Ads 468x60px

.

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

NGUYỄN CÔNG HOAN: “TRUYỆN LÀ BỊA Y NHƯ THẬT”


NHỮNG BẬC THẦY CỦA TÔI (Xuân Vũ): Phần III - CHƯƠNG XVI

NGUYỄN CÔNG HOAN:
“TRUYỆN LÀ BỊA Y NHƯ THẬT”

Xuân Vũ


Đó là câu nói cũng là bài học hay nhất của Nguyễn Công Hoan dạy tôi. Ông luôn luôn cười mím chi, cái cười trên gương mặt đôn hậu rất dễ mến, không nghiêm trang. Ông chỉ đến cơ quan khi họp, họp xong về ngay, nên ít có dịp tiếp xúc với đám trẻ. Từ ngày ông mua ngôi nhà trên Bưởi thì ông ở luôn trên đó, chỉ khi nào cơ quan cho người đánh xe lên rước, ông mới xuống. Do đó, ông là người ít nói kinh nghiệm cho ai nghe hơn hết.

Nhưng tôi có dịp may. Số là khoảng năm 59-60 chi đó tôi cố tìm được một nơi yên tĩnh để ngồi viết quyển Lửa Dưới Tro đã nói ở trên kia. Đó là ngôi chùa gần nhà ông.

Chiều chiều tôi thường đi ra trước cổng chùa để nhìn về phía Nghi-tàm mà nhớ Hà Nội, ở Hà Nội mà vẫn nhớ Hà Nội. Bỗng một hôm tôi gặp ông cũng đi dạo mát ở bờ Hồ Tây ngay trước cửa chùa. Đó là lần gặp riêng duy nhất của tôi đối với ông.

Sau vài câu chuyện mưa nắng, anh hội viên Xuân Vũ bèn phỏng vấn ông chủ tịch Nguyễn Công Hoan. Phỏng vấn hối hả và không có chương trình gì hết. Tôi hỏi:

– Xin cụ Hoan cho cháu biết cụ viết cái Bước Đường Cùng như thế nào?

Ông xua tay:

– Ấy chết! Đừng gọi tôi thế? Đừng gọi tôi thế!

Tôi chưng hửng, không biết mình hỏi thế có đường đột vô lễ gì không, thì cụ mỉm cười:

– Anh là người Nam nên không hiểu “Cụ Hoan” nghĩa là gì hả ? !

(Về sau tôi mới hiểu tiếng nói lái của miền Bắc khác miền Nam. Cụ Hoan có nghĩa là hoạn…)

Rồi cụ vui vẻ:

Bước Đường Cùng tôi viết trong 15 ngày. Bỏ nhà đi chỗ khác vắng vẻ viết một mạch. Xong, ra về, đưa đi in.

– Cụ không có chữa à ?

– Chữa trong lúc viết thôi.

– Dạ . Còn Lá Ngọc Cành Vàng?

– Cũng gần như vậy. Tôi viết giấy rời, tờ nào không vừa ý thì rút ra, viết tờ khác thay vào.

– Cụ lấy cốt truyện ở đâu?

– Tôi không lấy ở đâu cả, toàn bịa. Chỉ có tí sự thực tôi nghe được.

Quả thật sau đó tôi đọc các truyện ngắn của cụ do nhà xuất bản Văn Học in thành 4, 5 tập cả trăm truyện, tôi mới thấy điều của cụ nói là sự thực, toàn bịa ra cả. Mỗi tuần một truyện thì thì giờ đâu mà đi lấy tài liệu, đi thực tế như bọn trê chúng tôi bây giờ? Vả lại, ông là thầy giáo, làm sao bỏ lớp học được?

Ông nói thêm:

Truyện là bịa y như thật, anh nào bịa giỏi anh đó ăn!

Đó có vẻ là câu nói bình thường, nhưng đã được nhà văn Việt Nam Nguyễn Công Hoan đúc kết thành chân lý, nguyên lý của nghề viết truyện.

Nguyễn Công Hoan cho biết ông không đọc sách, ngoại trừ sách giáo khoa để dạy học trò. Còn tiểu thuyết, truyện nọ kia thì ông không đọc của ai hết vì: sợ khi viết rủi trùng với người ta mà không hay rồi mang tai tiếng. Ông ghét nhất là lý luận văn học. Ông gọi những nhà lý luận là “bọn ấy”. Chúng nó không sáng tác được, nên quay sang làm nhà phê bình, nhà lý luận. Chính ra từ sáng tác anh mới lý luận được, chứ từ lý luận đặt ra, rồi bảo người ta sáng tác theo đó, thì còn gì vô lý bằng. Chính nhà văn mới là nhà lý luận văn học.

Tôi không biết nên nghe lời ông hay không nên nghe, nhưng tôi cũng không bao giờ viết một bài lý luận.

Về câu nói “Truyện là bịa”, tôi càng viết càng thấy nó hay quá trời! Chính từ khi đặt bút viết truyện đầu tiên, mình đã dùng cái nguyên lý ấy rồi, nhưng không hay. Đến nay nghe ông “Tổ Bịa”, nên mới dám mạnh dạn mà “bịa”.

Trước kia, khi viết mình cứ sợ đi xa sự thật rồi nó không thật. Anh Nguyễn Huy Tưởng đã hết lời khen Vũ Trọng Phụng là sáng tạo phi thường cái Số Đỏ. Sự thật không có một anh chàng nào như Xuân Tóc Đỏ, như ông Minh, bà Văn, như ông Phán mọc sừng cả ! Nói cho văn học thì đó là sáng tạo, và nói theo kiểu bình dân như cụ Hoan thì đó là Bịa? Tức là tác giả nhặt một mớ đất sét ở đây đó khắp nơi, gom lại, chế tí nước, pha tí màu, rồi nặn ra các con rối, và đặt tên là Xuân, là Tuyết, là cụ Cố v.v… Các bạn đọc lại Số Đỏ xem, có cái đám ma nào vui vẻ kỳ lạ thế không? Có ông chồng nào như ông Phán mọc sừng không? Bịa hoàn toàn, nhưng thực, thực một cách tàn nhẫn! Sự thực trong sách hay hơn sự thực ngoài đời Có những lúc viết, tôi cứ ôm cứng cái sự thực, không dám đẩy nó lên một mức, vì sợ xa sự thực. Mà xa sự thực thì sẽ rơi vào tháp ngà mà ở trong tháp ngà thì là bố của tiểu tư sản và tư sản!

Bây giờ xem lại thấy Victor Hugo làm thơ toàn ở trong tháp ngà, và nhờ ở trong tháp ngà, ông mới làm được bằng ấy bài thơ có giá trị.

Vậy câu nói của Nguyễn Công Hoan bao trùm cả văn lẫn thơ. Riêng ở lãnh vực thơ càng phải bịa, bịa mạnh.
“Đêm nay rằm, yến tiệc ở trên trời”

“Chàng là Kim Đồng, thiếp là Ngọc Nữ!”

“Tôi ôm thiếu nữ vào lòng
Người yêu bỗng biến thành bông hoa rừng! “
Những hình tượng ấy không phải bịa thì là gì?

Từ khi tập tễnh cầm bút tới nay, tôi chưa thấy ai nói một câu đơn sơ mà có tính cách nguyên lý trong nghề viết truyện như Nguyễn Công Hoan. Đó là lý luận. Nhưng câu nói ấy không mấy ai chú ý, để bu vào theo những bài vở lý luận xa vời vô bổ làm cho người viết khó theo, run tay khi viết. Bịa phải chăng là tướng tượng? Này đây, tôi xin nhắc lại: những truyện Liêu Trai Chí Di của Bồ Tùng Linh có phải là bịa không? Có cậu học sinh nào yêu ma quái như vậy không?

Thời tôi đi học, đã nhắc lại ở những chương đầu, có quyển Thần Hổ của Tchya Đái Đức Tuấn, bọn tôi mê mẩn xem, bỏ cả học bài. Đó là một con cọp trắng hóa thành tinh ăn thịt người, nhưng có khi hiện hình là một tiên ông ca hát với đám tiên nữ. Đám tiên nữ cũng là một lũ ma trành, ma xó đi theo hầu hạ “tiên ông”.

Truyện vô cùng hấp dẫn cho học trò lẫn người lớn. Ngày nay không có cây bút nào đi vào làng bịa như Tchya nữa. Rồi truyện Dế Mèn của Tô Hoài, phải chăng là một trời bịa? Các truyện Chuột của anh cũng chỉ là một sự bịa. Bịa y như thật. Hãy bịa mạnh vào, nhưng nhớ là bịa y như thật.

Và đây nữa, truyện Tây Du, Phong Thần, Tam Quốc làm say mê tuổi học trò lẫn tuổi già của tôi. Hàng trăm tiên ông tiên bà, ngàn trang sách, toàn bịa là bịa, nhưng đọc cứ tưởng y như là thật. Có Trần Huyền Tăng không? Có Đường Thể Dân không? Có, nhưng trong chính sử, cả hai đều không đẹp như sự bịa của Ngô Thừa Ân. Nào là 7 con Nhền Nhện, nào là con Ba Ba tu dưới đáy sông 500 năm chưa thành tiên, nào là cái kim cô của Quan Âm niềng đầu Hành Giả. Nào là cả ngoại càn khôn, nào là thế giới loài khỉ ở Thủy Liêm Động, nào là quạt Ba tiêu của Bà La Sát có phép quạt tắt cả núi lửa. Tám mươi tai nạn mà Phật tổ Thích Ca cho Tam Tạng còn chưa đủ, phải bịa thêm một tai nạn thứ 81 . Đó là những cuốn “Vô Tự Kinh”.

Nhưng cái sự bịa ly kỳ nhất là Tây Lương Nữ Quốc, một nước chỉ có đàn bà, hoàn toàn không có một đấng mày râu khả dĩ cưới vợ được! Nguy hiểm nhất là triều đình nước Tây Lương này cũng toàn là quần vận yếm mang cả, vua thì gọi là Nữ vương, Thừa tướng, Thái sư, Nguyên soái để tóc dài và uốn quăn, đi mỹ viện xâm viền mắt và môi cả. Nhưng cũng chưa tuyệt, vì độc giả hỏi: Thế thì làm sao dân xứ này đẻ con? Thưa, có con sông gọi là “Mẫu Tử Hà”, công dân xứ này đến tuổi mười tám, nếu muốn có con, cứ ra đấy múc nước sông lên uống, thì sẽ chuyển bụng và mang thai, rồi sẽ hạ sinh con sau chín tháng mười ngày, đúng qui luật của tạo hóa như những bà vợ ở các nước khác. Nhưng có điều là chỉ đẻ ra cái đĩ chớ không ra thằng cu nào cả !

Trong dịp bốn thầy trò Đường Tăng lại đến xin VISA để đi nước khác, vua tôi đều mê mệt những gã đàn ông này. Bát Giới bỗng trở thành niềm ước của cả triều đình. Sa Tăng, Hành Giả mặt mày như thế mà vẫn được coi là đẹp trai. Nữ vương thì nói thẳng với Tam Tạng: “Trẫm sẽ nhường ngôi cho chàng!” Bạn có thấy ai bịa như Ngô Thừa Ân không? Đó nếu không gọi là Bịa thì gọi là gì? Có cái nước nào trên thế giới này như Tây Lương Nữ Quốc không? Thế nhưng cái bộ óc “Siêu Bịa” của Ngô Thừa ân đã tạo ra nó Y NHƯ THẬT.

Cho nên câu nói của nhà văn Việt Nam Nguyễn Công Hoan, nếu dịch ra một trăm thứ tiếng trên thế giới, thì nó sẽ là cây đuốc soi đường cho những ngòi bút sáng tạo toàn cầu. BỊA Y NHƯ THẬT! Trước ông một ngàn năm, Ngô Thừa Ân đã làm công việc đó. Nhưng Ngô Thừa Ân chỉ làm mà không nêu thành nguyên lý, cho nên sau ông có biết bao nhiêu nhà văn cứ ôm lấy sự thực mà đặt lên giấy, không dám bớt mà cũng không dám thêm, thành ra văn chương lắm khi bị lẩn quẩn trong vòng sự thực, tẻ ngắt, khô khan, ngô nghê ! Nhất là văn chương xã nghĩa. Chỉ khi nào tung hê cái sự thực đó đi ĐỂ LÀM NÊN MỘT SỰ THỰC KHÁC MẠNH HƠN, ĐẸP HƠN SỰ THỰC NGOÀI ĐỜI, thì văn chương mới trở thành văn chương được.

Có lần nhà văn Tô Hoài bảo tôi: Người ta đang đi theo lối viết người thật việc thật. Đó là nói láo! Chẳng ai viết truyện mà đem nguyên sự thực lên giấy bao giờ. Nếu có ai theo lối đó, thì chẳng bao lâu họ cũng sẽ bỏ đi, vì lối đó không khoa học và phản nghệ thuật. Khi cầm bút viết câu thứ nhất, là cậu đã bắt đầu sáng tạo rồi, nghĩa là cậu bắt đầu cắt xén hoặc tô vẽ cho sự thực.

Sau này nếu có một độc giả hỏi cậu: “Những điều ông viết ra có đúng sự thực hay không?” thì cậu đừng bao giờ trả lời là: “Tôi có gặp ông A bà B, và tôi ghi lại sự thực hoàn toàn!” Ngoại trừ làm phóng sự cho báo thì có thể, chứ còn viết phóng sự tiểu thuyết như Vũ Trọng Phụng, Tam Lang là đã có khối bịa tạc rồi!

Tôi nghĩ là câu nói của Tô Hoài bổ túc cho câu của Nguyễn Công Hoan. Bịa là một ngón nghề quan trọng nhất, cơ bản nhất cho nghề viết truyện. Bịa từ cốt chuyện, bịa tới nhân vật, bịa luôn cả những biến chuyển và kết luận. Đó là trí tưởng tượng kết hợp với khoa học và nghệ thuật. Đối với tôi những chữ “TRUYỆN LÀ BỊA Y NHƯ THẬT” đã trở thành nguyên lý viết truyện mà tôi càng áp dụng, càng thấy nó đúng.

Lâu nay tôi cũng có bịa, nhưng không mạnh tay. BỊA MUÔN NĂM !



Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng (Lê Thị Đức Hạnh)


Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng

Lê Thị Đức Hạnh

Nguyễn Công Hoan là nhà văn từng sống và từng viết nhiều tác phẩm có giá trị dưới chế độ cũ. Nhưng khoảng vài năm trước ngày Tổng khởi nghĩa, sáng tác của nhà văn có phần lạc hướng: Danh tiếtThanh đạm bị dư luận tiến bộ phê phán. Giữa lúc nhà văn cảm thấy đời viết văn của mình “tàn tạ, sắp chết” thì Cách mạng tháng Tám thành công. Như đang từ bóng tối bước ra ánh sáng, cảm thấy “choáng mắt” vì thời đại lớn lao quá, nhà văn còn lúng túng chưa viết được gì đáng kể thì Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nguyễn Công Hoan vào quân đội, làm công tác dạy học. Từ 1946 đến 1954, phần lớn thời gian Nguyễn Công Hoan dành cho việc tổ chức giảng dạy, đồng thời vừa làm chủ nhiệm, vừa biên tập tờ Quân nhân học báo. Khoảng thời gian này, nhà văn có viết được mấy truyện ngắn về kháng chiến. Từ 1952– 1953, Nguyễn Công Hoan trở về công tác văn nghệ, học tập chính trị, tham gia phát động giảm tô, cải cách ruộng đất, chuẩn bị cho sáng tác.

Hòa bình lập lại, Nguyễn Công Hoan mới viết tương đối đều. Năm 1935, nhà văn cho xuất bản tập truyện ngắn Nông dân với địa chủ và mấy truyện ngắn khác.

Nguyễn Công Hoan còn viết ký. Năm 1960, nhà văn viết Những ngày tháng Tám ở Côn ĐảoNgười cặp rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn năm 1930, nói về các chiến sĩ cách mạng. Năm 1962, nhân sang thăm Ba Lan Nguyễn Công Hoan viết Thăm nhà người anh em chiến đấu anh dũng.

Song phần sáng tác chủ yếu của nhà văn vẫn là mấy truyện dài viết về xã hội cũ như: Tranh tối tranh sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (1963). Ngoài ra, Nguyễn Công Hoan còn một số đóng góp về kinh nghiệm viết văn, về nghiên cứu văn học, chủ yếu là văn học cổ cận đại Việt Nam.

***

Quá trình sáng tác của Nguyễn Công Hoan cho thấy trước Cách mạng, nhà văn viết nhiều truyện ngắn và truyện dài, nhưng phần chính là truyện ngắn, và có nhiều truyện ngắn hay. Sau Cách mạng, phần sáng tác chính lại là mấy truyện dài và rất ít truyện ngắn, đến mức mấy năm gần đây, hầu như nhà văn bỏ hẳn thể loại này. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu truyện dài, chúng ta cũng cần điểm sơ qua đến truyện ngắn (và truyện vừa), bút ký.

Mấy truyện của Nguyễn Công Hoan trong thời kỳ kháng chiến: Xổng cũi (truyện vừa, 1947, ký tên Nguyễn Văn Lung), Bà lái đò Việt Nam (truyện ngắn, 1948).

Những truyện ngắn sau ngày hòa bình được lập lại gồm tập Nông dân với địa chủ (1955, gồm 13 truyện) và một số truyện đăng rải rác trên báo hoặc in chung trong các tập với người khác như Nắm cơm, Anh Dụ, Xây dựng

Trong số những truyện này, khá nhất là Cây mít, kể lại một cách chua chát nỗi đắng cay, tủi cực của một gia đình nông dân ta trước đây: người trồng cây đã không được hưởng quả mà còn bị đánh đập, hành hạ dã man. Một số truyện khác cũng đáng chú ý: Quanh cái xác chết, Chị Liền,… Nhưng số lượng truyện dở vẫn nhiều hơn. Có thể kể: Anh Dụ, Xây dựng,… và nhiều truyện trong tập Nông dân với địa chủ.

Trong Anh Dụ, Xây dựng, sự diễn biến nội tâm của nhân vật chưa hợp lý, gây cho người đọc cảm giác không chân thực. Phần lớn truyện trong tập Nông dân với địa chủ có phần sơ lược, đơn điệu, mang dáng dấp của những báo cáo hoặc ghi chép, thu hoạch qua mấy đợt Cải cách ruộng đất.

Sau Cách mạng, Nguyễn Công Hoan viết tuy ít, nhưng vẫn có một số truyện khá. Thêm vào đó, ngay trong những truyện dở vẫn có ít nhiều đoạn sắc sảo, dí dỏm. Có điều, trước đây nhà văn nỗi tiếng chủ yếu do nhiều truyện ngắn trào phúng, đả kích, còn sau Cách mạng, mấy truyện ngắn hay lại là truyện đi vào tâm tình.

Trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan đã viết Cô làm công (theo thể nhật ký), toàn tập tuy chưa hay nhưng có nhiều trang xúc động. Năm 1960, nhờ nghe những người thân kể lại, Nguyễn Công Hoan đã viết được hai bài bút ký hay: Những ngày tháng Tám ở Côn ĐảoNgười cặp rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn năm 1930. Cũng có thể coi hai bài bút ký này là hai truyện ngắn hoàn chỉnh và xuất sắc. Với lối viết sinh động, gọn gàng, súc tích, giàu tình cảm, Nguyễn Công Hoan đã làm sống lại những sự việc xảy ra cách đây hàng mấy chục năm, khiến người đọc ngày nay giở lại những trang sách đó vẫn cảm thấy rạo rực một tình cảm cách mạng nóng hổi. Nhưng tập Thăm nhà người anh em chiến đấu anh dũng thì lại hơi nặng và nhạt.

Tuy nhiên, ta vẫn thấy Nguyễn Công Hoan có khả năng viết ký hay. Điều này càng rõ khi nhà văn cho xuất bản Đời viết văn của tôi, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, cũng với lối viết nêu lên nhiều sự việc mà vẫn giản dị, tự nhiên, hấp dẫn. Tiếc rằng Nguyễn Công Hoan viết ký còn ít.

Về truyện dài, năm 1936, Nguyễn Công Hoan cho xuất bản Tranh tối tranh sáng (trên 300 trang) miêu tả cuộc sống buổi giao thời giữa hai giai đoạn lịch sử, thời kỳ tiền khởi nghĩa. Năm 1961, nhà văn lại viết Hỗn canh hỗn cư cũng khai thác đề tài trong thời kỳ này. Hai cuốn đi sâu vào hai khía cạnh. Tranh tối tranh sáng chủ yếu lên án sự áp bức, bóc lột của bọn địa chủ câu kết với thực dân, đế quốc. Hỗn canh hỗn cư nói nhiều đến truyền thống bất khuất và cuộc đấu tranh của một làng trước Cách mạng tháng Tám. Năm 1963, nhà văn lại cho xuất bản Đống rác cũ (tập I) (trên 500 trang): nói về những mánh khóe lừa đảo để làm giàu của vợ chồng tên An-be Thừa, qua đó tập trung tố cáo khá nhiều hiện tượng thối nát trong xã hội thực dân phong kiến những năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914– 1918) và sau đó ít lâu.

Qua mấy truyện dài trên, Nguyễn Công Hoan đã bộc lộ một số ưu điểm và nhược điểm chung. Chúng tôi không đi sâu phân tích từng tác phẩm mà chỉ muốn nói một vài điểm bao quát, rồi từ đây thử nêu lên mấy nguvên nhân chưa thành công trong sáng tác của nhà văn sau Cách mạng.

Trước kia, Nguvễn Công Hoan viết khỏe, đã lên án nhiều mặt thối nát của xã hội thực dân phong kiến. Đến nay, với Tranh tối tranh sáng, nhất là Hỗn canh hỗn cư, do có nhận thức mới, Nguyễn Công Hoan đã khẳng định sức mạnh của quần chúng lao động làm nên lịch sử. Nhà văn thể hiện quá trình giác ngộ của nhân dân từ tự phát đến tự giác, cuối cùng đấu tranh thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở đây, những người nông dân, những người trí thức tiểu tư sản yêu nước,… đã được giác ngộ, cho nên dù phải hoạt động gian khổ vẫn hết sức tin tưởng ở sự tất thắng của cách mạng ngay trong lòng xã hội cũ. Nhà văn nhìn thấy phẩm chất tốt đẹp của những cán bộ Đảng. Nguyễn Công Hoan cũng cho thấy rõ: chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp, phát xít Nhật, với sự câu kết giữa bè lũ quan lại, địa chủ cường hào chính là nguyên nhân đã dẫn tới nạn đói khủng khiếp năm 1945. Những thủ đoạn bóc lột địa tô, những mánh khóe chỉ điểm để phá hoại cách mạng… của bọn địa chủ cường hào cũng bị tác giả vạch rõ. Nhà văn đã chú ý xây dựng cả một hệ thống hình tượng từ những tên thực dân cáo già đến những tên tay sai đủ loại. Nhờ đưa ra nhiều loại người, nhiều sự việc với thái độ rõ ràng, nên mấy truyện của Nguyễn Công Hoan, ở mức độ nào đó, đã có giá trị phê phán, vạch được nhiều mặt xấu xa, thối nát, đáng ghê tởm trong chính sách cai trị của thực dân Pháp.

Do có cách nhìn mới soi sáng, lại do nhà văn hiểu biết nhiều mảng sống của xã hội cũ nên ở truyện của Nguyễn Công Hoan chúng ta bắt gặp những trang viết lý thú, hấp dẫn như cảnh đón tiếp tên công sứ Va-mê (Tranh tối tranh sáng), cảnh mấy tên lính gác ở đầu làng Văn Chương (Hỗn canh hỗn cư), cảnh mật thám khám nhà, phiên tòa xử kiện, những việc làm ám muội, bẩn thỉu của bọn cha cố trong nhà chung… Có những bức tranh gợi lên nhiều nét xúc động như cuộc sống ẩn dật kín đáo của gia đình Phúc Lâm, cái chết oan uổng của cô Lễ, rồi sự lụn bại tan nát của gia đình này (Đống rác cũ, tập I)… Trong những trang viết về xã hội cũ, có những đoạn, những trang viết hay mà tới nay vẫn chưa thấy nhà văn nào vượt được. Nếu Đống rác cũ được sửa chữa lại công phu, nghiêm túc thì có thể trở thành tác phẩm có giá trị, vì nó phản ánh tương đối phong phú xã hội thực dân phong kiến một thời kỳ.

Một đóng góp nữa khá đặc sắc của Nguyễn Công Hoan là yếu tố trào phúng đậm nét trong các truyện dài. Chúng ta đều biết trong xã hội cũ có nhiều cái xấu xa, thối nát mà trước đây các nhà văn chưa có điều kiện nói hết, hoặc có nói cũng chưa được sâu, do nếp nhìn còn bị hạn chế. Sau Cách mạng, chúng ta đã có một số truyện vạch rõ bản chẩt thối nát của cái xã hội thực dân, phong kiến đáng nguyền rủa ấy, vì nó đã có lúc sống lại một cách khủng khiếp hơn, quá quắt hơn ở miền Nam nước ta, dưới nanh vuốt nguy hiểm của đế quốc Mỹ. Mặt khác, trong xã hội mới, do những tàn dư của tư tưởng cũ, không phải không còn những mặt chưa tốt, thậm chí xấu nữa, mà nhà văn cần phê phán để nêu bật những cái mới đang nảy nở. Như vậy, truyện dài trào phúng, hoặc truyện mang nhiều yếu tố trào phúng vẫn cần phải có. Nhưng trong thực tế sáng tác, loại này còn hiếm. Nói đến chất trào phúng trong truyện, người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Công Hoan với Tranh tối tranh sáng, Đống rác cũ (tập I) và nhiều đoạn trong Hỗn canh hỗn cư, đến Bùi Huy Phồn với Phất. Ở Nguyễn Công Hoan, trước Cách mạng có nhiều truyện ngắn trào phúng hay, truyện vừa Bà chủ cũng tương đối thành công. Đến những truyện dài viết sau Cách mạng tuy có thiếu sót mặt này, mặt kia, nhưng về căn bản, lối trào phúng của nhà văn nhiều khi mạnh, sắc và dí dỏm, có duyên (đoạn tả vợ chồng Va-mê, Hàn Thưởng, vợ chồng Thừa, cả những tên Đuy-ru-roa, cha đạo…). Có thể nói, một phần nhờ đó mà truyện của Nguyễn Công Hoan tuy có những mặt chưa đạt, nhưng vẫn dễ đọc, không nặng nề. Với vốn sống và tài nghệ trào phúng đó, nếu nhà văn phấn đấu để nâng cao thêm chất tư tưởng của tác phẩm, thì chắc hẳn nhà văn sẽ có nhiều đóng góp tốt hơn.

Đúng là sau Cách mạng, nhận thức tư tưởng của Nguyễn Công Hoan đã có mặt đổi mới, do đó nhà văn có điều kiện để nhìn đối tượng châm biếm, đả kích được rõ hơn, để nói thẳng không cần úp mở. Vốn sống của Nguyễn Công Hoan về xã hội cũ lại tương đối phong phú hơn so với nhiều nhà văn hiện nay. Thực tế, Nguyễn Công Hoan có vận dụng phần nào sở trường riêng của mình với những thuận lợi đó nên đã đạt được một số kết quả.

Nhưng nhà văn chưa khai thác triệt để những mặt mạnh của mình nên truyện còn bộc lộ nhiều hạn chế. Có những nhược điểm lẽ ra ngày nay có thể khắc phục được thì tác giả vẫn mắc phải, đôi khi lại ở mức độ trầm trọng hơn.

Nguyễn Công Hoan tuy hiểu biết nhiều người, nhiều việc, nhưng lắm khi sử dụng cái vốn đó chưa thận trọng, đưa vào tác phẩm một cách hơi dễ dãi, cho nên không tránh khỏi những trường hợp bối cảnh của tác phẩm chưa rõ nét hoặc chưa có được đầy đủ tính chân thực, lịch sử. Nguyễn Công Hoan còn có những chỗ yếu nhất định trong việc xây dựng nhân vật. Trước kia, nhà văn thành công chủ yếu ở thể truyện ngắn, trong đó chỉ cần đề cập tới một vài nhân vật với một mảng đời, một tình huống, và vì thế, ngòi bút của nhà văn nhiều khi tỏ ra sắc sảo, hóm hỉnh. Với truyện dài, nhà văn phải đưa ra nhiều nhân vật với cuộc sống phức tạp của họ. Đánh giá cho nghiêm khắc, nhiều nhân vật trong truyện vừa và dài của Nguyễn Công Hoan, kể cả những truvện trước Cách mạng, chưa thật sinh động. Bước đường cùng là một thành công đặc biệt, nhưng chưa phải đã mô tả hay các loại nhân vật. Yêu cầu của truyện dài là phải trình bày nhiều nhân vật, nhiều sự việc vừa phức tạp vừa đa dạng, nên những điểm yếu của nhà văn càng bộc lộ rõ hơn. Trong các tác phẩm Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ (tập I), phần đông nhân vật còn mờ nhạt, có nhiều nét gượng ép, ít nhân vật có tính cách sắc sảo với quá trình phát triển chặt chẽ, hợp lý. Ở nhiều đoạn, Nguyễn Công Hoan còn đưa ra nhiều chi tiết tuy có thực ở ngoài đời, nhưng vì thiếu chọn lựa, sắp xếp nên người đọc vẫn thấy chưa hợp với sự phát triển của tính cách nhân vật và lôgích cuộc sống.
Nhân vật chính diện tuy tác giả chú ý mô tả nhiều nhưng vẫn không nổi lên được (anh Na trong Hỗn canh hỗn cư, hoặc anh Xi, anh Nghĩa trong Đống rác cũ). Ngay đến việc thể hiện các nhân vật phản diện, vốn là sở trường, mà Nguyễn Công Hoan vẫn để lộ những nhược điểm đáng tiếc. Sở dĩ những nhân vật đó chưa trở thành những điển hình sắc nét là do nhà văn chưa đi sâu thể hiện cụ thể và sinh động những mặt chủ yếu trong bản chất của đối tượng mô tả. Đôi khi, nhà văn đánh mạnh vào những khía cạnh thứ yếu của hạng người phản diện như các mặt sinh hoạt đồi bại, hoặc rởm đời. Việc chọn nhân vật trung tâm của truvện có khi chưa đại diện cho một lực lượng xã hội cần tập trung phê phán (Thừa trong Đống rác cũ). Nhiều lúc tác giả lại nói thẳng ý đồ chủ quan của mình. Vì thế, truyện dài của Nguyễn Công Hoan thường chỉ hấp dẫn ở từng mảng.

Nhiều nhân vật của Nguyễn Công Hoan chưa thực sự là những tính cách điển hình với cá tính rõ nét, nhân vật ở tác phẩm này nhiều khi lại hao hao giống nhân vật ở tác phẩm kia. Chẳng hạn tâm trạng và hoàn cảnh của chị vú em trong Nông dân với địa chủ không khác mấy chị vú em trong ông chủ (1944). Một số nhân vật hoạt động cách mạng ở Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư cũng na ná giống nhau. Hai nhân vật me Tây Mi-mi (Tranh tối tranh sáng) và Ma-ri (Đống rác cũ) không khác nhau mấy. Hoặc có những sự việc trước kia Nguyễn Công Hoan đã viết rồi, nhưng do nghĩ ràng ngày nay nhiều người chưa có điều kiện đọc được nên nhà văn viết lại, như đoạn tả cảnh khao trong truyện Địa chủ (Nông dân với địa chủ) gần giống đoạn tả cảnh khao trong Cái thủ lợn; mẩu chuyện chị Mão kể cho cụ Điều nghe khi ra thăm chồng về việc làng lập ấu trĩ viên (Đống rác cũ) cũng là sự lặp lại sơ lược một đoạn trong Chương trình năm năm… Song sáng tác đã in ra, thế tất có một số người đọc được, nên khi đọc lại sẽ kém hứng thú, cho nên yêu cầu của sáng tác vẫn phải là luôn luôn phát hiện và sáng tạo cái mới.

Một nhược điểm đáng kể nữa trong tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan là ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên. Một số truyện ngắn trươc Cách mạng như Ái tình tiểu thuyết, Ai khôn, Đàn bà là giống yếu, Một tấm gương sáng… đã có màu sắc tự nhiên chủ nghĩa khá rõ. Đáng tiếc là đến Tranh tối tranh sáng, nghĩa là sau Cách mạng hàng chục năm, khi viết về nạn đói, tảc giả vẫn chưa khắc phục được nhược điểm ban đầu. Đáng lẽ Nguyễn Công Hoan không nên khai thác những chi tiết như mẹ ăn thịt con (dầu có thực trong cuộc sống) bởi chưa chắc nó đã làm cho người đọc đau xót, căm thù lũ thực dân chính là tội phạm gây ra nạn đói khủng khiếp, mà chỉ làm cho người đọc thấy ghê sợ. Trong Hỗn canh hỗn cư có nhiều đoạn viết lan man, dài dòng, không giúp ích gì mấy cho sự phát triển của truyện. Đến Đống rác cũ (tập I) thì khuyết điểm này càng bộc lộ rõ. Nhiều đoạn, tác giả tả tỉ mĩ những chi tiết vụn vặt, không giúp ích gì cho việc thể hiện chủ đề truyện, nhưng lại đầy những yếu tố thô tục, không có tác dụng tốt về mặt tư tưởng và cũng chẳng có giá trị nghệ thuật gì. Nhiều bài phê bình đã phê phán đúng mức những đoạn văn như vậy, coi đó là độc tố. Cũng do đó mà nhiều nhà phê bình đánh giá: Đống rác cũ (tập I) là một cuốn truyện tự nhiên chủ nghĩa. Thực tế, phải thấy rằng Nguyễn Công Hoan không giải phẫu nhân vật của mình bằng học thuyết Phơ-rớt như có lúc thấy ở Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang. Chủ nghĩa tự nhiên ở Nguvễn Công Hoan thể hiện chủ yếu ở chỗ nhà văn chưa nêu bật được những vấn đề lớn, mà đã sa vào những chi tiết vụn vặt, tầm thường, gây tò mò vô ích. Đáng tiếc là gần chục năm sau, khi cho in Đời viết văn của tôi, nhà văn cũng chưa tự phê bình thiếu sót của Đống rác cũ, và ngay trong cuốn hồi ký này cũng còn đôi chỗ tự nhiên chủ nghĩa.

Ai cũng phải công nhận trình độ viết truyện ngắn vừa cô đọng, sắc bén, vừa dí dỏm, hấp dẫn với một ngôn ngữ trong sáng, nhiều hình ảnh của Nguyễn Công Hoan. Nhưng trong truvện vừa và truyện dài, nhà văn còn vấp phải những nhược điểm về nghệ thuật. Bố cục truyện của nhà văn thường chưa chặt chẽ. Không kể Tay trắng trắng tay, Cô giáo Minh, những tác phẩm mà trong đó người đọc dễ thấy hàng nửa chương, có khi cả chương, chưa khớp lắm với quá trình phát triển của truyện, mà ngay đến Bước đường cùng, tác giả cũng tự nhận là có thể bỏ đi cả hai chương đầu. Mấy truyện dài viết sau Cách mạng, bố cục cũng chưa chặt chẽ. Trong Tranh tối tranh sáng, chúng ta gặp một số chương có thể chỉ cần viết gọn vào mấy trang. Hỗn canh hỗn cư, Đống rác cũ (tập I) cũng có nhiều đoạn quá dài dòng, đôi lúc câu chuyện bị ngập vào nhiều chi tiết bề bộn, rối rắm.

***

Với một cây bút có uy tín từ trước Cách mạng như Nguyễn Công Hoan, độc giả chờ đợi nhiều trong những sáng tác sau đó, nhưng tác giả chưa đáp ứng được đầy đủ lòng mong mỏi ấy.

Chúng ta rất hiểu những điều chủ yếu Nguyễn Công Hoan muốn nói qua mấy tác phẩm của mình sau Cách mạng, song trong văn nghệ không phải người viết bao giờ cũng đạt được ý muốn chủ quan của mình. Nguyễn Công Hoan muốn phê phán thậm tệ cái cũ, cái xấu để làm nỗi bật cái mới, ca ngợi cái mới nhưng sự phê phán ấy chưa sâu sắc, chưa thành những nhát búa lớn bổ vào đầu địch, và những tội ác tầy trời của chúng cũng chưa bị vạch trần tận bản chất. Những cái được tác giả, ca ngợi, những nhân vật tích cực của phong trào hãy còn bàng bạc, chưa mang được sức sống và khí thế tất thắng của nó. Tâm tư tưởng của tác phẩm nói chung chưa cao.

Trước kia do hoàn cảnh xuất thân và môi trường sống, Nguyễn Công Hoan có một nếp cảm nghĩ tiến bộ, cái nhìn của nhà văn nhiều lúc gần gũi với đông đảo nhân dân. Trong đường lối của Đảng, có phần, nhà văn tiếp nhận được, có phần nhà văn hiểu chưa thấu đáo. Nguyễn Công Hoan cũng chưa thật hiểu cách mạng, chưa rõ những khó khăn gian khổ của phong trào từ khi mới là những “đốm lửa ban đầu”. Do đó, sau Cách mạng tuy nhà văn đi ngay vào con đường đúng, nhưng như thế chưa phải đã có một cái nền vững chắc, khả dĩ làm cơ sở cho việc nhận thức sâu sắc về xã hội mới. Phải chăng, những hạn chế về cách nhìn ấy đã khiến cho sáng tác của nhà văn thường vướng phải những nhược điểm khi phản ánh hiện thực mới; và cũng từ đấy, sau Cách mạng, Nguyễn Công Hoan khó thành công ở truyện ngắn trào phúng, một thể loại trước kia nhà văn rất sở trường. Bản chất xã hội cũ là thối nát, đầy ung nhọt, khó có thể che giấu nên chỉ cần bắt chộp một hiện tượng, một sự việc là nhà văn có thể viết ngay được một truyện nhiều khi mang ý nghĩa đả kích khá mạnh và sâu. Nnưng bản chất của chế độ ta khác hẳn. Nhất là trong giai đoạn quá độ hiện nay, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng mà đả kích thì có khi mắc sai lầm. Bởi hiện tượng xấu nhiều khi chỉ là cá biệt, nhất thời, hoặc bề ngoài dường như chưa tốt nhưng thực chất đó là nhược điểm trong quá trình của một cái gì tốt đẹp đang trưởng thành. Thực tế đó đòi hỏi nhà văn phải có cái nhìn biện chứng, phải suy nghĩ sâu mới có thể sáng tác thành công.

Quả thực sau Cách mạng tháng Tám, xã hội mới có trang bị cho Nguyễn Công Hoan những nhận thức mới, tư tưởng mới. Nhưng về căn bản, nhà văn vẫn dừng lại ở cái nhìn của một tiểu tư sản trí thức, có tinh thần dân tộc, giác ngộ cách mạng, với một thế giới quan còn nhiều hạn chế.

Phương pháp sáng tác của Nguyễn Công Hoan chưa hẳn là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, thậm chí với Đống rác cũ (tập I), nhà văn vẫn căn bản dừng lại ở phương pháp hiện thực phê phản, còn chứa nhiều yếu tố tự nhiên chủ nghĩa. Rõ ràng, sở trường của Nguyễn Công Hoan gắn liền với chủ nghĩa hiện thực phê phán. Đây là phương pháp sáng tác được sử dụng khá tốt trong nền văn học công khai nước ta trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng phương pháp đó chỉ có hiệu lực trong yêu cầu miêu tả mặt đen tối của xã hội, nên sau Cách mạng nó không còn thích hợp nữa, mà phải nhường chỗ cho một phương pháp sáng tác mới, thích hợp hơn, đó là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phương pháp này có kế thừa một số thành tựu của phương pháp trước, nhưng về bản chất thì khác hẳn. Nó yêu cầu phải biểu hiện hiện thực một cách cụ thể, chân thực trong sự phát triển cách mạng, cũng có nghĩa là phải phát hiện được cái mới đang nảy nở và cái cũ đang bị tiêu diệt, từ đấy đòi hỏi người viết phải đứng hẳn về phía cái mới, đấu tranh cho cái mới thắng lợi. Từ yêu cầu ấy, phương pháp sáng tác mới đòi hỏi người viết lấy việc miêu tả nhân vật tích cực làm trung tâm. Chính vì vậy mà ở Nguyễn Công Hoan, một vấn đề nữa cũng cần bàn tới, đó là vấn đề vốn sống mới.

Trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan có hiểu biết về người nông dân và một số tầng lớp lao động khác, như viên chức, nhà văn, nhà báo, kép hát, người làm công, đi ở, kéo xe,… Nhà văn đã có nhiều đóng góp về đề tài nông thôn, song chưa phải đã hiểu sâu về người nông dân như hiểu bọn địa chủ cường hào. Nhà văn càng chưa hiểu công nhân bao nhiêu. Tuy nói chung Nguyễn Công Hoan có vốn sống phong phú về xã hội cũ, nhưng tiếc rằng vốn sống đó chưa cân xứng về các mặt. Tác giả hiểu mặt trái sâu hơn, và vì thế chính cái mảng nhà văn còn yếu này với những con người nhà văn hiểu chưa sâu, thì sau Cách mạng lại trở thành những nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội mới. Vả lại, ngay trong mặt trái cũng có bộ phận Nguyễn Công Hoan hiểu chưa sâu, chẳng hạn bọn đế quốc. Nếu tác giả nắm vững bản chất và căm ghét bọn thực dân Pháp như đối với bọn quan lại tay sai thì dù trước Cách mạng nhà văn không tả được lũ chúng, sau Cách mạng, trong sáng tác của mình nhà văn cũng có thể có nhiều thành công hơn. Phải chăng, ngày xưa Nguyễn Công Hoan ghét Tây chủ yếu về tính chất dâm bạo và sinh hoạt lố lăng hơn là căm thù bản chất thâm hiểm độc ác của chúng, cho nên nhà văn không quan sát kỹ được chúng, ngày nay mô tả chúng tất nhiên khó sắc sảo. Thêm nữa, trong cái vốn sống phong phú về xã hội những điều tác giả cảm thụ sâu sắc, về cơ bản đã viết rồi, nay có viết lại cũng khó hay hoặc có chỗ trở thành lặp lại, như việc tả bọn quan lại,v.v…

Trước Cách mạng, Nguyễn Công Hoan là nhà giáo chưa trực tiếp tham gia cách mạng. Sau ngày khởi nghĩa, Nguyễn Công Hoan đã hòa nhịp dần với cuộc sống mới. Nhưng do vị trí công tác, do thiếu điều kiện để đi sâu lâu dài vào những mũi nhọn của cuộc đấu tranh cách mạng, nên Nguyễn Công Hoan vẫn chưa bù đắp được đầy đủ những thiếu thốn của mình. Nhà văn đã có lần thú nhận điều này với các bạn viết trẻ. Tất nhiên cũng nên thông cảm là từ những năm sau hòa bình, nhà văn đã có tuổi, sức khỏe kém đi, nên sự lăn lộn của mình ở những nơi mũi nhọn của sản xuất, chiến đấu có bị hạn chế. Trong khi đó con người mới đã tiến những bước kỳ diệu, nhu cầu thẩm mỹ và trình độ nhận thức của quần chúng bạn đọc cũng không ngừng được nâng cao, làm cho nhà văn càng khó có điều kiện theo kịp. Thực tế, Nguyễn Công Hoan đã phần nào nhận ra chỗ mạnh, chỗ yếu của ngòi bút mình.

***

Nghiên cứu để góp thêm một tiếng nói nhỏ đánh giá Nguyễn Công Hoan sau Cách mạng, chúng tôi chợt nghĩ đến một nhận xét chí lý của tác giả: “Không ai có thể nâng giá trị cho một người viết văn đến mức chưa xứng đáng, cũng như không ai có thể dìm giá trị của một nhân tài”.

Nguvễn công Hoan là nhà văn lão thành, có tài, có nhiều đóng góp xuất sắc trước Cách mạng; sau Cách mạng, nhà văn cũng viết được một số truyện ngắn, bút ký khá hay, một số đoạn truyện dài có giá trị, chưa kể nhiều kinh nghiệm viết văn và một số bài nghiên cứu có công phu. Những nhược điểm của tác giả đều là do không tự giác, chứ không cố ý viết những điều sai trái. Điều đáng quý nhất của nhà văn sau Cách mạng là sức làm việc dẻo dai và nhất là sự chân thực, nhiệt tình đối với sự nghiệp cách mạng. Những nhược điểm của mình do nhà văn thành thật nói ra, cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý cho lớp người viết trẻ trên đường kế tục sự nghiệp của những bậc đàn anh. Tìm hiểu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Hoan, chúng ta còn có thể rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích cho sáng tác, nghiên cứu và lý luận.