã bốn giờ chiều. Bạn tôi không cơm trắng, không cơm đen, ra dáng mệt lử. Thì may quá, tiếng lạch xạch ở ngoài cổng, thằng Cam dắt xe đạp về...

Tôi mừng rú, đập bạn tôi dậy. Anh ấy trông thấy nó, mặt hầm hầm như con hổ thấy con bò, suýt vồ lấy nó mà nuốt sống. Giá không trông thấy trong gan bàn tay nó có cái hến con, thì không biết anh ấy đã đạp nó đến mấy mươi cái! Tôi cau mặt, mắng nó:

- Sao mày đi lâu quá thế?

Thằng Cam thở hồng hộc, mặt xám như con gà cắt tiết, nghĩa là gần xám bằng bạn tôi; vừa sợ vừa mệt, nó không nói được. Bạn tôi diếc nó:

- Lạy bố! sao không đến tối bố hãy về!

Tôi nói tiếp:

- Ông ấy cơn nghiện đến nơi, mày làm thế, thà mày giết ông ấy còn hơn!

Nó lạy van tôi, nó không dám thú thực.

Ngày hôm nay, bạn tôi về, thằng ấy mới dám nói rõ vì sao nó về chậm. Thì ra bố ấy vác xe đạp của người ta đi bố ấy quần. Lên pê-đan! Tụt hậu! Rồi bố ấy ngã, đánh quằn cả bánh. Bố ấy sợ, bố ấy phải đem đi chữa, không dám về nữa!




25 Mars 1933


Trong Tập truyện ngắn "Kép Tư Bền"
Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản (Nhà in Tân Dân, 1935).



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF


Tham khảo: Các bài viết liên quan
Mời đọc các truyện ngắn về "làng bẹp":
1. Giết nhau - 1933
2. Mưu làng bẹp - 1938
3. Chừa thuốc phiện - 1939

Nguyễn Công Hoan, Hộ đê


Trích truyện dài Thanh đạm. Tên bài do người chọn tạm đặt.


Chỉ huy đắp đê, chỉ huy giữ cho đê khỏi vỡ, tưởng làm quan ở ta xưa kia còn có trách nhiệm nào cơ bản hơn, lớn lao hơn.

Quan mà ra quan, như khi nước chưa bị chiếm, thì nhất định không coi thường cái trách nhiệm ấy như tên cẩu quan thời Pháp thuộc của Phạm Duy Tốn (xem "Sống chết mặc bay").

Trong buổi thịnh trị của thời quân chủ, quan nếu không thương dân được như con, thì chắc chắn đa số cũng thương dân được như cháu. Không "dân chi phụ mẫu", cũng "dân chi thúc bá"!

Cái hình ảnh đáng kính của bậc cha mẹ, chú bác dân được lưu truyền đến Nguyễn Công Hoan, thành ra bài văn nhiệt liệt sau đây.

(Thu Tứ)


Nguyễn Công Hoan, Hộ đê



[...]
Nói đoạn, ông mặc áo tơi, đội nón, bước chân ra ngoài mưa. Giọt nước to bắn rát cả mặt. Ngọn gió vu vu thổi bạt cả hơi. Nhưng ông cứ hăng hái. Nha lại Mĩ Hào phải theo sau. Ðến chỗ đông phu phen, ông dừng lại, nhìn họ một lát, rồi nói to:

- Các phu phen, hãy ngừng tay lại, nghe ta nói!

Mọi người im phăng phắc.

- Các anh phải cố giữ cho vững khúc đê này. Giời này còn mưa. Mà có khi bão to hơn nữa. Mà gió to, mưa to, ấy mới là nguy hiểm. Nhưng hãy quay cả lại, nhìn phía ruộng kia. Lúa má xanh tốt thế, mà không biết chừng bị ngập lúc nào đó! Song, không những lúa má bị ngập mà thôi đâu, nhà cửa các anh, của cải các anh, cả phần mộ tổ tiên các anh, không biết có được vững bền không đấy! Lúa má, nhà cửa, của cải, phần mộ có còn, cũng là do các anh có hết lòng hay không. Hai cánh tay các anh bây giờ mới là vật đáng quý, các anh phải lấy hết gân sức, dấn một hôm, hai hôm, để cứu lấy những thức quý hóa. Các anh không gắng dùng hết sức của hai cánh tay trong một, hai ngày này để giữ vững đê, thì các anh phải gắng sức gấp mười trong mươi, mười lăm năm, mới lại được như hiện giờ. Giời mưa, lại bão. Các anh làm việc vất vả. Ta biết công cho các anh lắm. Ta là quan, tuy không có phần nào thiệt hại chung với các anh đâu, nhưng không đành tâm trông thấy các anh khó nhọc. Ta khuyên các anh nên mặc gió, mặc mưa. Ðây này, ta không muốn hưởng sung sướng hơn các anh đâu!

Nói đoạn, ông bỏ nón, cởi áo tơi, và tụt guốc ra, đưa cho người lính theo hầu, rồi vừa xắn áo vừa tiếp:

- Ta cũng chịu một phần khổ với các anh.

Ai nấy kêu la rầm rĩ:

- Không, xin quan lớn đừng thế!!

Quan Huyện nói to một lát đã thấy rát cổ. Gió lại làm bạt tiếng đi, nên ông phải nói to hơn:

- Thôi, các anh đừng nhìn ta nữa, lại bắt đầu làm việc đi. Lát nữa, sẽ có ba trăm người đến họp sức với các anh. Khúc đê này không vỡ được! Các anh phải tin thế!
Mọi người phấn khởi, rất hăng hái.

Chánh tổng ái ngại cho quan, nhăn nhó nói:

- Xin rước quan lớn mặc áo và đội nón.

Quan Huyện lắc đầu:

- Không, hãy cứu được khúc đê này đã.

Rồi ông bảo lý dịch đứng ốp phu:

- Các thầy nên thương con em. Phải ngọt ngào cho chúng nó vui lòng làm việc. Các thầy vứt cả roi mây đi. Tôi nghe nói ai đánh đập một tên phu nào, sẽ thẳng tay trừng trị.

Nước mưa thấm qua ba lần áo, quan Huyện đã thấy lạnh. Khăn và tóc ông đẫm những nước. Mặt ông xám ngoẹt. Ðứng trước gió, ông lạnh run lên. Nhưng nhìn lũ dân reo hò vui vẻ, ông đi đi lại lại, quên cả mưa bão.



Càng mưa. Càng gió. Gió ào ào. Mưa ào ào. Tạo hóa như muốn thỏa cơn thịnh nộ. Gió giật từng cơn rít trong cây. Luồng tây bắc thổi lại, đè dí thân cây xuống. Các cành cây trụi lá như cuồng dại, đánh vào nhau cuống quýt. Những hạt mưa như thi nhau chạy hết tốc lực về phía đông nam. Rồi cây gãy, mái tốc. Ngói tung lên từng mảng, bay đi xa, rơi xuống, vỡ loảng xoảng. Rồi cây đổ, nhà đổ. Hạt mưa mau làm mờ cả những nơi gần. Nước sông chảy cuồn cuộn, mỗi lúc một lên cao. Sóng lăn đi, quật vào mạn đê, vỡ tung ra đánh ầm. Trời như căm người kiên tâm. Nước như giận con đê còn đứng vững. Trời, nước hợp sức nhau để tàn phá. Thỉnh thoảng, năm sáu làn sóng dồn dập, lăn xả vào sườn đê. Nếu không có con trạch be thì đã nhẩy xổ được sang đến đồng rồi.

Nhưng, theo gương quan Huyện, bọn phu vẫn bình tĩnh, vui vẻ làm việc. Hôm nay, năm sáu trăm người đứng ở giữa nước, vì trên là nước, dưới là nước, xung quanh cũng là nước, không một ai đội nón. Vì đội để làm gì? Nón có che được mưa này đâu! Ðể trên đầu, chỉ tổ bận tay phải giữ, vì quai nào lại được với sức gió! Họ như không để ý đến bão, đến mưa. Họ vẫn nhanh nhẹn lấy mai xắn đất, chuyên tay nhau những tảng lớn, để phụ vào con trạch cho to thêm. Dân mỗi làng một quãng đê. Họ thi nhau làm, xem bọn nào tất lực. Họ vẫn đùa nhau, vẫn cười vui vẻ. Từ quan, cho đến Chánh phó tổng, Chánh phó lý, ai nấy ướt như chuột lột, quần áo dán sát vào thân, môi thâm sịt, rét run lẩy bẩy, nhưng không ai nói đến chuyện mưa, chuyện gió, không ai cầm một cái roi vọt để thị uy. Ai cũng ngọt ngào, dù cần phải gióng giả con em làm việc. Họ nghiệm từ hôm qua, là làm những việc không công như đi phu đắp đê, hễ người cầm đầu mà ngọt ngào thì ai cũng tất lực, tất lực hơn mọi ngày phải trừng phạt bằng cách chôn chân hay cách đánh đập. Họ thấy lần này, phu phen và vật liệu, lấy dễ dàng hơn, dù mọi lần, công việc không vất vả bằng. Không có một người nào trốn. Không có một cây tre nào bị thải. Ai nấy đều vui lòng vâng mệnh quan mà chịu nhọc nhằn. Lý dịch không phải nài ép, bắt bớ ai, mà trong khi làm, không phải dọa dẫm, đe nẹt gì. Cây roi mây, lời quát tháo, không phải những thứ đắc dụng nữa.

- Nhà tôi dễ tốc hết mái!

Một người chợt nói thế. Người khác đáp:

- Nhà tôi tất đổ rồi!

Lại người khác nói:

- Nhà tôi cũng chẳng vững vàng gì!

- Nhưng tôi kệ thây, đã có đàn bà, trẻ con ở nhà.

Một giọng thân mật trả lời:

- Phải, mình giúp tay vào cứu lấy đê, nó mà vỡ thì mấy trăm, mấy nghìn nhà đều đổ sụp, dù là những nhà vững nhất.

Người ta quay lại, thì té ra là quan Huyện Văn Lâm. Quan Huyện mỉm cười. Và thấy có mặt ông, họ lễ phép, ngượng nghịu, nên ông nói luôn:

- Các anh có thấy bao giờ bão to như năm nay không?

- Dạ, lậy quan lớn, cái trận bão năm Thìn cũng to, đổ cả đình làng Vàng.

Một người khác bẩm:

- Bẩm, từ sáng đến giờ vẫn gió tây bắc.

Quan Huyện gật:

- Phải, từ đầu giờ Mão, bây giờ cuối giờ Thìn rồi.

- Thế thì, lậy quan lớn, bão năm Thìn chỉ gió mạnh hơn trận này, nhưng không lâu bằng.

- Vậy ra trận này tai hại hơn à?

- Dạ. Rồi lát nữa, gió xoay chiều mà lại mạnh và lâu như thế này, thì cây cối, nhà cửa nào đứng vững được!

- Tôi mong cho gió chóng đổi, chứ như bây giờ, thì chả cần sóng đánh vào đê, chỉ gió cũng có thể làm đổ đê được.

- Lậy quan lớn, liệu có khỏi lụt được không ạ?

- Các anh làm việc tận tâm như thế này thì dù mưa, dù bão to nữa cũng không hề gì. Tôi nói gió làm đổ đê là nói chơi, chứ Trời, Phật, Thánh, Thần nào nỡ phụ công các anh! Chỉ có là gió tây bắc còn dai, ta còn vất vả mà thôi. Chứ nếu không hy vọng gì, tôi đã chả bắt các anh phải khó nhọc!

Một người đáp:

- Bẩm, khó nhọc thì có khó nhọc, nhưng mà chúng con chưa thấy bao giờ lại vui vẻ như thế này.

Quả vậy. Trông mặt họ, ai cũng biết là họ kiên chí và tận tâm. Họ cặm cụi làm việc. Chưa lúc nào họ uể oải. Từ đầu đến chân, ai nấy đất bùn như trát, tuy mưa dội xuống, nhưng không trôi đi được. Quan Huyện cũng lấm hết, Ông xắn quần đến đầu gối, chân đi đất, tay chống gậy cho đỡ trơn ngã. Ông đến chỗ nọ chỗ kia, nói chuyện với bọn này bọn khác. Ông rất vui lòng, vì gần dân, ông rõ ràng họ sợ ông nhưng vẫn yêu ông, mà cả sợ lẫn yêu là do thật bụng cả.

Bỗng người ta reo lên:

- A, gió đã đổi!

Ai nấy ngấc cổ lên nhìn. Ngọn cây bây giờ đã ngả về phía đông. Và hình như sức gió đã hơi yếu. Tuy vậy, cây nào cây nấy vẫn gục xuống, đứng lên, có vẻ khốn nạn như lậy lục vì bị đau đớn.

Quan Huyện cho bắc loa gọi:

- Quan truyền gió đã đổi và yếu, đê có thể vững được, cho anh em nghỉ tay một lát.

Tiếng loa đi xa nhưng bị mưa ào ào, không mấy người nghe rõ. Song từ miệng nọ truyền sang miệng kia, chỉ trong một loáng, phu ngừng làm việc. Cán mai chổng ngược lên trời. Quang, thúng nghiêng ngả. Họ khum hai bàn tay vào nhau, hứng lấy nước, rửa mặt. Rồi sẵn mưa rào dội xuống, họ kỳ cọ chân tay, mình mẩy. Họ pha trò, tiếng cười vang dội khắp mọi nơi. Nhưng bỗng tiếng cười to hơn, vì giữa lúc họ đương tắm mưa thì nguồn nước tự nhiên ấy ngớt đi. Thành thử họ lại bôi bùn thêm khắp mình.

Một người ngửa lên trời, giục:

- Mưa nữa đi, người ta đang tắm dở dang!

Lại những hồi cười dòn tan. Người nọ nhìn người kia, chế nhạo nhau bằng những lời ý vị.

Bỗng khu làng nào, thấy Phó lý ấy đến. Tay hắn cầm nón úp lại, nhưng không che lên đầu, mà trong nón lại có khói bay ra. Bọn phu bảo nhau:

- Chắc quan truyền lại bắt đầu làm.

Rồi họ đố nhau:

- Ðố ai biết thầy Phó cầm gì?

Người đoán thế này, kẻ đoán thế nọ, nhưng không đúng. Vì sự thực không ai ngờ đến. Khi Phó lý đến gần, mới nói:

- Nào ai hút thuốc thì lại, quan phát lửa cho đây.

Họ nhìn mồi rơm che nón, nhưng chợt nghĩ ra, lại cười ồ:

- Ai cũng thèm hút, nhưng chỉ phải một nỗi, là giời tẩm cả thuốc bằng nước mưa mất rồi.

- Có sẵn đây, quan thưởng mỗi làng một bánh, tha hồ hút. Quan bảo hết lại có.

- Thuốc lào ở đâu mà quý hóa thế?

- Quan vừa bảo cụ Chánh cho quan mua đấy.

Bọn phu xúm cả lại, quây quanh chiếc điếu cầy. Anh nọ thổi lửa, nhờ mấy người đứng che gió, rồi ghé điếu xuống dưới nón, ngửa cổ lên rít một hơi dài, rồi đưa anh kia đã chìa tay đón sẵn.

- Ban nãy mải làm việc, không ai nhắc đến hút thuốc nhỉ!

- May mà quên, chứ thèm thì làm thế nào?

- Ðành chịu!

Thuốc ngon quá! Có anh nghiện nặng mà đã nhịn lâu, hút một hơi thực dài, rồi nuốt chửng cả khói vào ngực, một lát, mới mắt lờ đờ, há rộng miệng, thở ra. Có anh hút đến lần thứ hai cho bõ cái khổ phải nhịn từ sáng.

- Nghỉ được đến bao giờ, hở thầy?

- Bây giờ, ai có cơm lấy ra mà ăn, đến Ngọ lại bắt đầu làm.

- Quan truyền thế?

- Phải.

- Thầy liệu cái gió này rồi có mạnh và lâu như buổi sáng không?

- Không thể biết trước được, nhưng quan bảo hiện giờ gió thổi theo dọc đê, thế là vững, không sợ sóng, dù nước lên to đã có con trạch, không cần. Nên bây giờ, nhân lúc ngớt này mà nghỉ ngơi, ăn uống.

Dân phu tản mỗi người một nơi. Họ đến chỗ để lương thực. Họ có cơm và muối vừng, hoặc tôm rang, gói trong mo. Nhưng cả cơm lẫn thức ăn đều ướt đẫm. Họ bốc cơm chấm vào đồ ăn. Cơm của họ đỏ và rời rạc, nguội lạnh, lại ướt át. Nhưng họ ăn ngon lành lắm. Những người có thức ăn khác nhau, hợp lại một bọn, cùng hưởng với nhau. Vừa ăn, họ vừa nói chuyện về đê, về bão. Họ hỏi Phó lý:

- Không biết liệu làng ta có nhiều nhà đổ không?

- Thôi, quan bảo đừng lo nghĩ gì đến việc ấy vội. Ðáng lẽ các anh phải ở đây ba hôm, nhưng vì suốt ngày hôm nay vất vả, quan đã cho đi bắt bọn khác để thay rồi. Chiều nay, bọn mới đến, ta được về, tha hồ mà chữa nhà.

Họ mừng quá, hỏi lại để đỡ ngờ vực:

- Thật à? Quan truyền thế à?

- Quan đã cho trát đi rồi.

Họ vỗ tay reo lên, báo cho nhau tin mừng. Họ nhìn qua cánh đồng trắng xóa những nước, về tới làng họ:

- Quan... nhân đức quá. Ngài thương dân như con...

Phó lý gật đầu:

- Cái đó đã hẳn.



______________________
Trích truyện dài Thanh đạm. Tên bài do người chọn tạm đặt.

Sách "Kép Tư Bền" - Tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan


Tập truyện ngắn



Kép Tư Bền

Nguyễn Công Hoan



Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản (Nhà in Tân Dân, 1935)





Lời bạt

Đoàn Ánh Dương


Nguyễn Công Hoan (1903-1977) viết báo, viết văn từ những năm 20 của thế kỷ 20, đến các tác phẩm ký, truyện ngắn và truyện dài viết vào đầu những năm 30, ông để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Kép Tư Bền (Tân Dân, 1935), tập tuyển 15 truyện ngắn Nguyễn Công Hoan viết những năm cuối thập niên 20 đầu thập niên 30, trở thành dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác của ông, cũng là dấu chỉ cho một bước ngoặt chuyển đổi quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại.

Kép Tư Bền ngay khi ra mắt đã được Hải Triều tán dương nhiệt liệt 1 . Gắng đi tìm một tác phẩm Việt Nam tỏ rõ được chủ trương "dân sinh" và "nghệ thuật vị nhân sinh" của mình được trình bày trước đấy không lâu, Hải Triều đã vui mừng tìm thấy ở "những bức tranh rất linh hoạt" về hiện trạng xã hội "dưới ngọn bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan" trong tập truyện Kép Tư Bền. Hải Triều đánh giá cao Kép Tư Bền là bởi ông thấy ở trong đó nhà văn đã miêu tả một cách "bình dị mà thiết thực" đời sống cũng như tâm tư của những hạng người bần cùng, dưới đáy, khiến người đọc dù vô sự đến mấy "cũng nghe thấy như bồi hồi man mác, cái bồi hồi man mác tự nhiên của một con người có chút tình đối với nhân loại". Chiếu Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan vào cái khung quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh" của mình, Hải Triều thấy tác phẩm đã mang chứa cả hai đặc điểm quan trọng của trào lưu này: hình thức có khuynh hướng về tả thực, nội dung có khuynh hướng về xã hội, dầu về phương diện tả thực "tác giả đã đạt đến mục đích một phần lớn rồi" còn về "phương diện xã hội thì chưa hoàn toàn". Với Hải Triều, dẫu phương diện xã hội của tác phẩm còn "đương phôi thai", Kép Tư Bền "có thể nói rằng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho cái tư triều văn nghệ tả thiệt và xã hội ở nước ta". Mượn lời Thái Phỉ từ cuộc tranh luận xung quanh việc sao chép, ảnh hưởng hay viết lại Đoạn tuyệt (Đời Nay, 1934) của Nhất Linh trong Cô giáo Minh (Tân Dân, 1935) của Nguyễn Công Hoan cũng đang sôi nổi lúc bấy giờ, Hải Triều cho rằng Kép Tư Bền thuộc về cái "thế giới mới nhóm", và cũng vì nó thuộc về cái thế giới ấy "nên mới có bài phê bình này".

Câu chuyện xung quanh Kép Tư Bền lúc bấy giờ trở nên "có vấn đề" bởi sự thực Hải Triều đã không chỉ phê bình tác phẩm mà còn nhân đó, phê phán một cách gián tiếp chủ trương "nghệ thuật vị nghệ thuật" của Thiếu Sơn bằng cách dẫn ý của nhà phê bình này ra để lên án. Nếu có thể gạt sang một bên cuộc bút chiến mới bắt đầu nhen nhóm giữa Thiếu Sơn và Hải Triều trước đó để nhìn riêng về cách hai nhà phê bình này đánh giá riêng về trường hợp Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan thì có một điều bất ngờ là những lời khen mà hai ông dành cho Nguyễn Công Hoan là khá tương đồng: đều chú ý đến những cảnh thương tâm những người cùng khổ, giọng văn linh hoạt tài tình, đặc biệt là tiếng cười trào phúng 2 . Nhận định về Kép Tư Bền như thế tiếp tục được lặp lại ở Hoài Thanh, người thổi bùng lên ngọn lửa tranh luận "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh", khi Hoài Thanh phê phán lối phê bình Kép Tư Bền của Hải Triều mà ông cho là sai lầm, do không dựa trên văn chương để phê bình tác phẩm 3 . Vì sao nhận định giống nhau mà vẫn tạo thành tranh luận? Thực chất là khi phê bình, cả ba ông đều không dựa vào lý thuyết và phương pháp nào ngoài ấn tượng chủ nghĩa. Điều mà Thiếu Sơn coi là "nghệ thuật vị nghệ thuật" chẳng một lần được nhắc đến khi phê bình Kép Tư Bền, còn cái Hải Triều gọi là "nghệ thuật vị nhân sinh" dường như cũng chỉ tìm thấy trong Kép Tư Bền cái cớ chứng tỏ cho sự tồn tại của nó. Tranh luận xung quanh Kép Tư Bền, vì vậy, một phần dành cho việc nhận thức tác phẩm, còn phần lớn dành cho các vấn đề bên ngoài, vấn đề liên đới tới tập truyện, những vấn đề rồi ra đây sẽ trở thành thiết cốt tác động tới tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.

Nhìn từ bối cảnh ấy, bài "Văn chương là văn chương" của Hoài Thanh góp vào cuộc tranh luận một chỉnh sửa quan trọng: "Một bên nghệ thuật, một bên nhân sinh - tôi nói nhân sinh, tôi không nói dân sinh - bên nào khinh? Bên nào trọng?". Phân biệt "dân sinh" và "nhân sinh" theo Hoài Thanh cần thiết ở chỗ, "dân sinh chính nghĩa là sinh hoạt của bình dân", "nghệ thuật vị dân sinh" là nghệ thuật "giúp cho sự sinh hoạt của bình dân", "còn chữ nhân sinh nghĩa rộng hơn", "nói cho cùng nghệ thuật nào chẳng vì nhân sinh, không vì cái sinh hoạt vật chất thì cũng vì cái sinh hoạt tinh thần của người ta" 4 . Nói ra đều này, Hoài Thanh muốn phân định một cách rõ ràng hai trường lực (champ) đương tác động lên văn học Việt Nam bấy giờ: trường chính trị và trường văn học, để đi tìm tính tự trị của văn học bằng cách xác lập vốn tượng trưng (capital symbolique) 5 của nó. Trong bài phản bác Hoài Thanh, Hải Triều đã cải chính việc mình viết lầm "nhân sinh" ra "dân sinh", rồi khẳng định lại, "cái trào lưu nghệ thuật vị nhân sinh hay nói cho khít khao hơn là cái trào lưu nghệ thuật vị xã hội đích sinh hoạt (l'art pour la vie sociale)" 6 . Chỉ có điều, tuy có sự phân biệt "vấn đề dân sinh" với "nghệ thuật vị nhân sinh" nhưng mục đích tối hậu trong chủ trương của Hải Triều vẫn chỉ là để dành cho giai cấp cần lao, nhà văn cần ưu thắng cho giai cấp cần lao và nhân vật văn học tiến bộ cũng phải là đại diện cho giai cấp cần lao ấy. Với quan điểm giai cấp như thế, lại hội với không khí Mặt trận Dân chủ đang tấn tới, Hải Triều và "chiến tuyến hợp nhất" của ông với những Phan văn Hùm, Khương Hữu Tài, Cao văn Chánh, Lâm Mậu Quang, Sơn Trà, Hải Thanh, Hải Vân, Hồ Xanh... lên án Hoài Thanh và những người chủ trương, chia sẻ quan điểm "nghệ thuật vị nghệ thuật" đã không lấy văn chương phụng sự cho giai cấp lao động, mà tiếp tay bênh vực giai cấp giàu sang. Cuộc bút chiến cứ thế mà kéo dài sang đến năm sau, với phần thắng về mặt xã hội dường như nghiêng về "chiến tuyến hợp nhất", dù nhận thức về mặt nghệ thuật trong bản chất quan niệm "nghệ thuật vị nhân sinh" chẳng có gì tiến triển hơn ý kiến ban đầu mà Hoài Thanh nhắc đến: "nói cho cùng nghệ thuật nào chẳng vì nhân sinh..."

Tuy nhiên, việc từ phê bình văn chương, người ta nhanh chóng chuyển sang phê phán xã hội bằng văn chương, đã dần xác lập vị trí thống ngự của phê bình xã hội học marxist với việc nhấn mạnh vào tính giai cấp và quyết định luận kinh tế. Văn chương vì đó, khi chưa tìm được không gian tự trị cho mình đã hòa vào không gian tinh thần chung được đan dệt bài các tương tác văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, làm cho tính chức năng, tính tuyên truyền trội át so với tính văn chương nghệ thuật.
Đặt Kép Tư Bền và Nguyễn Công Hoan vào bối cảnh đương thời, chúng ta thấy rõ được các lực tương tác khác nhau đã góp vào việc định vị văn học đến thế nào. Rõ ràng, bối cảnh thuộc địa đã tác động đáng kể đến các chiều hướng lựa chọn quan điểm văn chương. Nó phân hóa các nhà văn khác nhau đã đành, trong mỗi nhà văn thường cũng có sự phân hóa. Nguyễn Công Hoan là một trường hợp như thế. Không phải ngẫu nhiên mà sau này việc định vị Nguyễn Công Hoan vào vị trí khởi đầu và có thành tựu nổi bật ở khuynh hướng hiện thực phê phán (tiến bộ) người ta vẫn thường phải rào đón sau trước, rằng có những thời điểm ý thức cách mạng của nhà văn chưa thật triệt để. Năm 1935 cũng có thể được coi là một thời điểm như thế, dù Kép Tư Bền với sau đó là Bước đường cùng (Tân Dân, 1938), luôn được coi là hai cột mốc quan trọng trong diễn trình văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Bởi ở đây chúng ta cũng thấy ngay một cắc cớ mà đương thời trong các cuộc tranh luận về "nghệ thuật vị nghệ thuật" với "nghệ thuật vị nhân sinh" người ta dường như bỏ quên/bỏ qua. Đó là cách đánh giá của Thái Phỉ khi ủng hộ Nguyễn Công Hoan "viết lại" Đoạn tuyệt của Nhất Linh được Hải Triều nhắc lại tới hai lần (người mở đầu cho "thế giới mới nhóm"). Bởi xét ở quan điểm giai cấp, giữa tư sản và bình dân, thì việc quy Tự Lực văn đoàn vào tư sản có thể khiến việc Nguyễn Công Hoan "đoạn tuyệt" với văn chương lãng mạn kiểu Tự Lực trong Cô giáo Minh là hợp logic trong đánh giá của họ. Song sẽ phải trả lời ra sao nếu xét ở quan điểm lịch sử, giữa phong kiến và hiện đại, sự "chỉnh sửa" Nhất Linh của Nguyễn Công Hoan lại chủ yếu khẳng định cho việc cải lương chế độ phong kiến? Và nữa, với tập Kép Tư Bền đang được chúng ta nhắc đến, đâu là dấu hiệu phân biệt/phân vai vị trí giữa các sáng tác có khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa và tự nhiên chủ nghĩa? Xu hướng lãng mạn thời kỳ đầu, trường hợp Thanh đạm (Đời Mới, 1942), Đống rác cũ (Văn Học, 1963)... trong sự nghiệp của Nguyễn Công Hoan đều dễ dẫn đến những phân hóa như thế trong đánh giá và tiếp nhận.

Nguyễn Công Hoan thuộc thế hệ nhà nho tân học khẳng định sự nghiệp ở nghề văn nghề báo như Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố... Nếu như Hoàng Ngọc Phách tựa chọn khuynh hướng văn chương lãng mạn làm phương tiện giáo hóa thì Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan lựa chọn khuynh hướng tả thực. Hình như căn cốt nhà nho trong họ khiến cho việc nhìn nhận văn chương không tách rời văn hóa, theo đó việc phân định tả thực có tính cách mạng, tiến bộ hơn lãng mạn trong nội bộ văn chương cũng không được đặt ra như ở các thế hệ sau. Tiến hóa luận hay quan điểm lịch sử dường như không nằm trong hệ quy chiếu của họ. Cái mà họ chú ý là tính cách thành thực và tự nhiệm. Điều đó làm cho việc đánh giá họ trong tổng thể hay trong từng trường hợp đều không đơn giản nếu không thông hiểu thế giới quan của họ, cái thế giới quan càng phức tạp bởi bị chia xẻ do nhiều tương tác trái chiều của bối cảnh giao thời. Nguyễn Công Hoan từ Xã hội ba đào ký đến Kép Tư Bền, và sau một chút là Bước đường cùng, là một quá trình đi từ tả thực đến xã hội, song luôn lấy tả thực làm căn bản (mà đã tả thực thành thực thì cố nhiên, sẽ có lúc thiên về tự nhiên chủ nghĩa, chứ chẳng phải do sự hạn chế nhận thức hay lựa chọn quanh co nào cả). Từ tả thực (hay "tả chân") đến hiện thực, nhất là "hiện thực chủ nghĩa" là những khoảng cách rất lớn trong các diễn ngôn thức nhận về văn học quá khứ. Tranh luận xung quanh Kép Tư Bền và rộng ra nữa không thể thiếu tác động của những tri thức uy quyền như thế.

Ngày nay, đọc lại tập truyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, chúng ta vẫn thấy được sức hấp dẫn của tác phẩm (nhất là trong các truyện "Kép Tư Bền", "Thằng ăn cắp", "Ngựa người và người ngựa", "Mất cái ví"...), như cái cách hấp dẫn chúng ta bởi các tác phẩm được cho là viết theo khuynh hướng hiện thực của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... Có lẽ là bởi tính chất "tả thực" của những tác phẩm này. Còn bởi cách thế tiếp nhận hiện thực của các nhà văn nữa. Văn chương Việt Nam ít khi thấy tiếng cười. Văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 là giai đoạn mà tiếng cười được cất lên đa dạng nhất. Sau tiếng cười có thể là tiếng khóc như trong Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Bất luận, việc phát hiện ra tiếng cười và nghệ thuật hóa nó là một thành tựu, một bước tiến hóa về mặt nghệ thuật, một phát hiện mới về mặt nhân sinh.


Hà Nội, IV. 2015

Đoàn Ánh Dương


--------------------------------
1 Hải Triều, "Kép Tư Bền, một tác phẩm thuộc về cái triều lưu nghệ thuật vị dân sinh ở nước ta", Tiểu thuyết thứ Bảy, số 62, ra ngày 3.8.1935.
2 Về ý kiến của Thiếu Sơn, xin xem "Báo Sống phê bình Kép Tư Bền", Sống, số 21, ra ngày 3.7.1935; in lại trong Tiểu thuyết thứ Bảy, số 61, ra ngày 27.7.1935, tức là ngay số liền trước số đăng bài phê bình của Hải Triều.
3 Hoài Thanh, "Văn chương là văn chương", Tràng An, số 48, ra ngày 13.8.1935.
4 Hoài Thanh, "Tiếp theo bài: Văn chương là văn chương", Tràng An, số 62, ra ngày 1.10.1935.
5 Các khái niệm trên đây là của nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu.
6 Hải Triều, "Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội", Tin Văn, số 6, ra ngày 1.9.1935.





Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF

Kép Tư Bền



nhatbook-Kep tu ben-Nguyen Cong Hoan-2015


Tác giả: Nguyễn Công Hoan
NXB: Hội Nhà Văn
Năm: 2015 (Nhã Nam)
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Định dạng: pdf



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF