Ads 468x60px

.

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Nguyễn Công Hoan: Nhà văn có nhiều kỷ niệm với Công an - Việt Hà


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Việt Hà


Nguyễn Công Hoan:
Nhà văn có nhiều kỷ niệm với Công an

Việt Hà


Đến năm 1964, nhà văn Nguyễn Công Hoan lại cùng gia đình chuyển đến căn nhà tại 66 Thợ Nhuộm - nguyên là một cơ sở hoạt động của công an cách mạng. Nhà văn đã sống ở đây 12 năm, trong thời gian đó ông viết các tác phẩm như “Hỏi chuyện nhà văn”, “Thấy gì ghi nấy” và tiểu thuyết “Đống rác cũ”.


Đầu tháng 6 vừa qua, Báo Công an nhân dân trang trọng tổ chức lễ gắn biển kỷ niệm nơi nhà văn Nguyễn Công Hoan từng sống và sáng tác tại trụ sở 66 Thợ Nhuộm (Hà Nội). Tới dự có thân quyến nhà văn và những người từng gặp gỡ, từng được nhà văn tiếp chuyện tại nơi này.

Trong cuộc hội ngộ cảm động ấy, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về một nhà văn lớn, một nhân cách đáng kính. Đặc biệt là cuộc đời ông cũng có khá nhiều những mối duyên nợ với ngành công an mà chúng tôi - những người làm Báo Công an nhân dân - Chuyên đề Văn nghệ Công an - luôn tự hào được tiếp nối những giá trị tinh thần mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã để lại cho muôn đời sau.

Năm 1920 khi mới 17 tuổi, nhà văn Nguyễn Công Hoan đăng truyện ngắn đầu tiên và trong suốt nửa thế kỷ cầm bút, ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ gồm hàng trăm tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, từng dạy học ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Lào Cai, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh… và ở mỗi nơi dạy học ông đều cho ra đời những tác phẩm gắn liền với giai đoạn đó.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp.Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp.


Khi ở Lào Cai, ông viết tiểu thuyết “Những cảnh khốn nạn” (tập 1, xuất bản năm 1932), khi ở Nam Định ông viết tiểu thuyết “Bước đường cùng” và bị chế độ cũ cấm lưu hành. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam.

 
Nhà văn Nguyễn Công Hoan chụp ảnh lưu niệm với nữ nhà văn Mông Cổ.Nhà văn Nguyễn Công Hoan chụp ảnh lưu niệm với nữ nhà văn Mông Cổ.

Có lẽ ít người biết rằng, nhà văn Nguyễn Công Hoan chính là người cấp giấy phép cho tờ Công an mới (tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay) khi ông là Giám đốc Sở Kiểm duyệt báo chí trong chính quyền cách mạng. Ông là người cha đáng kính có công sinh thành, dưỡng dục một chiến sĩ công an kiên trung là đồng chí Nguyễn Tài - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Giám đốc An ninh T4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong hơn 4 năm bị giam cầm trong nhà tù Mỹ - ngụy, đồng chí Nguyễn Tài đã đấu tranh giữ vững phẩm chất của một người chiến sĩ công an cách mạng cho tới ngày giải phóng Sài Gòn. Gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan là một gia đình có truyền thống cách mạng.

Nhà văn có hai người em trai là Nguyễn Công Bồng và Nguyễn Công Mỹ là hai chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Một người em trai khác là đồng chí Lê Văn Lương, người từng được bầu vào Bộ Chính trị TW Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Vậy là người thân trong gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan có những đóng góp không nhỏ đối với Lực lượng công an cũng như với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Phút thảnh thơi giữa những trang viết.Phút thảnh thơi giữa những trang viết.

Nghe nhà văn Lê Minh - con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại: Vì là người sớm giác ngộ cách mạng và cho dù bị chuyển đi đâu dạy học, ông vẫn có cách bắt liên lạc với tổ chức. Chính vì thế nên gia đình ông bị mật thám hỏi thăm luôn và cũng đã vài lần bị triệu lên “bót” rồi lại tha về và cũng có lần đã bị ngồi “khám” trong thời kỳ Nhật hất cẳng Pháp.

Sau này, khi các chiến sĩ công an của ta tiếp quản hồ sơ của chế độ cũ để lại ở Nam Định đã tìm thấy 1 trang như sau: “Ngày 22/9/1939, Hoan, 35 tuổi, giáo học ở Thái Bình đã bị phát hiện tàng trữ tập sách “Staline” là một tài liệu tuyên truyền Cộng sản”. Quả thật, nếu nhà văn Nguyễn Công Hoan không nổi tiếng và được nhiều bạn đọc yêu mến đến vậy, thì chắc chắn một tài liệu mong manh như thế không thể đến được với gia đình.

Đến năm 1964, nhà văn Nguyễn Công Hoan lại cùng gia đình chuyển đến căn nhà tại 66 Thợ Nhuộm - nguyên là một cơ sở hoạt động của công an cách mạng, ở cùng con dâu và các cháu khi con trai vào Nam chiến đấu. Nhà văn đã sống ở đây 12 năm, trong thời gian đó ông viết các tác phẩm như “Hỏi chuyện nhà văn”, “Thấy gì ghi nấy” và tiểu thuyết “Đống rác cũ”. Sau đó, gia đình nhà văn chuyển tới khu tập thể Trung Tự, khi con trai ông là đồng chí Nguyễn Tài từ nhà tù Mỹ - ngụy trở về khi đất nước vừa giành được hòa bình.

Ba thế hệ (cùng con trai là Anh hùng Nguyễn Tài và cháu nội).Ba thế hệ (cùng con trai là Anh hùng Nguyễn Tài và cháu nội).


Thông thường, các nhà văn trẻ thường đi hỏi chuyện các nhà văn già, nhưng cũng thật đặc biệt khi “nhà văn già” Nguyễn Công Hoan lại đi hỏi chuyện các nhà văn trẻ như Tô Hoài, Tú Mỡ, Tế Hanh, Chu Văn, Bùi Hiển… và ông cho xuất bản cuốn “Hỏi chuyện nhà văn”. Nhà văn Nguyễn Công Hoan là một tấm gương lao động nghệ thuật đích thực, suốt đời sống như một “giáo học” giản dị, khiêm nhường đến chân thành, chân thật.

Khi viết hồi ký “Đời viết văn của tôi”, ông còn tâm sự: “Tuổi tôi tuy đã cao, nhưng sức chưa yếu, tôi còn làm việc được lâu. Ngay như lần này tôi viết cuốn này mà có hôm say mê, tôi cặm cụi đến mười hai, mười ba giờ mà chưa thấy mỏi”. Bởi vậy, nói tới Nguyễn Công Hoan là nói đến một nhà văn yêu nước, và nói tới một ngòi bút chiến đấu vì lẽ phải bằng tiếng cười chính nghĩa, tài năng mà thâm thúy trong văn chương. Cho đến nay, phần lớn những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã được con gái út của ông là nhà văn Lê Minh sưu tầm và được nhiều nhà xuất bản in lại tương đối đầy đủ.

Năm 1998, nhờ có một bạn đọc yêu mến nhà văn Nguyễn Công Hoan ở miền Nam tìm được và báo cho gia đình những truyện ngắn, kịch của nhà văn viết cho thiếu nhi từ những năm trước cách mạng, liền sau đó đã được NXB Trẻ ấn hành. Hiện giờ, theo nhà văn Lê Minh, tủ sách nhà văn Nguyễn Công Hoan tại gia đình chỉ còn thiếu tập truyện “Kiếp hồng nhan” (1923, Tản Đà thư cục xuất bản) và tập 2 của tiểu thuyết “Những cảnh khốn nạn” (1940, NXB Tân Dân). Gia đình vẫn mong có thể tìm thấy hai tác phẩm này để bổ sung vào di sản đồ sộ của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Việt Hà




58 năm báo Công an mới, tiền thân của báo CAND



Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Hồng Thái



58 năm báo "Công an mới", tiền thân của báo CAND


Hồng Thái


Sau cách mạng, nhân dân chưa thể hình dung nổi Công an của ta là như thế nào. Ý tưởng ra một tờ báo của lực lượng Công an do những cán bộ Đoàn trẻ tuổi nghĩ ra trước tiên, cũng từ lý do đơn giản là thấy quá cần thiết cho công tác công an, thứ nữa là do bạo dạn, dám nghĩ ham làm sục sôi trong con tim yêu nước của thế hệ hồi đó.


Đồng chí Nguyễn Tài (thứ hai từ trái sang), một trong những người đầu tiên sáng lập báo 'Công an mới'. Đồng chí Nguyễn Tài (thứ hai từ trái sang), một trong những người đầu tiên sáng lập báo 'Công an mới'.

Số đầu tiên của Công an mới ra ngày 1/11/1946 dày 20 trang khổ lớn 21 x 30cm, bìa in màu. Đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng LLVTND, hồi đó còn là một cán bộ Đoàn mới 20 tuổi, đã trực tiếp lên gặp cụ thân sinh là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Sở Kiểm duyệt, để xin giấy phép chính thức khai sinh ra tờ báo của ngành Công an nhân dân sau này.


Những cộng sự đầu tiên

Đồng chí Nguyễn Tài kể rằng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được cử làm Bí thư Ban chấp hành Đoàn Công an cứu quốc. Trong một lần họp Ban Chấp hành, mấy anh em trẻ bàn nhau phải ra một tờ báo của Đoàn, lấy tên là Công an mới.

Nhiều người thường nghĩ đơn giản rằng hồi năm 1946 ấy, lực lượng Công an mới thành lập, “quyền sinh quyền sát”, chẳng cần xin phép ai cũng có thể xuất bản tờ báo. Nghe chúng tôi tâm sự lại, ông Nguyễn Tài lại cười: “Đâu có được như thế, pháp luật hồi ấy nghiêm lắm. Dù chưa có luật hay sắc lệnh về báo chí, nhưng phải xin phép đàng hoàng. Hồi đó ông Trần Huy Liệu được Chính phủ giao làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa có mời ông cụ tôi - nhà văn Nguyễn Công Hoan - làm Giám đốc Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ. Có lẽ vì ông Trần Huy Liệu biết chuyện ngày trước cha tôi viết văn đã bị thực dân Pháp và sau đó là phát xít Nhật cấm đoán thế nào. Ngay cả tiểu thuyết Bước đường cùng của cha tôi cũng bị thu hồi, không cho phát hành…

Vì thế, thâm ý của ông Trần Huy Liệu là lấy luôn một nhà văn từng bị kẻ ngoại xâm kiểm duyệt, cấm đoán để làm giám đốc kiểm duyệt trong chế độ mới”. Kể cũng rất lạ. Chính quyền non trẻ vừa mới thành lập, thù trong giặc ngoài lăm le đe dọa vận nước, kẻ thù cứ tưởng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á sẽ thắt chặt dân chủ và tự do báo chí. Nhưng không, chọn một nhà văn có tên tuổi, quen thuộc với độc giả như Nguyễn Công Hoan làm một cái nghề “kiểm duyệt báo chí” đủ thấy sự tin cậy của Đảng và Chính phủ đối với trí thức, văn nghệ sĩ như thế nào.

Đồng chí Nguyễn Tài cũng khẳng định, chẳng phải vì tình thân cha con mà Đoàn Công an cứu quốc nhanh chóng xin được giấy phép xuất bản báo Công an mới mà bởi ngày đó “xin giấy phép rất thuận. Tôi trực tiếp đi xin và do tôi đứng tên với tư cách Bí thư Đoàn Công an cứu quốc. Ông cụ tôi bảo nhân viên dưới quyền cấp ngay… Cả Hà Nội lúc đó cũng chỉ có 3 - 4 tờ báo như tờ Tin mới của tư nhân, tờ Cứu quốcSự thật của Đảng ta…”.

Người quyết định sự thành bại của tờ báo Công an mới lại không phải là đồng chí Nguyễn Tài hay Ban Chấp hành Đoàn mà chính là đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương lúc đó. Số là một lần họp Đảng đoàn, sau khi nghe Bí thư Đoàn Công an cứu quốc Nguyễn Tài báo cáo về việc đã xin được giấy phép ra báo Công an mới, ông Lê Giản với con mắt nhìn xa trông rộng đã chỉ đạo ngay rằng, với giấy phép đã được cấp, nên để Nha Công an lo việc xuất bản và in báo. Báo Công an mới vẫn được tiếp tục ra đời nhưng do Nha Công an phụ trách và chính thức là tờ báo của lực lượng Công an sẽ được bán rộng rãi ra ngoài.

Ý tưởng sáng tạo của những thanh niên giàu mơ ước và tâm huyết đã được lớp đàn anh lãnh đạo tiếp nhận và phát triển nâng cao trong một sự chuyển giao thật trong sáng và đẹp đẽ. Bởi giao giấy phép xong, ông Nguyễn Tài không làm báo nữa mà làm công tác nghiệp vụ nhưng ông vẫn là một thông tin viên tích cực cho tờ báo của Nha Công an.

Ngay trong thời gian 3 tháng chuẩn bị cho số đầu tiên, ông Lê Giản đã “thắp đuốc” đi mời một số nhà văn, nhà báo có tên tuổi về chuyên viết cho báo Công an mới. Nào là Phạm Cao Củng, một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám rất quen thuộc của bạn đọc báo Tiểu thuyết thứ bảy, nào là nhà văn Hoàng Công Khanh, rồi cả các nhà báo có tiếng như Tân Lang, Đại Lang, Lan Sơn, Phong Phú, Thụy Lân, Địch Trung,  Đại Thanh, Lê Chi… Đây quả là một bước đột phá có tính chất “chiêu hiền đãi sĩ” của người đứng đầu Nha Công an Trung ương cũng là người đứng đầu báo Công an mới.

Những nhà văn, nhà báo ấy từng sống, từng viết tự do kiếm kế sinh nhai trong chế độ cũ, chẳng rõ tính nết họ thế nào, nhưng chữ tâm chữ tài và sự hiểu biết trân trọng tài năng, tin cậy ở con người đã khiến các nhà lãnh đạo của lực lượng Công an hồi đó tìm đến họ, đón họ về làm việc trong một “gia đình” đầy những chuyện cơ mật của quốc gia. Đồng chí Nguyễn Tài nói vui: “May mà anh Lê Giản chỉ đạo trực tiếp, chứ nếu giao cho chúng tôi làm, có khi tờ báo còn lâu mới hay…”.


Giản dị, nhân văn, gần gũi với đời thường

Hãy nghe lời nói đầu của số 1 Công an mới, Ban biên tập đã tuyên truyền về lực lượng CAND cách mạng  thế này: “Cũng từ một năm nay, Sở Mật thám đế quốc không còn nữa. Sắc lệnh số 23/SL ngày 21/2/1946 tuyên bố thành lập Việt Nam Công an vụ. Cũng từ bấy đến nay dân chúng thủ đô hằng ngày lui tới căn nhà số 87 Trần Hưng Đạo một cách bạo dạn, bình tĩnh hơn xưa: Sở Công an vui vẻ lễ phép đón tiếp mọi người. Một mối thiện cảm đã chớm nở trong lòng công chúng. Dần dần công chúng nhận thấy rằng Công an của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là một cơ quan chuyên việc bắt bớ giam cầm những người yêu nước mà trái lại là một cơ quan phụ trách việc bảo vệ an ninh cho quần chúng và quốc gia”. Thế nhưng cũng trong tờ báo ấy, Ban biên tập vẫn dành chuyên mục “Đó... đây” để phê bình tư thế tác phong của công an, một việc làm xưa nay chưa có tờ báo nào trong lòng Hà Nội đề cập.

Còn gì chính trị và tình cảm hơn khi chỉ mấy trang báo nhỏ ấy, Công an mới vẫn dành “đất” để in những sáng tác thơ văn về tình cảm của người thủ đô hướng về đồng bào Nam Bộ đang anh dũng kháng chiến chống Pháp, nhân lên tình ruột thịt giữa những người trong một nước, một dân tộc. Vẫn những nhà văn, nhà báo sống trong lòng Hà Nội từng bị rên xiết dưới ách thực dân ấy, nhưng khi gắn bó ngòi bút và lương tâm mình với Công an mới tất cả họ đã nhanh chóng nhận đường, mở lòng để viết thật hay, thật đúng về mặt trận bảo vệ nền an ninh, trật tự quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Tài hào hứng kể rằng, khi tờ Công an mới chuẩn bị ra số đầu, nhà văn Phạm Cao Củng đã viết cho báo một truyện đăng nhiều kỳ về xã hội của lớp người chuyên nghề điếm, lưu manh, trộm cướp tàn dư của chế độ cũ mà lực lượng Công an đang phải ra tay giải quyết để giữ cuộc sống an lành cho nhân dân. Vẫn là chuyện mà nay thường được gọi là “chuyện vụ án”, nhưng đọc không thấy vết dao đâm chém, hảo hớn, anh chị, mà là những ứng xử thấm đẫm nước mắt của tình người. Thì ra, “các cụ” viết vụ án chỉ là cái vỏ thôi, trong ruột vẫn là nhân tình thế thái, là tấm lòng đối với nhau của số phận những con người từ dưới đáy xã hội  vươn lên.


Những ngọn lửa cháy thành đuốc lớn

Có một điều bất ngờ với nhiều người là theo lời kể của đồng chí Nguyễn Tài, cha ông, nhà văn Nguyễn Công Hoan, ít khi dạy ông làm báo, viết văn. “Tôi học giỏi toán, là người hoạt động chính trị, nên rất ít khi hai cha con ngồi với nhau nói chuyện văn chương. Đương nhiên là tôi mê văn chương kinh khủng,” ông Nguyễn Tài nói.

Dẫu thế nhưng chẳng hề ai nghi ngờ có một dòng máu nghệ thuật “con nhà nòi” văn chương chảy không ngừng trong huyết quản của người được suy tôn là nhà tình báo tài ba Nguyễn Tài này. Dòng máu với tài năng trời cho ấy lại được hấp thụ tư tưởng, lý tưởng của Đảng và “nhập cuộc” hầu như ở các vùng “tâm bão” của cuộc sống chiến đấu sinh tử... đã hình thành nên một nhân cách nhà báo ở Anh hùng Nguyễn Tài.

Trước khi làm báo Công an mới, ít người biết đồng chí Nguyễn Tài đã từng làm báo Nước Nam mới từ đầu năm 1945 do anh Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ đạo. Ông kể rằng, một lần ông được anh Văn giao cho vẽ một bản vẽ nhưng lại mang tên báo Việt Nam Độc Lập ghi rõ ở chiến khu Cao Bằng. Số này gồm 8-10 tranh vẽ với nhan đề “cứu phi công Mỹ” mô tả máy bay Mỹ bị Nhật bắn rơi, may sao được Việt Minh cứu đưa về biên giới để trở về với Đồng minh. “Tôi hỏi anh Văn, mình làm báo Nước Nam mới, sao lại in báo ghi là Việt Nam Độc Lập của Cao Bằng? Anh Văn chỉ trả lời là rất cần... Sau khi in báo, tôi nhận được mấy câu thơ, có câu khen, có câu châm biếm rằng: Chiến khu của Việt Minh gian khổ quá, nên phi công Mỹ mới nhảy dù thì cao lớn, đến lúc ra biên giới thì lùn đi. Tôi lấy bản mẫu so với bản in thì quả thật do tôi không chú ý lúc vẽ nên hình phi công Mỹ mới như thế... Cũng do điều kiện quá khó khăn, lại không ai biết vẽ nên mới thế. Không ngờ, về sau tôi mới biết mấy câu thơ góp ý ấy chính là của Bác Hồ”. Kể lại câu chuyện này, ông có ý rằng không phải là chuyện tên báo như thế nào, tôn chỉ mục đích ra sao, dù khó khăn thuận lợi thế nào thì quyền lợi Tổ quốc vẫn là trên hết



Nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan: Tôi nhớ cha tôi... - Nguyễn Văn Học


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:Nguyễn Văn Học
Nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan:

Tôi nhớ cha tôi...


Nguyễn Văn Học

"Là con gái của cha, tôi luôn mang nỗi ân hận, khi nào cũng nhìn cha là người khỏe mạnh. Ngày cha đi lại đã khó khăn, ngày bàn tay cha không cầm được bút, rồi cha bị sốt rét phải vào viện nằm, ngày hai buổi đều đặn tôi đến làm các việc lặt vặt giúp cha, để yên tâm, để khỏi nhớ. Ngờ đâu khi tôi vừa đi thực tế để chuẩn bị viết một tiểu thuyết thì cha đột ngột đau nặng, và người đã mất…"

- Đó là lời tâm sự của nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan khi nói về cha mình.

Hơn 30 năm qua, nữ nhà văn đã day dứt mãi điều đó, kể cả đến nay khi bà đã ở tuổi 81.


1. Trong ba người con của nhà văn Nguyễn Công Hoan, chỉ có người con gái út của ông, theo cha chọn viết văn là công việc của đời mình, tên là Nguyễn Thị Tài Hồng, lấy bút danh Lê Minh. Cũng trong  ba anh em, nữ nhà văn Lê Minh là người sống với cha - Nguyễn Công Hoan nhiều nhất.

Không phải vì sau này hai cha con cùng nghề, mà ngay từ khi Lê Minh còn bé, bà đã cùng đi với cha sau mỗi lần phải đổi nơi dạy học. Gia đình bà nay đây mai đó, không được ở yên một chỗ chỉ vì Nguyễn Công Hoan viết văn, không vừa lòng các quan cai trị thời ấy.

Trong con mắt của Lê Minh, khi ấy còn là Tài Hồng thì lúc nào người cha cũng chỉ như bao người cha khác ở trên đời. Những chuyện mà nhà văn Nguyễn Công Hoan viết là những chuyện thật ông gặp hàng ngày mà ông vẫn kể trong bữa cơm gia đình sau khi đi dạy học về.

Lê Minh tâm sự: "Lúc đó tôi chưa kịp nghĩ cha mình là nhà văn. Trước mắt tôi, ông là một thầy giáo trường tiểu học thì đúng hơn. Vì khi sinh ra, tôi đã nghe mọi người gọi cha tôi là ông giáo. Cha tôi thường cầm điếu thuốc lá, xa xăm nhìn vào vô định. Hình ảnh đó tôi bắt gặp nhiều lần. Những buổi chiều ăn cơm xong, tôi đứng nép bên chân cha nhìn phố xá kẻ đi người lại. Sau này đọc truyện "Đào kép mới" tôi biết cha đã viết từ hình ảnh chợt nảy đến trong một buổi chiều hai cha con đứng chơi như vậy".

Buổi sớm nào, Lê Minh cũng đi làm cái việc là đổ tàn thuốc cho cha, vì ông thức đêm viết và hút. Nguyễn Công Hoan chỉ hút một loại thuốc Bastô. Khi con gái dọn bàn làm việc thì ông còn đang ngủ. Cô con gái có ý thức đi rón rén nhẹ nhàng để cha ngủ thêm trước khi thức dậy đến trường dạy học.

Ngày hai buổi, Nguyễn Công Hoan đến trường, đêm mới ngồi viết, chiếc bàn kê ở góc nhà là một thế giới riêng mà những người trong gia đình không ai dám động vào. Cũng có những ngày nghỉ dạy học, sau hàng giờ ngồi bàn viết, Nguyễn Công Hoan đi thong thả trong vườn với điếu thuốc lá trên môi, xem ngắm từng gốc cây, từng cái lá, bắt sâu, xáo gốc.

Những giây phút im lặng một mình, và sau đó là những trang giấy được phủ kín bằng những hàng chữ viết tay đều đặn, rõ ràng. Lê Minh kể rằng, những trang bản thảo của Nguyễn Công Hoan thường rất ít bị gạch xóa lằng nhằng khó đọc, cách làm việc mà không ít người theo được.

Trong một chuyến đi xa Hà Nội đến nhà máy Liên hợp gang thép, nơi mà từ lâu Lê Minh đã chọn làm quê hương sáng tác của mình, cha bà đột ngột lâm bệnh. Gia đình chẳng ai ngờ, vì hôm trước ông còn đạp xe đến Hội Nhà văn họp. Không ai nghĩ cần phải báo tin cho Lê Minh. Sau một tuần lâm bệnh, Nguyễn Công Hoan khắc khoải nhắc đến cô con gái. Lúc ông hôn mê, ông cũng nhắc tên con.

Lê Minh được báo tin và trở về gặp cha. Ngồi bên giường bệnh cầm tay cha im lặng trong nỗi thổn thức bàng hoàng, ngắm kỹ những ngón tay thô ráp của cha, một câu hỏi nghẹn ngào trong tâm Lê Minh: Những ngón tay này là của thợ cầm cưa, cầm búa, cầm kéo xén cây, hay là tay cầm bút của một nhà văn? Cô con gái ve vuốt những ngón tay cha, suốt một ngày cuối cùng cô cứ nắm chặt hai bàn tay xù xì đó không rời. Lê Minh không trả lời được câu hỏi, nhưng bàn tay cha đã theo nữ nhà văn suốt cuộc đời.

Sau khi cha mất, nhà văn Lê Minh tưởng như mình không thể gượng dậy được. Sau đó bà nghĩ cuộc đời của cha chính là sách. Bà liền cất công đi tìm lại những bản thảo đã thất lạc của cha, những tác phẩm đã từng bị kiểm duyệt, cấm in trước đó, tập hợp lại và in thành sách. Cuốn sách về cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng cha bà đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa kịp viết, thì bà đã hoàn thành và cho in như một sự báo hiếu.


2. Ngày nhỏ, cô gái Nguyễn Thị Tài Hồng không có ý định viết văn. Vì là gia đình cách mạng, Tài Hồng đi hoạt động cách mạng từ khi mới 14 tuổi. Bài học đầu tiên cô được dạy là khi bị bắt, dù có bị tra tấn đến chết cũng không khai. 

Lúc đó, Tài Hồng thấy rằng những người đi làm cách mạng thật vĩ đại, thật anh hùng, thật đẹp. Họ quên mình vì cách mạng. Thêm nữa, Tài Hồng cũng tiếp xúc với những người công nhân phải lao động vất vả, cùng cực. Biết bao hình ảnh ấy ngấm vào tâm thức, Tài Hồng thấy mình không thể không viết.

Có một chuyện ngắn ký tên Nguyễn Thị Tài Hồng đã làm Tản Đà sửng sốt. Là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu văn hóa thời bấy giờ, ông đã đi tìm nữ tác giả. Sở dĩ bà lấy bút danh Lê Minh là ngày còn hoạt động cách mạng, đó là bí danh của bà. Sau này quen, bà dùng luôn bí danh là bút danh ký dưới mỗi truyện ngắn, bài viết.

Cũng như cha mình, những tác phẩm của Lê Minh bật ra từ những cơn đau nhức nhối của số phận con người. Cho đến nay, bà đã có hơn 40 đầu sách, thành quả của cả đời sống và viết trong những hồi ức, những đau đớn và hy vọng. Tác phẩm đầu tay của bà là tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi, in năm 1959 có tên "Cu Dũng". Bài đầu tiên của Lê Minh được in báo, bà đưa cha đọc.


Nhà văn Lê Minh
Nhà văn Lê Minh

Ông cụ nói một chữ "được" làm bà rất sung sướng. Cả cuộc đời viết, Lê Minh học được ở cha mình sự trung thực trên trang viết. Bà tâm sự, đã là người viết thì phải trung thực với chính mình, trung thực với độc giả. Mỗi ai đọc văn của Lê Minh, đều thấy trong đó sự kỹ càng, ở từng con chữ, từng chi tiết.

Từ năm 2005, khi đã có tuổi, nhà văn Lê Minh cảm thấy cần phải viết tự truyện và sưu tầm những tài liệu liên quan đến cha mình để in thành sách. Cuốn "Nguyễn Công Hoan - Nhà văn chiến sĩ" biên soạn lại những tài liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng và viết văn của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cuốn này, để làm được, Lê Minh đã phải mất mấy năm trời sưu tầm tài liệu. 

Những bức ảnh quý, những bức thư của các nhà văn gửi cho Nguyễn Công Hoan, các bản chụp lại trang đầu từng chương tiểu thuyết viết tay "Tranh tối tranh sáng" mà ông đã viết ngay sau khi ở nhà tù Nhật được trả tự do... Điều đó cho thấy sự kỳ công và niềm kính trọng đối với người cha đã khuất của nữ văn sĩ. Cuốn tự truyện "Cánh buồm nhỏ" viết về những kỷ niệm, những hồi ức của cả cuộc đời mình.

Cả hai cuốn đều in năm 2008. Lê Minh đã tâm sự trong những trang đầu của cuốn tự truyện: "Trong đời sống tâm linh, không có dấu ấn của thời gian, không có sự cách biệt âm dương. Và tình yêu gắn kết gia đình có những bí ẩn thiêng liêng đầy sức mạnh, không thể tìm cách lý giải. Chỉ biết nó ngọt ngào, nó chở che, an ủi, luôn đánh thức trong ta sự sáng suốt tinh tường. Còn ta, dù bao nhiêu tuổi, vẫn chỉ là cái Bống…".

Vâng, ngày nhỏ Lê Minh quen được cha gọi là "Bống". Đến bây giờ bà vẫn nghĩ mình là một đứa con gái bé bỏng đứng trước cha mình. Đợt kỷ niệm 60 năm ngày sinh Nguyễn Công Hoan, nhà văn Tô Hoài viết mừng với bài "Người bạn đọc ấy", có đoạn miêu tả Nguyễn Công Hoan trên bãi biển Trà Cổ (Quảng Ninh), tay dắt cô con gái nhỏ. Cô gái nhỏ ấy bây giờ vẫn sống, vẫn là một… cái Bống.

Nhắc lại kỷ niệm này, Lê Minh nói: "Hình ảnh mà Tô Hoài bắt gặp một lần và ghi lại ấy đến hôm nay vẫn nguyên vẹn trong tôi. Bởi hôm nay và cho đến suốt đời, tôi vẫn được trong bàn tay ấm nóng của cha dắt dìu như ngày nào trên bãi biển Trà Cổ. Tôi vẫn được nép vào bên cha, lòng đầy thơ dại… Tôi vẫn được nhìn thấy cha tôi đứng trước mặt mình, nói với tôi bằng ánh mắt nhân hậu".

Sau bao nhiêu năm dồn tâm huyết để viết những cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn của mình, Lê Minh cũng hạnh phúc được làm nhiệm vụ là sưu tầm, biên soạn những bộ sách cha bà để lại. 81 đầu sách của nhà văn cùng với bộ toàn tập gồm 9 tập tại NXB Văn học và bộ toàn tập gồm 14 tập tại NXB Thanh niên.

Với tự truyện "Cánh buồm nhỏ", dường như có một sức mạnh tâm linh mách bảo, nên có những sự việc qua đi đã quá lâu rồi mà Lê Minh vẫn nhớ và ghi rõ tất cả. Sự nghiệp của Nguyễn Công Hoan lớn và chân thực, đến nỗi khi đọc văn ông người đọc hình dung ra một xã hội với những sự bề bộn đến khắc nghiệt của nó. Khi nhắc đến ông, người ta đánh giá những tác phẩm của ông là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam.

Và, Lê Minh đã tỏ lòng kính phục người cha của mình: "Một cuộc đời đi cạnh đời thường mà nhà văn đã dốc sức, đã chắt lọc, đã chăm chút và xả thân vì nó. Ở cuộc đời ấy, nhà văn sống vẫy vùng bằng nhịp đập của chính quả tim mình, bằng cái đầu của chính mình".



3. Cuộc đời sáng tác và công tác văn học của Lê Minh không hề suôn sẻ. Nhưng bà đã cố gắng vượt qua trắc trở và gặt hái thành công. Là người được thừa hưởng tinh hoa của người cha là một nhà văn giàu lòng nhân ái và lòng yêu nước, Lê Minh lại được rèn luyện trong phong trào công nhân từ thời kỳ trước cách mạng, nên khi viết về công nhân bà rất có thành tựu.

Một tác phẩm của bà đã được một nhà nghiên cứu người Đức dùng như một tư liệu chính để làm luận văn tiến sĩ. Bây giờ, tuổi đã cao, con cháu đầy đàn. Nhà văn Lê Minh gọi đó là nơi yêu dấu. Bà sinh hạ được bốn con. Các con đã cho bà niềm vui, động lực, kiến thức và lòng quả cảm. Xưa kia, phải làm việc xa các con, cha và mẹ bà đã hướng dẫn các cháu viết thư cho mẹ. Những bức thư sai chính tả, nguệch ngoạc nhưng là niềm hạnh phúc của Lê Minh đến tận giờ. Bà đã giữ được trọn vẹn và in vào tự truyện.

Lê Minh đặt tên cuốn tự truyện là "Cánh buồm nhỏ" với tất cả lòng kính trọng, trìu mến, biết ơn và tự hào. Vì cánh buồm nhỏ đã được gió đưa, sóng vỗ. Nhà văn Lê Minh được các bậc đàn anh dìu dắt, dẫn đường cho đến bây giờ. Ngay đầu cuốn tự truyện, bà đã đề mấy câu thơ:

Con thuyền mang cánh buồm nhỏ
Có sức vượt mọi thác ghềnh
Gió đưa sóng vỗ
Mặt trời ánh trăng…
Ta mang ơn tất cả
.

Bống của nhà văn Nguyễn Công Hoan không bao giờ nghĩ rằng cha mình đã mất. Với bà, cha vẫn còn sống, luôn ở bên, chỉ dạy cho con gái. Bà tin cha mình cũng vẫn sống trong lòng người đọc, bằng chứng là người đọc vẫn đọc tác phẩm của ông, với một lòng nể phục, kính trọng không ngừng

 

Nguyễn Văn Học






Ảnh

Vũ Ngọc Phan (ngồi ghế bên phải) và Nguyễn Công Hoan (ngồi ghế bên trái) cùng các bạn học trường Bưởi, năm 1917.






Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông