Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

NGUYỄN CÔNG HOAN: “TRUYỆN LÀ BỊA Y NHƯ THẬT”


NHỮNG BẬC THẦY CỦA TÔI (Xuân Vũ): Phần III - CHƯƠNG XVI

NGUYỄN CÔNG HOAN:
“TRUYỆN LÀ BỊA Y NHƯ THẬT”

Xuân Vũ


Đó là câu nói cũng là bài học hay nhất của Nguyễn Công Hoan dạy tôi. Ông luôn luôn cười mím chi, cái cười trên gương mặt đôn hậu rất dễ mến, không nghiêm trang. Ông chỉ đến cơ quan khi họp, họp xong về ngay, nên ít có dịp tiếp xúc với đám trẻ. Từ ngày ông mua ngôi nhà trên Bưởi thì ông ở luôn trên đó, chỉ khi nào cơ quan cho người đánh xe lên rước, ông mới xuống. Do đó, ông là người ít nói kinh nghiệm cho ai nghe hơn hết.

Nhưng tôi có dịp may. Số là khoảng năm 59-60 chi đó tôi cố tìm được một nơi yên tĩnh để ngồi viết quyển Lửa Dưới Tro đã nói ở trên kia. Đó là ngôi chùa gần nhà ông.

Chiều chiều tôi thường đi ra trước cổng chùa để nhìn về phía Nghi-tàm mà nhớ Hà Nội, ở Hà Nội mà vẫn nhớ Hà Nội. Bỗng một hôm tôi gặp ông cũng đi dạo mát ở bờ Hồ Tây ngay trước cửa chùa. Đó là lần gặp riêng duy nhất của tôi đối với ông.

Sau vài câu chuyện mưa nắng, anh hội viên Xuân Vũ bèn phỏng vấn ông chủ tịch Nguyễn Công Hoan. Phỏng vấn hối hả và không có chương trình gì hết. Tôi hỏi:

– Xin cụ Hoan cho cháu biết cụ viết cái Bước Đường Cùng như thế nào?

Ông xua tay:

– Ấy chết! Đừng gọi tôi thế? Đừng gọi tôi thế!

Tôi chưng hửng, không biết mình hỏi thế có đường đột vô lễ gì không, thì cụ mỉm cười:

– Anh là người Nam nên không hiểu “Cụ Hoan” nghĩa là gì hả ? !

(Về sau tôi mới hiểu tiếng nói lái của miền Bắc khác miền Nam. Cụ Hoan có nghĩa là hoạn…)

Rồi cụ vui vẻ:

Bước Đường Cùng tôi viết trong 15 ngày. Bỏ nhà đi chỗ khác vắng vẻ viết một mạch. Xong, ra về, đưa đi in.

– Cụ không có chữa à ?

– Chữa trong lúc viết thôi.

– Dạ . Còn Lá Ngọc Cành Vàng?

– Cũng gần như vậy. Tôi viết giấy rời, tờ nào không vừa ý thì rút ra, viết tờ khác thay vào.

– Cụ lấy cốt truyện ở đâu?

– Tôi không lấy ở đâu cả, toàn bịa. Chỉ có tí sự thực tôi nghe được.

Quả thật sau đó tôi đọc các truyện ngắn của cụ do nhà xuất bản Văn Học in thành 4, 5 tập cả trăm truyện, tôi mới thấy điều của cụ nói là sự thực, toàn bịa ra cả. Mỗi tuần một truyện thì thì giờ đâu mà đi lấy tài liệu, đi thực tế như bọn trê chúng tôi bây giờ? Vả lại, ông là thầy giáo, làm sao bỏ lớp học được?

Ông nói thêm:

Truyện là bịa y như thật, anh nào bịa giỏi anh đó ăn!

Đó có vẻ là câu nói bình thường, nhưng đã được nhà văn Việt Nam Nguyễn Công Hoan đúc kết thành chân lý, nguyên lý của nghề viết truyện.

Nguyễn Công Hoan cho biết ông không đọc sách, ngoại trừ sách giáo khoa để dạy học trò. Còn tiểu thuyết, truyện nọ kia thì ông không đọc của ai hết vì: sợ khi viết rủi trùng với người ta mà không hay rồi mang tai tiếng. Ông ghét nhất là lý luận văn học. Ông gọi những nhà lý luận là “bọn ấy”. Chúng nó không sáng tác được, nên quay sang làm nhà phê bình, nhà lý luận. Chính ra từ sáng tác anh mới lý luận được, chứ từ lý luận đặt ra, rồi bảo người ta sáng tác theo đó, thì còn gì vô lý bằng. Chính nhà văn mới là nhà lý luận văn học.

Tôi không biết nên nghe lời ông hay không nên nghe, nhưng tôi cũng không bao giờ viết một bài lý luận.

Về câu nói “Truyện là bịa”, tôi càng viết càng thấy nó hay quá trời! Chính từ khi đặt bút viết truyện đầu tiên, mình đã dùng cái nguyên lý ấy rồi, nhưng không hay. Đến nay nghe ông “Tổ Bịa”, nên mới dám mạnh dạn mà “bịa”.

Trước kia, khi viết mình cứ sợ đi xa sự thật rồi nó không thật. Anh Nguyễn Huy Tưởng đã hết lời khen Vũ Trọng Phụng là sáng tạo phi thường cái Số Đỏ. Sự thật không có một anh chàng nào như Xuân Tóc Đỏ, như ông Minh, bà Văn, như ông Phán mọc sừng cả ! Nói cho văn học thì đó là sáng tạo, và nói theo kiểu bình dân như cụ Hoan thì đó là Bịa? Tức là tác giả nhặt một mớ đất sét ở đây đó khắp nơi, gom lại, chế tí nước, pha tí màu, rồi nặn ra các con rối, và đặt tên là Xuân, là Tuyết, là cụ Cố v.v… Các bạn đọc lại Số Đỏ xem, có cái đám ma nào vui vẻ kỳ lạ thế không? Có ông chồng nào như ông Phán mọc sừng không? Bịa hoàn toàn, nhưng thực, thực một cách tàn nhẫn! Sự thực trong sách hay hơn sự thực ngoài đời Có những lúc viết, tôi cứ ôm cứng cái sự thực, không dám đẩy nó lên một mức, vì sợ xa sự thực. Mà xa sự thực thì sẽ rơi vào tháp ngà mà ở trong tháp ngà thì là bố của tiểu tư sản và tư sản!

Bây giờ xem lại thấy Victor Hugo làm thơ toàn ở trong tháp ngà, và nhờ ở trong tháp ngà, ông mới làm được bằng ấy bài thơ có giá trị.

Vậy câu nói của Nguyễn Công Hoan bao trùm cả văn lẫn thơ. Riêng ở lãnh vực thơ càng phải bịa, bịa mạnh.
“Đêm nay rằm, yến tiệc ở trên trời”

“Chàng là Kim Đồng, thiếp là Ngọc Nữ!”

“Tôi ôm thiếu nữ vào lòng
Người yêu bỗng biến thành bông hoa rừng! “
Những hình tượng ấy không phải bịa thì là gì?

Từ khi tập tễnh cầm bút tới nay, tôi chưa thấy ai nói một câu đơn sơ mà có tính cách nguyên lý trong nghề viết truyện như Nguyễn Công Hoan. Đó là lý luận. Nhưng câu nói ấy không mấy ai chú ý, để bu vào theo những bài vở lý luận xa vời vô bổ làm cho người viết khó theo, run tay khi viết. Bịa phải chăng là tướng tượng? Này đây, tôi xin nhắc lại: những truyện Liêu Trai Chí Di của Bồ Tùng Linh có phải là bịa không? Có cậu học sinh nào yêu ma quái như vậy không?

Thời tôi đi học, đã nhắc lại ở những chương đầu, có quyển Thần Hổ của Tchya Đái Đức Tuấn, bọn tôi mê mẩn xem, bỏ cả học bài. Đó là một con cọp trắng hóa thành tinh ăn thịt người, nhưng có khi hiện hình là một tiên ông ca hát với đám tiên nữ. Đám tiên nữ cũng là một lũ ma trành, ma xó đi theo hầu hạ “tiên ông”.

Truyện vô cùng hấp dẫn cho học trò lẫn người lớn. Ngày nay không có cây bút nào đi vào làng bịa như Tchya nữa. Rồi truyện Dế Mèn của Tô Hoài, phải chăng là một trời bịa? Các truyện Chuột của anh cũng chỉ là một sự bịa. Bịa y như thật. Hãy bịa mạnh vào, nhưng nhớ là bịa y như thật.

Và đây nữa, truyện Tây Du, Phong Thần, Tam Quốc làm say mê tuổi học trò lẫn tuổi già của tôi. Hàng trăm tiên ông tiên bà, ngàn trang sách, toàn bịa là bịa, nhưng đọc cứ tưởng y như là thật. Có Trần Huyền Tăng không? Có Đường Thể Dân không? Có, nhưng trong chính sử, cả hai đều không đẹp như sự bịa của Ngô Thừa Ân. Nào là 7 con Nhền Nhện, nào là con Ba Ba tu dưới đáy sông 500 năm chưa thành tiên, nào là cái kim cô của Quan Âm niềng đầu Hành Giả. Nào là cả ngoại càn khôn, nào là thế giới loài khỉ ở Thủy Liêm Động, nào là quạt Ba tiêu của Bà La Sát có phép quạt tắt cả núi lửa. Tám mươi tai nạn mà Phật tổ Thích Ca cho Tam Tạng còn chưa đủ, phải bịa thêm một tai nạn thứ 81 . Đó là những cuốn “Vô Tự Kinh”.

Nhưng cái sự bịa ly kỳ nhất là Tây Lương Nữ Quốc, một nước chỉ có đàn bà, hoàn toàn không có một đấng mày râu khả dĩ cưới vợ được! Nguy hiểm nhất là triều đình nước Tây Lương này cũng toàn là quần vận yếm mang cả, vua thì gọi là Nữ vương, Thừa tướng, Thái sư, Nguyên soái để tóc dài và uốn quăn, đi mỹ viện xâm viền mắt và môi cả. Nhưng cũng chưa tuyệt, vì độc giả hỏi: Thế thì làm sao dân xứ này đẻ con? Thưa, có con sông gọi là “Mẫu Tử Hà”, công dân xứ này đến tuổi mười tám, nếu muốn có con, cứ ra đấy múc nước sông lên uống, thì sẽ chuyển bụng và mang thai, rồi sẽ hạ sinh con sau chín tháng mười ngày, đúng qui luật của tạo hóa như những bà vợ ở các nước khác. Nhưng có điều là chỉ đẻ ra cái đĩ chớ không ra thằng cu nào cả !

Trong dịp bốn thầy trò Đường Tăng lại đến xin VISA để đi nước khác, vua tôi đều mê mệt những gã đàn ông này. Bát Giới bỗng trở thành niềm ước của cả triều đình. Sa Tăng, Hành Giả mặt mày như thế mà vẫn được coi là đẹp trai. Nữ vương thì nói thẳng với Tam Tạng: “Trẫm sẽ nhường ngôi cho chàng!” Bạn có thấy ai bịa như Ngô Thừa Ân không? Đó nếu không gọi là Bịa thì gọi là gì? Có cái nước nào trên thế giới này như Tây Lương Nữ Quốc không? Thế nhưng cái bộ óc “Siêu Bịa” của Ngô Thừa ân đã tạo ra nó Y NHƯ THẬT.

Cho nên câu nói của nhà văn Việt Nam Nguyễn Công Hoan, nếu dịch ra một trăm thứ tiếng trên thế giới, thì nó sẽ là cây đuốc soi đường cho những ngòi bút sáng tạo toàn cầu. BỊA Y NHƯ THẬT! Trước ông một ngàn năm, Ngô Thừa Ân đã làm công việc đó. Nhưng Ngô Thừa Ân chỉ làm mà không nêu thành nguyên lý, cho nên sau ông có biết bao nhiêu nhà văn cứ ôm lấy sự thực mà đặt lên giấy, không dám bớt mà cũng không dám thêm, thành ra văn chương lắm khi bị lẩn quẩn trong vòng sự thực, tẻ ngắt, khô khan, ngô nghê ! Nhất là văn chương xã nghĩa. Chỉ khi nào tung hê cái sự thực đó đi ĐỂ LÀM NÊN MỘT SỰ THỰC KHÁC MẠNH HƠN, ĐẸP HƠN SỰ THỰC NGOÀI ĐỜI, thì văn chương mới trở thành văn chương được.

Có lần nhà văn Tô Hoài bảo tôi: Người ta đang đi theo lối viết người thật việc thật. Đó là nói láo! Chẳng ai viết truyện mà đem nguyên sự thực lên giấy bao giờ. Nếu có ai theo lối đó, thì chẳng bao lâu họ cũng sẽ bỏ đi, vì lối đó không khoa học và phản nghệ thuật. Khi cầm bút viết câu thứ nhất, là cậu đã bắt đầu sáng tạo rồi, nghĩa là cậu bắt đầu cắt xén hoặc tô vẽ cho sự thực.

Sau này nếu có một độc giả hỏi cậu: “Những điều ông viết ra có đúng sự thực hay không?” thì cậu đừng bao giờ trả lời là: “Tôi có gặp ông A bà B, và tôi ghi lại sự thực hoàn toàn!” Ngoại trừ làm phóng sự cho báo thì có thể, chứ còn viết phóng sự tiểu thuyết như Vũ Trọng Phụng, Tam Lang là đã có khối bịa tạc rồi!

Tôi nghĩ là câu nói của Tô Hoài bổ túc cho câu của Nguyễn Công Hoan. Bịa là một ngón nghề quan trọng nhất, cơ bản nhất cho nghề viết truyện. Bịa từ cốt chuyện, bịa tới nhân vật, bịa luôn cả những biến chuyển và kết luận. Đó là trí tưởng tượng kết hợp với khoa học và nghệ thuật. Đối với tôi những chữ “TRUYỆN LÀ BỊA Y NHƯ THẬT” đã trở thành nguyên lý viết truyện mà tôi càng áp dụng, càng thấy nó đúng.

Lâu nay tôi cũng có bịa, nhưng không mạnh tay. BỊA MUÔN NĂM !



Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng (Lê Thị Đức Hạnh)


Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng

Lê Thị Đức Hạnh

Nguyễn Công Hoan là nhà văn từng sống và từng viết nhiều tác phẩm có giá trị dưới chế độ cũ. Nhưng khoảng vài năm trước ngày Tổng khởi nghĩa, sáng tác của nhà văn có phần lạc hướng: Danh tiếtThanh đạm bị dư luận tiến bộ phê phán. Giữa lúc nhà văn cảm thấy đời viết văn của mình “tàn tạ, sắp chết” thì Cách mạng tháng Tám thành công. Như đang từ bóng tối bước ra ánh sáng, cảm thấy “choáng mắt” vì thời đại lớn lao quá, nhà văn còn lúng túng chưa viết được gì đáng kể thì Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nguyễn Công Hoan vào quân đội, làm công tác dạy học. Từ 1946 đến 1954, phần lớn thời gian Nguyễn Công Hoan dành cho việc tổ chức giảng dạy, đồng thời vừa làm chủ nhiệm, vừa biên tập tờ Quân nhân học báo. Khoảng thời gian này, nhà văn có viết được mấy truyện ngắn về kháng chiến. Từ 1952– 1953, Nguyễn Công Hoan trở về công tác văn nghệ, học tập chính trị, tham gia phát động giảm tô, cải cách ruộng đất, chuẩn bị cho sáng tác.

Hòa bình lập lại, Nguyễn Công Hoan mới viết tương đối đều. Năm 1935, nhà văn cho xuất bản tập truyện ngắn Nông dân với địa chủ và mấy truyện ngắn khác.

Nguyễn Công Hoan còn viết ký. Năm 1960, nhà văn viết Những ngày tháng Tám ở Côn ĐảoNgười cặp rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn năm 1930, nói về các chiến sĩ cách mạng. Năm 1962, nhân sang thăm Ba Lan Nguyễn Công Hoan viết Thăm nhà người anh em chiến đấu anh dũng.

Song phần sáng tác chủ yếu của nhà văn vẫn là mấy truyện dài viết về xã hội cũ như: Tranh tối tranh sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (1963). Ngoài ra, Nguyễn Công Hoan còn một số đóng góp về kinh nghiệm viết văn, về nghiên cứu văn học, chủ yếu là văn học cổ cận đại Việt Nam.

***

Quá trình sáng tác của Nguyễn Công Hoan cho thấy trước Cách mạng, nhà văn viết nhiều truyện ngắn và truyện dài, nhưng phần chính là truyện ngắn, và có nhiều truyện ngắn hay. Sau Cách mạng, phần sáng tác chính lại là mấy truyện dài và rất ít truyện ngắn, đến mức mấy năm gần đây, hầu như nhà văn bỏ hẳn thể loại này. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu truyện dài, chúng ta cũng cần điểm sơ qua đến truyện ngắn (và truyện vừa), bút ký.

Mấy truyện của Nguyễn Công Hoan trong thời kỳ kháng chiến: Xổng cũi (truyện vừa, 1947, ký tên Nguyễn Văn Lung), Bà lái đò Việt Nam (truyện ngắn, 1948).

Những truyện ngắn sau ngày hòa bình được lập lại gồm tập Nông dân với địa chủ (1955, gồm 13 truyện) và một số truyện đăng rải rác trên báo hoặc in chung trong các tập với người khác như Nắm cơm, Anh Dụ, Xây dựng

Trong số những truyện này, khá nhất là Cây mít, kể lại một cách chua chát nỗi đắng cay, tủi cực của một gia đình nông dân ta trước đây: người trồng cây đã không được hưởng quả mà còn bị đánh đập, hành hạ dã man. Một số truyện khác cũng đáng chú ý: Quanh cái xác chết, Chị Liền,… Nhưng số lượng truyện dở vẫn nhiều hơn. Có thể kể: Anh Dụ, Xây dựng,… và nhiều truyện trong tập Nông dân với địa chủ.

Trong Anh Dụ, Xây dựng, sự diễn biến nội tâm của nhân vật chưa hợp lý, gây cho người đọc cảm giác không chân thực. Phần lớn truyện trong tập Nông dân với địa chủ có phần sơ lược, đơn điệu, mang dáng dấp của những báo cáo hoặc ghi chép, thu hoạch qua mấy đợt Cải cách ruộng đất.

Sau Cách mạng, Nguyễn Công Hoan viết tuy ít, nhưng vẫn có một số truyện khá. Thêm vào đó, ngay trong những truyện dở vẫn có ít nhiều đoạn sắc sảo, dí dỏm. Có điều, trước đây nhà văn nỗi tiếng chủ yếu do nhiều truyện ngắn trào phúng, đả kích, còn sau Cách mạng, mấy truyện ngắn hay lại là truyện đi vào tâm tình.

Trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan đã viết Cô làm công (theo thể nhật ký), toàn tập tuy chưa hay nhưng có nhiều trang xúc động. Năm 1960, nhờ nghe những người thân kể lại, Nguyễn Công Hoan đã viết được hai bài bút ký hay: Những ngày tháng Tám ở Côn ĐảoNgười cặp rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn năm 1930. Cũng có thể coi hai bài bút ký này là hai truyện ngắn hoàn chỉnh và xuất sắc. Với lối viết sinh động, gọn gàng, súc tích, giàu tình cảm, Nguyễn Công Hoan đã làm sống lại những sự việc xảy ra cách đây hàng mấy chục năm, khiến người đọc ngày nay giở lại những trang sách đó vẫn cảm thấy rạo rực một tình cảm cách mạng nóng hổi. Nhưng tập Thăm nhà người anh em chiến đấu anh dũng thì lại hơi nặng và nhạt.

Tuy nhiên, ta vẫn thấy Nguyễn Công Hoan có khả năng viết ký hay. Điều này càng rõ khi nhà văn cho xuất bản Đời viết văn của tôi, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, cũng với lối viết nêu lên nhiều sự việc mà vẫn giản dị, tự nhiên, hấp dẫn. Tiếc rằng Nguyễn Công Hoan viết ký còn ít.

Về truyện dài, năm 1936, Nguyễn Công Hoan cho xuất bản Tranh tối tranh sáng (trên 300 trang) miêu tả cuộc sống buổi giao thời giữa hai giai đoạn lịch sử, thời kỳ tiền khởi nghĩa. Năm 1961, nhà văn lại viết Hỗn canh hỗn cư cũng khai thác đề tài trong thời kỳ này. Hai cuốn đi sâu vào hai khía cạnh. Tranh tối tranh sáng chủ yếu lên án sự áp bức, bóc lột của bọn địa chủ câu kết với thực dân, đế quốc. Hỗn canh hỗn cư nói nhiều đến truyền thống bất khuất và cuộc đấu tranh của một làng trước Cách mạng tháng Tám. Năm 1963, nhà văn lại cho xuất bản Đống rác cũ (tập I) (trên 500 trang): nói về những mánh khóe lừa đảo để làm giàu của vợ chồng tên An-be Thừa, qua đó tập trung tố cáo khá nhiều hiện tượng thối nát trong xã hội thực dân phong kiến những năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914– 1918) và sau đó ít lâu.

Qua mấy truyện dài trên, Nguyễn Công Hoan đã bộc lộ một số ưu điểm và nhược điểm chung. Chúng tôi không đi sâu phân tích từng tác phẩm mà chỉ muốn nói một vài điểm bao quát, rồi từ đây thử nêu lên mấy nguvên nhân chưa thành công trong sáng tác của nhà văn sau Cách mạng.

Trước kia, Nguvễn Công Hoan viết khỏe, đã lên án nhiều mặt thối nát của xã hội thực dân phong kiến. Đến nay, với Tranh tối tranh sáng, nhất là Hỗn canh hỗn cư, do có nhận thức mới, Nguyễn Công Hoan đã khẳng định sức mạnh của quần chúng lao động làm nên lịch sử. Nhà văn thể hiện quá trình giác ngộ của nhân dân từ tự phát đến tự giác, cuối cùng đấu tranh thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở đây, những người nông dân, những người trí thức tiểu tư sản yêu nước,… đã được giác ngộ, cho nên dù phải hoạt động gian khổ vẫn hết sức tin tưởng ở sự tất thắng của cách mạng ngay trong lòng xã hội cũ. Nhà văn nhìn thấy phẩm chất tốt đẹp của những cán bộ Đảng. Nguyễn Công Hoan cũng cho thấy rõ: chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp, phát xít Nhật, với sự câu kết giữa bè lũ quan lại, địa chủ cường hào chính là nguyên nhân đã dẫn tới nạn đói khủng khiếp năm 1945. Những thủ đoạn bóc lột địa tô, những mánh khóe chỉ điểm để phá hoại cách mạng… của bọn địa chủ cường hào cũng bị tác giả vạch rõ. Nhà văn đã chú ý xây dựng cả một hệ thống hình tượng từ những tên thực dân cáo già đến những tên tay sai đủ loại. Nhờ đưa ra nhiều loại người, nhiều sự việc với thái độ rõ ràng, nên mấy truyện của Nguyễn Công Hoan, ở mức độ nào đó, đã có giá trị phê phán, vạch được nhiều mặt xấu xa, thối nát, đáng ghê tởm trong chính sách cai trị của thực dân Pháp.

Do có cách nhìn mới soi sáng, lại do nhà văn hiểu biết nhiều mảng sống của xã hội cũ nên ở truyện của Nguyễn Công Hoan chúng ta bắt gặp những trang viết lý thú, hấp dẫn như cảnh đón tiếp tên công sứ Va-mê (Tranh tối tranh sáng), cảnh mấy tên lính gác ở đầu làng Văn Chương (Hỗn canh hỗn cư), cảnh mật thám khám nhà, phiên tòa xử kiện, những việc làm ám muội, bẩn thỉu của bọn cha cố trong nhà chung… Có những bức tranh gợi lên nhiều nét xúc động như cuộc sống ẩn dật kín đáo của gia đình Phúc Lâm, cái chết oan uổng của cô Lễ, rồi sự lụn bại tan nát của gia đình này (Đống rác cũ, tập I)… Trong những trang viết về xã hội cũ, có những đoạn, những trang viết hay mà tới nay vẫn chưa thấy nhà văn nào vượt được. Nếu Đống rác cũ được sửa chữa lại công phu, nghiêm túc thì có thể trở thành tác phẩm có giá trị, vì nó phản ánh tương đối phong phú xã hội thực dân phong kiến một thời kỳ.

Một đóng góp nữa khá đặc sắc của Nguyễn Công Hoan là yếu tố trào phúng đậm nét trong các truyện dài. Chúng ta đều biết trong xã hội cũ có nhiều cái xấu xa, thối nát mà trước đây các nhà văn chưa có điều kiện nói hết, hoặc có nói cũng chưa được sâu, do nếp nhìn còn bị hạn chế. Sau Cách mạng, chúng ta đã có một số truyện vạch rõ bản chẩt thối nát của cái xã hội thực dân, phong kiến đáng nguyền rủa ấy, vì nó đã có lúc sống lại một cách khủng khiếp hơn, quá quắt hơn ở miền Nam nước ta, dưới nanh vuốt nguy hiểm của đế quốc Mỹ. Mặt khác, trong xã hội mới, do những tàn dư của tư tưởng cũ, không phải không còn những mặt chưa tốt, thậm chí xấu nữa, mà nhà văn cần phê phán để nêu bật những cái mới đang nảy nở. Như vậy, truyện dài trào phúng, hoặc truyện mang nhiều yếu tố trào phúng vẫn cần phải có. Nhưng trong thực tế sáng tác, loại này còn hiếm. Nói đến chất trào phúng trong truyện, người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Công Hoan với Tranh tối tranh sáng, Đống rác cũ (tập I) và nhiều đoạn trong Hỗn canh hỗn cư, đến Bùi Huy Phồn với Phất. Ở Nguyễn Công Hoan, trước Cách mạng có nhiều truyện ngắn trào phúng hay, truyện vừa Bà chủ cũng tương đối thành công. Đến những truyện dài viết sau Cách mạng tuy có thiếu sót mặt này, mặt kia, nhưng về căn bản, lối trào phúng của nhà văn nhiều khi mạnh, sắc và dí dỏm, có duyên (đoạn tả vợ chồng Va-mê, Hàn Thưởng, vợ chồng Thừa, cả những tên Đuy-ru-roa, cha đạo…). Có thể nói, một phần nhờ đó mà truyện của Nguyễn Công Hoan tuy có những mặt chưa đạt, nhưng vẫn dễ đọc, không nặng nề. Với vốn sống và tài nghệ trào phúng đó, nếu nhà văn phấn đấu để nâng cao thêm chất tư tưởng của tác phẩm, thì chắc hẳn nhà văn sẽ có nhiều đóng góp tốt hơn.

Đúng là sau Cách mạng, nhận thức tư tưởng của Nguyễn Công Hoan đã có mặt đổi mới, do đó nhà văn có điều kiện để nhìn đối tượng châm biếm, đả kích được rõ hơn, để nói thẳng không cần úp mở. Vốn sống của Nguyễn Công Hoan về xã hội cũ lại tương đối phong phú hơn so với nhiều nhà văn hiện nay. Thực tế, Nguyễn Công Hoan có vận dụng phần nào sở trường riêng của mình với những thuận lợi đó nên đã đạt được một số kết quả.

Nhưng nhà văn chưa khai thác triệt để những mặt mạnh của mình nên truyện còn bộc lộ nhiều hạn chế. Có những nhược điểm lẽ ra ngày nay có thể khắc phục được thì tác giả vẫn mắc phải, đôi khi lại ở mức độ trầm trọng hơn.

Nguyễn Công Hoan tuy hiểu biết nhiều người, nhiều việc, nhưng lắm khi sử dụng cái vốn đó chưa thận trọng, đưa vào tác phẩm một cách hơi dễ dãi, cho nên không tránh khỏi những trường hợp bối cảnh của tác phẩm chưa rõ nét hoặc chưa có được đầy đủ tính chân thực, lịch sử. Nguyễn Công Hoan còn có những chỗ yếu nhất định trong việc xây dựng nhân vật. Trước kia, nhà văn thành công chủ yếu ở thể truyện ngắn, trong đó chỉ cần đề cập tới một vài nhân vật với một mảng đời, một tình huống, và vì thế, ngòi bút của nhà văn nhiều khi tỏ ra sắc sảo, hóm hỉnh. Với truyện dài, nhà văn phải đưa ra nhiều nhân vật với cuộc sống phức tạp của họ. Đánh giá cho nghiêm khắc, nhiều nhân vật trong truyện vừa và dài của Nguyễn Công Hoan, kể cả những truvện trước Cách mạng, chưa thật sinh động. Bước đường cùng là một thành công đặc biệt, nhưng chưa phải đã mô tả hay các loại nhân vật. Yêu cầu của truyện dài là phải trình bày nhiều nhân vật, nhiều sự việc vừa phức tạp vừa đa dạng, nên những điểm yếu của nhà văn càng bộc lộ rõ hơn. Trong các tác phẩm Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ (tập I), phần đông nhân vật còn mờ nhạt, có nhiều nét gượng ép, ít nhân vật có tính cách sắc sảo với quá trình phát triển chặt chẽ, hợp lý. Ở nhiều đoạn, Nguyễn Công Hoan còn đưa ra nhiều chi tiết tuy có thực ở ngoài đời, nhưng vì thiếu chọn lựa, sắp xếp nên người đọc vẫn thấy chưa hợp với sự phát triển của tính cách nhân vật và lôgích cuộc sống.
Nhân vật chính diện tuy tác giả chú ý mô tả nhiều nhưng vẫn không nổi lên được (anh Na trong Hỗn canh hỗn cư, hoặc anh Xi, anh Nghĩa trong Đống rác cũ). Ngay đến việc thể hiện các nhân vật phản diện, vốn là sở trường, mà Nguyễn Công Hoan vẫn để lộ những nhược điểm đáng tiếc. Sở dĩ những nhân vật đó chưa trở thành những điển hình sắc nét là do nhà văn chưa đi sâu thể hiện cụ thể và sinh động những mặt chủ yếu trong bản chất của đối tượng mô tả. Đôi khi, nhà văn đánh mạnh vào những khía cạnh thứ yếu của hạng người phản diện như các mặt sinh hoạt đồi bại, hoặc rởm đời. Việc chọn nhân vật trung tâm của truvện có khi chưa đại diện cho một lực lượng xã hội cần tập trung phê phán (Thừa trong Đống rác cũ). Nhiều lúc tác giả lại nói thẳng ý đồ chủ quan của mình. Vì thế, truyện dài của Nguyễn Công Hoan thường chỉ hấp dẫn ở từng mảng.

Nhiều nhân vật của Nguyễn Công Hoan chưa thực sự là những tính cách điển hình với cá tính rõ nét, nhân vật ở tác phẩm này nhiều khi lại hao hao giống nhân vật ở tác phẩm kia. Chẳng hạn tâm trạng và hoàn cảnh của chị vú em trong Nông dân với địa chủ không khác mấy chị vú em trong ông chủ (1944). Một số nhân vật hoạt động cách mạng ở Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư cũng na ná giống nhau. Hai nhân vật me Tây Mi-mi (Tranh tối tranh sáng) và Ma-ri (Đống rác cũ) không khác nhau mấy. Hoặc có những sự việc trước kia Nguyễn Công Hoan đã viết rồi, nhưng do nghĩ ràng ngày nay nhiều người chưa có điều kiện đọc được nên nhà văn viết lại, như đoạn tả cảnh khao trong truyện Địa chủ (Nông dân với địa chủ) gần giống đoạn tả cảnh khao trong Cái thủ lợn; mẩu chuyện chị Mão kể cho cụ Điều nghe khi ra thăm chồng về việc làng lập ấu trĩ viên (Đống rác cũ) cũng là sự lặp lại sơ lược một đoạn trong Chương trình năm năm… Song sáng tác đã in ra, thế tất có một số người đọc được, nên khi đọc lại sẽ kém hứng thú, cho nên yêu cầu của sáng tác vẫn phải là luôn luôn phát hiện và sáng tạo cái mới.

Một nhược điểm đáng kể nữa trong tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan là ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên. Một số truyện ngắn trươc Cách mạng như Ái tình tiểu thuyết, Ai khôn, Đàn bà là giống yếu, Một tấm gương sáng… đã có màu sắc tự nhiên chủ nghĩa khá rõ. Đáng tiếc là đến Tranh tối tranh sáng, nghĩa là sau Cách mạng hàng chục năm, khi viết về nạn đói, tảc giả vẫn chưa khắc phục được nhược điểm ban đầu. Đáng lẽ Nguyễn Công Hoan không nên khai thác những chi tiết như mẹ ăn thịt con (dầu có thực trong cuộc sống) bởi chưa chắc nó đã làm cho người đọc đau xót, căm thù lũ thực dân chính là tội phạm gây ra nạn đói khủng khiếp, mà chỉ làm cho người đọc thấy ghê sợ. Trong Hỗn canh hỗn cư có nhiều đoạn viết lan man, dài dòng, không giúp ích gì mấy cho sự phát triển của truyện. Đến Đống rác cũ (tập I) thì khuyết điểm này càng bộc lộ rõ. Nhiều đoạn, tác giả tả tỉ mĩ những chi tiết vụn vặt, không giúp ích gì cho việc thể hiện chủ đề truyện, nhưng lại đầy những yếu tố thô tục, không có tác dụng tốt về mặt tư tưởng và cũng chẳng có giá trị nghệ thuật gì. Nhiều bài phê bình đã phê phán đúng mức những đoạn văn như vậy, coi đó là độc tố. Cũng do đó mà nhiều nhà phê bình đánh giá: Đống rác cũ (tập I) là một cuốn truyện tự nhiên chủ nghĩa. Thực tế, phải thấy rằng Nguyễn Công Hoan không giải phẫu nhân vật của mình bằng học thuyết Phơ-rớt như có lúc thấy ở Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang. Chủ nghĩa tự nhiên ở Nguvễn Công Hoan thể hiện chủ yếu ở chỗ nhà văn chưa nêu bật được những vấn đề lớn, mà đã sa vào những chi tiết vụn vặt, tầm thường, gây tò mò vô ích. Đáng tiếc là gần chục năm sau, khi cho in Đời viết văn của tôi, nhà văn cũng chưa tự phê bình thiếu sót của Đống rác cũ, và ngay trong cuốn hồi ký này cũng còn đôi chỗ tự nhiên chủ nghĩa.

Ai cũng phải công nhận trình độ viết truyện ngắn vừa cô đọng, sắc bén, vừa dí dỏm, hấp dẫn với một ngôn ngữ trong sáng, nhiều hình ảnh của Nguyễn Công Hoan. Nhưng trong truvện vừa và truyện dài, nhà văn còn vấp phải những nhược điểm về nghệ thuật. Bố cục truyện của nhà văn thường chưa chặt chẽ. Không kể Tay trắng trắng tay, Cô giáo Minh, những tác phẩm mà trong đó người đọc dễ thấy hàng nửa chương, có khi cả chương, chưa khớp lắm với quá trình phát triển của truyện, mà ngay đến Bước đường cùng, tác giả cũng tự nhận là có thể bỏ đi cả hai chương đầu. Mấy truyện dài viết sau Cách mạng, bố cục cũng chưa chặt chẽ. Trong Tranh tối tranh sáng, chúng ta gặp một số chương có thể chỉ cần viết gọn vào mấy trang. Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ (tập I) cũng có nhiều đoạn quá dài dòng, đôi lúc câu chuyện bị ngập vào nhiều chi tiết bề bộn, rối rắm.

***

Với một cây bút có uy tín từ trước Cách mạng như Nguyễn Công Hoan, độc giả chờ đợi nhiều trong những sáng tác sau đó, nhưng tác giả chưa đáp ứng được đầy đủ lòng mong mỏi ấy.

Chúng ta rất hiểu những điều chủ yếu Nguyễn Công Hoan muốn nói qua mấy tác phẩm của mình sau Cách mạng, song trong văn nghệ không phải người viết bao giờ cũng đạt được ý muốn chủ quan của mình. Nguyễn Công Hoan muốn phê phán thậm tệ cái cũ, cái xấu để làm nỗi bật cái mới, ca ngợi cái mới nhưng sự phê phán ấy chưa sâu sắc, chưa thành những nhát búa lớn bổ vào đầu địch, và những tội ác tầy trời của chúng cũng chưa bị vạch trần tận bản chất. Những cái được tác giả, ca ngợi, những nhân vật tích cực của phong trào hãy còn bàng bạc, chưa mang được sức sống và khí thế tất thắng của nó. Tâm tư tưởng của tác phẩm nói chung chưa cao.

Trước kia do hoàn cảnh xuất thân và môi trường sống, Nguyễn Công Hoan có một nếp cảm nghĩ tiến bộ, cái nhìn của nhà văn nhiều lúc gần gũi với đông đảo nhân dân. Trong đường lối của Đảng, có phần, nhà văn tiếp nhận được, có phần nhà văn hiểu chưa thấu đáo. Nguyễn Công Hoan cũng chưa thật hiểu cách mạng, chưa rõ những khó khăn gian khổ của phong trào từ khi mới là những “đốm lửa ban đầu”. Do đó, sau Cách mạng tuy nhà văn đi ngay vào con đường đúng, nhưng như thế chưa phải đã có một cái nền vững chắc, khả dĩ làm cơ sở cho việc nhận thức sâu sắc về xã hội mới. Phải chăng, những hạn chế về cách nhìn ấy đã khiến cho sáng tác của nhà văn thường vướng phải những nhược điểm khi phản ánh hiện thực mới; và cũng từ đấy, sau Cách mạng, Nguyễn Công Hoan khó thành công ở truyện ngắn trào phúng, một thể loại trước kia nhà văn rất sở trường. Bản chất xã hội cũ là thối nát, đầy ung nhọt, khó có thể che giấu nên chỉ cần bắt chộp một hiện tượng, một sự việc là nhà văn có thể viết ngay được một truyện nhiều khi mang ý nghĩa đả kích khá mạnh và sâu. Nnưng bản chất của chế độ ta khác hẳn. Nhất là trong giai đoạn quá độ hiện nay, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng mà đả kích thì có khi mắc sai lầm. Bởi hiện tượng xấu nhiều khi chỉ là cá biệt, nhất thời, hoặc bề ngoài dường như chưa tốt nhưng thực chất đó là nhược điểm trong quá trình của một cái gì tốt đẹp đang trưởng thành. Thực tế đó đòi hỏi nhà văn phải có cái nhìn biện chứng, phải suy nghĩ sâu mới có thể sáng tác thành công.

Quả thực sau Cách mạng tháng Tám, xã hội mới có trang bị cho Nguyễn Công Hoan những nhận thức mới, tư tưởng mới. Nhưng về căn bản, nhà văn vẫn dừng lại ở cái nhìn của một tiểu tư sản trí thức, có tinh thần dân tộc, giác ngộ cách mạng, với một thế giới quan còn nhiều hạn chế.

Phương pháp sáng tác của Nguyễn Công Hoan chưa hẳn là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, thậm chí với Đống rác cũ (tập I), nhà văn vẫn căn bản dừng lại ở phương pháp hiện thực phê phản, còn chứa nhiều yếu tố tự nhiên chủ nghĩa. Rõ ràng, sở trường của Nguyễn Công Hoan gắn liền với chủ nghĩa hiện thực phê phán. Đây là phương pháp sáng tác được sử dụng khá tốt trong nền văn học công khai nước ta trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng phương pháp đó chỉ có hiệu lực trong yêu cầu miêu tả mặt đen tối của xã hội, nên sau Cách mạng nó không còn thích hợp nữa, mà phải nhường chỗ cho một phương pháp sáng tác mới, thích hợp hơn, đó là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phương pháp này có kế thừa một số thành tựu của phương pháp trước, nhưng về bản chất thì khác hẳn. Nó yêu cầu phải biểu hiện hiện thực một cách cụ thể, chân thực trong sự phát triển cách mạng, cũng có nghĩa là phải phát hiện được cái mới đang nảy nở và cái cũ đang bị tiêu diệt, từ đấy đòi hỏi người viết phải đứng hẳn về phía cái mới, đấu tranh cho cái mới thắng lợi. Từ yêu cầu ấy, phương pháp sáng tác mới đòi hỏi người viết lấy việc miêu tả nhân vật tích cực làm trung tâm. Chính vì vậy mà ở Nguyễn Công Hoan, một vấn đề nữa cũng cần bàn tới, đó là vấn đề vốn sống mới.

Trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan có hiểu biết về người nông dân và một số tầng lớp lao động khác, như viên chức, nhà văn, nhà báo, kép hát, người làm công, đi ở, kéo xe,… Nhà văn đã có nhiều đóng góp về đề tài nông thôn, song chưa phải đã hiểu sâu về người nông dân như hiểu bọn địa chủ cường hào. Nhà văn càng chưa hiểu công nhân bao nhiêu. Tuy nói chung Nguyễn Công Hoan có vốn sống phong phú về xã hội cũ, nhưng tiếc rằng vốn sống đó chưa cân xứng về các mặt. Tác giả hiểu mặt trái sâu hơn, và vì thế chính cái mảng nhà văn còn yếu này với những con người nhà văn hiểu chưa sâu, thì sau Cách mạng lại trở thành những nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội mới. Vả lại, ngay trong mặt trái cũng có bộ phận Nguyễn Công Hoan hiểu chưa sâu, chẳng hạn bọn đế quốc. Nếu tác giả nắm vững bản chất và căm ghét bọn thực dân Pháp như đối với bọn quan lại tay sai thì dù trước Cách mạng nhà văn không tả được lũ chúng, sau Cách mạng, trong sáng tác của mình nhà văn cũng có thể có nhiều thành công hơn. Phải chăng, ngày xưa Nguyễn Công Hoan ghét Tây chủ yếu về tính chất dâm bạo và sinh hoạt lố lăng hơn là căm thù bản chất thâm hiểm độc ác của chúng, cho nên nhà văn không quan sát kỹ được chúng, ngày nay mô tả chúng tất nhiên khó sắc sảo. Thêm nữa, trong cái vốn sống phong phú về xã hội những điều tác giả cảm thụ sâu sắc, về cơ bản đã viết rồi, nay có viết lại cũng khó hay hoặc có chỗ trở thành lặp lại, như việc tả bọn quan lại,v.v…

Trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan là nhà giáo chưa trực tiếp tham gia cách mạng. Sau ngày khởi nghĩa, Nguyễn Công Hoan đã hòa nhịp dần với cuộc sống mới. Nhưng do vị trí công tác, do thiếu điều kiện để đi sâu lâu dài vào những mũi nhọn của cuộc đấu tranh cách mạng, nên Nguyễn Công Hoan vẫn chưa bù đắp được đầy đủ những thiếu thốn của mình. Nhà văn đã có lần thú nhận điều này với các bạn viết trẻ. Tất nhiên cũng nên thông cảm là từ những năm sau hòa bình, nhà văn đã có tuổi, sức khỏe kém đi, nên sự lăn lộn của mình ở những nơi mũi nhọn của sản xuất, chiến đấu có bị hạn chế. Trong khi đó con người mới đã tiến những bước kỳ diệu, nhu cầu thẩm mỹ và trình độ nhận thức của quần chúng bạn đọc cũng không ngừng được nâng cao, làm cho nhà văn càng khó có điều kiện theo kịp. Thực tế, Nguyễn Công Hoan đã phần nào nhận ra chỗ mạnh, chỗ yếu của ngòi bút mình.

***

Nghiên cứu để góp thêm một tiếng nói nhỏ đánh giá Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng, chúng tôi chợt nghĩ đến một nhận xét chí lý của tác giả: “Không ai có thể nâng giá trị cho một người viết văn đến mức chưa xứng đáng, cũng như không ai có thể dìm giá trị của một nhân tài”.

Nguvễn công Hoan là nhà văn lão thành, có tài, có nhiều đóng góp xuất sắc trước Cách mạng; sau Cách mạng, nhà văn cũng viết được một số truyện ngắn, bút ký khá hay, một số đoạn truyện dài có giá trị, chưa kể nhiều kinh nghiệm viết văn và một số bài nghiên cứu có công phu. Những nhược điểm của tác giả đều là do không tự giác, chứ không cố ý viết những điều sai trái. Điều đáng quý nhất của nhà văn sau Cách mạng là sức làm việc dẻo dai và nhất là sự chân thực, nhiệt tình đối với sự nghiệp cách mạng. Những nhược điểm của mình do nhà văn thành thật nói ra, cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý cho lớp người viết trẻ trên đường kế tục sự nghiệp của những bậc đàn anh. Tìm hiểu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Hoan, chúng ta còn có thể rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích cho sáng tác, nghiên cứu và lý luận.



Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Sách "Nông dân với địa chủ" - Tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan (NXB Văn Nghệ 1955)



Mời nghe đọc


Mời đọc Bản đánh máy


Tập truyện ngắn

Nông dân với địa chủ

Nguyễn Công Hoan


Nông dân với địa chủ - Tập truyện ngắn
Nông Dân Với Địa Chủ
NXB Văn Nghệ 1955
196 Trang

Để đọc, xin nhấp chuột vào truyện muốn xem.

Địa chủ



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Phú Thăng


Mời đọc Bản đánh máy

Địa chủ

Nguyễn Công Hoan


Căn cứ vào những lời tố khổ của anh chị em nông dân xã Quang Trung để khớp những tài liệu ấy cho thành hệ thống, thì ta thấy lịch sử làm giầu của thằng địa chủ Trừng là một lịch sử hết sức nhơ bẩn, lịch sử ấy bôi toèn toẹt bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu của không biết bao nhiêu trung bần cố nông trong mười hai huyện ở Thái Bình.

Bố thằng Trừng xưa kia làm lý trưởng, thuộc vào loại cường hào gian ác. Bố nó đương làm giầu đùng đùng, thì xẩy một năm vùng nó có bệnh dịch tả. Một ông đồ ở làng chết. Bố nó bắt tang gia phải mổ lợn để cúng tế và mời làng, thì mới được đưa bằng đòn. Nếu không thì phải làm ma chui. Nghĩa là vợ con khênh lấy, đốt đuốc mà đưa đi ban đêm, không được khóc lóc. Bà đồ phải cầm ruộng để theo đuổi tục lệ. Bố nó được mời ăn và được biếu cái thủ lợn. Ăn xong, bố nó thượng thổ hạ tả, rồi chết quay lơ ra.

Đáng lẽ bố nó chết, thì hết uy thế chính trị. Nhưng mẹ nó vận động ngay cho nó kế tục được sự nghiệp bóc lột của bố nó. Nó mới có mười bảy tuổi, nhưng khai sinh thặng lên một tuổi, là mười tám, để ứng cử lý trưởng thay bố. Rồi dần dần, nó làm chánh tổng, ăn tiên chỉ.

Thế là hai bố con nó hống hách một vùng trong vòng hai mươi bảy năm, thét ra lửa.

Nhưng từ năm bốn mươi ba tuổi trở đi, nó không làm cái nghề đầu chảy đít thớt nữa. Nó mua hàn lâm, chạy làm nghị viên, lo hàm Quang Lộc, và được thưởng bốn cái mề đay, đeo choáng cả ngực. Và đến năm 1942, thì nó hoàn thành việc xây dựng cho con nó trên đường công danh. Con út nó đỗ tri huyện. Nó được làm cụ cố.

Trước khi bố nó chết, thì cả cơ nghiệp mới có độ mươi mẫu ruộng, toàn thuê người làm. Mẹ nó vốn bị bán thân bất toại, không đi lại được, chỉ nằm dí một chiều. Giá như người khác thì thế là đời bỏ đi rồi đấy. Nhưng con mẹ này thì nằm một chỗ thật, nhưng nội kẻ ăn người làm, đố ai nghỉ ngơi được với nó một phút, và ăn bớt được của nó một trinh.

Nhà nó có đồng hồ báo thức, nên người ăn người ở làm lụng theo giờ giấc hẳn hoi. Đêm trước, nó giao công việc hôm sau cho người làm. Nhưng nó vặn đồng hồ nhanh lên nửa giờ, để mọi người phải đến sớm. Khi gần hết buổi, thì nó vặn chậm lại nửa giờ. Cho nên, ngày nào cũng vậy, từ mười hai giờ trở đi, người làm mới lục tục về đến nhà. Không những nó bóc lột mỗi người mỗi ngày một giờ như thế, mà còn bóc lột người ta bằng cách nói bớt diện tích ruộng nữa. Ví dụ, giao cho ai cấy một mảnh năm sao, thì nó bảo là ba, hẹn buổi sáng phải xong. Bởi thế, người nào cũng phải cố mửa mật. Không xong, nó chửi là lười rồi trừ công.

Khi ở đồng về, anh em đói mèm, mệt lử. Nhưng con mẹ muốn đỡ tốn gạo, thì nó luộc sẵn một nồi đẩy sắn, và thổi cơm muộn. Nó nói ngọt với anh em là xuống bếp giúp một tay cho chóng chín cơm. Trong khi chờ đợi, nó bảo anh em hãy ăn tạm sắn để điểm tâm. Vì bụng ai cũng lép kẹp, nên không ai còn nói chuyện ăn tạm nữa. Anh nào cũng đánh no phích. Đến lúc cơm dọn ra, thì ai cũng bứ cổ lên mất rồi.

Tuy vậy, mà mẹ con cũng không rời mắt xem xét từng người ăn khỏe, yếu thế nào. Nó bảo người đỡ nó nằm lại, để quay mặt ra phía người làm ăn cơm. Nó đếm ngầm từng bát. Anh nào ăn nhiều, ăn mặn, thì nó tìm cớ, đổ cho là ăn cắp, là lười biếng, để không mướn nữa. Một đặc tính của nó là thà chịu nghe người ta chửi là quỵt công, còn hơn là phải trả công.

Thằng Trừng làm lý trưởng, cũng gian ác như những cường hào khác. Nhưng có điều là nó biết cách cư xử với tùy từng người. Nên nó chóng giầu to. Đối với những thằng người mũi hơi lõ, tóc hơi quăn là một, và những thằng người ở ngực có lủng lẳng cái thẻ bài ngà là hai, thì nó cong gập lưng làm đôi để vái và biếu tiền. Còn đối với những hạng lưng đen khố cao, cả ngày lầm lì đi sau con trâu ở ngoài ruộng, thì nó ưỡn ngực lên để chửi và đánh, cùng bóc lột công sức và tiền bạc.

Ông Phiên, cũng như hàng trăm nông dân khác, làm tá điền cho nó, cấy của nó ba mẫu. Một mẫu thu hoạch năm tạ, một mẫu tám tạ và một mẫu mười tạ. Thế mà ông phải nộp tô đồng loạt cho nó tất cả mười lăm tạ. Vì ông không có trâu, không có thóc giống, nên phải thuê trâu của nó, một năm phải trả ba tạ và vay thóc giống của nó, hai mùa là một trăm hai mươi cân.

Vậy thì, thu hoạch có hai mươi ba tạ, ông phải trả cho địa chủ mười chín tạ hai mươi cân, còn có ba tạ tám mươi cân để gia đình năm người, cả lớn lẫn bé, sống trong mười hai tháng. Nghĩa là ăn, mặc, tiêu, nộp thuế, vân vân, lúc khỏe mạnh.

Nhưng nói ba tạ tám mươi cân là nói trên lý luận thôi. Thực tế, trả nợ xong, thì không còn được đến ba tạ. Vì địa chủ thu tô và lấy nợ bằng thứ thùng riêng, to hơn thùng thường. Đáng lẽ nhà ông Phiên, ăn độn quanh năm, thì phải mười tạ mới tạm đủ. Như thế này là thiếu đứt mất chín tháng. Ấy là mới nói đến khoản ăn vào mồm.

Vì thế, vợ chồng con cái ông Phiên phải làm nghề phụ để kiếm thêm, như làm hàng say hàng xáo, hoặc đan lát, chồng mầu, mò cua bắt ốc. Có vay của thằng Trừng cũng chỉ dám vay độ ba tạ. Mà nó cũng chỉ cho vay nhỏ giọt đến ba tạ là cùng.

Cho vay thì nó gạt bằng thùng nhỏ hơn thùng thường, lãi thành bốn tạ rưỡi một vụ. Nhưng đến tháng ba, nó mới đòi, và đòi một phần bằng thóc, một phần bằng tiền. Ngày mùa, tính theo giá năm 1953, thì một tạ là hai vạn ngân hàng, nhưng đến tháng ba thì ba vạn. Nếu có thóc và được trả - hãy nói ví dụ rất vô lý là có thóc - thì nó chỉ lấy cho hai tạ. Còn một tạ gốc và một tạ rưỡi lãi, nó bắt bằng tiền, tức là bảy vạn rưởi. Thế là nó nuốt tươi hai mẫu ruộng. Nếu không có ruộng thì viết văn tự, để đời cha sang đời con, kéo cày mà lo trả cái nợ cõng khỉ.

Ấy là mới nói đến tô chính. Còn như nhà nó có giỗ chạp, ma chay, cưới xin, v.v., cùng tết tháng năm, tháng mười và tết nguyên đán, thì ông Phiên đều phải nộp đồ lễ bắt buộc, theo lệ nó định sẵn, như đường, mứt, cau, rượu, chim ngói, gà thiến. Mỗi năm khoản tô phụ tốn ít ra là năm mươi cân. Không nộp thì bị nó ghi vào sổ nợ, hoặc dọa lấy lại ruộng.

Ngoài việc dùng ruộng đất để chiếm thêm ruộng đất, thẳng Trừng lại còn phát tài bằng những khoản mà nó gọi là lặt vặt. Nó mở sòng cờ bạc, cho vay nặng lãi, quỵt công người ở, bóc lột nhân công người ở, vợ lẽ, con nuôi, con, cháu rể. Nó lại ăn của đút, ăn cắp công quỹ, chiếm ruộng tư một cách trắng trợn, hoặc bằng cách mua rẻ bán đắt, đi lừa và ăn cắp vặt.

Những khoản hiện nay có thể tính được trong thời gian hai mươi bảy năm bố con nó ôm chân đế quốc lấy thần thế để ức hiếp dân làng thì như sau này:

Thuế đinh, mỗi suất nó thu hà lạm 0đ50. Thu của 682 suất được 9.207đ. Tính ra thóc thời bấy giờ là 9.207 tạ.

Thuế điền, mỗi mẫu lạm không đồng 0đ50. Thu của 110 mẫu được 1.485 tạ.

Trong hai mươi chín năm, nhà nó có hai người nai lưng ra làm như con vật, và chịu đánh chửi như kẻ thù. Một người là đàn ông, gọi là con nuôi. Một người là đàn bà, để bị đẩy đọa thêm về nhục dục, gọi là vợ lẽ. Hai người này, khi ra khỏi nhà nó đều trắng tay. Mỗi người làm trung bình mỗi năm hai mẫu, sản lượng mỗi mẫu 11 tạ. Vậy là 1.276 tạ. Họ là cố nông, chỉ nguyên có hai cánh tay lao động, nên thẳng Trừng phải cho ăn, cho mặc, cho dụng cụ. Ăn thì họ ăn độn, với muối vừng, dưa khú tính mỗi ngày một cân thóc. Một năm 720 cân. Hai mươi chín năm, 211 tạ 70 cân. Mặc thì toàn đồ thừa, mỗi năm chỉ được hoặc một áo, hoặc một quần mới may bằng thứ vải mỏng. Tính ra tất cả là 8 tạ 12 cân. Trong hai mươi chín năm, hao mòn dụng cụ 5 tạ 80 cân. Thóc giống, công trâu và phân gio, chính tay họ làm ra và nuôi, nên không thể kể là của thằng Trừng. Vậy thì trong hai mươi chín năm, họ mới lấy ra được có 225 tạ 62 cân. Còn vào túi thẳng Trừng 1.050 tạ 38 cân. Ấy là chưa kể những lợi trồng mầu, nuôi lợn, và những lợi linh tinh khác.

Nó quỵt công của mười sáu người, 87 tạ. Nó lấy hồ và bắt cờ bạc, trai gái, rượu lậu, được lễ 100 tạ 10 cân. Nó ăn những việc sang điền, nộp cheo, xui nguyên giục bị đi kiện cáo, vợ chồng bỏ nhau để xử hòa, nhận thực trâu bò gian, v.v., 45 tạ 30 cân. Nó chiếm ruộng công giá trị 9 tạ.

Không làm lý trưởng nữa, nhưng vẫn nhúng tay vào việc công, nó thu thóc cho Nhật một năm, ăn bớt 10 tạ. Được phát muối bốn chuyến, nó chỉ bán cho làng hai chuyến, gạt bằng que cong, đong bằng bát nhỏ, và tăng mỗi cân ba xu, được 68 tạ. Bán một chuyến diêm, ăn lãi 1 tạ 50 cân.

Thế là chưa kể cái lợi to nhất của nó là thu tô chính, trung bình của 1.200 mẫu, trong mười chín năm, là 228.000 tạ. Và tô phụ của 63 tá điền là 239 tạ.

Tổng cộng trong hai mươi chín năm, nó cướp không của nông dân mất 230.302 tạ 28 cân thóc.

*
*      *

Có tiền, nó làm gì chẳng được. Nó quen và chiều chuộng từ thằng Thống sứ trở xuống cho đến anh lính lệ. Nó bắt dân làng đắp rộng con đường từ đường cái đá hàng tỉnh vào làng. Để ô tô các quan đi vừa. Hai bên, trồng phi lao cao vút. Gần cổng làng, trên khoảng một mẫu, nó dựng sinh phần, để sau này chôn nó. Nhưng may cho nó, là tường mới xây xong, thì Tổng khởi nghĩa. Cho nên nó bỏ dở cái việc lố bịch ấy. Bộ tượng tứ dân, đắp bằng xi măng, to tướng, giả đồng đen, rập đúng kiểu tượng sĩ nông công thương ở vườn hoa Canh nông Hà Nội, còn nằm chỏng gọng ở ruộng, chứ chưa lên bệ. Người qua đường, không biết dùng danh từ sinh phần, nên gọi chỗ ấy là nghĩa địa. Họ rủa: "Nghĩa địa nhà nó rộng thế này, thì chôn bao giờ cho hết người!"

Dinh cơ nó ở còn rộng gấp năm sinh phần của nó. Khu vực vuông vắn ấy, có tường xây xung quanh bằng đá ong, cao bốn thước. Mặt tường trồng xương rồng. Chỗ nào không có xương rồng, thì cắm mảnh chai mảnh sành. Hoặc cho tẩm xuân leo kín. Bốn góc có bốn chòi canh nhô cao lên.

Anh muốn vào nhà nó? Thì trước hết anh phải chuẩn bị tư tưởng, là đừng sốt ruột, vì phải chờ. Giật chuông xong, anh hãy đợi ít ra là năm phút. Khi nghe tiếng gót chân người ở trong chạy ra, anh chớ vội mừng là cổng sẽ mở cho anh vào. Không! Anh người nhà ra đó, mới nhấc cái cửa ở lỗ cỏn con phía trên lên, ngắm anh, rồi hỏi tên anh là gì, hỏi ai, có việc gì. Khi anh trả lời xong ba câu đó, thì lỗ nhỏ lại đóng kín lại, và đề nghị anh hãy đợi một lát nữa. Độ mười phút sau, khi có lệnh, anh mới được vào.

Lúc ấy, thì một cánh cổng hé mở ra, rít trên bánh xe. Anh chịu khó mà lách vào. Cửa ấy chỉ mở cho vừa một người đi, không phải không có duyên cớ. Một là nó nặng quá, đè chịt lên cái bánh xe, không cựa nổi trên mặt đất gồ ghề. Hai là nó chỉ cốt cho từng người vào một để lỡ có nhiều kẻ gian, thì không thể một lúc cùng ùa vào, nguy hiểm cho người mở cổng.

Anh theo con đường thẳng, dài giữa hai cái ao rộng, nước đục ngầu. Rồi qua cái cổng thứ hai, nhỏ hơn, nếu anh yếu bóng vía, thì anh sẽ giật nảy mình, vì có đến chục con chó to lớn, cứ nhe răng; nhẩy lên anh chồm chồm mà cắn.

Khi đàn chó được người mắng, mỗi con đi một ngả, anh đỡ trống ngực và đỡ hoa mắt. Thì anh được bình tĩnh mà nhận xét. Anh thấy lố nhố một lũ nhà gạch nhỏ, cái nào kiểu cũng ngô nghê, nhưng rất kiên cố. Những nhà ấy làm ở giữa những vườn cây ăn quả, trông rất vô tổ chức. Đó là nhà thờ, nhà cụ, nhà ông, nhà bà cả, nhà bà hai, nhà bà ba, nhà kho, nhà bếp, nhà xí, v.v., và đến ba bốn cái nhà khách. Tùy hạng, khách được tiếp trong tùy từng nhà.

Có lẽ anh ngạc nhiên và muốn tìm xem thằng Trừng chứa thóc ở nhà nào. Phải là một cái nhà to lớn lắm mới đựng đủ thóc của nó.

Thì đây, những nhà lắt nhắt vừa kể trên kia, cái nọ xây cách xa cái kia, không phải là vô tình và vô ý. Đấy là những tên lính đứng quanh một khu ở giữa, để canh. Khu vực ấy cũng có tường cao bốn thước quây kín. Đứng ở ngoài mà nhìn, ta chỉ thấy có tường, và phía trong, hiện lên những cái mái tròn chúp nhọn như hình cái nón, lợp bằng lá gồi. Nhưng nếu anh lách mắt qua cái kẽ ở khe ván của cái cửa độc nhất, hẹp độ tám mươi phân, thì anh mới rõ nghĩa đen của danh từ cây thóc. Nó là một cái bệ bằng xi măng, xây cao hơn mặt đất, tròn, đường kính độ mười thước. Thóc quây trên bệ, nó bằng liếp, trét bằng từng cây tre lớn. Thóc nhiều, thì ken liếp cho cao dần, một lần, hai lần, ba bốn lần. Và khi nó cao trên mười lăm thước, thì lợp mái lá, hình cái nón, lên trên. Tóm lại, cây thóc là cái cót thóc, nhưng khổng lồ và kiên cố. Trong khu vực ấy có tất cả chín cây thóc cao lồng lộng như thế.

Thóc chứa trong chín cây ấy là thóc của một nghìn hai trăm mẫu ruộng, do bàn tay lao động của nông dân làm ra. Ruộng làng, ruộng làng lân cận, ruộng làng xa, và cả ruộng trong mười hai huyện ở Thái Bình. Đến bây giờ, bốn bố con nó chiếm ước năm nghìn mẫu, và chúng nó ở riêng một khu vực giữa làng, nhà gạch san sát, trông xa như một thành phố nhỏ.

Ở các xã có ruộng, nó đều có anh em, cháu họ, cháu rể, hoặc những người hàm ơn với nó và cứ nhận nó là bố nuôi. Nó chạy cho những tay sai ấy làm lý phó trưởng, chánh phó hội, chánh phó tổng. Có đứa cũng được làm đến nghỉ viện. Cho nên nó không đánh rơi vãi một hạt thóc và cũng không bị quỵt một xu nợ nào.

Con nó đứa nào học cũng dốt như mèo. Nhưng khi chúng nó rời ghế nhà trường về, để theo đuổi nghề bóc lột và ăn cắp, là cái nghề gia truyền thì học một biết mười, đứa nào cũng giàu ùn ùn. Chả thế mà thằng Trừng nhiều lần, đã phải than thở bằng một câu, lẫn lộn cả ý nghĩa nhũn nhặn với kiêu ngạo:

- Ở nhà tôi, chữ thì lôi nó vào, mà nó cứ ra, nhưng tiền thì đẩy nó ra mà nó cứ vào.

Nó cũng thấy cái danh giá hường mua và nghị gật của nó là danh giá hão. Người ta chỉ trọng trước mặt, và sau lưng thì chửi thầm. Cho nên, nó vẫn căm với chữ. Vì vậy tốn kém mấy, thì nó cũng quyết tâm đến kỳ được cho thằng con út theo học đến tri huyện. Vì thằng này có khiếu hơn cả những thằng anh.

Thằng Trừng đã đạt được nguyện vọng bằng tiền. Như thế này.

Nó biếu tên đốc học trường tỉnh một cái lọ đồng đen, để xin cho con nó vào lớp đồng ấu, tức là lớp bét. Từ lớp đồng ấu đến lớp sơ đẳng, nó đi lại, tết nhất, các ông giáo rất hậu. Để cho con nó được lên lớp đều đều. Con nó thi Sơ học yếu lược. Nó thết tiệc cả hội đồng chấm thi. Rồi nó đút tiền cho con nó trúng tuyển vào lớp trung đẳng năm thứ nhất. Thằng bé đỗ bằng Tiểu học tốt nghiệp và thi vào cao đẳng tiểu học cũng bằng tiền. Học đến năm thứ hai, nó thấy rằng con nó nên học trường Tây thì mới quen được nhiều Tây con, sau này có thể là những quan thầy. Muốn cho con nó được học trường ấy, nó làm quen và biếu xén tên đốc học, và các giáo viên ở lớp mà con nó sẽ thi vào. Nó xin cho con nó học từ giáo viên văn học và ở trọ nhà giáo viên toán học, trả tiền rất đắt. Mấy kỳ thi tú tài, con nó cũng đỗ bằng tiền. Nó lại rắc tiền đến trường luật. Rồi mấy kỳ thi Luật khoa cử nhân, là mấy lần nó tốn kém. Năm con nó thi tri huyện, thì nó làm cái nước rút. Nó khấn vạn ba bạc cho thằng Phạm Quỳnh, Thượng thư bộ Lại trong triều đình bù nhìn của thằng Bảo Đại.

Thế là con nó được đỗ bét.

Trời ơi là mừng!

Pháo nổ. Chim, gà, vịt, lợn, bò, trâu, chết như rạ!

Để khao cậu huyện nhà nó, nó mắc điện về tận làng, tối thắp sáng trưng. Nó cấm người làng, một tháng, không được bếp nhà nào có khói. Nghĩa là già, trẻ, lớn, bé, cứ đến nhà nó, tha hồ ăn. Nhưng cũng có nghĩa là đến mà hầu hạ khách khứa và bỏ sản xuất. Và lại cũng có nghĩa là nó mở hàng thịt bán cho cả làng. Vì ai đến ăn mà dám vác mồm không, không đem đổ mừng. Nhưng tất cả đều không có nghĩa nữa, nếu ta thấy rõ cơm, rượu, thịt, mà nó cho người ta ăn, chính là của người ta lao động làm ra, mà nó đã cướp đi từ trước.

Tất cả người thân thích, quen thuộc, tá điền, và những người mắc ơn huệ với nó trong tỉnh, đều có mặt ở đám khao. Nó còn mời khách sang trọng ở các tỉnh, tức là quan thày, bạn bè của nó, và của con nó. Anh ở Phú Thọ chẳng hạn, nếu anh đã nhận lời mời, thì anh muốn đến vào ngày nào, tùy ý. Không có ô tô của nó tới tận nơi đón, thì anh có thể thuê xe riêng về nhà nó. Nó trả tiền. Anh ở nhà nó ăn, hút, hát, chơi bời, cho thỏa thuê, phè phỡn, chừng nào anh thấy chán ngấy, nằng nặc đòi về, thì nó tiễn ô tô anh đến tận nhà.

Ngoài những bữa tiệc hàng ngày đã là xa phí, người ta còn phải lắc đầu lè lưỡi về bữa tiệc nó thết con vợ thằng Thống sứ.

Thằng Trừng vận động để con mụ này nhận lời. Con mụ này có quyền mời bạn hữu của mình, gồm bốn mươi đứa, toàn Tây đầm đến dự tiệc, ở nhà thằng Trừng. Ăn xong, nhảy đầm suốt đến sáng. Từ đường cái vào, trải toàn chiếu cạp điều mới, cho ô tô vào làng. Cờ quạt, hương án, long đình, bày ra để bái vọng. Phường kèn của thằng Hoàng Trọng Phu thổi chào.

Trong nhà trang hoàng toàn bằng màu lụa và hoa tươi mua tận ở Đà Lạt. Cơm thì đặt ở khách sạn Mê-tô-pôn Hà Nội, bồi về tận nơi để phục dịch. Rượu phải gửi ở Sài Gòn ra. Rửa tay toàn bằng nước hoa.

Mỗi khẩu phần ăn một giờ đồng hồ như vậy tốn 135đ. Tất cả là 5.400đ. Các thứ trang trí và nước hoa, tốn 7.000đ. Tổng cộng là 12.400đ.

Năm ấy là năm 1942. Năm ấy giặc Pháp bắt đầu làm đày tớ thu thóc cho giặc Nhật, để ba năm sau, giết hại hai triệu đồng bào ta.

Năm ấy, một người nông dân ăn một tháng, tốn có 0đ80.

Nếu lấy tiền phí tổn một bữa tiệc một giờ này để nuôi nông dân, thì một người nông dân có thể sống được trong 15.500 tháng. Hay ngược lại 15.500 người nông dân có thể sống trong một tháng. Hay nói giọng phúc đức, năm 1945, hơn 3.000 nông dân thoát được nạn chết đói, vì được đủ ăn năm tháng để đợi đến mùa sau.

Nếu kể tất cả các món chi tiêu từ khi thằng tri huyện ấy bắt đầu đi học, đến năm nó đỗ, cho đến sau ngày khao, thì không biết đến cơ man nào là tiền bạc. Nếu xếp đống tiền bằng đồng bạc 27 gam của ta tiêu trước, thì phải cao gần bằng cái núi xương trâu bò, mổ vừa rồi, chất ở ngoài vườn.

*
*      *

Địa chủ làm giầu như thế, ăn tiêu như thế, không trách nông dân muốn khỏi chết, phải vùng dậy mà đấu tranh để tự cứu lấy mình.




Mời đọc Bản chụp dạng ảnh
Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"



Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF


Mời đọc tại ISSUU



Tham khảo: Các bài viết liên quan


Quanh cái xác chết



Minh họa: Kho tàng truyện hay

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Cô Vân | 2. Phú Thăng


Mời nghe đọc tại ĐÀI TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ VTC
Mời đọc Bản đánh máy

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"

Quanh cái xác chết

Nguyễn Công Hoan


Tôi nguyên quán ở Nam Định. Bố mẹ tôi sinh tám lần, nuôi được có bốn. Năm 45, chết đói mất ba. Hiện nay còn có mỗi một mình tôi.

Ông bà tôi mất đi, để lại cho bố tôi bốn sào ruộng và mười thước vườn. Ruộng ở cánh Nam phung, liền mảnh với ruộng của thằng địa chủ trong làng tên là Hường Vôi.

Gia đình tôi đông người, nên không đủ ăn. Ngày mùa, bố mẹ tôi phải làm thuê làm mướn. Ngày ba tháng tám, thì đan cái rổ cái rá để bán. Nhưng vẫn bữa no, bữa đói.

Nhiều lần thằng Hường Vôi cho vợ đến khuyên mẹ tôi bán ruộng cho nó. Nhưng mẹ tôi không nghe. Nó còn giả nhân giả nghĩa thương bố tôi nghèo, bảo hễ túng thiếu cứ đến nó mà rật tạm. Nhưng bố tôi nhất định không vay. Bố tôi vẫn đem câu của ông nội tôi, ngày xưa, nói lại cho chúng tôi nghe:

- Tiền của nhà giàu lọt được vào nhà nghèo lúc nào, là tai họa bắt đầu đến nhà nghèo từ lúc ấy.

Tôi còn nhớ, năm tôi lên mười, trời làm đói kém. Bố tôi phải đi xa để kiếm ăn. Mẹ tôi ở nhà. Tôi thấy ngày nào mẹ tôi cũng đi một buổi. Khi về nhà, thì có một ít gạo hoặc cơm nguội. Mẹ tôi chia cho chúng tôi. Không lần nào mẹ tôi ăn, cứ nói rằng ăn rồi, còn no.

Một hôm, em út tôi nó đói quá, khóc ngằn ngặt. Tôi đi tìm mẹ tôi ở chợ. Bỗng tôi thấy mẹ tôi đường liếm lá bánh, bên cạnh, có cái bị đựng lẫn lộn cả cháy lẫn cơm. Tôi hiểu hết. Mẹ tôi vẫn nói dối ăn rồi, là ăn như thế. Tôi thương quá nói:

- Đừng làm thế, bệ rạc lắm, mẹ ạ.

Mẹ tôi rưng rưng nước mắt, xoa đầu tôi, đáp:

- Mẹ ăn mày và liếm lá thì khổ thật. Nhưng mẹ sung sướng vì con được ăn cháy và giành được cơm cho các con. Túng mà phải đi vay mới bệ rạc, con ạ.

- Thế sao mẹ không bán ruộng cho ông Hường lấy tiền đong gạo?

- Bán cũng được, nhưng bán thì mất ruộng. Mà mất ruộng thì đói mãi mãi, thì bệ rạc suốt đời. Thà chịu ăn mày ăn xin một hai tháng, chờ đến ngày mùa có thóc, thì nhà ta lại no. Nhưng bố mẹ tôi không thể mãi mãi tránh được cái nạn địa chủ.

Một năm, bố tôi thiếu tiền ra thuế. Mẹ tôi chạy ngược chạy xuôi, mấy hôm trời, không vay được ai. Vì nhà ở cạnh đình, nên tiếng trống thúc và tiếng người bị cùm kẹp, đánh đập, kêu la, rõ mồn một. Sắp đến lượt bố tôi bị nhục, thì thằng Hường Vôi đến:

- Thôi, tôi đã nộp cho anh rồi. Chị dại quá, không biết đến tôi mà mượn. Có năm đồng bạc chứ mấy, mà để anh ấy suýt khổ thân. Trong làng trong nước, ăn ở với nhau, nên có tình. Tôi thương những người nghèo lắm.

*
*    *

Đúng như lời ông tôi nói. Tai họa bắt đầu đến nhà tôi từ hôm đó, đến một cách đàng hoàng. Tránh sao được? Vùng tôi nhan nhản những địa chủ cường hào, như cái lưới vây chặt lấy nông dân. Mà cái giống ấy như đỉa, thế nào nó cũng bám được người, để hút máu.

Trong tụi ăn bám và gian ác, thằng Hường Vôi là tên địa chủ vào hạng trung bình, nên ít người biết tiếng. Nó có độ bảy trăm mẫu.

Thủa trẻ, nó ở tỉnh, làm nghề dán vé chợ, ở chợ Rồng. Rồi thầu cơm cho đề lao. Trong thời gian này, nó làm giàu bằng cách hòa vôi vào gạo cho tù ăn. Nên người ta gọi là Cai Vôi. Có tiền, nó cho vay lãi, rồi tậu ruộng ở làng. Rồi nó không làm gì nữa. Nó lấy một con vợ lẽ Tây lai, dùng để giao thiệp với các quan trên nhà nó. Nó về quê ở, sống bằng mồ hôi nước mắt nông dân. Rồi nó mua hàn lâm. Rồi nó chạy làm nghị viện. Rồi nó được thằng Bảo Đại thăng hàm Hồng lô, và thưởng kim khánh. Người làng gọi nó là quan Hường. Nhưng là quan Hường Vôi, vì quen mồm.

Thẳng Hường Vôi ác có tiếng. Nó đánh người như két, giết người không ghê tay. Con gái làng bị nó hiếp gần khắp lượt. Nhiều người mang bệnh, không đẻ đái được nữa. Trong có ba mươi năm, từ tay trắng, nó có đến bảy trăm mẫu ruộng. Không tháng nào nó không kiện người, bị người kiện và lo kiện cho người. Con vợ lẽ Tây lai của nó vào cửa nào cũng lọt.

Nó thường nói với nông dân:

- Tao muốn để cho thằng nào ở làng thì thằng ấy còn được ở. Tao mà lấy hết ruộng, chúng bay đi xiêu cả, thì những hôm nhà có việc, tao lấy ai mà sai bảo.

Bố tôi biết không phải vào hạng người được nó còn cho ở làng. Thỉnh thoảng nó vẫn gạ mua ruộng, nhưng bố tôi không bán. Bố tôi lại khí khái, không chịu đi lại nhà nó để vay mượn. Nhưng lần này thì thật là tiền của nó lọt vào nhà tôi rồi.

Sau vụ thuế, bố mẹ tôi đi vay bà con, người đồng bạc, người vài hào, cho được đủ năm đồng, để đến trả thằng Hường Vôi.

Nhưng lần đầu tiên, nó mắng một cách thân mật. Và không nhận:

- Ai đòi mà phải trả sớm thế?

Lần thứ hai, nó đi vắng. Lần thứ ba, nó nói dối là đi vắng. Thế là năm đồng bạc tan. Vì tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Mà khi địa chủ nó đã buông câu, nông dân mắc vào, thì khó lòng gỡ nổi.

Bố mẹ tôi chán ngán quá, vì trông thấy rõ cái cơ mất ruộng dễ như chơi rồi. Bố tôi bàn:

- Thế này thì phải kiếm thêm đất mà làm chứ không thì chết.

Một hôm, có tin ông Xum là một tá điền của thằng Hường Vôi, vì nợ nó lưu cữu nhiều quá, không thể trả được, nên bỏ ruộng trốn đi làm phu ở Tân thế giới. Người họ tôi đến chơi, bảo bố tôi nên xin chỗ mẫu ba ấy mà làm. Vì nó quây quanh cái bốn sào nhà tôi ở Nam phung.

Bố mẹ tôi bàn bạc kỹ lưỡng rồi đồng ý. Chú tôi vay tiền, mua cho hai chục trứng gà đến nói với thằng Hưởng vôi hộ bố tôi. Nó bằng lòng, gọi bố tôi đến làm giấy.

Sau bố tôi mới biết chỗ ấy tiếng rằng mẫu ba, nhưng kỳ thực có một mẫu và phải nộp bằng tô đong.

*
*     *

Một hôm, có Tây đoan về khám, thấy mảnh của thằng Hường Vôi mà bố tôi làm, có rượu lậu. Thẳng Tây đoan đến nhà thằng Hường Vôi. Đáng lý, chính thằng này phải bắt. Nhưng vì ngày thường, nó vốn là đứa liếm giầy bọn đế quốc và quan lại, nên nó đùn cho anh Thảo, một cố nông ở nhà nó, bị giải đi thay nó.

Việc vỡ lở ra, hôm sau, bố tôi mới hiểu rằng thằng Hường Vôi, vì mua ruộng của bố tôi không được, nên lập tâm làm hại. Nó bỏ rượu lậu vào ruộng bố tôi, rồi đi báo đoan. Tất bố tôi bị bắt và bị phạt. Không có tiền nộp phạt thì ngồi tù. Thì lúc ấy thế nào mẹ tôi cũng phải bán ruộng cho nó. Nó sẽ bóp mua bằng giá rẻ. Nhưng giá công việc làm đúng được như mưu mô của nó, thì ruộng ấy về tay nó thực. Đằng này, nó lại muốn kín, sai con vợ Tây lai đem rượu lậu đi. Con này không biết ruộng nào vào ruộng nào. Ruộng của bố tôi thì nó không bỏ, lại lớ ngớ, bỏ ngay vào ruộng của nhà nó.

Việc này sở dĩ nhiều người biết là vì, sau khi anh Thảo bị giải đi, thì con vợ Tây lai bị con vợ cả chửi cho một trận nên thân. Rồi ba vợ chồng cãi nhau, đánh nhau ỏm tỏi. Đến chiều, con Tây lai phấn sáp, đi ô tô lên tỉnh một tối, sáng hôm sau nó đưa anh Thảo về.

Biết thủng câu chuyện, mẹ tôi lo lắng, bàn với bố tôi:

- Hay là bán phắt cho ông ấy, để tậu mảnh khác, ở chỗ xa?

Bố tôi lắc đầu:

- Ruộng nào, dù xa mấy, thì rồi sau ruộng địa chủ cũng bò tới. Có tránh đằng trời. Có điều rằng mình giữ gìn, chăm chỉ làm ăn, và kiên quyết không bán, thì không sợ mất ruộng.

Mẹ tôi thở dài:

- Tôi lo lắm!

Mẹ tôi lo rất đúng.

Chiều hôm sau, thằng Hường Vôi cho người gọi bố tôi đến.

Ở gian bên phải nhà nó, có một người lính cơ mới ở huyện về.

Nó nói:

- Hôm kia, có quan đoan về khám, bắt được rượu ở ruộng tao. Theo luật nhà nước thì đáng lý tao chịu phạt. Song, các quan đã minh xét. Ruộng tao, nhưng mày lĩnh canh. Cho nên trách nhiệm mày phải chịu. Vì thế quan trên tha cho thằng Thảo về. Và hôm nay có trát bắt mày. Mày theo thầy quyền lên huyện.

Bố tôi lặng người một lát. Rồi không thể nhịn được, mới nói:

- Thưa quan, không phải quan trên minh xét, mà là vì cô hai lên tỉnh tối hôm kia.

Nó quắc mắt:

- À thằng này giỏi! Đồ xỏ lá!

Dứt lời, nó vớ cái roi gân bò treo ở tường, vụt lấy vụt để vào bố tôi.

Bố tôi dơ tay ra đỡ.

- Ông không có phép đánh tôi!

- Không có phép này! Không có phép này! Mày muốn kiện đâu thì kiện. Ông không sợ.

Rồi nó quất lia lịa, vào mặt, vào lưng, vào đít, vào đùi.

Bố tôi giằng lấy roi, kêu rầm lên.

Thằng lính huyện bênh nó, xông vào, nhặt cái khăn lượt của bố tôi rơi xuống đất, ôm ghì lấy bố tôi, khóa cẳng, rồi trói bố tôi lại.

Thằng Hường Vôi được thể, đánh một chập nữa. Bố tôi đau quá, mềm như sợi bún, mặt mũi quần áo bê bết những máu.

Thẳng lính nói:

- Dại như con chó. Mày tập tễnh thế kia, thì đi sao được đến huyện.

Nó bắt bố tôi dẫn về nhà và bảo mẹ tôi:

- Đáng lẽ tao giải chồng mày đi ngay chiều nay, vì việc là việc khẩn. Nhưng thôi, tao thương hại. Tao rộng phép cho sáng mai, cơm nước xong thì đi.

Mẹ tôi hiểu ý. Nghĩa là thằng lính muốn vòi bữa cơm chiều nay và bữa cơm sớm mai. Bố tôi đau đớn, nằm trên giường, thỉnh thoảng thở dài.

Mẹ tôi nén lo và thương, phải đi chạy tiền, mua gà, mua rượu, làm cơm thết thằng lính. Đến tối, bố mẹ tôi mới dám than thở và khóc lóc với nhau.

Đêm ấy, bố tôi thắt cổ ở trong buồng.

Sáng hôm sau cả nhà mới biết.

Mẹ tôi hô hoán lên.

Hàng xóm láng giềng đổ sang. Thấy người bố tôi còn nóng, mọi người toan cởi giây để cứu. Nhưng thằng lính cơ, làm như thạo luật pháp, ngăn lại:

- Phải đi tường lý dịch, xem người ta bảo sao. Chớ ai mó vào. Có chịu nổi tội vạ thì hãy tự tiện.

Mẹ tôi kiếm cơi trầu, chạy đi tìm lý trưởng.

Thằng này gọi bố tôi bằng chú họ. Nó bảo mẹ tôi cứ về trước, rồi nó đến sau.

Xác bố tôi treo lủng lẳng ở xà nhà. Lạnh dần và xám dần. Mãi đến chiều, thằng lý trưởng mới đến. Nó đi với một người tuần.

Nó lừng lững vào buồng, sai người tuần cởi giây.

Xác bố tôi rơi bịch xuống đất, cứng như cây gỗ.

Mẹ tôi và chúng tôi oà lên khóc.

Thằng lý trưởng cau mặt, mắng:

- Ra cả ngoài kia để người ta làm việc.

Nó sờ vào người bố tôi, rồi nhìn mẹ tôi, càu nhàu nói:

- Thế này mà dám trình là còn nóng.

Rồi nó lấy chân, lật sấp, lật ngửa xác bố tôi, rồi nói một mình.

- Ừ chết thật rồi.

Mẹ tôi hu hu khóc:

- Vâng, giá bác đến ngay từ sớm, thì may cứu được nhà tôi.

Nó xì một tiếng rồi nhại:

- Cứu!

Rồi nó ngồi xuống, nhìn vết giây ở cổ, và làm như ngạc nhiên:

- Quái!

Nó mới nói tiếng ấy, chưa bảo gì thêm, thì người tuần đã cởi quần áo của bố tôi ra. Hình như chúng nó xếp đặt sẵn với nhau công việc rồi. Người tuần nói:

- Đúng rồi.

Thằng lý trường không nhìn những vết roi lằn ở người bố tôi tí nào. Nó đưa mắt lườm người tuần và chậc chậc mấy cái, để bảo im. Bỗng nó ôm hai bàn tay vào mặt nó, và rung hai vai, làm như khóc than rồi hờ:

- Ới chú ơi là chú! Tôi không ngờ người ta đánh chết chú, rồi treo cổ chú lên đây, để trình rằng chú tự tử. Ới chú ơi là chú ơi!

Rồi nó hỷ mũi, nhưng vắt mãi không ra nước.

Mẹ tôi không hiểu sao, im khóc để nghe.

Nó đứng dậy, làm mặt giận, trỏ vào mẹ tôi:

- Tao không họ hàng gì với mày nữa. Mày giết chú tao.

Mẹ tôi giật mình:

- Sao bác lại nói thế?

Nó hầm hầm:

- Trong người chú tao đẩy những thương tích. Mày đánh chú tao, rồi treo lên đây. Nếu không thì cũng là bức tử chứ không phải tự tử.

Mẹ tôi sợ quá, đáp:

- Nhà tôi bị quan Hường đánh, có thầy quyền biết. Rồi chắc rằng sợ tù tội, nên tự tử đấy, bác ạ.

- Không biết.

Nó đếm thương tích, và làm biên bản.

Mẹ tôi lo cuống cuồng, bưng mặt khóc, kêu oan.

Làm biên bản xong, nó bắt mẹ tôi điểm chỉ.

Nhưng nhất định mẹ tôi rụt tay lại.

Nghe chừng dọa không trôi, nó đứng dậy ra về, và nói:

- Việc này còn lôi thôi to. Còn phải trình quan, đốc tờ về khám xong mới được chôn.

Mẹ tôi nằn nì, giữ nó lại. Nó nói:

- Mày không ký, rồi mày biết. Giết chồng còn già mồm!

Mẹ tôi lạy van nó. Nó dịu nét mặt, hỏi:

- Thế định không điểm chỉ phỏng?

- Nhưng tôi không đánh nhà tôi. Chính là quan Hường. Bác viết lại biên bản hộ, để nhà tôi đỡ chết oan.

Nó cau mặt, nhại:

- Viết lại! Dễ tôi làm việc quan nhà nhà bà phỏng? Mà bà nói dễ thế. Tôi đã vậy, còn các ông chánh phó hội, phó lý dễ giấu nổi người ta phỏng?

Người tuần thấy mẹ tôi chưa hiểu, mới nhắc:

- Thôi, bà kiếm chẻ lá, nói với các ông ấy tử tế, thì các ông ấy ngơ đi cho.

Mẹ tôi im lặng. Thằng lý trưởng nhìn để chờ mặc cả một món tiền. Nhưng mẹ tôi bối rối, chưa nghĩ ra, thì nó tuyên bố một cách ráo hoảnh:

- Việc này, muốn trôi, phải hai chục.

Mẹ tôi rú lên:

- Giời ơi!

Rồi òa lên khóc.

Anh em chúng tôi thấy mẹ khóc cũng khóc. Mẹ tôi chắp hai tay, lạy nó, kể lể tình nghĩa họ hàng, rồi khấn nó mười đồng. Nó không đáp, bĩu môi, trợn mắt, nhìn một lát, rồi nó hất hàm:

- Chúng tôi uống nước lã để làm việc cho bà à? Mười lăm đồng! Thế là họ hàng rồi!

Mẹ tôi bằng lòng. Nó làm lại biên bản, bảo mẹ tôi điểm chỉ. Nó nắm lấy tay mẹ tôi, híp mắt cười một cách đều cáng:

- Bàn tay sao mà múp míp thế này! Tội nghiệp quá nhỉ!

Mẹ tôi giật tay ra. Lập tức, nó đút nghiến văn bản vào túi:

- Không điểm chỉ thì thôi, ông đếch cần.

Mẹ tôi lại phải đưa tay cho nó ngắm và mân mê.

Điểm chỉ xong, mẹ tôi nói:

- Bác cho tôi khất đến tối, để tôi đi chạy tiền.

- Được, không có đủ, thì lại làm biên bản lại đấy.

Mẹ tôi đi rạm bán ruộng.

Nghe tin ấy, thằng lý trưởng đến, mắng mẹ tôi:

- Mày ngu như chó! Sao không gọi bán cho tao?

Mẹ tôi đòi ba chục. Nhưng nhất định nó chỉ trả hai. Nó nói:

- Không để cho tao, thì không ai mua nổi đâu.

Không thể đòi thêm, mẹ tôi phải bằng lòng.

Nó làm văn tự, bắt mẹ tôi in tay.

Nhưng sực nghĩ ra điều gì, nó nhìn mãi cái văn tự, rồi lắc đầu:

- Không hợp pháp. Chồng bà chết, bà không có phép bán ruộng. Phải có hội đồng gia tộc mới bán nổi, vì các con bà còn bé. Thôi tôi không làm bậy.

Mẹ tôi lo lắng:

- Thế thì làm thế nào, bác bảo cho.

Nó nghĩ ngợi một lát, rồi nói:

- Nhưng mà được.

Nó xé văn tự vừa làm, viết lại tờ khác:

- Đây, tôi đề ngày hôm qua, tức là hôm ông ấy chưa chết, để hai vợ chồng cùng ký nhận.

Mẹ tôi không hiểu. Nó in tay mẹ tôi, rồi cầm đèn hoa kỳ vào buồng. Xác bố tôi vẫn trần truồng, nằm úp mặt xuống đất. Thân thể đã xám ngoẹt hơn. Nó lật ngửa lên, kề đèn vào gần cánh tay phải, bôi mực vào ngón tay cái. Rồi nó áp tờ văn tự vào. Mẹ tôi và chúng tôi thút thít khóc. Đoạn nó vui vẻ đứng dậy:

- Thật là thuận vợ thuận chồng.

Nó ra ngoài, ngồi trên phản, bỏ miếng trầu vào mồm, rồi nói:

- Bà bán cho tôi hai chuc. Tôi trừ mười lăm đồng, còn năm đồng. Nhưng năm đồng này, tôi phải giữ lại để chia cho các ông ấy.

Mẹ tôi choáng người:

- Bác cho lại tôi, để tôi mua cỗ ván cho thầy cháu.

Nó lắc đầu, đứng dậy ra về. Mặc cho mẹ tôi lạy van và bù lu bù loa khóc.

Thằng lính huyện vẫn ở lì lại nhà tôi, để chờ được ăn thêm một bữa cỗ đám ma, thấy chúng tôi khóc, thì nó tỏ vẻ khó chịu:

- Gớm, làm gì mà ồn lên thế. Mất có hai mươi đồng là quá phải rồi, còn kêu gì!

Mẹ con chúng tôi vào buồng, mặc cho bố tôi cái quần nâu lành, và cái áo the cũ, rồi đặt nằm lên trên chiếu.

Bố tôi đã trương, mặt bị đánh sưng, nay to bằng cái cháp tròn.

Tôi trông thấy đứt từng khúc ruột.

Khi mẹ tôi chưa nong xong cái áo cho bố tôi, thì con mẹ Hường Vôi léo nhéo từ cổng vào:

- Sao quân chúng bay ngu thế, bán ruộng thì không bán cho bà. Bà không có tiền à!

Rồi nó quát:

- Đâu rồi? Nó đâu rồi? Không mở miệng ra được à!

Mẹ tôi vội vàng chạy ra. Nó dí ngón tay trỏ vào trán, và nghiến răng:

- Cha con mẹ mày, đồ bạc nhé. Mày bán mất ruộng rồi à?

- Thưa bà, bác lý nó đòi mua.

- Thế đã làm văn tự chưa?

- Thưa bà làm rồi.

Con mẹ tuyệt vọng, quắc mắt, chửi một thôi nữa, rồi nói:

- Được rồi, đã thế, có tiền thì giả bà mười đồng bạc sưu đây!

- Thưa bà, có năm đồng thôi ạ.

- Thế không lãi nữa à? Đồ khốn nạn!

Mẹ tôi kể cho nó biết rằng bán ruộng được có hai chục và thằng lý trưởng lấy hết cả rồi. Nó chửi:

- Cha mẹ đồ ngu như con chó. Bốn sào có hai chục mà không bán cho bà.

Rồi im một lát nó tiếp:

- Nhưng không lẽ mày để cho lý trưởng lấy hết. Thế nào mày cũng còn tiền để làm ma cho chồng mày.

- Lạy bà, thật quả con không được đồng nào.

- Mặc kệ, không giả tao mười đồng, thì mày không chôn nổi chồng mày đâu. Tao nói trước cho mày biết.

Rồi nó ra về, vừa đi vừa lẩm bẩm chửi cho đến ngõ.

Một lát, nó cho anh Thảo đến, tay xách cái ghế gỗ, tay cầm gậy. Anh ta đặt cái ghế ở cổng, ngồi xuống, không nói gì. Anh ta canh, hễ mẹ con chúng tôi ai ra đường, là anh ta khám túi, nắn gấu áo, cạp quần. Con mẹ Hường Vôi đoán thế nào chúng tôi cũng còn tiền để sắm sửa làm ma cho bố tôi, nên nhất định nó phải lấy nợ cho bõ giận. Thành thử mẹ con chúng tôi không ai dám ra đường.

Bà con và hàng xóm thấy trong nhà có lính và có người nhà thằng Hường Vôi canh cổng thì không dám đến, sợ lụy đến thân.

Xác bố tôi vẫn nằm cong queo trong buồn.

Mẹ tôi lo quá, không biết làm thế nào để chôn được, nên chỉ khóc.

Trời về mùa hè, nóng nực, nên qua một đêm, xác đã lên mùi.

Anh Thảo ngồi ở cổng, nhổ toèn toẹt. Thẳng lính huyện cũng nhổ toèn toẹt. Luôn luôn nó hỏi mẹ tôi sao không mổ gà mổ chó để cúng bố tôi, lại nỡ để vong hồn người chết bơ vơ đói khát.

Cả ngày hôm ấy, nhà tôi thật lặng lẽ. Chỉ chốc chốc có tiếng thở dài và tiếng khóc ti tỉ. Anh Thảo phải bắc ghế ra tận đường để ngồi, thỉnh thoảng quay vào trong nhà, chửi đổng là nó làm khổ ông. Thằng lính kiên tâm hơn, vài giờ đồng hồ lại vào bếp ngó một tý. Thấy mẹ con tôi nằm ôm nhau, thì nó sốt ruột, nên thỉnh thoảng lại nhắc nhỏm:

- Gớm, nhịn đói khỏe nhỉ!

Chiều hôm ấy, muốn chừng biết rằng chờ mãi cũng vô ích, chỉ phải ngửi thối thôi, nên nó bắt mẹ tôi biện ba hào tiền tiễn để nó về huyện. Mẹ tôi không có, phải lột cái áo the mặc cho bố tôi, gán cho nó.

Đến đêm, chở cho anh Thảo ngủ, mẹ con tôi đánh thức nhau dậy, bó chiếu cho bố tôi, rồi xé hàng rào sau, khênh xác bố tôi ra đồng.



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Trong Tập truyện ngắn "Nông dân với địa chủ"


Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF


Mời đọc tại ISSUU



Tham khảo: Các bài viết liên quan