Ads 468x60px

.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Hai bữa cỗ



Minh họa: QUYNH HOA RADIO

Mời nghe đọc
Mời nghe đọc tại - Internet Archive
Diễn đọc: 1. Quỳnh Hoa

Mời nghe đọc tại YouTube - #nguyenconghoan
2 kênh 2 video



Mời đọc Bản đánh máy

Hai bữa cỗ


Nguyễn Công Hoan
(1903-1977)


Tôi có một ông bạn. Ông ấy có hai vợ. Hai bà, mỗi bà một vẻ. Bà Cả thì già, gầy, và do thế, trông như móm. Bà Hai thì trẻ, béo, và do thế, còn bền xuân tình. Song bà Cả có con trai. Bà Hai, tuy chẳng đẻ đái gì, nhưng được cái giầu. Bên hợm con, bên hợm của, cũng như bên tám lạng, bên nửa cân, nên cả hai bà cùng được ông coi ngang nhau, không hơn không kém. Chứ làm thế nào? Yêu bà Hai quá, ông sợ bà Cả bỏ, mất cả người nối dõi tông đường. Nể bà Cả quá, ông sợ bà Hai đi, mất cả mấy chiếc nhà gạch. Mà biết đâu, nếu không đến nỗi thế, tất ông bị cắm sừng một cách lặng lẽ lên đầu.

Song, may cho ông hai bà cùng biết điều, và cùng muốn giữ giá cho ông. Ông làm Tham tá. Thì quan Tham ở tỉnh nhỏ, cũng to lắm, chứ vừa à. Cho nên hai bà không để ông tai tiếng là có hai vợ ghen nhau bao giờ. Cái đó cũng do hai bà ở riêng hai nhà, ít khi gặp nhau. Mà ông thì mỗi bữa ăn với một bà. Buổi sáng, ông sum họp với bà Cả. Buổi chiều, ông thù tạc với bà Hai. Thế là ông khôn khéo lắm, vì cơm xong, ông ngủ ngay đấy.

Bà cả biết mình sức vóc và tuổi tác đáng phải về hưu, nên cũng ngơ chỗ sơ khoáng chức vụ ấy đi cho ông.

Sở dĩ tôi kể lể rềnh rang ra như vậy, vì có một hôm, chúng tôi, tức là bạn ông Tham, ở vào một trường hợp rất khó xử.

Hôm ấy là ngày giỗ cụ ông sinh ra ông Tham.

Hai ngày trước, chúng tôi nhận giấy mời đến ăn cỗ. Mà cả hai bà cùng muốn làm "khổ chủ", vì cả hai bà cùng mời. Bà Cả buổi sáng, bà Hai buổi chiều.

Chúng tôi không biết nên nhận lời bà nào, từ chối bà nào. Thì may quá, lúc anh em đương bàn tính băn khoăn bỗng ông Tham đến chơi. Sau một vài câu chuyện lơ mơ, ông vào đầu đề chúng tôi mới hiểu mục đích ông là đi vận động tất cả mọi người nên vì lạc thú gia đình ông, mà dự cả hai bữa cỗ.

*
*     *

Mười một giờ trưa hôm ấy, chúng tôi kéo nhau đến nhà bà Cả.

Thực là một sự hân hạnh lớn cho bà. Bà cảm động suýt ứa nước mắt. Bà vồn vã, chạy ra đón chào, và gióng giả đầy tớ ra hầu hạ. Bà làm như người chị, săn sóc đến từng em một.

- Lạnh lắm nhỉ. Các bác để tôi bảo nó đốt lò sưởi nhé. Tôi bận tíu tít từ sáng, ở dưới bếp, nên không biết cả rét.

Rồi bà nói chuyện nhà, chuyện cửa, khoe những việc đại lượng với đầy tớ, việc đầy đặn với bạn hữu.

- Ấy thế mà, bà nói, nhà tôi vô tâm lắm, các bác ạ. Các bác xem, nhà tôi có trông nom gì đến gia đình đâu. Thôi bao nhiêu công việc nặng nề, nhà tôi phó mặc cả cho tôi. Giá tôi như người khác, dễ lắm lúc đến uất lên mà chết mất.

Chúng tôi an ủi:

- Vâng, đàn ông chúng tôi thật đoảng. Ai có hạnh phúc được bà nội trợ đảm đang như ông Tham nhà thực là sung sướng.

Ý chừng bà hề hả, nên tiếp:

- Đấy, rồi các bác xem. Các bác sơi cơm với tôi bữa này, để so sánh với bữa chiều xem sao. Tôi chắc rằng một trời một vực.

Rồi giọng mát mẻ, bà nói:

- Cái sang, hẳn đằng ấy sang hơn, vì họ lắm tiền, mượn được bếp tây, bếp khách. Nhưng tôi chẳng biết ngon lành sạch sẽ thì ở đâu hơn.

Chúng tôi bấm nhau, rồi một người đáp:

- Vâng, cái đó cố nhiên, chúng tôi nhận lời bà Hai chẳng qua là nể ông Tham nhà.

Bà cười sung sướng:

- Tôi đoán có sai đâu!

- Bao giờ chúng tôi coi bà Hai như bà được.

- Ồ, cái trò vợ lẽ con thêm ấy mà.

Cơm bưng lên. Thật là thịnh soạn. Không một món nào cao quý mà ở mâm ấy thiếu.

Bà Cả bắc ghế ngồi cạnh, rót rượu ra cốc rồi mời chúng tôi ăn từng món và khoe:

- Mực này đúng là mực Bắc Hải đây ạ. Chả ngày ấy nhà tôi có làm ơn cho một người khách, người ấy mới tạ thứ mực này chứ mua ở hiệu, có khi ta bị mực giả. Mời các bác nếm bát long tu xem.

Bà lấy thìa xúc tiếp từng người. Chúng tôi tấm tắc khen:

- Vâng, quả ngon quá. Đồ ăn quý mà người nấu xoàng cũng mất giá trị.

Bà cười:

- Thế các bác cứ thích lấy vợ đẹp đi. Đẹp người mà không đẹp nết, đẹp người mà không khéo léo chân tay, thì đẹp làm gì. Cô Hai nó nhà tôi chả đẹp đáo để à!

Rồi bà thở dài:

- Đẹp! Ngần ấy tuổi đầu còn đòi cạo răng. Sao mà không biết dơ. Các bác tính giầu tiền giầu của làm quái gì. Có của mà chẳng có con thì của để cho ai. Giầu mà kiệt, mà ăn ở không biết điều, thì giầu làm gì?

- Vâng, chính thế.

- Hạng ấy họ hợm lắm đấy, các bác ạ. Rồi chiều hôm nay các bác mới rõ cái rởm. Tôi ngồi nói với hắn chỉ độ năm phút là thấy bực mình rồi.

- Vâng, cả tỉnh này ai không phục bà.

- Thế thì người đời cũng có tinh mắt lắm chứ. Tôi sống ở đời mà không có đời biết cho thì tôi sống làm gì. Những lúc nguồn cơn chồng con thì nghĩ uất chết đi được.

- Thưa bà, bao giờ trời cũng có mắt, không phụ con người tử tế đâu.

- Có các bác đến chơi nói chuyện ngày hôm nay, tôi thật hả lòng.

Rồi từ đó đến lúc chúng tôi ra về, bà Cả còn nói bao nhiêu chuyện nữa. Mà những câu đáp của chúng tôi chỉ vun vào có một mục đích, là làm cho bà bằng lòng, bởi vì bà là chủ cái mâm cơm ngon lành chúng tôi đương quét sạch sành sanh.

*
*     *

Đến chiều, chúng tôi đến đằng bà Hai.

Chúng tôi lại được tiếp không kém vẻ long trọng:

- Các bác sơi bữa cơm này để so sánh xem bữa nào đáng tiền.

- Vâng, chúng tôi nể bà Cả quá mới gượng nhận lời, thật ra chúng tôi vẫn để bụng ăn bữa này.

Bà Hai cười ha hả:

- Có thế chứ. Tôi đoán có sai đâu. Hắn thì tiền đâu mà làm được cỗ cho nên hồn. Chả bõ mời lại để khách cười cho thối óc!

Bà sai đầy tớ bưng mâm, và mở thứ rượu nho thượng hảo hạng. Mùi đồ nấu đồ xào thơm tho sông lên, làm chúng tôi chảy nước rãi.

- Những món ăn tàu này là tay người bếp tầu làm đây. Hẳn các bác lấy làm khó chịu, vì bát bóng toàn bóng chứ không có tí độn nào đấy nhỉ.

- Thưa thế mới đúng lối ăn tầu.

- Nhưng món bóng ban sáng có nhiều độn chắc ngon hơn.

- Ngon sao được bằng thế này.

Bà hể hả cười, cái cười đắc thắng, rồi tiếp:

- Tôi tính nhiều tiền nhiều của lắm lúc cũng sướng. Thôi tha hồ, muốn sao được vậy. Muốn mời khách ăn cho trân trọng, mà hà tiện đồng tiền thì sao được miếng ngon.

- Vâng.

- Tôi đã bảo hắn, đừng dở dói ra mời mọc. Hắn có nghe đâu. Đấy, hẳn các bác đã thấy rõ bữa nào đáng ăn bữa nào không đáng ăn rồi.

- Vâng, chẳng phải nhìn thấy hai bữa cỗ, chúng tôi mới rõ.

- Mà xưa nay hắn có giao thiệp với ai. Giá các bác không nể nhà tôi, chắc các bác chả nhận lời hắn đâu nhỉ.

- Vâng, chính thế, chúng tôi nể ông Tham nhà quá.

- Người ta ở đời cần phải nhã nhặn, chứ cứ cậy là bà Tham Cả, thì bà Tham Cả đã giết được ai? Tôi chẳng cả với lẽ gì. Người nào cũng là bà Tham, chứ ai kém ai. May được nhà tôi khéo sử, chứ ngữ ấy thì ai nể. Lúc nào cũng khoằm khoặm cái mặt.

- Vâng.

- Mà chẳng biết đối với đứa ăn đứa ở thế nào để chúng nó kêu tệ.

- Vâng quyết rằng thế.

- Cứ lấy nê có con với nhà tôi. Các bác tính tôi còn trẻ, còn đẻ chán.

- Vâng, có người mãi mới đẻ, mà lúc đẻ thì sòn sòn năm một.

- Nhiều người thế chứ.

- Vâng.

Cũng như buổi sáng, chúng tôi phải đóng vai nịnh thần thủ động để lấy lòng người mời mình ăn. Mà bà Hai thì mỗi lúc lại tin và quý chúng tôi hơn. Đến nỗi bà nói:

- Trước tôi cứ tưởng các bác theo thói cổ, trọng cả khinh lẽ, giờ mới hiểu rằng các bác thực biết người.

- Vâng.

- Ấy, ở đời, chỉ hả hê được có lúc người đời biết cho mà thôi. Chứ cứ những nỗi chồng bạc bẽo, tôi tưởng muốn chết quách đi cho rồi.

Câu chuyện cứ một điệu như thế, kéo cho đến lúc chúng tôi buồn ngủ. Mà khi chúng tôi cáo từ, bà Hai còn nằng nặc mời ở lại và phàn nàn thì giờ chạy quá nhanh.

Nhưng khi ra khỏi nhà, chúng tôi thấy hình như thoát nạn, và cầu trời cho ông bạn tham biện chúng tôi đừng tham nữa mà lấy đến cô vợ thứ ba.


Nguyễn Công Hoan

Đăng trên Tiểu Thuyết thứ bảy, số 292, ngày 6 tháng 1 năm 1940.



Mời đọc Bản chụp dạng ảnh

Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 292, 6 Tháng Một 1940




Mời Đọc/Lấy về Bản chụp dạng PDF
PDF


Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 292, 6 Tháng Một 1940

Tham khảo: Các bài viết liên quan

0 comments:

Đăng nhận xét

[im]your image url..[/im]
[youtube]your video url..[/youtube]
[si="10"]your text[/si]
[co="red"]your text[/co]
〈div style=""〉 TEXT〈/div〉