Ads 468x60px

.

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Nhà văn Nguyễn Công Hoan niên biểu và tác phẩm



Mời nghe đọc tại Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai - Người đọc: Nguyên Lộc.


NGUYỄN CÔNG HOAN CÂY BÚT HIỆN THỰC XUẤT SẮC
Phần II: Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan - Những thành công và đóng góp.


NHÀ VĂN NGUYỄN CÔNG HOAN, NIÊN BIỂU VÀ TÁC PHẨM



  1. Ngày sinh: 6-3-1903 (8-2 năm Quý Mão). Quê quán: làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.
  2. Cha là Nguyễn Đạo Khang, đỗ tú tài khoa Canh Tý (1900), làm huấn đạo (tức nghề dạy học) cho đến khi mất.
    Mẹ là Tô Thị Tám, làm ruộng.
    Bà nội dòng dõi nhà nho, thuộc lòng nhiều sách như Kiều, Nhị độ mai, thơ Đường. (Dịch giả tập thơ Đường: Thiên thai, là ông Đặng Tích Trù, em ruột bà). Bà làm nghề dệt vải.
  3. Gia tộc họ Nguyễn, nhiều đời có người thi đỗ cao, được ghi tạc trên tấm bia thân thế sự trạng họ Nguyễn để ở Xuân Cầu.
    • Cụ Nguyễn Hằng, đỗ tiến sĩ năm 29 tuổi, khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Hưng 9, (Mạc Đoan Thái thứ nhất - 1586), làm quan đến chức Tham chính.
    • Cụ Nguyễn Tính, đỗ tiến sĩ năm 30 tuổi, khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa 6(1640), làm tới Lễ bộ hữu thị Lang Nghĩa quận công. Hiện còn văn bia dựng tại Quốc Tử Giám, Hà Nội.
    • Cụ Nguyễn Hành, đỗ tiến sĩ năm 33 tuổi, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Chính Hòa 9 (1688), có đi sứ, làm quan đến lại bộ tả thị lang Tước tử. Hiện còn văn bia dựng tại Quốc Tử Giám, Hà Nội.
    • Cụ Nguyễn Gia Cát, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (1787).
  4. Năm Nguyễn Công Hoan lên bốn tuổi (1907), đến ở với người bác ruột là Nguyễn Đạo Quán, đỗ phó bảng khoa Mậu Tuất (1898) là đại khoa, được bổ nhiệm tri huyện, sau thăng đến tri phủ. Ông Nguyễn Đạo Quán là tác giả cuốn "Lịch sử 18 Hùng Vương" và cuốn "Hán văn khai tâm", do Tản Đà thư cục xuất bản năm 1923.

    Lên sáu tuổi (1909) Nguyễn Công Hoan học chữ nho tại nhà, do bác dạy. Lên bảy tuổi, bác dạy chữ quốc ngữ, học ca dao... Bác cho học chữ Pháp vỡ lòng, nhờ thày ký rượu dạy, nhưng lại là học đánh đàn Quảng Đông với thầy (Phù Ninh - Vĩnh Phú).

  5. Năm 1912, Nguyễn Công Hoan 9 tuổi, lên Hà Nội học trường Bưởi, lớp Đồng ấu (cours Enfantin), ăn ở trong trường.

    1913, lên lớp Sơ đẳng B, ra trọ học ở số 8 phố Hàng Hài. (Từ cuối phố Hàng Gai sang đầu Cửa Nam bây giờ gọi là Hàng Bông. Tên cũ chia theo từng đoạn phố: Hàng Hài, Bông Đệm, Cây đa Cửa Quyền, Hàng Lờ). Tản Đà thi sĩ ở xế cửa, nhà số 13. Từ đây quen biết Tản Đà và những nhà văn thường lui tới đó.

    1919, đậu sơ học Pháp - Việt nhưng không thi vào cấp Thành Chung, trường Bưởi mà về quê.

    1920, (17 tuổi), bỏ nhà ra Hải Phòng đi với người anh con bác Nguyễn Đạo Quán, trọ ở bến Sáu Kho. Quen biết những người làm công Việt Nam và Hoa kiều. Học các thứ nhạc cụ Phúc Kiến, viết "Quyết chí phiêu lưu" (10 trang giấy học trò).

    1923, trở về quê hương, viết truyện tai nghe mắt thấy khi ở phố phủ và khi ở Hải Phòng. Lập gia đình. Vợ là Vũ Thị Yến, người làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, con gái một thầy thuốc có tiếng trong vùng, thuộc gia đình nho giáo.

    1922, (19 tuổi), ra Hà Nội học ôn để chuẩn bị thi vào trường Nam sư phạm (école normale d’instituteurs ở phố Cửa Bắc, nay là trường trung cấp đào tạo giáo viên mẫu giáo). Bắt đầu viết truyện dài "Phải gió". Tháng 7 ngừng viết để thi. Trúng tuyển, tháng 9 vào ở nội trú. Chủ nhận ra chơi nhà Tản Đà, lúc này ông đã mở Tản Đà thư cục. Tiếp tục viết truyện "Phải gió" vào những buổi tối khi lên phòng ngủ. Bè bạn xem, cười rúc rích, do đó giám thị biết và tịch thu mất. Bắt đầu đưa đăng một vài truyện đã viết ở quê vào tập "Truyện thế gian" của Tản Đà thư cục.
    6-1923, (20 tuổi), ra ở ngoại trú. Tập hợp những truyện viết hồi ở trong quê, chưa đăng trong "Truyện thế gian", thành một tập với tên sách là "Kiếp hồng nhan", Tản Đà thư cục xuất bản, gồm 10 truyện ngắn: Kiếp hồng nhan, Sóng vũ môn, Cụ đồ Ba, Cô hàng nước, Trần ai tri kỷ...

    1924, sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Tài Khoái.

    1926, bắt đầu đi dạy học tại trường thị xã Hải Dương. Sinh con trai thứ hai, đặt tên là Nguyễn Tài Đông. Nhà ở 18 phố Đông Thị.

    1928, dạy học ở phủ Hồng Châu (Nam Sách bây giờ) cũng trong tỉnh Hải Dương. Gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái học. Sinh con thứ ba, con gái, đặt tên là Nguyễn Tài Hồng.

    1931, dạy học ở thị xã Lào Cai. Liên tục ra mắt bạn đọc những truyện ngắn đăng dưới mục Xã hội ba đào ký, trong An Nam tạp chí của Tản Đà: Cô Kếu gái tân thời, Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Thế là mợ nó đi Tây. Viết Những cảnh khốn nạn.

    1934, xuất hiện bài phê bình của Trúc Hà đăng ở tạp chí Nam Phong số tháng 3-1932, trong đó có một đoạn dài, lần đầu tiên đánh giá về Nguyễn Công Hoan.

    1935, dạy học ở phủ Kinh Môn.
    Tháng 9-1935, dạy học ở thị xã Nam Định, nhà ở số 7 phố Chợ Rồng (trên gác). Ra tập truyện ngắn thứ hai gồm 15 truyện, lấy tên truyện ngắn đứng đầu sách làm tên tập truyện: Kép Tư Bền. Ngay khi sách vừa xuất hiện, 18 tờ báo đã đăng bài khen ngợi. Kép Tư Bền cũng là đề tài cho một cuộc bút chiến giữa hai chủ trương về nghệ thuật. Phái nghệ thuật vị nhân sinh của Hải Triều viết nhiều bài đanh thép (tháng 8-1935).
    Nhà sách Hương Giang (Huế) tổ chức cuộc gặp mặt tác giả với bạn đọc để tác giả ký tên tác phẩm của mình do độc giả đưa đến. Cuộc gặp gỡ kéo dài trên bốn tiếng đồng hồ.
    Cuộc trưng cầu ý kiến của hiệu sách Hương Giang, kết quả bạn đọc trả lời, tác giả Kép Tư Bền đang được bạn đọc hoan nghênh nhất. Cũng những năm này, gặp gỡ những người tù chính trị phạm từ nhà tù Côn Lôn được phóng thích về. Tham gia ban trật tự trong cuộc biểu tình 1-5-1936 do Mặt trận Bình dân tổ chức tại Nhà Đấu xảo, Hà Nội (nay là Cung văn hóa Việt - Xô, đường Trần Hưng Đạo). Liên lạc với công nhân các nhà máy dệt, máy tơ. Được bầu vào Đoàn Hội trưởng chi đoàn Ánh Sáng, một tổ chức công khai của Đảng. Hồ sơ bí mật của Sở Mật thám ghi về Nguyễn Công Hoan: "Một tay Cộng sản nguy hiểm cần đưa ra khỏi nơi tập trung thợ thuyền này". Nghị định của Nha học chính Bắc kỳ thuyên chuyển Nguyễn Công Hoan đi trường mạn ngược một lần nữa, ra đảo Trà Cổ. Trước ngày rời Nam Định, trong 16 ngày (1-16 tháng 7 năm 1938) viết xong tiểu thuyết Bước đường cùng. Báo Tin Tức có bài khen Bước đường cùng. Nhiều hội ái hữu thợ thuyền xin phép chuyển ra kịch để diễn. Mấy tháng sau, lệnh cấm lưu hành Bước đường cùng ở Bắc Bộ, rồi Trung Kỳ, rồi Nam Kỳ và Ai Lao, Cao Miên. Năm nghìn cuốn Bước đường cùng đã bán hết sạch.

    1938, dạy học ở trường Trà cổ, thuộc tỉnh Móng Cái.

    1939, dạy học ở trường Monguillot, thị xã Thái Binh. Nhà ở thuê, phố Armand Rousseau (bên trên cầu Kiến Xương). Ngày 29-9-1939, nhà ông bị khám và ông bị bắt tại trường, trong giờ lên lớp và bị giải sang sở Mật thám Nam Định để tống giam. Báo cáo mật như sau: "Tội tàng trữ một tài liệu của Đệ tam quốc tế, hiện vật là cuốn Staline. Thuộc điều 3 và 4 của sắc luật ngày 22-9-1939. Nhận xét: Ngày 29-9-1939, Hoan, 35 tuổi, giáo học ở Thái Bình, đã bị phát hiện tàng trữ tập sách "Staline", là một tài liệu tuyên truyền cộng sản. Đương thẩm xét". Nhờ sự can thiệp của Đảng Xã Hội Pháp (SFIO) mà ông đã gia nhập, ông được ở tại ngoại và vì ông có giấy khai sinh là người Hà Nội nên toà Nam án không có hiệu lực đối với ông. Bản án đả kết tội ông 3 năm tù, bị hủy bỏ.
    Cũng năm 1939, viết Cái thủ lọn, cuốn tiểu thuyết bị cấm và không được in. Tiếp đó, các truyện ngắn bị kiểm duyệt liên tiếp, xóa bỏ gần hết hoặc xóa sạch: Êu êu mê-đo, Hồi còi báo động, Công dụng của cái miệng, Người thứ ba, Chuộc cụ... Ông bị treo bút.

    1945, bị bắt về tội chính trị và giam tại nhà tù của Hiến binh Nhật, nay là số 39 đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
    19-8-1945, ra tù, làm Giám đốc Sở kiểm duyệt báo chí Bắc bộ, kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ.

    1946 (43 tuổi). Viết Tranh tối tranh sáng (bản thảo đang in thì toàn quốc kháng chiến nên thất lạc). Rời thủ đô đi kháng chiến. Gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam... làm Chủ nhiệm tờ Quân nhân học báo, chủ bút báo Vệ quốc quân, tiền thân của tờ Quân đội nhân dân hôm nay.

    1947. Viết Xổng cũi (theo tài liệu của Nha Công an), ký tên Nguyễn Văn Lung. 20-5-1947, con trai đầu lòng của ông hy sinh tại Nam Định.

    1948 (45 tuổi). Được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam tại Chi bộ Cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Viết truyện ngắn Bà lái đò Việt Nam, đăng trên tạp chí Văn Nghệ. Em trai ông, Nguyễn Công Mỹ, Giám đốc Nha Bình dân học vụ, hy sinh ở bến đò Nhật Lệnh, Hưng Yên.

    1949. Chiều 19-12-1949, mẹ ông bị bom giặc sát hại ở nơi tản cư, làng Hòa Xá (Hà Đông). Làm Giám đốc Trường Văn hóa quân nhân Lý Thường Kiệt.

    1952. Viết Bà Năm đi tản cư (chưa xuất bản). Làm ở Ban tu thư, Bộ Giáo dục, soạn sách giáo khoa lịch sử.

    1954. Trở về Thủ đô Hà Nội giải phóng, làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam. Viết một số truyện ngắn.

    1955. Xuất bản tập truyện ngắn Nông dân và địa chủ, tiểu thuyết Tôi quyết sống.

    1956. Xuất bản tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng (đã viết lại hoàn toàn).

    1957 (54 tuổi). Hội Nhà văn Việt Nam thành lập, được bầu là Chủ tịch Hội. Tháng 12-1957 viết xong sơ thảo cuốn Đời viết văn của tôi.

    1961. Xuất bản tiểu thuyết Hỗn canh hỗn cư.

    1962. Xuất bản tập bút ký Thăm nhà ngưòi anh em chiến đâu anh dũng.

    1963 (60 tuổi). Xuất bản bộ tiểu thuyết nhiều tập Đống rác cũ. Tập 1, vừa mới ra đời đã bị cấm và thu hồi, đồng thời tập 2 đã có bản in rập thử đến chương cuối, bị đình chỉ xuất bản.

    1964 (21-3). Người con trai thứ hai của ông và là người con trai còn lại duy nhất, đi công tác vào chiến trường miền Nam.

    1965. Viết tiểu thuyết Anh con trai người bạn đọc ấy.

    1967. Viết tiểu thuyết Nếu không có anh (theo yêu cầu của Cục địch vận Quân đội nhân dân Việt Nam, để sẽ đưa vào vùng địch chiếm ở miền Nam.

    1968. Viết tiểu thuyết Trong ấy ngoài này... (theo yêu cầu của Cục địch vận). Bắt đầu viết Hỏi chuyện các nhà văn.

    1969. Hoàn thành bản thảo Đời viết văn của tôi. Tham gia Ban biên soạn Từ điển tiếng Việt.

    1970. Bắt đầu viết Nhớ gì ghi nấy (14-3-1970).

    1971. Xuất bản Đời viết văn của tôi. Bặt tin của con trai (sau này mới biết anh đã bị bắt và bị biệt giam từ 1970).

    1973 (70 tuổi). Tái bản hai tập Truyện ngắn chọn lọc.

    1975 (72 tuổi). Thăm miền Nam sau giải phóng, viết một số truyện ngắn: Trong chuyến xe lam, Chuyện của cô ấy...

    1977 (74 tuổi). Tiếp tục viết Chữ và nghĩa đăng trên các báo. Bài Về chữ nhà (báo Văn nghệ số 21, ra ngày 21-5-1977).

    6-6-1977, hồi 8 giờ 5 phút, từ trần tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô.






0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉